Thế hệ GenZ "chới với" vì giá nhà leo thang, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng chưa dám nghĩ đến mua nhà

Phương Thảo Thứ bảy, ngày 05/10/2024 12:04 PM (GMT+7)
Giá nhà tăng chóng mặt khiến giấc mơ sở hữu bất động sản của thế hệ trẻ ngày càng xa vời. Thu nhập so với giá nhà quá nhiều, chưa kể chi phí sinh hoạt cao khiến nhiều người trẻ phải từ bỏ ước mơ an cư ở thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM...
Bình luận 0

GenZ khó mua được nhà vì giá bất động sản quá cao

Mới đây, một GenZ "trải lòng" trên mạng xã hội T. về việc dù có đi làm chăm chỉ nhưng không dám mơ mua được nhà trên Hà Nội.

Cụ thể, tài khoản này chia sẻ :"Mình sinh năm 2005, đã lên Hà Nội được 1 năm, nhưng đây không phải sinh sống mà là sinh tồn tại Hà Nội".

"Làm văn phòng bình thường gần như không thể mua được nhà. Nhiều lúc mình trầm tư, tự hỏi phải học bao nhiêu, làm bao nhiêu nữa mới đủ,...", tài khoản này giãi bày tâm sự.

Thế hệ GenZ "chới với" vì giá nhà leo thang, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng chưa dám nghĩ đến mua nhà- Ảnh 1.

"Sẽ có một thế hệ không mua được nhà". Ảnh chụp màn hình

Ngay khi bài viết này được đăng tải đã nhận được nhiều đồng cảm, chia sẻ của không ít người, đặc biệt là các thệ hệ cùng Gen.

Nhiều người thậm chí chia sẻ rằng, họ đã từ bỏ ước mơ mua nhà từ rất lâu vì quá mệt mỏi trên hành trình theo đuổi bất động sản cho riêng mình giữa bối cảnh giá cả ngày càng "leo thang" còn thu nhập vẫn "dậm chân tại chỗ", hoặc có tăng nhưng cũng không đáng kể.

Mua nhà Hà Nội, TP.HCM... ước mơ "viển vông" của giới trẻ

Trao đổi với Dân Việt, bạn Hoàng Thu Trang (25 tuổi), quê Nghệ An, ra Hà Nội học tập, làm việc đã hơn 6 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm với mức thu nhập hiện khoảng gần 12 triệu/tháng thì Trang gần như không còn nghĩ đến chuyện mua nhà Hà Nội.

"Có những tháng mình kịp ngày đóng đủ tiền phòng trọ là mình thấy may mắn rồi".

bạn Trang chia sẻ

"Việc chi trả cho cuộc sống hiện tại đã phải chắt chiu từng đồng thì mới có thể 1 tháng bỏ ra được số tiền tiết kiệm ít ỏi. Khả năng tài chính hiện tại không cho phép mình nghĩ đến chuyện mua nhà", Trang tâm sự.

Anh Phạm Hoàng Long (29 tuổi), quê Nam Định, hiện đang làm Trưởng phòng marketing cho một doanh nghiệp ở quận Thanh Xuân chia sẻ: Với thu nhập trung bình khoảng 30 - 40 triệu/tháng nhưng trang trải cuộc sống tại Hà Nội đắt đỏ nên chần chừ việc mua nhà trả góp.

"Tôi từng có ý định mua 1 căn hộ chung cư khoảng 6 năm về trước với giá nhà khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc đó mới ra trường nên khá phân vân vì sợ sau này không có công việc ổn định và lại còn đang phụ thuộc vào bố mẹ ở quê. Sau 4 năm, tôi quay lại hỏi căn tương tự ở khu đó thì giá nhà đã tăng tới gần 2,7 tỷ đồng", anh Long ngao ngán nói.

Hay với anh Triệu Quang Vinh (32 tuổi), đã kết hôn được 4 năm. Anh cho biết, mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được khoảng 40 - 50 triệu đồng nhưng cũng chưa dám tìm mua nhà. Anh đã từng tham khảo căn hộ 2 phòng ngủ ở ngoại thành nhưng đều trên 3,2 tỷ đồng. 

"Với gia đình 2 vợ đồng, 1 đứa con thì với số tiền 40 - 50 triệu đồng/tháng, không ăn, không tiêu, không ốm đau, không sài gì cả thì cũng phải mất gần 10 năm mới mua được căn nhà nhỏ. Và đương nhiên đây là điều không thể." - anh Vinh nói.

Anh Vinh cho biết: "Mình đang suy nghĩ tới phương án tiếp tục thuê nhà ở vùng trung tâm Hà Nội như hiện tại. Sau này, khi nghỉ hưu ở tuổi 60, sẽ chuyển hẳn về quê sinh sống. Hà Nội "đất chật người đông", không chỉ việc mua nhà mà cả các chi phí sinh hoạt khác cũng bị đẩy lên rất cao".

Thế hệ GenZ "chới với" vì giá nhà leo thang, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng chưa dám nghĩ đến mua nhà- Ảnh 2.

Mua nhà càng ngày trở thành càng trở thành ước mơ "viển vông" của 1 phần giới trẻ. Ảnh: Phạm Hưng

Mặt bằng giá chung cư Hà Nội hiện đang được rao bán ở mức trung bình 45 - 50 triệu đồng/m2, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Batdongsan.com.vn.

Trung bình, một căn hộ chung cư bình dân dưới 100 m2 ở Hà Nội hiện có giá khoảng 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng giá không đồng đều. 

Theo báo cáo thị trường của Savills: Giá sơ cấp đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.

Kể từ năm 2022 tới nay, theo số liệu của Savills, giá căn hộ đã ghi nhận tăng 10 quý liên tiếp.

"Tiếng chuông báo động" từ các chuyên gia: Giá nhà quá cao, cần có giải pháp cấp bách
Thế hệ GenZ "chới với" vì giá nhà leo thang, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng chưa dám nghĩ đến mua nhà- Ảnh 3.

"Giá bất động sản ở Việt Nam là không hợp lý" - ông David Do cho biết

Trên một diễn đàn do chương trình Shark Tank 4 tổ chức hồi tháng 8 năm ngoái, ông David Do, CEO VIG đã nói :"Giá bất động sản ở Việt Nam không hợp lý cho GenZ - những người mới ra trường. Vị chuyên gia này cho rằng, khi không thể mua nổi nhà, khoản tiền tích lũy được có thể bị "rải" vào các hoạt động giải trí như ăn uống, du lịch."

Cũng trong chương trình, Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse cho biết, giá bất động sản neo cao. Cứ hình dung sinh viên vừa ra trường hay một người đi làm, với tình trạng giá nhà cao, họ buộc phải có nhu cầu tăng lương để tăng khả năng mua nhà. Giá nhà tăng gấp 3 thì nhu cầu tăng lương cũng tăng tương ứng.

Thế hệ GenZ "chới với" vì giá nhà leo thang, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng chưa dám nghĩ đến mua nhà- Ảnh 4.

Shark Phú cho rằng giá trị sử dụng căn nhà thì không thay đổi chỉ có giá nhà thay đổi theo từng năm

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, chia sẻ: Một người lao động tiết kiệm được 30% thu nhập hàng tháng với mức lương văn phòng gần 15 triệu (tương đương 4,5 triệu đồng), sau 1 năm, họ chỉ có thể dành dụm khoảng 36 - 54 triệu đồng. 

Nếu muốn mua một căn nhà trị giá 3 tỷ đồng, người đó sẽ phải tiết kiệm liên tục trong 55 - 83 năm.

"Tôi đến giờ vẫn phải lập ngân sách chi tiêu. Trong đó, tôi theo dõi tất cả các khoản chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: 1 tháng) để hiểu rõ hơn về thói quen chi tiêu của mình. Phân loại chi phí: Chia các khoản chi tiêu thành các nhóm như: ăn uống, sinh hoạt, đi lại, giải trí,...", ông Hiếu tâm sự.

Để tiền không bị "rải" vào những hoạt động không cần thiết, ông Hiếu khuyến nghị giới trẻ nên áp dụng quy tắc 50/30/20: Dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho nhu cầu cá nhân và 20% để tiết kiệm và đầu tư.

Đầu tư có thể sinh ra một khoản lời lớn nếu ta biết nắm bắt cơ hội. Đầu tư là một trò chơi cờ. Mỗi nước đi đều ẩn chứa rủi ro và cơ hội. Những ván thua sẽ giúp ta rút ra bài học và trở thành một kỳ thủ lão luyện hơn."

Ông Hiếu chia sẻ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem