Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 1.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 2.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 3.

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề báo, một công việc tương đối vất vả so với nữ giới, lại làm trong một tờ báo đặc thù như báo Quân đội Nhân dân, thưa chị?

- Duyên với ngành báo chí thì có lẽ một phần là nghề chọn mình và phần lớn do sự động viên, thúc đẩy của bác tôi. Bác là một trong những nữ nhà báo tiêu biểu ở thế hệ của bác có thành tích chống tham nhũng, tiêu cực; từng là một trong những người được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII năm 2010. 

Với suy nghĩ của một người chưa trưởng thành, khi chứng kiến những khó khăn, vất vả, đôi khi là sự thiệt thòi của bác trong nghề của bác, tôi từng nghĩ rằng báo chí là một lĩnh vực quá khó để mình có thể ước mơ. 

Nhưng tôi rất yêu thích văn học, lịch sử, thích ghi chép, làm thơ… Những bài tập làm văn hay những vần thơ con cóc của tôi khi còn là học sinh thường được bác chọn lọc, gửi đăng báo. Được sự tư vấn, động viên của bác nên khi thi đại học, tôi đã thử sức thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và kết quả là tôi đã trở thành sinh viên báo chí.

Còn cơ duyên trở thành phóng viên quân đội thì đặc biệt hơn một chút, bắt nguồn từ truyền thống gia đình. Gia đình tôi được Đảng, Nhà nước trao tặng bằng Tổ quốc ghi công vì có cụ nội, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn chưa tìm được hài cốt của cụ. 

Bà nội tôi có 7 người con thì 4 người xung phong nhập ngũ ra trận, trong đó có bố tôi và bác gái. Khi xuất ngũ, bố tôi tiếp tục cống hiến trong lực lượng Công an nhân dân. Từ bé tôi thường xuyên nghe gia đình kể về thời chiến tranh, tinh thần yêu nước và những đóng góp của gia đình với cách mạng, quân đội, được bố rèn giũa tư tưởng "con nhà lính". Có lẽ bởi vậy mà tôi đặc biệt yêu thích màu áo xanh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm thứ 3 đại học tôi xin kiến tập tại Báo Quân đội nhân dân. Dù chỉ có 3 tuần trải nghiệm, học tập tại tòa soạn nhưng đó là khoảng thời gian quyết định để tôi theo đuổi ước mơ được đứng trong hàng ngũ đội mũ, đeo sao của tờ báo có bề dày truyền thống vô cùng tự hào. Báo Quân đội nhân dân khi đó không chạy theo thị trường, xu hướng thương mại hóa mà chú trọng chất lượng nội dung. 

Tôi cực kỳ ấn tượng với những lời Bác Hồ căn dặn đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân: "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác". Những lời dặn dò đó của Bác Hồ đã trở thành phương châm hoạt động, định hướng chính trị và nghiệp vụ của mỗi thế hệ làm Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 4.

Là nhà báo, chuyện phải đi công tác ở những nơi khó khăn gian khổ là điều đương nhiên với những nhà báo nam. Còn với nhà báo nữ, họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn này ra sao. Chị có thể chia sẻ những vất vả mà chị và các đồng nghiệp đã phải trải qua trong những ngày tác nghiệp vùng "rốn lũ" miền Trung cuối năm 2020?

- Những ngày đó, chúng tôi đã có một cuộc chiến với bản thân và chạy đua với thời gian để tác nghiệp. Đó là lần đầu tiên tôi tác nghiệp về thiên tai, còn những đồng nghiệp dù đã có nhiều lần tác nghiệp trong lũ bão nhưng cũng chưa bao giờ gặp tình huống nghiêm trọng, xảy ra hy sinh lớn như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không có thời gian để lúng túng nghĩ xem mình có khả năng làm được hay không mà phải tự "ném" mình vào thực tế, phát huy cao nhất mọi khả năng để làm nhiệm vụ. 

Do không có kinh nghiệm di chuyển tại hiện trường sạt lở (Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiến Huế) nên chúng tôi thường xuyên bị thụt, lún rất nguy hiểm, phía dưới là lớp bùn nhão sâu 7 - 10m, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, sụt lún bất cứ lúc nào.

Đợt tác nghiệp ấy, chúng tôi được tòa soạn hỗ trợ thêm 1 ekip vào sau, trong đó cũng có 1 nữ nhà báo là Thiếu tá Đặng Thu Hà. Trên đường tiến vào hiện trườngĐoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi 22 cán bộ, chiến sĩ đã bị vùi lấp có hàng chục vụ sạt lởvà chị ấy đã chứng kiến một cơn sạt lở đất từ trên cao cuốn phăng chiếc xe đi trước, may mắn không có thiệt hại về người. Tôi được biết gọi điện về tòa soạn báo cáo chị đã khóc nhưng vẫn tiến lên phía trước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chúng tôi chứng kiến quá nhiều nỗi đau xảy ra liên tiếp. Bộ đội hy sinh để lại hậu phương bao khó khăn, đau đớn, nhân dân mất trắng, thiệt hại nặng nề về tinh thần, vật chất. Chúng tôi kìm nén cảm xúc để bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ tòa soạn giao, tác nghiệp đáp ứng đủ các loại hình báo chí báo in, báo điện tử, video, audio, thậm chí là thực hiện chương trình trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội. 

Đồng nghiệp của tôi – Trung tá Hoàng Khánh Trình gầy sọm hẳn đi. Chúng tôi làm việc quên ăn, quên ngủ, thậm chí đã có người sức khỏe không đảm bảo đã phải nhập viện.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 5.

Theo dõi những thước phim về trận lũ lụt, sạt lở qua phương tiện thông tin đại chúng thôi nhiều người đã rơi nước mắt. Là một phóng viên nữ, trong bối cảnh tang thương ấy chị đã làm thế nào để kìm nén được cảm xúc để hoàn thành nhiệm vụ?

- Tinh thần lúc bấy giờ rất mệt mỏi vì căng thẳng áp lực công việc nên để kìm nén cảm xúc là một điều rất khó khăn. Chúng tôi bao gồm cả phóng viên lẫn lực lượng tìm kiếm khi đó có một câu nói đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim: Biến đau thương thành hành động.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được khoảnh khắc bị thụt chân và cứ thế lún xuống rất sâu thì có gì đó… đã chặn lại. Sau khi được bộ đội kéo lên tôi mới hay ngay dưới chân mình có một người đang nằm… 

Tôi đã rất xúc động và nói với anh Trình: "Anh ơi em không thể dẫn được đâu…". Chỉ được vài câu như vậy là tôi gần như bật khóc. Nhưng nếu thả trôi cảm xúc, tôi sẽ làm ảnh hưởng đến những người đang tìm kiếm đòng đội, họ đã kìm nén nhiều ngày rồi. Tinh thần của chúng tôi cuốn vào tốc độ những bàn tay cào xới bùn đất, đặt sâu vào lòng đất nơi những người hy sinh còn nằm đó.

Đối diện với thân nhân các liệt sĩ, họ vừa chia sẻ mà nước mắt rơi lã chã. Nhưng khi các anh chưa được về với gia đình chúng tôi chỉ có thể giấu đi giọt nước mắt rơi vội, tiếp tục gồng lên để động viên tinh thần đồng đội, thân nhân các liệt sĩ… tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ với những người đã hy sinh, với ekip ở tòa soạn đang thức chờ chúng tôi gửi tin, bài về.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 6.

Là một phóng viên có nhan sắc, chị nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng nữ phóng viên có lợi thế ngoại hình sẽ có ưu thế hơn trong công việc? Chị đã làm thế nào để những người khác đánh giá đúng về năng lực bản thân mình?

- Quan điểm của tôi cho rằng, ngoại hình đẹp, ưa nhìn là một trong những lợi thế và là may mắn của phụ nữ. Có ngoại hình sẽ giúp phụ nữ tự tin giao tiếp trong cuộc sống chứ không phải là yếu tố quyết định chất lượng công việc. 

Với nghề báo chí đôi khi ngoại hình lại là một con dao 2 lưỡi. Chúng tôi là phóng viên, hàng ngày sẽ tiếp xúc rất nhiều với xã hội, ngoại hình ưa nhìn sẽ tăng thêm sự thu hút và những tán dương của mọi người đối với chúng tôi, trong đó có cả những điều không thực tế lẫn những định kiến tiêu cực. Nếu không nhìn nhận đúng về năng lực bản thân, ảo tưởng quá hay tiêu cực quá đều sẽ tự làm đau chính mình.

Nhưng báo chí lại là một nghề được thể hiện năng lực rất rõ ràng.Ngày ngày, phóng viên chúng tôi đều phải lắng nghe, đối chiếu, sàng lọc rất nhiều thông tin về sản phẩm của mình, phản hồi của bạn đọc, đánh giá của cấp trên, ý kiến của đồng nghiệp…

Do đó, tôi nghĩ hiếm có phóng viên nữ nào không nhìn nhận được thực tế lắm. Cá nhân tôi là một quân nhân, tôi luôn nghĩ khiêm tốn là một điều cần thiết và cần rèn luyện liên tục.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 7.

Nghề báo là một hành trình lao động vinh quang. Theo chị, trên từng chặng đường phát triển của đất nước, các nhà báo, đặc biệt là đội ngũ nhà báo trẻ đã "làm tròn vai" hay chưa?

- Trong những hành trình tác nghiệp, tôi chứng kiến rất nhiều nhà báo, không phân biệt giới tính, cá tính, độ tuổi sẵn sàng đối mặt với những thách thức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi không thể quên tấm gương nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam với lòng quả cảm, sự hi sinh quên mình vì nghề nghiệp của một nhà báo trẻ cũng đã được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận. Hay MC Nguyễn Xuân Anh của bản tin thời tiết Đài Truyền hình Việt Nam can đảm dẫn hiện trường đưa tin trong bão tố, cũng  như nhiều nhà báo, phóng viên trẻ khác nhận được những giải thưởng báo chí lớn… 

Mỗi hoàn cảnh, sự kiện, lĩnh vực, các phóng viên luôn cố gắng để "tròn vai". Còn để đánh giá được có tròn vai hay không thì không thể là một tiếng nói cá nhân, mà đó là sự ghi nhận của số đông, của cộng đồng, bạn đọc trong xã hội.

Mỗi nhà báo, phóng viên đều làm việc trong một cơ quan, báo chí hợp pháp thì trước hết họ luôn tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí của họ. Nền báo chí nước ta luôn có sứ mệnh gắn bó, trưởng thành theo từng chặng đường phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện tính chính nghĩa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. 

Bản thân mỗi người làm báo chân chính đều được đào tạo, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, kế thừa những thành quả của thế hệ đi trước tiếp tục cống hiến cho xã hội và sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đáng tiếc, đâu đó đã và còn có những nhà báo đã không thể làm "tròn vai" của mình khi đi ngược lại những điều trên.

Phóng viên Phan Thanh Hà: Từ "nàng thơ" giảng đường đến chiến sĩ cầm bút quả cảm - Ảnh 8.

Xin cảm ơn Phan Thanh Hà vì cuộc trò chuyện này. Chúc chị luôn chân cứng đá mềm trên mỗi chặng đường tác nghiệp!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem