Dân Việt

Phó Chủ tịch Bình Định: Mục tiêu vượt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng ứng dụng công nghệ số

Dũ Tuấn 06/12/2023 13:56 GMT+7
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao, đặc biệt 99,9% hồ sơ thủ tục hành chính ở Bình Định được giải quyết đúng hạn.

99,9% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn

HĐND tỉnh Bình Định khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 14, báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo phân giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thống nhất, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện và định hướng đến cấp xã.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh...

UBND tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp và thực hiện tinh giản biên chế; triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. 

Đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực, nhất là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp xã. 

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực thi công vụ, đạo đức công vụ; thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện thứ bậc xếp hạng các Chỉ số PAPI, PCI, PAR Index và SIPAS của tỉnh. 

"Năm 2023, UBND tỉnh đã hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương; công tác giải quyết TTHC có nhiều chuyển biến, kết quả hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%", ông Tuấn Thanh nói.

Kỳ vọng "bệ phóng" nông nghiệp từ những dự án lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tất cả 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt kế hoạch. 

Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (7 – 7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Quy mô kinh tế của Bình Định đạt 117.668,8 tỷ đồng. Xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ông Tuấn Thanh, trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã thu hút đầu tư một số dự án sản xuất, chế biến lớn trên lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong đó, Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và Chế biến thực phẩm San Hà, Dự án nuôi tôm công nghệ cao xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư Nhà máy Chế biến sâu nông sản của Công ty Cổ phần Vinanutrifood (huyện Tây Sơn), hỗ trợ Công ty CP Tập đoàn KIDO xây dựng chuỗi liên kết thu mua, sản xuất lạc, mô hình gà thả đồi trên địa bàn huyện Tây Sơn và Hoài Ân. 

"Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian tới. Góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân, tạo tiền đề vững chắc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh nhanh và bền vững", ông Tuấn Thanh nhận định. 

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao' - Ảnh 2.

Bình Định những năm gần đây trở thành điểm sáng trong phát triển hạ tầng tại khu vực miền Trung. Ảnh: Dũng Nhân.

Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước của Bình Định đạt 13.828 tỷ đồng, tăng 1,3% so với dự toán năm và bằng 88% so với cùng kỳ. 

Ông Tuấn Thanh cho biết, để hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bình Định đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khoảng 7,5% - 8%. 

Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. 

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. 

Tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm. 

Ngoài ra, quan tâm chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các hoạt động văn hoá, thể thao và bảo vệ môi trường; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.