Theo nhiều sử gia, so về độ tai tiếng, Võ Tắc Thiên so với vị Thái hậu này còn phải cúi đầu chịu thua. Vị Thái hậu này là ai? Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu.
Thái hậu xuất thân tài trí hơn người
Hồ Sung Hoa, còn được gọi là Hồ Tiên Chân hay Hồ Thừa Hoa là một đại mỹ nữ cực nổi tiếng nhà Bắc Ngụy. Từ nhỏ, Hồ Sung Hoa đã xinh đẹp tuyệt luân, có tài trí hơn người, tư duy bén nhạy. Nói cách khác, nàng chính là kiểu người vẹn sắc toàn tài.
Nếu như không phải cô ruột của nàng ở thường xuyên khoe khoang cháu gái mình, có lẽ Hồ Sung Hoa cũng sẽ được lưu danh sử sách với những cống hiến to lớn.
Song, trời xanh ghen phận má hồng, vì cô ruột của Hồ Sung Hoa thường khoe cháu mình là mỹ nhân ngàn năm mới thấy, vừa xinh đẹp như tiên lại vừa hiểu biết thông tuệ, nàng gặp rắc rối, bị Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế để mắt tới.
Nghe danh Hồ Sung Hoa đã lâu, ngay khi gặp được giai nhân, Tuyên Vũ Đế đã bị hút hồn, vội đưa nàng vào cung nạp làm phi tử, ngày đêm sủng ái. Chẳng bao lâu sau, Hồ Sung Hoa mang thai. Theo quy tắc của Bắc Ngụy, để tránh việc ngoại thích can chính, nếu một Hậu phi nào hạ sinh được con trai và người con đó được lập làm Thái tử thì người mẹ đó phải chết.
Không giống như các phi tần khác giấu nhẹm chuyện mang thai, tìm cách làm cho sảy, Hồ Sùng Hoa thoải mái công bố tin tức này và khảng khái nói: "Căn cứ tổ chế, nhi tử làm thái tử, mẫu thân sẽ phải chết, nhưng nô tỳ lại cho rằng, thà rằng giúp hoàng gia có người thừa kế cũng không nguyện tham sống thêm".
Không biết là do tình mẫu tử hay có mưu đồ khác, Hồ Sung Hoa nói những lời này quả thực đã cảm động được Tuyên Vũ Đế. Vị hoàng đế này bất chấp tất cả để bảo vệ tính mạng vị phi tử xinh đẹp, nặng tình.
Sau đó, Hồ Sung Hoa sinh hạ hoàng tử Nguyên Hủ cho Tuyên Vũ Đế. Nguyên Hủ được lập làm thái tử, mẫu thân là Hồ Sung Hoa được tấn thăng làm quý phi. Quy tắc "tử quý mẫu tử" cũng bị Tuyên Vũ Đế hủy bỏ.
3 năm sau, Tuyên Vũ Đế băng hà. Mới được 5 tuổi, thái tử Nguyên Hủ đã kế vị, đăng cơ trở thành hoàng đế, xưng là Hiếu Minh Đế.
Ham mê quyền lực, thái hậu dần sa ngã
Nhân lúc hoàng đế nhỏ tuổi, Hồ Sung Hoa bắt đầu dùng thân phận Thái hậu để buông rèm chấp chính. Mỗi ngày nàng đều phê duyệt tấu chương, tự mình quyết định các đại án, các loại khảo hạch quan lại cũng làm rất công chính nghiêm minh, đem triều cương chấn chỉnh đâu ra đấy, khiến các đại thần nể phục.
Thế nhưng, quyền lực quá lớn, dần dần tính cách của Hồ Thái hậu cũng thay đổi. Khi chính quyền ổn định, Hồ Thái hậu cũng bắt đầu sa ngã vào những thú vui hoang phí.
Vì sùng Phật giáo, Hồ thái hậu chi rất nhiều để xây dựng chùa chiền, quy mô rộng khắp, chùa sau to hơn chùa trước, hao phí nhân lực, vật lực, tiền tài cực kỳ to lớn.
Cứ như vậy, dưới thời Hồ Thái hậu, chùa miểu trong nước có hơn 30000 điểm, người xuất gia cũng có tới hơn 2 triệu người. Mà theo thống kê, thời Bắc Ngụy cực thịnh cũng chỉ có 35 triệu người.
Công thành danh toại, đứng trên đỉnh cao nhất, Hồ Thái hậu sống ngày càng phóng túng hơn, không còn kiêng dè bất cứ điều gì. Mỗi lần dạo chơi, tùy tùng đi theo Hồ Thái hậu có tới vài trăm người. Nếu vui chơi tận hứng, Hồ Thái hậu sẽ hạ lệnh mở quốc khố, tùy ý ban thưởng.
Khi vật chất cũng đã tiêu xài đến tột đỉnh, Hồ Thái hậu liền rời hứng thú về phía đàn ông. Đối tượng mà vị thái hậu tuyệt sắc này nhắm đến đầu tiên chính là là Thanh Hà vương Nguyên Dịch - em trai của Tuyên Vũ Đế.
Nguyên Dịch là người tuấn tú, khôi ngô, phong độ, tài năng lại biết khiêm nhường nên được bá quan và dân chúng tôn kính. Mới đầu, Nguyên Dịch cực kỳ bài xích Hồ thái hậu thế nhưng cuối cùng, do những nguyên nhân như quyền lực, chính trị, lợi ích toàn cục, Nguyên Dịch chấp nhận làm tình nhân của Hồ Thái hậu.
Hai người công khai chung sống như vợ chồng, khiến nhiều triều thần bất mãn. Năm 520, thống lĩnh ngự lâm quân Nguyên Nghệ cấu kết với hoạn quan Lưu Đằng phát động chính biến, giả truyền thánh trị ban chết cho Thanh Hà vương Nguyên Dịch. Tiếp đó đem nhốt Hồ Thái hậu trong Tuyên Quang điện, khiến hoàng đế Nguyên Hủ muốn gặp cũng không được.
Nguyên Nghệ và Lưu Đằng nắm quyền so với Hồ Thái hậu còn tồi tệ hơn. Nhân cơ hội đó, Hồ Thái hậu phản kích, dựa vào thân tín đem giết chết Nguyên Nghệ, Lưu Đằng, lần thứ hai lâm triều nhiếp chính.
Lúc này đã không còn Nguyên Dịch, Hồ Sung Hoa lại chọn trúng Trịnh Nghiễm, thăng chức cho người này, hàng đêm ca hoan. Thế nhưng ngày qua ngày, Trịnh Nghiễm suy kiệt, không thỏa mãn nổi Hồ thái hậu bèn đưa lên hai người khác là Từ Hột và Lý Thần Quỹ để đôi lúc thay thế mình.
Đáng nói, Trịnh Nghiễm là người đã có vợ, thi thoảng cần về nhà. Để phòng ngừa Trịnh Nghiễm lung lay tình cảm, mỗi lần người tình về nhà, Hồ Sung Hoa đề lệnh cho tâm phúc đi theo, chỉ cho phép Trịnh Nghiễm và thê tử nói chuyện, không cho âu yếm, thậm chí cầm tay cũng không được, nếu vi phạm cả nhà sẽ gặp họa ngập đầu.
Công khai đoạt chồng của người khác hùng hồn như vậy, thực sự là trong lịch sử có 1-0-2.
Trịnh Nghiễm thấy vậy cũng bắt đầu được sủng sinh kiêu, trắng trợn can dự triều chính, chôn xuống mầm tai họa.
Tiếp đó, Hồ Thái hậu lại thương nhớ danh tướng Dương Bạch Hoa - người có tướng mạo tuấn mỹ, võ nghệ siêu quần. Thế nhưng Dương Bạch Hoa không phải là kẻ tiểu nhân muốn leo lên quyền quý, người này biết rõ mọi dơ bẩn của hậu cung chắc chắn sẽ đem họa đến cho cả nhà.
Vì vậy, một đêm không trăng không sao, Dương Bạch Hoa mang theo gia quyến chạy trốn. Sau gặp biến cố, trở thành người trong giang hồ.
Mất đi người tình tri kỷ, Hồ Thái hậu đau lòng khôn nguôi, còn viết thơ nói bóng gió, hi vọng Dương Bạch Hoa mau trở lại với mình. Thế nhưng người tình ngày nhớ đêm mong của Hồ Thái hậu chưa về.
Cái kết thảm của vị thái hậu táng tận lương tâm
Hiếu Minh Đế Nguyên Hủ ngày càng trưởng thành. Đối mặt với người mẹ không còn liêm sỉ, vị hoàng đế này cuối cùng cũng ra tay. Chàng quyết tâm tự mình chấp chính, xử lý việc triều đình. Song, Hồ Thái hậu không chịu giao quyền, hai bên ở thế như nước và lửa, mâu thuẫn hết sức căng thẳng.
Năm 528, phi tử Phan thị của Hiếu Minh Đế sinh hạ một nàng công chúa thế nhưng Hồ Sung Hoa lại chiêu cáo thiên hạ đó là một hoàng tử, khiến Hiếu Minh Đế không thể nhịn thêm được nữa, quyết tâm trừ khử mẹ ruột của mình.
Không ngờ, Hiếu Minh Đế lại bị mẹ ruột tính kế, dùng thuốc độc giết chết. Năm đó, chàng mới 19 tuổi. Tiếp đó, Hồ Thái hậu lập con gái của Phàn thị làm thái tử nhưng lại sợ không giấy được bao lâu nên phế đi, lập cháu nội của Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế, con Lâm Thao vương Nguyên Chiêu lên kế vị.
Đại tướng quân Nhĩ Chu Vinh nghe tin, tiếc thương Hiếu Minh Đế bèn dấy quân tiến thẳng vào kinh đô vấn tội Hồ thái hậu. Lúc này, thấy đại thế đã mất, Hồ Thái hậu bèn tự xuống tóc làm ni cô, muốn dựa vào Phật tổ che chở, tránh được kiếp nạn này.
Cùng năm, Nhĩ Chu Vinh tiến vào Lạc Dương, đem Hồ thái hậu và Nguyên Chiêu dìm chết. Thi hài của Hồ Thái hậu được em gái đem về táng tại chùa Song Linh.
Sau này họ Nhĩ Chu bị diệt, triều đình rơi vào tay quyền thần Cao Hoan. Cao Hoan hạ lệnh truy phong cho Hồ thị làm Tuyên Vũ Linh hoàng hậu, lệnh cho cải táng vị Thái hậu này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.