Để ăn món num bò chóc, phải có thổ địa. Anh Nhật Huy (20/3 Hồ Thị Kỷ) cho biết, chợ này còn có tên gọi là chợ Campuchia. Sở dĩ có cách gọi như trên bởi vì đa số người dân ở đây là Việt kiều Campuchia hồi hương trong khoảng từ những năm 1970 - 1978.
Nhiều tiểu thương trong chợ có thể nói được cả 2 thứ tiếng Việt và Khmer. Cá biệt, có một số gia đình là người gốc Hoa ở Campuchia cũng về khu vực này sinh sống, thành thử họ có thể nói được cả 3 ngôn ngữ Việt, Cam, Hoa.
"Khi về Việt Nam, họ cũng mang theo luôn những món ăn đặc sắc từ Campuchia. Kể ra như chè hột me, chè thốt nốt, các loại khô cá biển hồ... Nhưng đặc sắc nhất phải kể là các loại bún cá", Huy thổ lộ.
Nghe vậy, anh Nguyễn Tuấn liền bảo: "Bún cá thì Việt Nam thiếu gì. Nào là bún cá Châu Đốc, bún cá Nha Trang, bún cá Hải Phòng. Bún nào cũng ngon. Chắc gì bún cá Campuchia đã có cửa?".
Bún cá kiểu Campuchia đặc sắc nào thì chưa rõ, nhưng theo Huy, bún Cam phải kể đến 2 loại: bún kèn và bún num bò chóc. Muốn biết phải thử.
Theo chân Nhật Huy, chúng tôi đến chợ Hồ Thị Kỷ. Ngay bên những hàng hoa là khu ẩm thực với các hàng quán san sát, chúng tôi thấy một số cửa hàng có đề tên bằng tiếng Khmer.
Nhưng quán nào bán bún num bò chóc vẫn chưa thấy. Mãi theo chỉ dẫn của một anh bán nước mía, chúng tôi mới tìm ra. Té ra quán nằm hơi tách biệt với khu chợ. Địa chỉ cũng hết sức dễ tìm: 1/1 Hồ Thị Kỷ. Biển hiệu nhìn phát biết ngay xuất xứ từ Campuchia: phía trên là chữ Việt với tên "Bún Nam Vang", phía dưới là hàng chữ Khmer ngoằn ngoèo đặc trưng.
Anh Bảy - chủ quán mở lời: "Quán em mở cũng được 30 năm rồi. Quán chỉ bán món bún cá num-bò-chóc. Nhưng mới đầu nhiều người không hiểu num bò chóc là gì, nên quán mới lấy tên "Bún Nam Vang" cho dễ nhớ. Gia đình em về Việt Nam hồi năm 1970, lúc mới về em được 4 tuổi, toàn nói tiếng Cam không à. Sau đi học, bị cô giáo dọa em sợ quá mới tập nói tiếng Việt. Hiện tại, một số anh em trong nhà vẫn còn sinh sống tại Nam Vang. Trước đây em vẫn thường qua bển thăm gia đình, nhưng dịch quá nên 2 năm nay chưa đi".
Sau một hồi dài dòng về lịch sử gia đình, anh Bảy tiếp lời: "Mấy anh tới buổi trưa mà còn là hên lắm á. Quán em bán từ sáng đến 11h trưa là hết. Mấy hôm nay Phật đản, bà con ăn chay nhiều, nên quán bán chậm hơn mọi bữa".
Anh Bảy giới thiệu, quán món bún num bò chóc về cơ bản có 3 món: thịt, trứng và đầu. Nguyên liệu chỉ làm từ cá lóc, người ăn cứ dựa theo sở thích mà gọi. Có người thích vị thơm thanh khiết của thịt cá lóc. Người lại chuộng vị béo của trứng. Còn ai gọi luôn cái đầu thì có thêm cả khúc ruột cá.
Như anh Bảy gợi ý, phần đầu là được ưa chuộng và có hương vị đậm đà nhất. Rau ăn kèm, ngoài các loại rau thơm thì bắt buộc phải có bắp chuối thái sợi, bông điên điển, đậu đũa, bông súng... Nước chấm thường là nước mắm hoặc muối trắng.
Tô bún vàng ươm đem ra, ai nấy đều lặng lẽ thưởng thức. Chợt anh Nguyễn Tuấn nêu thắc mắc: "Vậy bún num bò chóc khác gì với bún kèn?".
Lúc này, người trực tiếp đứng bếp là chị Tám mới giải thích: "Trước hết đều là món bún làm từ cá lóc. Có điều bún kèn là cá được giã nát hết ra nấu cùng với nước lèo. Nước lèo của bún kèn còn có nước dừa và nghệ. Bởi vậy ngày xưa còn có một cách phân biệt nữa. Người ta gọi bún kèn là bún cá vàng và bún num-bò-chóc là bún cá xanh".
Theo chị Tám, bún kèn nấu với nghệ nên nước có màu vàng. Còn bún num bò chóc là nấu bằng sả nên nước có màu hơi chuyển xanh.
Ăn một tô chưa đã, anh Tuấn quất thêm tô nữa. Nhật Huy bèn hỏi: "Sao? Có còn dám chê món bún cá Campuchia nữa thôi?".
Nguyễn Tuấn lắc đầu quầy quầy: "Món bún num bò chóc này thiệt là num bờ quan (number 1)!".