Cả hai ông đều khẳng định quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đã được Chính phủ và Thành phố phê duyệt thành hệ thống rất chặt chẽ. Đồng thời cũng xác nhận nó đã được Quy hoạch từ năm 1992. Xin được gửi đến bạn đọc của Dân Việt.

"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 1.

Sau khi tiếp nhận vấn đề này qua thông tin đại chúng và theo chức năng của hội cần phải tìm hiểu, phản hồi các chương trình chung về phát triển quy hoạch kiến trúc quốc gia, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ và thận trọng những nội dung liên quan đến quy hoạch dự án này.

Về mặt pháp lý, hệ thống quy hoạch này từ trước đến nay là hoàn toàn phù hợp quy định.

Chúng ta đều biết Hà Nội được 7 lần phê duyệt quy hoạch từ ngày thành lập nước (từ năm 1945 đến nay). Vào năm 1961, quy hoạch lúc bấy giờ do Liên Xô giúp chúng ta quy hoạch là chính. Sau đó đến quy hoạch năm 1974 rồi quy hoạch năm 1976, quy hoạch năm 1981, đến năm 1992, 1998 và quy hoạch chung được phê duyệt cuối cùng gần đây nhất vào năm 2011. Hiện nay Hà Nội đang làm điều chỉnh quy hoạch tổng thể lại để trình Chính phủ phê duyệt. Hội KTS cũng được tham gia quy trình này.

Từ quy hoạch năm 1992 trở lại đây, khu vực Hồ Tây bắt đầu được triển khai cụ thể, rõ ràng và đầy đủ hơn. Qua hồ sơ chúng tôi cập nhật thì cấu trúc chung của bán đảo Quảng An được phê duyệt từ năm 1994 theo kế hoạch chi tiết của Bộ xây dựng. Từ đấy cho đến quy hoạch hiện nay thì trục này vẫn cố định như vậy.

Từ năm 1998, Hồ Tây được xác định là khu trung tâm của Hà Nội cùng với khu vực phố cổ và Hoàng Thành, trở thành 1 trong 3 trụ cột để làm quy hoạch Hà Nội thành khu vực trung tâm.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 2.

Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.

Trong phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2011 đã nhắc đến khu vực phía tây Hồ Tây sẽ cho phép xây dựng các công trình văn hóa như nhà hát và bảo tàng. Chúng tôi cho rằng quy hoạch của vùng Quảng An cơ bản ổn định được 30 năm, đến bây giờ, cấu trúc tổng quan quy hoạch của bán đảo Quảng An không có thay đổi nhiều. 

Quy hoạch này gồm trục trung tâm nối Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa và đồng thời có các công viên xanh dọc theo tuyến cuối của trục này, và khu vực đó trở thành khu vực trung tâm để bố trí các công trình dịch vụ văn hóa, khu vui chơi giải trí của vùng Hồ Tây.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 3.

Về pháp lý của nhà hát, nếu công trình này triển khai sau tháng 7/2020 thì bắt buộc phải thi tuyển vì lúc đó luật kiến trúc đã ban hành và thực hiện tại Việt Nam, không có giải pháp nào khác ngoài thi tuyển. Thế nhưng trước tháng 7/2020, cách tiến hành các công trình kiến trúc có 3 phương án, một là phương án thi tuyển, phương án 2 là tuyển chọn kiến trúc, và phương án 3 thông thường theo quy định nhà nước gọi là đấu thầu.

Riêng đối với công trình kiến trúc lớn, trước đây chúng ta thực hiện theo một trong hai phương án là thi tuyển kiến trúc và tuyển chọn kiến trúc. Đối với công trình nhà hát, chúng tôi kiểm tra về mặt pháp lý là thực hiện phương án tuyển chọn kiến trúc. Khi kiểm tra lại toàn bộ quy trình thì chúng tôi thấy rằng quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ và kỹ càng.

"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 4.

Bước đầu trong quy trình là việc chọn nhà tư vấn: Ông Renzo Piano có kinh nghiệm "khủng" và ông là người thắng trong cuộc thi năm 2010. Đó là một cơ hội để mình đánh giá thêm một lần nữa bằng sản phẩm thực tế vì năng lực của ông đã thực sự rất tốt. Cho nên thành phố Hà Nội quyết định chọn một tác giả như thế là hoàn toàn xứng đáng.

Sau khi chọn được nhà tư vấn, dự án đã được thông qua UBND thành phố để có kết luận chấp nhận, và thực tế phương án này được đánh giá rất cao. Sau đó, phương án này lại được thông qua Hội đồng Kiến trúc quy hoạch của thành phố, đây hoàn toàn đúng quy trình và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch của thành phố cũng đánh giá phương án này rất cao, có thể nói là tương đối hoàn hảo. Tất nhiên còn 7,8 điểm cần phải bổ sung, hoàn chỉnh thêm. Tuy nhiên, cơ bản nhất về mặt hình hài, cấu trúc tổng quan là được chấp nhận.

Sau khi kết hợp với UBND thành phố và có chính kiến bỏ phiếu 17/18 phiếu của hội đồng,  UBND tổng hợp thành văn bản báo cáo và đã thông qua thường vụ của Thành ủy, và thường vụ Thành ủy ra kết luận thống nhất phương án này. Chúng tôi cho rằng đây đã là quy trình chuẩn. 

Lựa chọn cuối cùng kết thúc vào năm 2019, như vậy quá trình lựa chọn kiến trúc đã tiến hành chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng thiết kế nhà hát là cần phải qua thi tuyển, tôi nghĩ rằng ý kiến này có thể là do chưa cập nhật quy trình hiện hành.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 5.

Mọi vấn đề diễn ra đều không có gì hoàn hảo và không có điều gì làm hài lòng được tất cả mọi người được. Trên tinh thần đó, trước dư luận về quy hoạch về tổng quan ở khu vực Hồ Tây cả xuôi chiều và ngược chiều, bản thân chúng tôi đã rất nghiêm túc kết nối các hệ thống chuyên gia và xem xét vấn đề này rất kỹ. Lực lượng kiến trúc sư cũng phân thành 2 luồng. 

Thứ nhất là luồng bất ổn, về cơ bản phản ánh trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông. Còn luồng thứ 2, theo tổng hợp của chúng tôi thì chiếm tỷ lệ cao hơn là luồng ủng hộ của quy hoạch này và ủng hộ thiết kế của nhà hát này, có đề nghị một số điều chỉnh. Chúng tôi tổng hợp để báo cáo rất trung thực như thế.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 6.

Thế nhưng quan điểm, chúng ta phải xác định lấy gì làm cơ sở trong trường hợp này thì chúng tôi cho rằng có mấy cơ sở sau:

Cơ sở thứ nhất, khi chúng ta lập hệ thống quy hoạch này là chúng ta đã huy động lực lượng chuyên môn của các thời kỳ cũng rất bài bản. Vì vậy nói quy hoạch này không có chất lượng là không có cơ sở.

Thứ hai, hệ thống quy hoạch này đã được các văn bản của Chính phủ và Thành phố phê duyệt thành hệ thống rất chặt chẽ về mặt pháp lý. Khi có phê duyệt chặt chẽ về mặt pháp lý thì việc tuân thủ pháp luật của mọi quốc gia trên thế giới, cũng giống như Việt Nam, chúng ta phải tuân thủ các quy định pháp lý đã thực hiện. Tôi cho rằng yếu tố này cần phải được tôn trọng.

Thứ ba, là yếu tố mà hiện nay cộng đồng có rất nhiều ý kiến ví dụ như tuyến giao thông hợp lý hay chưa.

"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 7.

Từ sau năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung và 4 lần điều chỉnh địa giới. Sau khi điều chỉnh lại địa giới giữa Hà Nội và Hà Tây thì quy hoạch chung của toàn thủ đô Hà Nội năm 1992 đã xác định Hà Nội có các khu vực đặc thù, các khu vực trung tâm văn hóa của thành phố. Trong quyết định đã nói rất rõ, ngoài khu vực Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm còn có khu vực Hồ Tây. Từ định hướng quy hoạch năm 1992 đã xác định phát huy giá trị của các khu vực này đồng thời đưa ra một yêu cầu rất chặt chẽ đó là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của khu vực, không để xâm phạm hoặc làm sai phạm đến cảnh quan đó.

Ngay sau quy hoạch chung năm 1992, Hà Nội rất quan tâm đến các khu trung tâm. Hà Nội đã có quy hoạch khu phố cổ, quy hoạch khu vực Hồ Gươm và năm 1994 có quy hoạch khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An. Trong quy hoạch này, khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An đã xác định được rõ chức năng, có các trung tâm văn hóa công cộng và đặc biệt đưa ra yêu cầu phục vụ cho du lịch, khai thác cảnh quan, đây là một điểm nhấn mới của thủ đô Hà Nội.

Có thể thấy, ngay từ năm 1994 chúng ta đã rất chú trọng khu vực bán đảo Quảng An và khu vực ven phía tây Hồ Tây, và từng bước chúng ta đã hình thành được 2 trục không gian. Một là trục không gian ở phía tây Hồ Tây và điểm xuất phát từ vành đai 3 (Công viên Hòa Bình) và một trục ở bán đảo Quảng An – sau năm 1995 được đặt tên là đường Đặng Thai Mai.

Đến năm 1998, chúng ta lại có Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội và tiếp tục nhấn mạnh thêm nữa về vai trò của khu vực bán đảo Hồ Tây. Trong quy hoạch lần này, xác định rõ rằng có trục không gian nối từ phía tây Hồ Tây (tức từ Công viên Hòa Bình – đó là trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, thậm chí có cả các cơ quan trung ương) giao cắt với trục Cổ Loa, Đặng Thai Mai, bán đảo Quảng An để tạo thành một trục không gian Thăng Long - Hà Nội truyền thống nhưng hiện đại.

Quy hoạch năm 1998 cũng đã tạo ra một điểm nhấn của giao điểm này là khu vực Đầm Trị - khu vực gắn kết với các di tích lịch sử xung quanh. Có thể nói, sau quy hoạch năm 1998, khu vực bán đảo Quảng An và phía tây Hồ Tây đã nở rộ lên những công trình kiến trúc mà đến nay còn thể hiện là dấu ấn của kiến trúc Hà Nội, của Việt Nam như khách sạn Sheraton, Khách sạn Thắng Lợi... Chúng ta đã chỉnh trang, cải tạo công trình này và không chấp nhận việc cải tạo làm phá vỡ những di tích, bảo tồn rất chặt chẽ đường ven hồ.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 8.

Như vậy, đến quy hoạch năm 1998, chúng ta đã khẳng định lại được giá trị của khu vực bán đảo Quảng An trong định hướng chung. Đến năm 2008, sau khi mở rộng địa giới, chúng ta có 3 năm nghiên cứu với sự tham gia của các tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài, thẩm định, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Hà Nội mới đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 là Quyết định 1259 (hay còn gọi quy hoạch năm 2011). Trong quy hoạch năm 2011 đã xác định được rất nhiều vấn đề như xác định trung tâm dịch vụ, văn hóa, thương mại nằm ở phía tây Hồ Tây và đặc biệt khu vực bán đảo Hồ Tây.

Lúc này chúng ta đặt ra những chức năng như bảo tàng, nhà hát cấp quốc gia. Có thể nói sau quy hoạch năm 2011, vấn đề chức năng văn hóa được nhấn mạnh hơn nữa và đây là thời kỳ chúng ta rất chú trọng đến tìm vị trí để xây dựng những nhà hát cấp quốc gia.

Quy hoạch năm 2011 lần này đã xác định rõ khu vực bán đảo Hồ Tây sẽ có một nhà hát hoặc một bảo tàng thích hợp. Tiếp tục thực hiện quan điểm này, chúng ta có quy hoạch phân khu hay còn gọi là quy hoạch phân khu A6 Hồ Tây, bán đảo Hồ Tây. Đây là quy hoạch tương đồng với quy hoạch năm 1994 (tức sau gần hơn 20 năm). Trong quy hoạch phân khu A6 khẳng định rõ vị trí giao điểm giữa trục tây Hồ Tây và trục Cổ Loa là một nhà hát đa năng, xác định rõ vị trí các công trình phải bảo tồn, tôn tạo và đặc biệt có thể thể hiện lại các ý tưởng, các cảnh quan xung quanh.

Như vậy để có được quy hoạch phân khu A6, chúng ta đã trải qua một thời gian rất dài. Gần 30 năm, chúng ta đã đặt ra vấn đề làm trung tâm văn hóa nhưng làm cái gì thì đến quy hoạch A6 mới xác định đó là một nhà hát đa năng.

Lần này chúng ta mạnh dạn đặt ra một công trình mới, có thể nói đây là định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992. Thứ hai, đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng - kỹ thuật để thu hút cộng đồng dân cư, bạn bè nước ngoài vào trung tâm mới, nhằm giảm áp lực cho nội đô lịch sử của thành phố Hà Nội.


"Quy hoạch Quảng An là chặt chẽ về mặt pháp lý" - Ảnh 9.

Có thể nói, về mặt định hướng, khu vực Hồ Tây đã được xác định quy hoạch từ năm 1992, nhưng cụ thể từng lô đất, từng khu vực được bố trí những công trình gì thì còn có sự khác nhau. Nhưng riêng bán đảo Quảng An đã có rất nhiều quy hoạch, ví dụ như quy hoạch phía tây Hồ Tây năm 1994, sau đó đến quy hoạch quận Tây Hồ, gần đây quy hoạch phân khu A6 cũng đã xác định rõ chức năng. 

Như vậy, có một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để gắn kết các quy hoạch khu vực Hồ Tây này với tổng thể phát triển của thành phố Hà Nội. Đây là bài học từ khu vực phố cổ, khu vực Hoàn Kiếm như chúng ta đã thấy. Khu vực Hoàn Kiếm từ năm 1995 đã đặt ra phố đi bộ nhưng mãi tận hơn 15 năm sau chúng ta mới tổ chức được tuyến phố đi bộ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền để nhân dân thấy rõ rằng phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như Hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn, nhưng Hồ Tây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về văn hóa.

Đi ngược lại lịch sử, từ thời phong kiến, rất nhiều doanh nhân, nhà văn hóa đã quan tâm đến khu vực Hồ Tây như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trãi... Hơn nữa, khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An cũng có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia. Tại đây, có tới 30 di tích quốc gia đã xếp hạng và còn gần 25 di tích chưa xếp hạng nhưng rất có giá trị.

Một điều đặc biệt nữa, đây là khu vực mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là làng nghề, cả làng nghề thủ công, làng nghề ẩm thực... Một vấn đề nữa, cảnh quan ở bán đảo Hồ Tây và Hồ Tây được những người làm công tác quy hoạch, kiến trúc từ những năm 2012 trở đi đã nghiên cứu kỹ hơn. Đặc biệt có hội thảo quốc tế, rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề xuất rằng nhà nước công nhận khu vực Hồ Tây là danh lam thắng cảnh quốc gia, là di tích đặc biệt, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được. 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem