Với tư cách là người nghiên cứu về văn hóa dân gian, ông nhìn nhận như thế nào về hình tượng hổ trong văn hóa Việt? 

- Với tư cách là một biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt, hổ là con vật vừa hiện thực, vừa có tính biểu hiện. Nó kết hợp cả hai điều đó trong hình tượng hổ. Nếu quan sát như vậy, chúng ta thấy ít nhất có 4 đặc tính/biểu tượng của hình tượng hổ. 

Biểu tượng thứ nhất là một hình ảnh hổ được dân gian tôn sùng. Thứ hai là hình ảnh hổ được nhân dân kính trọng. Thứ ba là biểu tượng gây nên sự sợ hãi. Cuối cùng là biểu tượng con người có thể chiến thắng, thậm chí mang tính hài hước.

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 2.

Ở khía cạnh tôn sùng thì người ta hổ là Chúa như: Chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh… Tại sao gọi là chúa chứ không gọi là vua, là đế… vì nếu gọi vua là cai quản tất cả các cõi, chúa thì chỉ cai quản một địa hạt thôi. Tập tính của hổ là gắn với rừng xanh, hổ không thể ở dưới biển như rùa được, không bay lên trời như rồng được… cho nên người ta gọi chúa là vì vậy. Cùng với biểu tượng tôn sùng đó, cùng với sự mạnh mẽ, oai hùng của hổ, sự nguy hiểm của hổ… nó tập hợp thành các hình ảnh của sự tôn sùng như các võ tướng, các đội quân, các chiến binh…

 Ví dụ, Hoàng Hoa Thám gọi là “Hùm xám Yên Thế”; đánh được hổ như Phùng Hưng thì trở thành thủ lĩnh. Trong văn hóa phương Đông, ngũ hổ là 5 cánh quân của triều đình gồm: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Nơi ở của vị tướng chỉ huy gọi là “trương hùm”, hùm cũng là hổ. 

Với biểu tượng của sự kính trọng, người ta gọi hổ là “ông”: “Ông ba mươi”, “Ông tối trời”… Gọi là ông cũng giống như ông Thần, ông Thánh, ông Trời, ông Trăng, ông Công, ông Táo… Đó không phải là chức vụ mà đó là sự tôn xưng. Tại sao lại là “ông ba mươi” thì có nhiều cách giải thích nhưng chủ yếu là dựa trên tập tính săn mồi đêm của hổ. 

Tài liệu ghi về “ông ba mươi” có từ thế kỷ thứ XIV – XV trong “Lĩnh Nam chích quái”. Mãi về sau này, đến thời Nguyễn, người ta gắn với cuộc bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) với truyền thuyết săn được hổ sẽ thưởng 30 quan tiền. Đó cũng là sáng tạo dân gian mà đã là sáng tạo dân gian thì không có sai có đúng mà người ta sáng tạo ra để giải thích.

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 3.

Biểu tượng gây nên sự sợ hãi đó là “ma”. Nhiều quan niệm dân gian cho rằng, hổ là một loại “ma”. Điều này được ghi trong “Lĩnh Nam chích quái” là từ Mộc tinh biến thành Quỷ xương cuồng. Chữ “xương” cũng có nghĩa là tinh của con hổ và cũng có nghĩa là ma. Tinh của loài thú giữ mà chết đi sẽ thành ma, tinh của con người chết đi sẽ thành hồn. 

Đến thế kỷ thứ XVIII, Phạm Đình Hổ trong “Tang thương ngẫu lục” còn ghi chuyện gọi là “Ma trành”, chữ “trành” cũng là chữ “xương”. Người ta giải thích, người bị hổ vồ chết, hồn không siêu thoát được, nhập lại con hổ, đưa con hổ về làng bắt tiếp người khác. Từ đặc tính sợ hãi này mà chúng ta gặp các mô-típ, hình ảnh hổ biến thành người. 

Trước đây, sách cũ có ghi, ở vùng Bắc Ninh xưa có một viên thư lại, ngày đến thì là người nhưng đêm về hóa thành hổ. Sau này, cũng ở vùng đất đó, sử ký ghi vụ Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ ở hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây ngày nay - PV). Đến thế kỷ thứ XVIII, Phạm Đình Hổ cũng ghi chuyện một anh nông dân khoác da hổ vào để hóa thành hổ về dọa vợ con. Những con hổ đó là ma mà khiến người ta sợ hãi. 

Biểu tượng thứ 4, người ta vẫn xem hổ là một loài vật bình thường. Hổ mạnh mẽ, uy dũng và nguy hiểm nhưng loài người vẫn có thể chế ngự, săn bắt… Biểu tượng này được thể hiện rất rõ và rất sớm trên một số đồ đồng Đông Sơn trước và sau kỷ nguyên. Quan sát nhiều hiện vật khảo cổ đồ đồng Đông Sơn đã khai quật được, người ta nhìn thấy cảnh một chiến binh bắn một con hổ, sau lưng chiến binh là một con chó đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. 

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 4.

Như thế có nghĩa là người ta có thể săn hổ từ rất sớm. Trong tấm bia “Sùng Thiện Diên Linh thạch bi” được khắc vào năm 1221 ở Đọi Sơn – Hà Nam có một đoạn miêu tả hết sức sinh động về việc săn hổ. Tấm bia đó hiện vẫn còn và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Như vậy, cư dân Đông Sơn – cư dân Việt cổ đã săn hổ và ghi chép lại việc săn hổ từ rất sớm, trước khi văn hóa ngoại lai du nhập vào. Sau này, cư dân Việt lại tiếp tục biểu diễn trò săn hổ. 

Còn trong địa chí một số vùng, người ta vẫn ghi đến các phường săn hổ ở các vùng khác nhau. Thậm chí, trước Cách mạng tháng Tám, phường săn hổ ở xã Vĩnh Thủy – Vĩnh Linh (Quảng Trị) còn vào Huế biểu diễn săn hổ cho triều đình xem. Hiện nay ở đó vẫn còn những dấu tích như sọt, lưới và giáo mác trong nhà văn hóa xã. 

Từ những ví dụ trên để thấy, từ ngày xưa, dân gian đã quan niệm hổ cũng là một loại con bình thường như: khỉ, nai, lợn, thỏ… và người ta có thể săn bắn. Vì hổ cũng là một loại con nên được biến thành một nhân vật hữu dũng vô mưu trong truyện cười dân gian. Trong các truyện này, những con vật yếu ớt như: cóc, khỉ, thỏ… có thể dùng trí tuệ để lừa được hổ. Chưa con vật nào lừa được rồng – phượng – trâu cả nhưng lại lừa được hổ. 

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 5.

Ở đây, thực chất, con người với tổ chức cộng đồng, công cụ vũ khí và đặc biệt là trí tuệ đã khuất phục được hổ, khống chế được hổ. Tổng hợp cả 4 biểu tượng: tôn sùng, kính trọng, sợ hãi và có thể chế ngự (thậm chí hài hước) thì nó cung cấp cho ta hình dung đầy đủ về hình tượng hổ trong dân gian và phổ biến trong người Việt. 

Hiện nay, ở nhiều vùng quê của Việt Nam vẫn giữ gìn tục thờ cúng thần Hổ. Vậy có thể giải thích tục dân gian này như thế nào cho đúng, thưa ông? 

- Thực ra, tục thờ cúng thần Ngũ Hổ hay thần Hổ đều gắn với 4 biểu tượng mà tôi đã nêu trên. Có nơi thờ thần hổ vì tôn sùng, nơi thờ vì kính trọng, nơi thờ vì sợ hãi… Chúng ta thấy, ở các ngôi miếu cửa rừng đa phần đều thờ thần hổ, xuất phát từ sự sợ hãi. Những người dân vào rừng săn bắt được vật gì cũng về đó thắp hương. 

Thần hổ được thờ ở trước các đền, miếu, đình… là vì người ta xem hổ như một chiến binh, có sức mạnh cản lại mọi thứ xâm nhập vào nơi tôn nghiêm. Thần hổ được thờ trong đền, miếu là vì người ta tôn sùng như một vị thần, có quyền năng ban phép và giúp dân có thêm sức mạnh. Ở trên tranh Đông Hồ, hổ hiện lên hiền lành, xinh đẹp, dễ mến là gắn với biểu tượng thứ 4.

 Người ta thấy hổ cũng như những loại vật khác, có nhiều nét đáng yêu. Cái này thuộc về mỹ học Ăng-ghen, người ta phân thành các hình thức biểu tượng trong văn hóa như: cái thiêng liêng, cái bi kịch, cái anh hùng, cái hài hước, cái đẹp… Hổ có tất cả các đặc tính như vậy. 

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 6.

Trong tranh dân gian, hổ thường được vẽ nên với rất nhiều màu sắc sống động. Xuất phát từ đâu mà loài hổ được “sinh động hóa” một cách đa sắc như thế, trong khi các loài vật khác không có được?

- Thứ nhất, ngũ hổ trong từ điển được nói là những đạo quân canh giữ 5 phương: Trung tâm là màu vàng, phía Tây là màu trắng, phía Đông là màu xanh, phía Bắc màu đen, phía Nam màu đỏ. 

Các màu đó tượng trưng cho 5 phương trời. Cái này trong từ điển “Biểu tượng văn hóa thế giới” của Jean Chevalier và Alain Gheerbranta, người ta cũng đã nói rồi. 

Thứ hai, trong tranh dân gian Đông Hồ hoặc trong tranh Hàng Trống, hổ được biến từ loại vực uy dũng, đáng sợ thành loài vật thiêng liêng, hiền hòa là do sáng tạo của họ. Ngoài tranh 5 con hổ còn có cả tranh hổ mẹ và hổ con. Đó là những sáng tạo dân gian thuộc về quy thức tín ngưỡng.

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 7.

Tranh ngũ hổ - một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức dân gian.

Theo ông, những quan niệm dân gian về hình tượng hổ trong văn hóa, ngày xưa và ngày nay có gì khác biệt?

- Theo tôi là có hai chiều hướng. Về nhận thức lí trí thì tính thiêng liêng của hổ bị giảm bớt, tính hiện thực và tinh thần tôn trọng môi sinh – tự nhiên thì phát triển lên, đó là điều rất đáng mừng. Mặc khác, do tuyên truyền của những điều mê tín (những thầy cúng, thầy bói hành nghề mê tín) nhiều khi thiêng hóa hổ để buôn thần bán thánh, dọa nạt người này, dọa nạt người kia. 

Nhưng dù sao cũng phải nói rằng, với truyền thông hiện nay, văn hóa về hình tượng hổ trong dân gian ngày càng dày dặn. Nếu trước đây, anh thanh niên chỉ quen cày cấy, có khi lại chẳng biết hổ là gì ngoài đó là một loài vật. Nhưng ngày nay, có mạng internet, có điện thoại thông minh… chỉ cần gõ mấy chữ là ra hàng loạt thông tin để tìm hiểu. 

Tại sao dân gian lại gọi Hổ là “chúa” chứ không gọi là “vua” và được thờ nhiều hơn rồng – phượng? - Ảnh 8.

Quan niệm dân gian về hình tượng hổ do đó là chuỗi thay đổi bất tận, có mặt này và có mặt khác. Truyền thông càng sâu rộng thì hình tượng hoặc biểu tượng văn hóa càng thấm sâu. Điều đáng mừng là tư duy khoa học, tư duy hiện thực, tư duy kỹ thuật nhân văn ngày càng vượt trội so với trước. 

Người ta hướng đến bảo vệ môi sinh, hướng đến bảo vệ sinh thái, hướng đến báo động loài hổ có thể bị tuyệt diệt, người ta chống lại việc nuôi hổ để nấu cao. Đó là những tín hiệu cực kỳ tốt đẹp. 

Cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã chia sẻ thông tin.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem