Dân Việt

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi ở thế "đắp đập, be bờ" chống lại mọi chiêu trò lách luật trong đấu thầu!

Nguyễn Tuyền 24/05/2023 14:03 GMT+7
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết: Hiện có muôn hình, vạn trạng cách thức luồn lách trong đấu thầu, cơ quan quản lý sẽ cố gắng chống lại với tinh thần cao nhất.

Tranh luận công ty con doanh nghiệp nhà nước có bị ràng buộc bởi Luật Đấu thầu?

Tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua, liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu, dư luận nêu ra là doanh nghiệp là công ty con thuộc doanh nghiệp nhà nước có trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không (?).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi ở thế "đắp đập, be bờ" chống lại mọi chiêu trò lách luật trong Đấu thầu! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (Ảnh: Q.H)

Tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến, đề xuất phương án là không mở rộng phạm vi của Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

Tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, (đoàn Thái Bình), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đề nghị Luật Đấu thầu không mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty con của công ty nhà nước vì nếu mở rộng phạm vi Luật Đấu thầu cho công ty con của công ty nhà nước, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng Luật Đấu thầu.

Theo ông Hiếu, nếu mở rộng Luật Đấu thầu đối với toàn bộ doanh nghiệp nhà nước nói chung và trong đó có cả công ty con, điều này sẽ không phù hợp với chủ trương chính sách, hệ thống quản lý kinh tế đã được xác lập từ nhiều năm qua.

Về quan điểm đưa công ty con của doanh nghiệp nhà nước vào nhóm đối tượng chịu điều chỉnh của Luật Đấu thầu như giải pháp ngăn chặn mất vốn, tham nhũng hay vi phạm liên quan, ông Hiếu cho rằng: Luật Đấu thầu không phải là luật duy nhất có thể quản lý doanh nghiệp nhà nước, mà chúng ta có luật và các cơ chế, giám sát khác.

"Tôi không tán thành quan điểm mở rộng phạm vi Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp nhà nước, cho rằng quy định cứng nhắc này ảnh hưởng cả lợi ích sự linh hoạt của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi ở thế "đắp đập, be bờ" chống lại mọi chiêu trò lách luật trong Đấu thầu! - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Q.H)

Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng: "Không nên cực đoan mở rộng phạm vi Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp nhà nước". Bởi: "Làm ra Luật Đấu thầu không phải tạo ra vòng kim cô và khi đó các vấn đề tiêu cực sẽ mất đi". 

Ông Nghĩa cho rằng: "Yếu tố cuối cùng vẫn là con người, chúng ta đã có sự phân biệt doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước (trên 50%). Khi doanh nghiệp có vốn nhà nước có khi chỉ chiếm 5-10% vốn đầu tư của dự án đầu tư công ty đó thôi, cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu, là việc cực đoan, không cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi ở thế "đắp đập, be bờ" chống lại mọi chiêu trò lách luật trong Đấu thầu! - Ảnh 3.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Làm ra Luật Đấu thầu không phải tạo ra vòng kim cô!

"Khi đấu thầu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, quen biết nhau. Phải cắt nghĩa, quen biết có yếu tố có lợi, nếu việc quen biết đó không phải là tiêu cực. Doanh nghiệp đã từng làm ăn với nhau, có uy tín, làm chất lượng, hợp tác vui vẻ, tại sao cấm cản. Quy định mở rộng phạm vi Luật Đấu thầu đối với công ty con doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa đồng tình với phương án chỉ quản lý đến doanh nghiệp nhà nước, còn đối với doanh nghiệp nhà nước đi đầu tư vào doanh nghiệp khác thì cần quản lý bằng nhiều luật khác. Còn "ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan điều tra, thanh tra để điều trị, chứ không thể dùng Luật Đấu Thầu mà khắc phục được tham nhũng, tiêu cực", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một trong những luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Bởi luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Ông Dũng nói: "Ngay trong đấu thầu chứa muôn hình, muôn vạn, không có cách gì có thể nghĩ kiểm soát được hết các loại, người ta sử dụng mọi chiêu trò lạng lách, mình đi be, đắp, bịt lại… ".

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: Không thể một lúc nghĩ ra được hết các cách thức của đối tướng vi phạm bởi một người chuyên chống lại hành vi và một người luôn nghĩ ra cách lách luật, rất khó tìm được điểm cân bằng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm trên tinh thần cao nhất".