NỘI DUNG CHÍNH:

*Xử phạt, đóng cửa 53 cơ sở doanh nghiệp với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng.

*Quá trình xử lý vấn đề môi trường ở hai khu sản xuất giấy Phong Khê, Phú Lâm chia làm 2 giai đoạn: Đến hết 2024 và hết 2029.

*Đóng cửa vĩnh viễn đối với các cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, vi phạm cam kết.

*Bắc Ninh không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết làm sạch môi trường ở Phong Khê, Phú Lâm.


Trước các vấn đề trên, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc làm việc với ông Đào Quang Khải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Tại buổi làm việc, ông Khải thông tin: UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định đưa ra lộ trình hoạt động cho tất cả các doanh nghiệp, hộ sản xuất giấy ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du trước khi tiến tới đóng cửa hoàn toàn các làng nghề này.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê I, CCN Phong Khê II, thành phố Bắc Ninh và CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du sẽ được hoạt động đến ngày 31/12/2029. Đối với các cơ sở xen kẽ trong khu dân cư, nằm ngoài CCN chỉ được phép hoạt động đến ngày 31/12/2024.

Khi duy trì hoạt động, tất cả các cơ sở này đều phải đảm bảo tiêu chuẩn của pháp luật về môi trường (nước thải tuần hoàn 100% và mua hơi thương phẩm), đáp ứng những tiêu chí cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và có hợp đồng với các công ty môi trường để thu gom rác thải. "Những hộ, doanh nghiệp nào để nước thải xả ra môi trường thì vĩnh viễn không được hoạt động" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải nhấn mạnh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 2.

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc xử lý môi trường ở 2 khu và làng nghề giấy Phong Khê và Phú Lâm. Đến nay, tiến độ xử lý các vi phạm về môi trường ở 2 "điểm nóng" này đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

- Vấn đề ô nhiễm môi trường của 2 làng nghề, khu sản xuất giấy Phong Khê và Phú Lâm vừa qua là hết sức nhức nhối. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh cũng như UBND thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du chỉ đạo xã, phường, các doanh nghiệp vào cuộc để xử lý dứt điểm, mang tính hệ thống, đảm bảo tổng thể, toàn diện đối với 2 làng nghề, khu sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm.

Kết quả bước đầu, chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 53 doanh nghiệp với mức phạt hết sức nghiêm khắc, tổng số tiền xử phạt hơn 18,5 tỷ đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 4,5 đến 9 tháng. Đây là những mức xử phạt rất nặng, chưa từng có để chấn chỉnh, khắc phục ô nhiễm môi trường ở Phong Khê và Phú Lâm.


img
img

Sông Ngũ Huyện Khê trước khi có sự vào cuộc xử lý ô nhiễm môi trường của tỉnh Bắc Ninh lúc nào nước cũng đen đặc (ảnh trái) và hiện nay, lượng nước ô nhiễm thải ra sông đã không còn, con sông từng bước được "gột rửa" (ảnh phải). Ảnh: Nguyễn Chương- Ngọc Lê.

Hiện nay, tồn tại lớn nhất ở làng giấy Phong Khê là do các cơ sở sản xuất không đáp ứng yêu cầu về xử lý môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý tuần hoàn đối với nước thải. Tỉnh Bắc Ninh đã có những quy định gì về vấn đề này?

- Ở Phong Khê, cũng như Phú Lâm có 3 vấn đề gây ô nhiễm chính, đó là: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm rác thải. Trên cơ sở xử phạt nghiêm khắc, UBND tỉnh cũng giao cho các Sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt 3 nội dung:

Thứ nhất, về ô nhiễm không khí, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp cam kết và đã tự giác thuê, mua khí thương phẩm để hoạt động. Nhờ đó, các cột khói xả ra môi trường đã giảm cơ bản, từ 326 cột khói đến nay chỉ còn 50 cột khói của những lò hơi.

Thứ hai, đối với ô nhiễm môi trường nước, sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh làm nghiêm, các doanh nghiệp cũng đã tự giác xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoạt động tuần hoàn, tức là không xả thải ra ngoài. UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành xem xét, đánh giá các hệ thống xử lý nước thải này; nếu vận hành thử nghiệm mà đạt yêu cầu về môi trường, mới cho vận hành.

Trường hợp vận hành thử nghiệm chưa đạt thì tiếp tục yêu cầu bổ sung để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường, mới được vận hành. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các hộ dân, doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm môi trường; nếu các hộ, doanh nghiệp nào để nước thải xả ra môi trường thì vĩnh viễn không được hoạt động.

Thứ ba, đối với ô nhiễm rác thải, các hộ, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thống nhất thành lập ra tổ tự quản để quản nhau trong việc xử lý nguồn rác thải ra ngoài trong việc ký hợp đồng với các công ty môi trường để vận chuyển những rác thải trong quá trình sản xuất. Vì vậy, có thể nói rằng đường làng, ngõ xóm của Phong Khê, Phú Lâm đã cơ bản thông thoáng, sạch sẽ.

CLIP: Ông Đào Quang Khải- Phó Chủ tịch UBND tinh Bắc Ninh trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân Việt về việc xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề, khu sản xuất giấy Phong Khê, Phú Lâm. Thực hiện: Khương Lực.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 4.

Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Dân Việt, thực tế việc khắc phục triệt để môi trường ở Phong Khê, Phú Lâm là khó do diện tích xây dựng nhà xưởng của các hộ rất hạn chế, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Vậy về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh sẽ có hướng xử lý và quy hoạch 2 khu làng nghề này ra sao?


img
img
img

Trước động thái kiên quyết của UBND tỉnh Bắc Ninh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê, Phú Lâm đã phải đầu tư tới hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn tại chỗ và không được xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê. (Ảnh: Khương Lực).

- Về giải pháp xử lý căn cơ, bài bản trong thời gian tới, đúng như các loạt bài mà Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh, nếu xử lý đúng luật, thì chỉ có biện pháp đó là yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa và dừng hoạt động. Nhưng để đảm bảo thực hiện Kết luận số 225-KL/TU ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc xử lý vấn đề môi trường ở Phong Khê và Phú Lâm đảm bảo phải có lộ trình, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi, đảm bảo an ninh, trật tự ở nông thôn, an dân, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 6.

Căn cứ vào chỉ đạo tổng thể của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề ra một lộ trình phù hợp để tiến tới đóng cửa hoàn toàn các khu vực sản xuất giấy này. Theo đó, đối với tất cả các hộ, doanh nghiệp trong CCN Phong Khê I, CCN Phong Khê II, CCN Phú Lâm sẽ cam kết bằng văn bản và được hoạt động đến 31/12/2029.

Còn đối với doanh nghiệp tự phát trong khu dân cư; cơ sở chuyển mục đích sai từ đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang đường giao thông, hành lang thủy lợi, hành lang sông… trước mắt yêu cầu tháo dỡ ngay phần công trình vi phạm. Sau khi các cơ sở tháo dỡ công trình vi phạm, dự kiến xong trước 30/11/2021, đồng thời phải cam kết thực hiện tốt việc thực hiện môi trường, thì sẽ cho hoạt động với lộ trình đến 31/12/2024.

Vấn đề này chúng tôi xác định là vấn đề quá khứ để lại, làng nghề đã có từ 40 năm qua, nên để xử lý cũng xác định không thể một sớm một chiều, cần phải có thời gian. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, bởi ở đây liên quan đến vấn đề về tín dụng, công ăn việc làm, cũng như vấn đề an sinh, an dân nên chúng ta phải có lộ trình thực hiện hợp lý. Riêng khu vực này, hiện có tới 11.000 lao động, chưa kể các ngành nghề phụ trợ theo nữa, nếu đóng sập ngay thì sẽ gây ra khủng hoảng rất lớn.

Theo thống kê, riêng ở Phong Khê có tới 96 cơ sở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thủy lợi. Như vậy, với lộ trình này, có nghĩa là các cơ sở này sẽ tiếp tục được hoạt động đến 31/12/2024?


CLIP: Doanh nghiệp giấy trong cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thuê máy khoan khủng tháo dỡ công trình vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê.

- Chúng tôi xin khẳng định, đối với 96 cơ sở này, chắc chắn là có vi phạm theo các quy định về pháp luật, nên để nói hoạt động theo đúng quy định thì không đáp ứng được. Nhưng như tôi nói ở trên, tỉnh Bắc Ninh đã xác định sẽ xử lý 96 cơ sở vi phạm này nhưng trên cơ sở có lộ trình, đảm bảo hài hòa giữa vấn đề an dân và an sinh xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động, thì toàn bộ các cơ sở này phải đảm bảo tiêu chuẩn của pháp luật về môi trường (nước thải tuần hoàn 100% và mua hơi thương phẩm), đáp ứng những tiêu chí cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và có hợp đồng với các công ty môi trường để thu gom rác thải.

Thực ra, chúng tôi muốn làm như vậy, để cho họ có thời gian thích ứng, chuyển đổi và việc giới hạn thời gian đến 31/12/2024 là phù hợp với thời gian, lộ trình đề án chuyển đổi mà thành phố Bắc Ninh đang xây dựng. Theo đó, khu vực này sẽ trở thành khu đô thị, logistic và thương mại, dịch vụ trong tương lai.


img
img
img

Trong công văn số 2882/UBND-NN-TN ngày 9/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu tất cả các cơ sở vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, xong trước ngày 30/9/2021. Ảnh: Khương Lực

Trong trường hợp, các cơ sở cố tình vi phạm hoặc không thể khắc phục được về xử lý môi trường, tỉnh có cương quyết đóng cửa?

- Trong chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành, chúng tôi yêu cầu xã, phường niêm yết danh sách các cơ sở của hai khu vực này. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là niêm yết danh sách những trường hợp, tên các doanh nghiệp ở trong CCN Phong Khê I, CCN Phong Khê II, CCN Phú Lâm, các doanh nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, chuyển từ đất nông nghiệp – phân loại từng loại và họp với doanh nghiệp.

Tôi đã chỉ đạo thành phố Bắc Ninh sẽ đối thoại với doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch, rõ ràng để cho các doanh nghiệp thấy được rằng chính quyền rất công khai minh bạch và chính sách này hoàn toàn vì dân, vì doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện tốt về công tác môi trường như mua hơi thương phẩm, nhằm giảm cột khói tự phát, thu gom được rác thải thì được sản xuất theo lộ trình. Nếu doanh nghiệp nào tái phạm thì sẽ vĩnh viễn bị đóng cửa nếu vi phạm cam kết do chính mình đã ký kết. Nếu thực hiện tốt cam kết sẽ được duy trì hoạt động đến hai mốc là 2024 và 2029, từ đó chuyển đổi các khu vực này theo đề án của thành phố Bắc Ninh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 9.

Từ hai điểm nóng về môi trường ở Phong Khê và Phú Lâm, vừa qua, dư luận đánh giá rất cao quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về việc xử lý môi trường và quan điểm không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế; trong định hướng của toàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XX (2020-2025), cũng xác định môi trường là một trong những vấn đề cần xử lý. Vậy xin ông cho biết định hướng của Bắc Ninh trong việc xử lý tổng thể vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

- Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh Bắc Ninh đề ra, trong đó phấn đấu đến năm 2025 Bắc Ninh sẽ cơ bản xử lý những điểm nhức nhối về môi trường. Chúng tôi coi đây là một trong những nhiệm vụ then chốt và cũng xác định môi trường là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế bền vững.

Vì vậy, quan điểm của tỉnh là làm cuốn chiếu, làm đâu được đấy, chắc đấy và có lộ trình. Thứ hai, làm nhưng phải gắn với tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân và theo chương trình, kế hoạch đến 2025 chúng tôi sẽ xử lý căn bản những vấn đề nhức nhối về môi trường của tỉnh Bắc Ninh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 10.

Qua kinh nghiệm xử lý 2 điểm nóng vừa qua, trong quá trình xử lý, tỉnh Bắc Ninh có chịu những sức ép gì không và với quyết tâm của mình?

- Có thể nói rằng, sức ép thì luôn luôn có, bởi vì giữa một bên là lợi nhuận và một bên là môi trường, thì cơ bản các doanh nghiệp khi sản xuất đều muốn tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng chính quyền, đại đa số người dân luôn luôn và rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, dư luận chung đánh giá, Bắc Ninh bước đầu như thế cũng rất thành công, nhưng chúng tôi cho rằng, đây cũng chỉ là thành quả bước đầu.

Quan trọng là những tháng tới chúng ta xử lý phải đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch để tất cả các hộ, doanh nghiệp ở Phong Khê và Phú Lâm yên tâm đầu tư, sản xuất và họ cam kết mạnh mẽ về thời gian đóng cửa. Có như thế mới đáp ứng được lộ trình và tôi cũng cho rằng nếu Phong Khê và Phú Lâm thực hiện tốt thì từ đây sẽ có lan tỏa ra các môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Xử lý môi trường ở Phong Khê có lộ trình, an sinh và an dân - Ảnh 11.

Sông Ngũ Huyện Khê đang dần được "gột rủa" sau một thời gian dài bị ô nhiễm bởi các làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm. Từng đàn bò đang tung tay đi lại trên con đê bê tông của sông Ngũ Huyện Khê (Ảnh: Ngọc Lê).

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem