Khai quật khảo cổ phát hiện dấu tích các làng cổ ở đất Tuyên Quang thời Kim khí niên đại 2.500-3.000 năm

Thứ năm, ngày 21/11/2024 15:21 PM (GMT+7)
Di chỉ khảo cổ học làng cổ Bình Ca thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), bên tả ngạn sông Lô, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 6km về phía đông nam, do H.Mansuy công bố vào năm 1920. Ông cho biết, tại đây đã tìm được một số đồ gốm thời đại Đá mới...
Bình luận 0

Di chỉ làng cổ Bình Ca

Thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, bên tả ngạn sông Lô, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 6km về phía đông nam, do H.Mansuy công bố vào năm 1920. 

Ông cho biết, tại đây đã tìm được hiện vật cổ gồm một số đồ gốm thời đại Đá mới: 1 vật được ông đoán là cái đèn, 1 vòng bằng ngà, 3 rìu đá mài toàn thân, 3 mũi giáo bằng phiến thạch hình lá, có gân ở giữa.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang còn lưu giữ một bộ sưu tập đá, gốm của địa điểm Bình Ca do H.Mansuy phát hiện, gồm: 38 hiện vật bằng đá: 2 bôn có vai ngang có nấc, 6 bôn có vai, 4 bôn tứ giác, 1 cuốc có vai, 1 cuốc dạng hình thang, 1 đục, 3 phác vật rìu tứ giác, 20 mảnh tước và đá nguyên liệu.

Đồ gốm: có 3 chì lưới hình trụ, 1 dọi xe chỉ hình thoi, 10 mảnh gốm hoa văn thừng, 5 mảnh gốm hoa văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ.

img

Dấu tích làng cổ thôn Bãi Soi có niên đại khoảng 3.500 năm qua khai quật khảo cổ ở thôn Tân Thịnh, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Di chỉ làng cổ Bãi Soi

Tháng 8-2003, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã điều tra, thám sát tại Bãi Soi, thôn Tân Thịnh, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương. 

Đoàn đã đào khảo cổ 2 hố thám sát: Hố thứ nhất, tầng văn hóa dày trung bình 20cm, phát hiện được 40 mảnh gốm chủ yếu là những mảnh không có hoa văn do lớp áo gốm đã bị bong hết, còn lại một vài mảnh trang trí hoa văn thừng mịn. Hố thứ hai, tìm được 4 bôn đá và 11 rìu đá.

Tại Bãi Soi, tìm được trên 100 hiện vật gốm với các loại hình khác nhau, gồm: dọi xe chỉ bằng gốm, hình tròn, giữa có lỗ xuyên dây; bát gốm có chân đá, bát bồng. 

Ngoài ra, hiện vật khảo cổ thu được tại dấu tích làng cổ Bãi Soi còn có 30 mảnh chân đế và 10 mảnh chân giò gốm, 57 mảnh gốm vỡ.

Những hiện vật tiêu biểu là: một dọi xe chỉ có đường kính 5,3cm, dày 2,1cm, đường kính lỗ xuyên dây 0,6cm; một bát bị vỡ phần miệng và một phần chân đế, bát có chân đế bằng, trong lòng bát có những vết cạo ngang dọc, đường kính chân đế 6,0cm; một bát bồng còn nguyên vẹn, thành miệng khum, mép miệng được vê tròn vào trong lòng bát, chân đế loe, thành bát trang trí hoa văn thừng mịn, bát có đường kính miệng 13,5cm, cao 5,8cm, đường kính chân đế 6,5cm, chân đế cao 1,5cm. 

img

Tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trần) được phát hiện ở di chỉ làng cổ Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Cùng với các di vật gốm còn tìm thấy 4 chiếc bôn đá và 11 chiếc rìu đá, trong đó có 2 rìu có vai, 9 rìu tứ giác.

Có nhiều khả năng Bãi Soi là một điểm cư trú, một làng cổ của cư dân thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên.

Rất đáng tiếc là di chỉ khảo cổ này đã bị lũ quét vào năm 2001, bào mòn toàn bộ phần trên của tầng văn hóa.

Đây là một di tích khảo cổ học quan trọng để tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên ở vùng núi phía bắc, một hợp nguồn hình thành nước Văn Lang thời các Vua Hùng.

Di chỉ làng cổ Thiện Kế (huyện Sơn Dương)

Cuối năm 2008, cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện một di chỉ cư trú thuộc thời đại Kim khí ở chân núi chùa Thiện Kế, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương. 

Cách đây khoảng vài năm, bà con thôn Thiện Phong đã san phẳng một khoảng đất dưới chân núi Tạo trước cửa chùa một bãi đất phẳng làm sân thi vật, vì vậy vô tình san bạt một phần diện tích, một di chỉ cư trú của cư dân thời Kim khí trên đất Sơn Dương. 

Căn cứ vào vách taluy còn để lại, có thể quan sát thấy một tầng văn hóa khảo cổ dày khoảng 1,1 - 1,2m nằm sâu dưới mặt đất khoảng 0,20m. Địa tầng sâu 1,4m, từ trên xuống dưới có những lớp đất như sau:

Lớp mặt dày không đều từ 0,15 - 0,20m, chứa di vật khảo cổ, những mảnh than cháy.

Lớp văn hóa dày khoảng 1,1 - 1,2m, chứa di vật chủ yếu là đồ gốm.

Lớp sinh thổ là mặt bằng nguyên thủy của cư dân Thiện Kế thời Kim khí.

Đã phát hiện hàng trăm di vật còn cắm sâu trong tầng văn hóa, chủ yếu là đồ gốm: nồi, bát, cốc, chậu,... với nhiều kiểu miệng khác nhau. Hoa văn trang trí có nhiều kiểu: khắc vạch, thừng, chấm dải,...

Hiện vật có 187 mảnh gốm, gồm: 12 mảnh miệng: 8 miệng loe, 4 miệng thẳng, 2 mảnh đáy bằng, 1 mảnh chân giò gốm, 172 mảnh thân.

Có 153/187 mảnh gốm có hoa văn, gồm: 138 mảnh hoa văn thừng (98 thừng mịn, 40 thừng thô), 13 mảnh có văn khắc vạch, 3 mảnh có hoa văn in chấm cuống rạ kết hợp hoa văn khắc vạch trên bản miệng.

Đây là di chỉ cư trú của người thời Kim khí, thuộc giai đoạn Gò Mun có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 - 3.000 năm. 

Lần đầu tiên phát hiện được di chỉ cư trú có tầng văn hóa nguyên vẹn của người thời đại Hùng Vương ở tỉnh Tuyên Quang. Có thể Thiện Kế là một làng cổ, một địa điểm cư trú thuộc văn hóa Gò Mun - thời kỳ Tiền Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam.

Địa chí Tuyên Quang (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem