Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
BÀI: GIA KHIÊM
HÌNH ẢNH - CLIP - TRÌNH BÀY: CAO OANH
THIÊNG LIÊNG NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ
Một ngày thu đầu tháng 10, ông Nguyễn Thái An (78 tuổi, sống tại phố cổ Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cẩn thận lau lại tấm ảnh gia đình chụp cách đây gần 70 năm trước. Ông tiến lại ngắm nhìn bức ảnh chụp ông Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội cùng đoàn quân giải phóng đi qua tiệm vải Thái An trong ngày Giải phóng Thủ đô năm ấy - ngày 10/10/1954.
Suốt nhiều thập kỷ qua, ông An và người thân trong gia đình giữ gìn, nâng niu tấm ảnh. Trong tâm trí của mình, ông luôn khắc sâu những ký ức thiêng liêng, tươi đẹp về ngày thủ đô giải phóng, ngày lịch sử của Hà Nội và của cả Dân tộc. Để mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy niềm hạnh phúc hiện rõ trong ánh mắt ông!
Clip: Giây phút ngày Giải phóng Thủ đô: “Người người sung sướng mở toang cửa treo cờ hoa, reo hò Việt Nam độc lập”.
Ở tuổi thất thập nhưng dáng người ông An khoẻ khoắn, chất giọng nhẹ nhàng và rất thân thiện. Ông cười bảo người ở phố cổ Hà Nội xưa vẫn luôn mến khách.
Gia đình ông An trước đây vốn làm tơ lụa từ những ngày đầu hình thành con phố hàng Đào sầm uất, ông cũng là người con gốc Hà Nội.
Ông Nguyễn Thái An kể rành mạch lại thời khắc lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Gia đình ông treo trang trọng bức ảnh chụp ông Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội cùng đoàn quân giải phóng đi qua tiệm vải Thái An trong ngày đặc biệt ấy.
Ông An kể, sáng sớm ngày 10/10/1954, trời Hà Nội trút cơn mưa rào như rửa sạch cảnh nô lệ suốt bao năm qua. Khi ấy mới 11 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in tất cả mọi chuyện. Hôm đó tiệm vải Thái An của gia đình ông An cùng toàn bộ người dân Hà Nội đóng cửa chờ đợi giây phút các đơn vị quân đội từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô.
"Khi nói đến ngày Giải Phóng Thủ đô cả phố Hàng Đào này cũng như người Hà Nội đều mong đợi, ai cũng khát khao chờ ngày độc lập. Cửa hiệu đóng cửa, anh em chúng tôi hé mắt nhìn qua khe cửa ra ngoài. Từ sáng, lính Tây bắt đầu di chuyển đi qua phố Rue de la Soie (phố bán lụa và ngày nay gọi là phố Hàng Đào) về cầu Long Biên.
Lúc sau bộ đội Việt Nam tiến quân vào. Mọi người sung sướng mở toang cửa treo cờ hoa. Được một lúc thì Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng ăn mặc giản dị đứng trên xe ô tô vẫy chào bà con, trong sự reo hò của người dân. 4 từ "Việt Nam độc lập" được hô to, reo vang như những tràng pháo chào mừng ngày bộ đội ta tiếp quản thủ đô", ông An xúc động nhớ lại!
Phố Hàng Đào ngày nay, ngã năm bờ hồ Hoàn Kiếm nơi chứng kiến bao thăng trầm lịch sử và sự phát triển của Hà Nội suốt gần 7 thập kỷ vừa qua.
Với ông An và người dân Hà Nội, được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy là kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ quên!
"Bức ảnh chụp ông Trần Duy Hưng và lực lượng đoàn quân giải phóng được ghi lại khi đi qua tiệm tơ lụa Thái An nhà tôi, tôi luôn trân trọng và xem đây là một kỷ niệm đặc biệt. Bao năm qua tôi vẫn luôn gìn giữ kể cả nếp sống văn hoá trong gia đình", ông An chia sẻ.
Theo ông An, sau ngày Hà Nội giải phóng, quân Mỹ bắn phá miền Bắc, nhiều người gốc ở phố cổ Hà Nội đã di chuyển vào Nam làm ăn, sinh sống. Thế nhưng, gia đình ông vẫn quyết bám trụ lại Hà Nội cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Ông làm cán bộ tại Sở Thương Nghiệp Hà Nội (nay là Sở Công Thương Hà Nội). Được đi nhiều nơi, ông An được nhiều người yêu mến bởi chất giọng đặc trưng của người Hà Nội gốc.
Với ông An và người dân Hà Nội, được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy là kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ quên!
"Tôi vào miền Nam hay đi Đà Nẵng,… ai cũng yêu và thích chất giọng Hà Nội. Nói tiếng Hà Nội mọi người thấu hiểu, muốn giao lưu. Tôi nhớ một lần vào Đà Nẵng công tác, cán bộ thành phố nói "Biết đồng chí là người Hà Nội nên nhiều người rất muốn nghe chia sẻ".
Nghe thấy vậy tôi mừng lắm. Tôi thấy hãnh diện mình là người Hà Nội. Lúc về nhiều người bảo "sao tiếng Hà Nội hay thế?", có người còn ghé tai nói "tiếng Hà Nội của các anh đĩ thế!". Lúc đó tôi sợ mình sơ xuất điều gì để người ta chê bôi. Sau đó, có một cô gái nói nhỏ với tôi "tiếng Hà Nội làm em say đắm!". Lúc ấy, mình mới chột dạ à thì ra là vậy. Tất cả bởi tình yêu với Hà Nội!", ông An nhớ lại.
Theo ông An, người dân phố cổ Hà Nội có nét đặc trưng rất đặc biệt, tại các gia đình con cháu phải tự thân vận động để lo cho cuộc sống, không ỉ lại hay trông chờ vào người khác. Đó cũng là nét văn hoá người Tràng An.
"HÀ NỘI KHÔNG CÒN QUYẾN RŨ NHƯ XƯA"
Trải qua gần 7 thập kỷ phát triển kể từ sau ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã có những bước chuyển mình như vũ bão. Các công trình giao thông, nhà cao tầng mọc lên như nấm. Từ dân số khoảng hơn 200.000 người (năm 1954) nay đã lên hơn 8.300.000 người.
"Do dân số quá đông, nét văn hoá của Hà Nội hiện không giữ được như xưa. Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển bắt kịp xu hướng thế giới có những thứ chúng ta chấp nhận không giữ được nguyên vẹn. Chính vì vậy, Hà Nội không còn sự quyến rũ như xưa!
Tôi nhớ trước đây, có một bà nhà quê đi trên đường ngã gục ngay trước nhà mình. Lúc này me (mẹ tôi) nhắc người làm u già, u em đưa vào trong nhà đánh gió cho tới khi tỉnh lại. Khi bà ấy tỉnh dậy, thầy me tôi bảo người làm mang cơm nước cho họ ăn, rồi cho người làm đưa họ về, còn cho họ ít tiền nữa. Một thời gian sau người phụ nữ đó đã quay lại tay mang xu hào, bắp cải, hai bên 2 con gà đến biếu gia đình tôi. Nét sống người Hàng Đào nói riêng và người Hà Nội nói chung yêu nước vô cùng kể cả trong đối nhân xử thế", ông An chia sẻ!
Hình ảnh Nhà hát lớn Hà Nội năm 1954 và gia đình ông Nguyễn Thái An.
Mặc dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng PGS.TS Hà Đình Đức lại yêu mến và gắn bó với mảnh đất này bằng một tình yêu nồng nàn suốt 60 năm qua. Ở tuổi 82, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn khỏe mạnh, hàng ngày vẫn dày công nghiên cứu về văn hoá Hà Nội. PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ, ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô là ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân Hà Nội, cũng như lịch sử đất nước.
Mỗi lần kỷ niệm giải phóng Thủ đô là một lần ôn lại lịch sử Hà Nội. Nhân kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954/2006 ông đã viết bài:"Hồ Gươm chiều sâu tâm linh dân tộc" đăng trên Tạp chí Hội Nhà báo Hà Nội, ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác về văn hoá Hà Nội đăng tải trên nhiều phương tiện đại chúng.
Ở tuổi 82, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn khỏe mạnh, hàng ngày vẫn dày công nghiên cứu về văn hoá Hà Nội. Trong không gian gia đình là cả kho tàng sách báo do ông Đức sưu tầm, nghiên cứu.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm, song với lòng nhiệt huyết, đam mê được cống hiến cho Thủ đô ở ông chưa khi nào nguôi. Mỗi khi nhắc đến Hồ Gươm, rùa Hồ Gươm hay bất cứ nét văn hóa nào của người Hà Nội, ánh mắt ông vẫn tràn đầy xúc động.
Ông có thể dành thời gian cả ngày để nói về Hà Nội. Đặc biệt, những nghiên cứu thâm sâu về văn hóa, lịch sử đã làm cơ sở để ông đề xuất lấy ngày vua Lê đăng quang tại điện Kính Thiên (15 tháng Tư âm lịch) hằng năm làm ngày lễ hội của Hà Nội và đã được chấp nhận.
Năm 2009, ông nêu ý tưởng về xây cột mốc "Hà Nội Km 0" tại hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đưa ra đề xuất tôn tạo khu tưởng niệm Vua Lê. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông kiến nghị đặt tên Đào Cam Mộc – người có công đầu tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua – cho một đường phố ở Thủ đô.
Đến nay Hà Nội đã có một con phố ở huyện Đông Anh mang tên Đào Cam Mộc… Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều bài viết về văn hóa của người Hà Nội, ai là người Hà Nội gốc. Với công lao đóng góp cho Hà Nội, năm 2012 ông được vinh danh là Công dân Thủ đô Ưu tú.
Mỗi khi nhắc đến Hồ Gươm, rùa Hồ Gươm hay bất cứ nét văn hóa nào của người Hà Nội, ánh mắt PGS.TS Hà Đình Đức vẫn tràn đầy xúc động.
Có người sống nhiều đời ở Thủ đô, thân thuộc đến từng chân tơ kẽ tóc, nhưng rồi cũng khó gọi tình yêu đó thành con chữ. Ông kể, là một thầy giáo, một nhà nghiên cứu sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội, ông trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, yêu Hà Nội từ con người trung thực, hào hoa đến thiên nhiên tươi đẹp.
Ông cho rằng dù cuộc sống xoay vần, đời sống tinh thần chịu nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường. Xong, đáng lo ngại văn hoá chưa được quan tâm gìn giữ, để thế hệ trẻ bây giờ tự do a dua. Thậm chí thiếu tôn trọng những nếp sống cũ của bậc cha ông, cho rằng các thế hệ đi trước lỗi thời.
Công dân Ưu tú Thủ đô cho rằng, thành phố nên có những quyết sách giữ gìn và phát triển nét văn hoá truyền thống của Hà Nội. "Tôi mong rằng những giá trị tốt đẹp của Hà Nội sẽ được xây dựng phát triển tốt hơn. Lãnh đạo thành phố gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân đưa thành phố phát triển không ngừng. Đặc biệt, trước mắt điều đáng quan tâm đó là ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, cuộc sống bình yên kinh tế hồi phục và phát triển, nền văn hoá cũng sẽ gìn giữ được những giá trị tốt đẹp", PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.