Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 1.

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn: "Phần đời đẹp nhất, xả thân nhất của tôi là khi ở Mù Cả" (Kỳ cuối)

Nhà giáo, Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Giáo dục Nguyễn Văn Bôn là người khiêm cung, thích cuộc sống khoáng đạt dù đã ở tuổi 83. Có khi ông phóng xe máy từ Hải Phòng lên Hà Nội, lại thêm 50km nữa qua thị xã Sơn Tây thăm tôi.

Giờ nghĩ lại, thời gian làm các việc Anh hùng Lao động ở đó, ông tâm đắc nhất thành tích nào?

- Tôi lên làm giáo viên dạy cho học sinh. Nếu như bản Mù Cả thì có 8 đứa thì chỉ có biết dạy ngần ấy cháu thế thôi. Tuy nhiệm vụ dạy “bình dân học vụ” không phải nhiệm vụ của tôi, song tôi làm rất hiệu quả. Hồi ấy ông Chủ tịch xã còn chưa biết chữ đâu, đi vận động học chữ, thì ông Chủ tịch còn trốn trong nhà vệ sinh. Tôi nghĩ: Nếu mình chỉ dạy phổ thông không thôi cũng không thể hiệu quả được. Mình cần phải dạy bổ túc luôn.

Sáng dạy trẻ em, tối thanh niên đi làm nương về lại dạy thanh niên học. Thứ hai nữa là tôi lại nghĩ ngay đến chuyện: dưới huyện Mường Tè có trường bổ túc thanh niên. Một năm tôi dạy 3 lớp, mình đi vận động thanh niên mỗi bản phải cử một đứa về dưới huyện học. Thế là từ đó, đào tạo được mấy giáo viên bản địa sống sẵn ở đấy rồi. Ở xã thì cũng vận động mỗi bản một thanh niên nữa về ngay trung tâm xã mà học. 

Cuối cùng thì khoảng một năm sau là đào tạo được một đội ngũ giáo viên và theo phương châm là người biết chữ dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Cứ thế thực hiện, cuối cùng nó thành phong trào.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 3.

Là người trực tiếp lái xe và đi bộ (tất cả nửa tháng ròng) đưa ông trở lại Mù Cả sau gần nửa thế kỉ xa cách, là người nhiều năm gắn bó với ông, tôi hiểu, những câu chuyện của ông cứ xa xôi như từ nhiều thế kỉ trước. Thiên nhiên đẹp và tình người nồng ấm. Các câu chuyện vùng cao nguyên bản như cuốn biên niên sử về miền núi một thời. Xin hỏi thật, lâu nay ông có kể các chuyện kia cho con cháu nghe không?

- Tôi ít khi kể chuyện lắm, đôi lúc thoáng nhắc đến, rất tình cờ thôi, song, thế hệ con cháu nó cứ bảo chuyện cổ tích. Toàn chuyện cổ tích nghe làm gì. Có nói ra bây giờ, thì các bạn cũng chẳng biết được cái gian khổ lúc bấy giờ như thế nào. Vất vả vô ngần. Nhưng về mặt tinh thần thì rất tuyệt. 

Tôi đã và luôn cảm thấy rất vui rồi hãnh diện, vì mình đã sống, cống hiến, trở thành người có ích rồi trở thành bài học sống cho không ít người trong xã hội. Chuyện tôi xé chiếc chăn chiên của mình ra chia cho học trò đắp giữa mùa đông đỉnh núi đầy sương muối rồi lớp băng giá mỏng phủ trắng ngàn cây… Tất cả, đã đi vào sách giáo khoa của Việt Nam ta một thời!

Ngày ấy, thậm chí tôi còn chẳng có thời gian viết thư cho người yêu. Vì cứ đi dạy suốt. Buổi chiều rảnh thì rủ nhau đi đá bóng, lấy rơm cuộn tròn vào làm quả bóng, thế là học sinh nó đá ầm ầm. Thầy cũng đá. Lúc đó chưa có kiến thức về bảo tồn, họ đi bắn và bẫy thú, tôi và học sinh chiều đến là đi dồn đuổi bắt cả đàn khỉ. Khỉ nó về nhiều lắm. Cứ đơn giản thế mà học sinh nó mãi cuốn lấy trường. Thứ bảy, chủ nhật, dù được nghỉ nó cũng không về nhà nữa. 

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 4.

Ngày xưa, ông Biên, một đồng nghiệp cắm bản của tôi vẫn nói: Cơm của người Hà Nhì nơi này, khéo ném cho gà ăn không may trúng đầu gà là chết. Thịt thì một năm giết lợn một lần vào ngày Tết, còn bao nhiêu đem gác bếp. Tôi nhớ, hồi đầu rất ấn tượng, tôi còn ăn miếng gan lợn người ta phơi để đã 11 tháng. Hổ ngày xưa có nhiều, nhưng tôi chủ yếu gặp hổ con thôi. 

Có ông Lỳ Hừ Xá ở bản Ma Ký bên cạnh còn bắt được mấy con hổ con, bế về nuôi như mèo như chó trong gầm bàn. Sau đó ông này đem tặng con hổ đó cho Vườn thú Thủ Lệ, nuôi và phục vụ tham quan ở đó 20 năm. Con hổ đó, khi chết, đã được nhồi tiêu bản, hiện vẫn trưng bày tại Vườn thú. Tôi vừa rồi lên còn gặp lại vợ và các con ông ấy, là sỹ quan biên phòng rất có uy tín.

Tóm lại, thế hệ sau muốn thắc mắc một chút, ông được Bảng vàng Danh dự Anh hùng Lao Động, do Hồ Chủ tịch kí năm 1962, vậy thành tích cụ thể của ông khi đó là gì?

- Năm 1962, ông Nguyễn Văn Huyên, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có tổng kết lại là: Trường Mù Cả do tôi dạy có học sinh đông nhất của rẻo cao toàn quốc; thứ 2 là mô hình kí túc xá tập trung mới mở là một sáng tạo, một điểm sáng của miền Bắc. Thứ 3 là thành tích xóa nạn mù chữ toàn dân, đưa Mù Cả từ chỗ là một xã lạc hậu thành xã tiên tiến nhất trong châu Mường Tè.

Một năm các nhà giáo chúng tôi mới gặp nhau một lần về tổng kết ở tỉnh ở huyện. Người thì được 1 học sinh, người thì 3 học sinh nhưng riêng Mù Cả thì chúng tôi đã khiến mọi người trố hết cả mắt lên vì học sinh đông quá. Và các cháu rất yêu trường lớp. 

Chính vì thế, ngay năm đầu tiên, tôi đã được tặng Huy hiệu Chiến sĩ toàn quốc.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 5.

Ông đã lập kì tích theo đúng nghĩa: viết bài lên lá chuối, dùng lưng trâu làm “bảng” viết phấn lên đó cho người đi nương tự học, lập phòng khoa học nghiên cứu côn trùng, lập bảo tàng trưng bày đủ thứ… Quả là đáng cảm kích, khi nghĩ về rừng già tận cùng hoang vu vùng ngã ba biên giới của 60 năm về trước.

- Bảo tàng ở trường tôi cũng là do tôi tự nghĩ ra thôi. Bàn đèn thuốc phiện có rồi, mẫu vật của các loài vật phân bố trong khu vực cũng được học sinh đi sưu tầm theo đề nghị của thầy Bôn. Chúng tôi dùng rượu nặng rồi ngâm các mẫu vật vào đó để tránh cho chúng khỏi việc phân hủy. Cứ như những Bảo tàng tự nhiên mà sau này có dịp đi nước ngoài tôi tham quan vậy. Các lá cây cũng ép vào. 

Mấy bộ quần áo rách tả tơi nhất của dân tộc Hà Nhì thì được đưa vào phòng dân tộc truyền thống. Lưu giữ ở đó, để nói là ngày xưa dân tộc của mình khổ thế đấy, phải học tập tốt để xua đuổi hết cái đói nghèo lạc hậu đi.

Viết lưng trâu là hình thức dạy học mà tôi nghĩ ra để hỗ trợ những người đi chăn trâu, đi cày ruộng vẫn có thể học bài. Bà con thích thú vô cùng.

Ví dụ: ngày hôm nay học bài này, ta hãy viết bằng phấn lên lưng trâu, mai học chữ khác thì viết chữ khác. Thế nhưng, các chuyện đó cũng chỉ diễn ra trong giai đoạn không dài. Vì sau đó, là đã có giáo viên dạy bổ túc. Tôi cứ nghĩ đơn giản là: Muốn cho học sinh nó củng cố, biết chữ thì bố mẹ cũng phải hiểu, bố mẹ cũng phải biết chữ để biết đọc và giúp đỡ con cái. Động viên con cái. Bà con ta, bấy giờ, tôi dạy đến lúc đọc được cái chữ, ai cũng cảm thấy phấn khởi lắm. 

Với lớp vỡ lòng, cái gì tôi cũng cố phải dạy cho họ biết. Ví dụ từ “lò cò”, nhảy lò cò là thế nào thì mình lại phải làm nhảy cho các cháu xem. Chứ lúc đầu, nhiều khi tiếng của mình nhiều cháu cũng không hiểu được. Viết lên lá chuối, viết lên lưng trâu, luyện tập viết bằng cách uốn éo cổ tay trên không cho nó dẻo tay đi, tất cả là do tôi nghĩ ra hết. Một thời gian sau mới có giấy để dạy học. 

Tuy nhiên, làm gì có học sinh nào có giấy đâu, thầy thì có mỗi một quyển sách vỡ lòng, một hộp phấn, học sinh chẳng có gì cả. Vẫn tiếp tục viết lên lá chuối. Sau này, tôi mới phổ biến học sinh đẽo gỗ làm cái bảng đen con con để viết.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 6.

Ông thấy cuộc sống và tư duy của các nhà giáo bây giờ, so với thế hệ ông có gì khác?

- Bộ Giáo dục - Đào tạo bây giờ khác với ngày xưa nhiều, ngày xưa mọi thứ đơn giản và thật thà lắm. Tôi nhớ và ám ảnh mãi hình ảnh ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ngày xưa còn mặc cái quần vá từng ô từng ô bước vào. Chứ bây giờ mọi thứ khác lắm…

Còn tôi mồ côi bố mẹ từ lúc 7 tuổi nên chả nghĩ gì nhiều. Sau này về trường ở dưới Hải Phòng dạy đến lúc về hưu, tôi cũng không kể gì cho học sinh về thời gian mình “anh hùng” ở Mù Cả đâu. Các cháu có biết gì đâu mà kể, cũng chả bao giờ kể cho con nữa. Tôi cứ cho vào kho lịch sử riêng. Trên Facebook của tôi bây giờ, tôi lưu hết các hình ảnh, tư liệu về bản thân mình, tất cả đều để chế độ “riêng tư”, chẳng bao giờ… dám công khai. Chỉ có up lên đó rồi “khóa” lại, thỉnh thoảng vào đọc, ôn lại kỉ niệm một mình. Chứ không muốn cho mọi người đọc vì: tôi nghĩ, bây giờ, khó có người nào hiểu và chia sẻ được những “cổ tích” ở Mù Cả đó... 

Cho dù, phần đời đẹp nhất và xả thân nhất của tôi là ở Mù Cả. Chắc chắn tôi đã không làm điều gì đáng phải hổ thẹn ở đó. Làm được thế tôi đã thật sự thấy ý tưởng sống của mình cơ bản được thỏa nguyện. 

Vừa rồi, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu đã có ý kiến đặt cái tên trên con đường mới cho tỉnh lỵ mang tên tôi. Tôi cũng hỏi: các ông muốn tôi chết sớm để đặt tên đường phố à?. Các đồng chí ấy bảo, chúng cháu tính sau này thôi, chứ bây giờ thì không mong gì hơn là bác cứ khỏe chứ. Sau này thì hẵng hay. 

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 7.

Bây giờ trở lại Mù Cả, ông ấn tượng và trăn trở điều gì? Được biết ông cũng gửi tiền lương hưu và “lương” Anh hùng của mình tặng các cháu học sinh và thầy cô ở nơi mình đã từng cống hiến?

- Tôi nhớ những đêm, chỉ ít giờ, sau khi đàn voi đi qua, thì cả triền rừng rậm rịt đã biến thành một con đường trắng xóa, cỏ bị lèn nhàu nát hết sạch không còn cái gì. Voi nó đi vào thành một vệt đường dài bất tận. Vượn thì nhiều vô kể, tiếng vượn hót đắm say lòng người lắm, nhưng chúng nó bắn và ăn thịt rất đáng tiếc. 

Hồi đó, phỉ nhiều, nhưng bọn phỉ lại không ghét gì tôi, tôi là thầy giáo không trêu gì chúng, tôi lại dạy chính đàn con của chúng. Tôi gặp phỉ mấy lần rồi đấy chứ. Hôm đoàn học sinh Mù Cả về biểu diễn tại Đại hội Đảng bộ của huyện vào năm 1963. Cả các cái lớp ở Mù Cả chọn ra 25 em học sinh về biểu diễn các tiết mục mừng Đại hội, chỉ riêng có tiết mục của Mù Cả được biểu diễn thôi. 

Các cháu tự hào lắm. Nào là biểu diễn Hai Bà Trưng đánh giặc, biểu diễn kịch hài có ông đi đường tự dưng lăn quay ra chết. Có đứa trẻ cầm cái bơm, dí vòi vào lưng ông ta rồi hì hùi nhấp nhổm bơm. Bơm đến đâu ông này cựa quạy rồi từ từ đứng dậy đến đó. Xem, ai cũng phải cười ồ, nhất là vẻ mặt thơ ngây của các cháu. Toàn tiết mục tôi tự biên tự diễn.

Đêm ấy, đường về gặp phỉ và thật sự, nhìn súng ống và các gương mặt râu tóc dài đen nhẻm của họ tôi đã rất sợ hãi.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 8.

Hồi xưa, ngày các dịp kỉ niệm, lễ lạt, ở giữa rừng, có ai chúc mừng ông không nhỉ?

- Bây giờ tôi già hơn 80 tuổi rồi, học sinh cũ nó hay gửi hoa đến tri ân, nó toàn gửi bưu điện thôi. Rất cảm kích.

Dân Mù Cả tri ân thầy Bôn thì khác. Có lần về nghỉ phép, một ông tên là Toán Chu Phà vác cả con lợn 30kg đến, chân tay xước hết vì lội suối, bảo mai thầy giáo về thì hôm nay taliên hoan. Tôi nhớ cái Tết đầu tiên của người kinh, hôm ấy 30 Tết rồi ông Biên (một đồng nghiệp) bảo ngày mai là mùng 1 Tết rồi, chắc gia đình ở dưới xuôi quây quần vui lắm. Anh em mình ở trên này có 2 người thôi thì ta cũng phải đón đón giao thừa. Thế là ông Biên cũng xin đâu được 2-3 quả trứng, đào thêm 2 củ cải, thái ra trộn với trứng, vẽ thêm cái cờ tổ quốc treo lên.

Cái nhà con con của Ủy ban xã vừa để ở, vừa để họp. Nó bé tẹo tầm 20m2, hai anh em chúng tôi ngồi đấy chờ Giao thừa thiêng liêng. Lòng bồi hồi nhớ người thân và quê nhà. Trước khi đấy thì ông Biên đã bảo dân là ngày mai là Tết người Kinh, cả nước, người Kinh đón Tết nên đêm nay bà con có nghe thấy tiếng súng nổ vang chào mừng thì cứ yên tâm không vấn đề gì đâu nhé. Đến khuya, hai anh em bắt đầu bắn một loạt súng cạc bin 21 phát lên trời.

Ông Phó Chủ tịch Ủy ban xã Mù Cả cũng sang ngồi. Ông thấy hai anh em tôi, ông ngậm ngùi khóc, bảo: là cán bộ khổ thật, phải xa gia đình lâu, Tết cũng không được về. Thế là 3 anh em ngồi đón giao thừa kể chuyện, rất tình cảm. 

Sau khi uống xong chai rượu thì ông Biên mới quyết định là ngày mai hai anh em đón năm mới bằng một việc gì đó thật là hữu ích. Cái đường mương máng dài hàng cây số tít trên đỉnh núi, nước chảy kém thế là 2 anh em ta, 5h sáng mai ngủ dậy, sẽ leo tít lên thượng nguồn để xếp đá làm lại. 

Làm được khoảng gần 1 tiếng thì cứ lao xao lao xao cả một đoàn người lên, kéo mình về. Cả dân bản nghỉ hết, không đi nương đi rừng, ở nhà tổ chức giết lợn ăn Tết luôn, rồi cả những bản khác đến bảo là ngày Tết của cán bộ, thế là ăn Tết lu bù. 

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 9.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 10.

Ông có thể mô tả các công trình “nổi tiếng” đi tiên phong trong cả nước mà thầy và trò trường Mù Cả đã làm năm ấy không?

- Thí dụ, tôi cho làm cái công viên với vòi phun nước, nước phun lên thành hình cong, xuyên thêm ít ánh sáng mặt trời là thành cái là cầu vồng bảy sắc rất huyền ảo. Bà con và trẻ em cực kì thích thú. Dân cứ trố hết cả mắt lên rồi thảng thốt: tại sao, tại sao. Họ cứ nghĩ có gì đó thần thánh lắm. Các vườn thực vật, vườn cây thuốc, đài phát thanh của trường cũng là tôi cứ tự nghĩ ra. 

Cái đài phát thanh là lấy mấy cái cây dựng cao vút lên, trên làm cái chòi phát tiếng nói vào Mù Cả. Nó phát tiếng hát, thay nhau đến hát tiếng của dân tộc Hà Nhì. Cái nữa là các em kể chuyện dân tộc Hà Nhì, lúc ấy thì mình chưa biết nhiều tiếng dân tộc Hà Nhì, chứ các em kể rất nhiều chuyện chắc chắn cực kì thú vị và bổ ích. Là chuyện dân gian của họ, nếu mình thu thập lại thì sẽ rất hay. 

Thứ 3 là đài cũng phát thanh về tình hình sản xuất, tình hình văn hóa thế rồi tuyên dương những em nào học giỏi. Loa thì loa bằng giấy, cuộn vào phát thanh ra hết cả vùng Mù Cả. Số hộ dân lúc đó chưa nhiều, nên âm thanh phát ra ai cũng nghe tố. Cũng chả học ý tưởng của ai, tự nghĩ hết thôi, chứ có ai làm đâu mà bắt chước. 

Hồi đi Tây Bắc từ Khu Tự trị, tất cả là hơn một trăm giáo viên như tôi. Còn toàn bộ, tính cả Khu Tự trị Việt Bắc thì trên 500 người. Riêng đội ngũ được phân bổ hoặc xung phong về huyện Mường Tè thì 18 người, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gặp lại nhau.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 11.

Hội nghị Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc, Bác Hồ về dự 3 ngày là tôi được gặp Bác cả 3 ngày. 

Thời kỳ ấy, Tây Bắc có 19 người về dự Hội nghị, trong đó có tôi. Về đấy thì cứ thấy Bộ Giáo dục hỏi thăm mình: ông Bôn là ông nào. Mình thì chỉ nghĩ là Tây Bắc khổ quá thì họ cứ hỏi thăm thôi. Về rồi nó cứ xì xào nhìn ngắm mình, mình lại nghĩ: chẳng hiểu mình làm cái gì mà họ tò mò thế. 

Thế xong có người bảo: “Anh được tuyên dương Anh hùng đấy”. Mình cũng có biết Anh hùng là thế nào đâu. Mình cũng chỉ biết làm là làm thôi chứ cũng không nghĩ đến thi đua gì cả. 

Đúng là mình cũng không biết đến chữ “Thi đua” là cái từ gì, không quan tâm đến chuyện đấy. Sau Bộ Giáo dục mới tổ chức gặp, riêng trong hội trường của Bộ có hàng trăm người ngồi, thì Bộ trưởng mới nói là đồng chí này qua công tác đã được trên đánh giá và được Nhà nước có tuyên dương anh hùng, tặngHuy chương Lao động. 

Mình lúc ấy ngạc nhiên lắm, cũng phát biểu tại Hội nghị của Bộ là tôi cũng ngạc nhiên lắm, có biết gì đâu, chỉ biết làm là làm hết mình, cống hiến cho nhà nước được đến đâu thì cống hiến hết mình. 

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 12.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 13.

Được biết, đám cưới của ông với cô nghệ sỹ đàn tam thập lục xinh đẹp của thuộc “Đoàn Văn công Tả Ngạn” do lãnh đạo Thành phố Hải Phòng tổ chức tại Nhà Hát Lớn. Xin hỏi ông, “vụ” đó diễn ra thế nào?

- Đám cưới của tôi thì ở Hải Phòng các đồng chí ấy tổ chức. Mà vào thời điểm cưới vợ, mình cũng sốt rét liên tục mấy ngày, do hậu quả của những năm tháng gian khổ ở Mường Tè. Vừa ngoi lên khỏe được tí, thì lại… cưới vợ. Mệt ơi là mệt. Mình đến dự dám cưới của chính mình. Lòng tự hỏi, chả biết tiền ở đâu ra mà họ tổ chức cưới ở Nhà Hát Lớn. 

Lúc ấy là có Thư ký Công đoàn Giáo giục Việt Nam, có cậu Thi - là trưởng phòng giáo dục huyện Mường Tè, rồi tỉnh Lai Châu có một người, đoàn văn công Tả Ngạn có đại diện, lãnh đạo của Hải Phòng… - còn mấy ông khác đến dự nữa, thì tôi chẳng biết ai với ai. Tổ chức thì có chè, thuốc lá, bánh kẹo. Tổ chức xong được khoảng hơn tiếng đồng hồ, bên nội bên ngoại mỗi bên chỉ có 5 người thân là đại diện. Còn họ hàng là báo hỷ tất. Tặng phẩm thì có cái ấm, cái chén, cái bát. Hết.

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 14.

Vì sao suốt mấy chục năm ông không quay lại Mù Cả?

- Mấy chục năm tôi không quay lại Mù Cả là vì không có điều kiện, về dưới này cũng rất là nghèo khó. May ra người ta đón thì đi, chứ làm gì có điều kiện mà tự tổ chức. Đi gian khổ lắm, cũng ngại nữa. Vả lại, con thì đông, 5 đứa lít nhít nên cũng không đi được. Bây giờ, lương anh hùng giờ được 1,4 triệu đồng; lương hưu 7 triệu đồng, sống cũng rất ổn. Vì tôi cũng không có ham hố vật chất hay chi tiêu gì cả. 

Giờ ngoài 80 tuổi rồi, tôi lại thích lên trên Mù Cả để ở, đất đai thoải mái trồng trọt tự cung tự cấp sạch sẽ trong lành. Mình tiếp tục dùng tiền hỗ trợ vài cháu ăn học. Giờ quay lại đó, lại rất nhớ những ngày gian khổ. Có lần ngủ đêm ở ngang đường dốc sau cả ngày đi bộ chảy máu chân từ bản nọ sang bản kia. Nằm trải đắp ni-lông ở dưới. Sáng hôm sau dậy thấy có con rắn khá to nằm gần chết bên dưới lớp ni-lông. Đuôi và đầu nó cựa quậy đe dọa mình. Chắc nó bò ra đấy, thấy hơi người âm ấm nên nó chui vào gần, mình cựa thì đè nó chết. 

Lần đi một mình thì bỗng gặp một con chó sói. Mặt nó lạnh như thần chết nhìn mình, nó cứ kiên trì theo tôi suốt một đoạn đường dài. Mình vác cái gậy dài thủ thế. Đi qua một đoạn đường rừng nữa lại cứ thấy tiếng rào rào, nhìn bên kia một con rắn hay con trăn gì đó đang trườn đi nhanh lắm, nó rất to. Nó vắt ngang hai cái cây chắn giữa đường, thò đầu ra nhìn mình có vẻ đăm chiêu. Mình vẫn cứ vác trên tay cái gậy rồi đi vội vàng. Đi như chạy để mong không… chết. Cảm giác giữa rừng hoang, lại đi một mình như thế sợ lắm. Chứ không có chút lãng mạn nào đâu.

Phỉ thì cũng chỉ là dân chứ có là gì đâu, nó bảo tôi, thầy dạy con em chúng nó thì nó không bao giờ hại. Nó hỏi kĩ về tôi rồi vẫy tay chào.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn có sức khỏe, hạnh phúc!

Phần 2: Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng - Ảnh 15.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem