Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau lại là “con nhà nòi” khi có cha là cố Giám đốc Sở TDTT Phú Khánh (gồm Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay – PV), Phó Chủ tịch VFF khóa I (nhiệm kỳ 1989-1993) và mẹ là bà Bùi Thị Hồng Tiến từng vô địch giải chạy Việt dã toàn miền Bắc, ông Tuấn “tổng” mang trong mình dòng máu đam mê thể thao từ nhỏ. Nhưng thay vì đi theo nghiệp thể thao như một vận động viên, ông Tuấn với sự định hướng của cha lại mang khát khao thực hiện một cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam (BĐVN).
Nói về thành công lớn nhất trong 20 năm làm bóng đá, ông nghĩ tới điều gì?
- Tôi là người yêu bóng đá trẻ. Chứng kiến các đội tuyển trẻ Việt Nam liên tiếp lọt vào VCK châu Á trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2019 tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Vui hơn nữa khi cùng với dấu ấn của bóng đá nam (có mặt tại VCK U20 FIFA World Cup 2017, giành HCB U23 châu Á 2018), các đội U16, U19 nữ Việt Nam cũng giành quyền có mặt ở VCK châu lục. Thực tế, muốn vươn ra biển lớn thế giới thì phải chiến thắng ở các giải châu Á vốn có ý nghĩa là vòng loại World Cup.
Bóng đá trẻ quyết định tiềm lực của một nền bóng đá. Với những bước tiến ổn định của bóng đá trẻ, chúng ta thấy tương lai có một thế hệ cầu thủ đủ sức đảm đương những nhiệm vụ, chinh phục những mục tiêu cao hơn trên đấu trường quốc tế.
Trong năm 2020, hệ thống giải trẻ sẽ được mở rộng. VFF tổ chức thêm Cúp Quốc gia cho lứa tuổi U15, U17 để các cầu thủcó khoảng 20-26 trận/năm thay vì chỉ được thi đấu khoảng 10 trận/năm như trước đây.
Bên cạnh đó, VFF cũng lên kế hoạch tập huấn riêng cho lứa U17, U20 gồm những cầu thủ nằm trong quy hoạch cho mục tiêu giành vé dự World Cup 2026.
Với lứa cầu thủ tài năng hiện nay dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng ta có thể nghĩ tới việc giành vé dự Olympic Tokyo 2020 thông qua VCK U23 châu Á sắp diễn ra tại Thái Lan?
- Trong hơn 2 năm qua, BĐVN đã đạt được những thành công ở các cấp độ đội tuyển. Từ VCK U23 châu Á 2018 (Thường Châu – Trung Quốc) tới ASIAD, ASIAN Cup… chúng tôi cùng giới truyền thông đều muốn đi tới ngày cuối cùng của mỗi giải đấu. Khó khăn thế chứ vất vả thêm nữa để mang tới niềm vui trọn vẹn cho người hâm mộ thì chúng tôi cũng cố gắng.
Sau tấm HCB giải U23 châu Á 2018, BĐVN đã có thêm nhiều niềm tin. Tại VCK U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam sẽ phải vượt qua từng thử thách, từng trận đấu ở vòng bảng, cố gắng nắm bắt cơ hội để hoàn thành mục tiêu.
Nếu thành công như ở Thường Châu, chúng ta sẽ ăn tết ở Thái Lan. Đây là điều đặc biệt, là niềm hạnh phúc lớn lao, mang tới cảm xúc tuyệt vời cho người dân cả nước.
Không chỉ nghĩ tới việc giành vé dự Olympic Tokyo 2020, BĐVN còn có tham vọng dự World Cup nữ 2023 và World Cup nam 2026…
Giấc mơ ai cũng có, nhưng để hiện thực hóa giấc mơ lại là tổng hợp của nhiều yếu tố. Cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc làm việc xây dựng chiến lược giành vé dự World Cup. Quá trình xây dựng đề án rất vất vả, phải tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết, từng lứa tuổi đạt “điểm rơi” thi đấu vòng loại World Cup nữ 2023 và World Cup nam 2026. Chúng ta phải có sự đầu tư mạnh mẽ thông qua hệ thống thi đấu trong nước và hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
Với việc FIFA tăng số đội dự World Cup nữ 2023 (từ 24 lên 32 đội) và World Cup nam 2026 (từ 32 lên 48 đội với nam, châu Á có 8,5 suất – PV), không chỉ chúng ta và các nước trong khu vực và châu lục đều có cơ hội và phải nỗ lực nắm bắt.
Hiện tại, lứa cầu thủ tài năng của Việt Nam đang khoác áo U23 và đội tuyển Việt Nam như thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Đức Chinh, Tiến Linh… đều đã có kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu quốc tế vững vàng qua nhiều giải đấu, được đọ sức với nhiều đối thủ lớn trên châu lục và thế giới như gặp U20 Pháp ở FIFA U20 World Cup. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào họ cộng với lứa kế cận là những điểm sáng được rèn giũa, chăm bẵm ngay từ bây giờ ở lứa tuổi U17, U20.
Tôi muốn nhấn mạnh là lứa cầu thủ hiện nay có thể thắng, có thể thua nhưng khát khao cống hiến, động lực thi đấu, tính chuyên nghiệp rất cao. Khi chúng ta có một tập thể mạnh, cùng nhau nỗ lực, quyết tâm thì có thể làm được mọi thứ.
Muốn phát triển bóng đá trẻ cần đến nguồn lực tài chính. Vậy bằng cách nào mà ngay ở thời điểm tưởng như “xuống đáy”, VFF vẫn tìm được nguồn tài chính giúp các đội tuyển trẻ được đi tập huấn, thi đấu nước ngoài?
- Khi tiềm lực tài chính chưa mạnh, chúng ta chỉ có thể mở rộng quan hệ quốc tế để giải bài toán kinh tế.
Mọi thứ đều phải có quá trình tự tìm hiểu. Tôi không học đâu xa mà chính từ 2 cường quốc bóng đá châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi tự hỏi tại sao dù thể hình, thể lực thua kém nhưng họ vẫn chơi tốt, sòng phẳng với các đối thủ mạnh châu Mỹ tại World Cup?
Nguyên nhân là từ lứa U15, U17, U19, các cầu thủ trẻ Nhật Bản đã được “va chạm” với các đội bóng mạnh cùng lứa trên thế giới.
Với điều kiện của BĐVN, chúng ta không thể “đùng” một cái có những chuyến tập huấn châu Âu. Trước mắt, thông qua việc mở rộng quan hệ quốc tế, các lứa U16, U19 cả nam lẫn nữ Việt Nam đã có những chuyến tập huấn tại các nước châu Á, cọ xát với những đối thủ mạnh và không còn bị “ngợp” khi bước vào giải chính thức như trước đây.
Thời gian qua, HLV Park Hang-seo được người hâm mộ nhắc tới như một chiến lược gia có “cây đũa thần” giúp BĐVN thay da đổi thịt. Và chính ông Tuấn “tổng” là người trực tiếp đàm phán với HLV người Hàn Quốc trong lần đầu tiên năm 2017 và gần nhất là việc tìm được tiếng nói chung gia hạn hợp đồng thêm 3 năm tính từ tháng 11/2019. Theo vị Phó Chủ tịch thường trực VFF, từ khóa giúp ông thuyết phúc HLV Park Hang-seo chỉ gói gọn trong 2 chữ “Tầm Nhìn”.
Sau thất bại SEA Games 2017, BĐVN tưởng như lại tiếp tục chìm trong khủng hoảng không lối thoát. Nhưng với tài thuyết khách của mình, ông cùng bầu Đức đã đưa HLV Park Hang-seo tới để thay đổi tất cả…
- Sau SEA Games 2017, HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và chúng tôi có một danh sách khá dài các ứng viên vào vị trí “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam.
Thông qua làm việc với Hội đồng HLV Quốc gia, chúng tôi đã gút lại danh sách trong đó có HLV Park Hang-seo.
Cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi diễn ra tại sân vận động World Cup Seoul (Hàn Quốc) từ khoảng 11 giờ trưa đến 20 giờ tối. Cùng với HLV Park Hang-seo, vợ ông là bà Choi Song-a cũng có mặt trong suốt khoảng thời gian ấy.
Có thể nói, cuộc đàm phán đưa HLV Park Hang-seo tới Việt Nam cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và anh Ba Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL – PV).
Đi cùng Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF rất yên tâm. Khi ấy, anh Đức đã tạo cho tôi nhiều niềm tin khi bước vào bàn đàm phán. Anh Đức trao cho tôi quyền chủ động làm việc và khẳng định hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi.
Cuộc đàm phán kéo dài tới tận 9 giờ đồng hồ?
- Khoảng thời gian đó tưởng là lâu nhưng để đi tới việc thống nhất trong từng chi tiết, sẵn sàng cho việc chính thức ký hợp đồng ở Việt Nam thì như vậy đã là thuận lợi rồi.
Bản thân anh Đức cũng bảo sao đàm phán lâu đến vậy. Nhưng đúng là công việc đàm phán rất phức tạp, cần nhiều yếu tố. Tất cả phải rõ ràng từ những vấn đề nhỏ nhất.
Trong quá trình đàm phán tôi phải nối máy liên tục về Việt Nam xin ý kiến Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi ấy cùng lãnh đạo cơ quan nhà nước. Chọn HLV cho đội tuyển quốc gia là một việc lớn và rất may mắn là cuộc đàm phán thành công tốt đẹp.
Cần nhớ, HLV Park Hang-seo là HLV chuyên nghiệp và thời điểm đó ông đang tự do lựa chọn. Đây là cơ hội cho cả hai bên và khi đã thống nhất xong thì mọi việc tiến triển rất nhanh.
Ông có thể chia sẻ về “từ khóa” giúp ông thuyết phục được HLV Park Hang-seo trong cả 2 lần đàm phán?
- Đó là “Tầm Nhìn”. VFF và HLV Park Hang-seo đều có định hướng quyết liệt về tầm nhìn chiến lược chứ không chỉ là những mục tiêu ngắn hạn.
HLV Park Hang-seo muốn có một môi trường để cống hiến còn chúng ta cũng cho thấy quyết tâm đạt tới những cột mốc mới trong lịch sử BĐVN. Hai bên khẳng định tập trung tối đa, tạo mọi điều kiện trong công việc để hiện thực hóa mục tiêu.
Ông có nhiều kỷ niệm với HLV Park Hang-seo?
- Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng dấu ấn mà tôi cảm động nhất đến lúc này là thời điểm vô địch AFF Cup 2018.
Trước và trong suốt quá trình diễn ra AFF Cup 2018, tôi và thầy Park ngồi làm việc rất nhiều cùng nhau để lên kế hoạch thật kỹ lưỡng cho từng giai đoạn.
Khi vô địch, chúng tôi sướng phát điên, 10 năm cơ mà kể từ AFF Cup 2008 chứ có ít đâu.
Hôm đó, sau lễ trao thưởng, thầy Park đã tháo HCV trên cổ ông và trao cho tôi. Khoảng khắc đó thực sự vô cùng cảm động. Chúng tôi hạnh phúc vì đã cùng nhau vượt qua thử thách.
Trước đó, dù chúng ta đã giành HCB U23 châu Á nhưng dù gì cũng chỉ đi tới trận chung kết của giải trẻ châu lục, có một giá trị khác. Khi bước lên đỉnh cao khu vực ở cấp độ đội tuyển, mọi thứ thực sự tuyệt vời. Điều đó như một sự khẳng định cho vị thế của BĐVN tại Đông Nam Á.
Để nâng tầm BĐVN trong tương lai, việc tận dụng nguồn cầu thủ Việt kiều như trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm vẫn được VFF và HLV Park Hang-seo đặc biệt lưu tâm?
- VFF cùng HLV Park Hang-seo vẫn dõi theo danh sách một số cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài. Chúng tôi luôn khuyến khích, “mở cửa” chào đón họ. Tuy nhiên, để tận dùng nguồn cầu thủ này, ngoài yếu tố tài năng chuyên môn, văn hóa, khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam, còn nhiều điều kiện khác thuộc về luật mà cá nhân cầu thủ cần hội tụ đủ.
15 năm trước, việc Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Trần Quốc Tuấn vốn còn rất xa lạ với người hâm mộ cả nước bất ngờ “qua mặt” chuyên gia bóng đá hàng đầu Phan Anh Tú để trở thành Tổng thư ký VFF khóa V (nhiệm kỳ 2005-2009) có thể coi là một cú “sốc”. Đi qua bao thăng trầm, ông Tuấn “tổng” vẫn vững vàng, thậm chí còn trở lại mạnh mẽ hơn sau những thất bại để khẳng định mình. Song hành với thành công ở các cấp độ đội tuyển, ông Tuấn luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao nâng chất V.League, đáp ứng “vòng quay” phát triển BĐVN.
BĐVN thời gian qua đã giành được nhiều thành tích ở các cấp độ đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo. Người hạnh phúc nhất có lẽ là ông khi sẵn sàng nếm đủ mọi trái đắng để cảm nhận rõ vị ngọt hôm nay?
- Nhìn lại hành trình đã qua, nói gì đi nữa cũng là chưa đủ! Đôi khi tôi chọn ngồi một mình thưởng thức ly trà nóng trong phòng làm việc, nhìn ra ngoài khung cửa quen thuộc và chiêm nghiệm lại mọi thứ.
Nơi đây, vẫn còn in dấu những cộng sự của tôi, lớp lớp thế hệ lãnh đạo VFF đi trước, các HLV đội tuyển, những cuộc họp khẩn để đi tới những quyết sách quan trọng.
15 năm kể từ khi được bầu làm Tổng thư ký VFF và 20 năm tính từ khi tôi bắt đầu tham gia làm bóng đá, từ vai trò Giám sát trận đấu V.League rồi Phó Ban tổ chức thi đấu VFF, trợ lý cho các chú Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly… tôi đã học hỏi, tích lũy được nhiều bài học bổ ích.
Tôi không coi những vấp váp trên hành trình theo đuổi đam mê là thất bại. Ngay cả khi ai đó không hiểu mình thì cũng là lẽ thường. Tôi cố gắng làm thật tốt công việc để chứng minh thay vì đi giải thích qua lại.
Tất cả đều là những thử thách trong cuộc sống mà mình phải vượt qua để vững vàng hơn. Tôi hạnh phúc khi những lựa chọn, quyết định có tính chất dài hạn, cần đến sự kiên nhẫn của VFF thời gian qua là đúng.
Thành quả của BĐVN hơn 2 năm qua đến từ nỗ lực của cả tập thể, đặc biệt ghi dấu quyết tâm cống hiến vì màu cờ sắc áo của các cầu thủ.
Bất ngờ xuất hiện như một hiện tượng với tư cách Tổng thư ký VFF trẻ tuổi nhất khi mới 35 tuổi, đâu là điểm nhấn mà ông nhớ nhất trong thời gian đầu làm công tác quản lý?
- Năm 2005 khi tôi được bầu Tổng thư ký VFF là thời điểm BĐVN rất khó khăn sau thất bại Tiger Cup 2004 và tiếp theo là vụ tiêu cực của một nhóm cầu thủ U23 được đánh giá là tài năng nhất sau SEA Games 23.
Ngày ấy, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới chỉ bắt đầu, còn bộn bề nhiều thứ từ tổ chức các câu lạc bộ (CLB) đến tính chuyên nghiệp của những thành viên tham gia, đặc biệt là giới cầu thủ. Hệ thống thi đấu cũng chưa đi vào guồng đáp ứng sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, tất cả phải “xây” lại từ đầu.
Nói thì nhanh nhưng chỉ trong khoảng 2 năm sau đó, tại ASIAN Cup 2007, đội tuyển Việt Nam đã đặt mốc son lọt tới tứ kết châu lục. Thời điểm đó, chúng ta là 1 trong 4 nước Đông Nam Á (cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia – PV) đăng cai VCK và là đội duy nhất của khu vực lọt qua vòng bảng với chiến thắng đáng nhớ 2-0 trước UAE, hòa Qatar 1-1, thua Nhật Bản 1-4. Tại tứ kết, chúng ta thua Iraq 0-2 tại Bangkok – đội sau đó trở thành nhà vô địch của giải đấu.
Đến lúc này, tôi vẫn coi ASIAN Cup 2007 là một “khúc cua” quan trọng trong hành trình phát triển BĐVN cũng như sự nghiệp của bản thân. Sau năm ấy, chúng ta lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 lần đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, những thành tích đó mang tính chất đột biến chứ không bền vững mà minh chứng là khoảng thời gian không như ý sau đó, thậm chí có người còn dùng từ “khủng hoảng”, “rơi xuống đáy” của BĐVN.
Ông muốn nói tới giai đoạn 2011-2014 khi ông rời vị trí Tổng thư ký VFF và trở về Tổng cục TDTT làm công tác chuyên môn? Thời gian đó, đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam liên tiếp bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup 2012 và SEA Games 2013…
- Điều tiếc nuối lớn nhất đối với tôi chính là việc “rơi HCV” SEA Games 2009 vào tay Malaysia. Sự thất vọng sau kỳ SEA Games đó kéo theo một giai đoạn chúng ta không thể bật lên được khi cái nền chưa đủ vững, thiếu tính ổn định.
Sau khi không thành công ở AFF Cup 2010, SEA Games 2011, tôi đã rời vị trí Tổng thư ký VFF để trở về Tổng cục TDTT. Khoảng thời gian ấy giúp tôi nhìn lại nhiều điều và hoạch định kế hoạch rõ hơn khi trở lại ở nhiệm kỳ VII (2014-2018) trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF.
Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung luôn đòi hỏi thành tích. Nhưng mọi thứ cần phải có sự tích lũy, cần có thời gian, nước nào cũng vậy.
Việc đầu tiên tôi làm khi trở lại VFF năm 2014 là củng cố hệ thống các giải trẻ, tạo chân đế vững chắc cho sự phát triển BĐVN. Ngoài các giải U11, U13, U15, chúng ta đã có thêm 2 giải đấu cực kỳ quan trọng là U17, U19 Quốc gia, rồi mới tới U21. Điều đó giúp thế hệ các cầu thủ trẻ như Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Đình Trọng, Tiến Linh… có nhiều điều kiện thi đấu, khẳng định tài năng.
Bên cạnh hệ thống giải trẻ đã tương đối ổn định, những “hạt ngọc” sẽ có cơ hội tỏa sáng nhiều hơn trong môi trường V.League lành mạnh?
- Với nỗ lực từ mọi thành viên trong “gia đình BĐVN” như VPF, ban tổ chức địa phương, các CLB, HLV, cầu thủ… thời gian qua, V.League đã có những tín hiệu tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía các đối tác tài trợ, người hâm mộ.
Trong cuộc họp Ban chấp hành VFF và Đại hội thường niên VFF cuối năm 2019, chúng tôi chỉ rõ công tác trọng tài V.League còn nhiều sai sót. Tại các cuộc làm việc giữa VFF với Chủ tịch FIFA Infantino, Chủ tịch AFC Salman, họ đều rất hiểu vấn đề này của Việt Nam, nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ.
Mới đây VFFvừa kết thúc khóa tập huấn trọng tài do 2 chuyên gia FIFA đứng lớp. Chúng tôi xác định rõ, lực lượng trọng tài tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng mùa giải mới, mang tới niềm tin cho các đội bóng, người hâm mộ.
Liên quan tới các sự cố mùa giải 2019 như nạn đốt pháo sáng, mất an ninh an toàn, Thường trực VFF đã chỉ đạo cho các bộ phận chức năng sửa đổi hệ thống các quy định về kỷ luật, quy chế bóng đá chuyên nghiệp sao cho sát với thực tế, giúp ban tổ chức giải, ban tổ chức các sân làm việc hiệu quả hơn cũng như tăng cường trách nhiệm của các thành viên tham dự, đặc biệt là các CLB.
Sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Với Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, vợ ông đã hy sinh quá nhiều để chồng mình có thời gian cống hiến, “cháy hết mình” vì sự phát triển BĐVN.
Sau những thành công đã đạt được cùng BĐVN, ai là người xuất hiện nhiều nhất trong suy nghĩ của ông?
- BĐVN như tôi nói từ đầu là một quá trình tiếp nối liên tục, xuyên suốt. Trong quá khứ cũng như hiện tại, không thể không nhắc tới “cái nôi” giàu truyền thống SLNA.
Sau đó, cùng với quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp, bầu Đức là người tâm huyết, có đóng góp rất lớn cho BĐVN. Anh ba Đức luôn suy nghĩ, trăn trở mong muốn và đã làm tất cả để chúng ta vượt qua “cái dớp” Thái Lan.
Bên cạnh đó là những ông bầu đầu tư rất mạnh như bầu Hiển với một lứa cầu thủ tài năng.
Với bầu Hiển, tôi đặc biệt ấn tượng và cảm ơn bởi suy nghĩ luôn đặt lợi ích của các đội tuyển quốc gia lên vị trí số 1. Có những thời điểm, Hà Nội FC chấp nhận hụt quân ở các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia để đội U19, U22 Việt Nam luôn có lực lượng tốt nhất thi đấu VCK châu Á, SEA Games… Việc bầu Hiển “buộc” SC Heerenveen phải “nhả” Văn Hậu về khoác áo U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho tâm huyết của ông.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các Trung tâm bóng đá khác như PVF, Viettel có điều kiện cơ sở vật chất đẳng cấp châu lục. Bóng đá Bà Rịa Vũng Tàu hợp tác với Juventus (Italia), Liên đoàn bóng đá TP.HCM kết hợp với Lyon (Pháp).
VFF luôn khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, kết nối giúp các tổ chức thành viên của mình, các CLB có thể hợp tác với những nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới.
Bóng đá cũng như kinh tế, muốn phát triển phải tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế mới tạo nên giá trị.
Phải khẳng định Việt Nam là nền bóng đá đang phát triển. Những thành công thời gian qua cũng chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta tiến lên đã khó, duy trì được sự phát triển ổn định còn khó hơn nữa trước khi nghĩ đến chuyện nâng lên tầm cao mới.
Quá bận rộn với công việc ở VFF khi đang kiêm nhiệm 2 “ghế” Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ; lại thêm cả nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC, ông còn đâu thời gian cho gia đình?
- Tôi phải cảm ơn vợ mình. Vợ tôi đã hy sinh quá nhiều, lo hết mọi việc gia đình nội ngoại để tôi yên tâm công tác.
Thời gian tôi dành cho gia đình rất ít. Thi thoảng lắm mới có dịp cùng gia đình đi du lịch. Một tháng, tôi ăn cơm ở nhà cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Làm bóng đá có rất nhiều đối tác. Họ đến với bóng đá, muốn góp sức vì sự phát triển chung thì mình cũng phải làm sao để họ hiểu, nhiệt tâm ủng hộ.
Thứ 7, Chủ Nhật thường lại là ngày thi đấu V.League, hạng Nhất hoặc ngày họp AFF, AFC nên thời gian cho gia đình của tôi càng ít hơn.
Nói thật, trước đây bà xã cũng chưa hiểu, cũng trách móc nhưng giờ cũng quen rồi!
Bắt đầu làm bóng đá năm 30 tuổi và giờ đã bước sang tuổi 50 với nhiều trách nhiệm, phải hy sinh thời gian cá nhân rất nhiều. Nhìn lại cả một hành trình, nếu có lựa chọn khác, ông có thay đổi?
- Bóng đá mang lại cho tôi sự thú vị và thách thức. Có nhiều việc không diễn ra trên sân cỏ mà ở trên bàn đàm phán với nhiều đối tác khác nhau, có cả những cuộc họp quốc tế quan trọng liên quan tới quyền lợi của quốc gia.
Tất cả mọi thứ đều bắt buộc mình phải tư duy, tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Việc vượt qua những thử thách giúp tôi cảm thấy hưng phấn, duy trì niềm đam mê trong công việc.
Lúc này, tất cả cùng hạnh phúc với tấm HCV SEA Games 30 nhưng ít ai biết để môn bóng đá nam SEA Games dành cho lứa tuổi U22 chúng ta đã phải “chiến đấu” trên bàn đàm phán.
Năm 2015, Malaysia chủ trương đưa ra độ tuổi U21 đá SEA Games 29 khi họ là chủ nhà. Nhưng nếu là U21 thì sẽ không phù hợp với hệ thống thi đấu của châu Á khi năm SEA Games cũng là năm diễn ra vòng loại U23 châu Á dành cho lứa tuổi U22.
Giữa SEA Games và vòng loại U23 châu Á chỉ cách nhau vài tháng và không thể trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, đội hình thi đấu lại chênh nhau 1 tuổi được.
Với lỹ lẽ đó, chúng ta đã khiến Malaysia và các nước trong khu vực phải đồng thuận lứa tuổi đá SEA Games là U22. Năm 2017, U22 Việt Nam thất bại nhưng 2 năm sau, SEA Games 30 vừa qua, chúng ta có lứa U20 từng dự FIFA U20 World Cup đã thành công, rơi đúng vào “điểm” chúng ta đã đầu tư.
Nếu chênh 1 tuổi, SEA Games dành cho lứa U21 thì mọi chuyện sẽ rất khác!
Câu chuyện nữa là mới đây thôi, tôi điều hành một cuộc họp của Ủy ban tổ chức thi đấu AFC, nơi có mặt của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá các nước lớn. Cảm giác rất “happy” khi đưa ra được các giải pháp và thuyết phục được họ ủng hộ quyết định của mình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này. Chúc ông tiếp tục chinh phục được những mục tiêu mới cùng BĐVN!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.