Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 vừa diễn ra, một số đề xuất về quy mô của gói hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế được đưa ra. Trong đó, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính, đưa ra đề xuất quy mô gói hỗ trợ chỉ nên ở mức 4%GDP (không tính chi phí y tế).

Trước đó, có ý kiến cho rằng, sẵn sàng chấp nhận bội chi tới 10% GDP để có được gói hỗ trợ "càng lớn càng tốt" vực dậy nền kinh tế.

Được biết, kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2022. Tại đây, cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn nội dung dự kiến được trình Quốc hội xem xét.

Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính xung quanh những đề xuất này.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 1.

Thưa ông, thời gian gần đây đã có rất nhiều đề xuất liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế. Điều đáng nói, qua ước tính không phải cứ quy mô gói hỗ trợ lớn nhất thì tăng trưởng GDP sẽ đạt được ở mức cao nhất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Quy mô các gói hỗ trợ và những tác động tới tăng trưởng GDP hay các cân đối vĩ mô khác nhau giữa các đề xuất là điều hết sức bình thường. Về cơ bản đó chỉ là cách tính toán dựa trên các mô hình và giả định khác nhau. Hơn nữa đó mới chỉ là những đề xuất, Quốc hội, Chính phủ còn phải cân nhắc rất nhiều mới có thể đưa ra quyết định.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 2.

Việc đưa ra chương trình hỗ trợ là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra là dư địa tài khóa của Việt Nam có đủ để thực hiện một chương trình hỗ trợ đủ lớn, đủ dài cho nền kinh tế hay không, thưa ông?

- Tôi cũng đồng tình với ý kiến nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đã đưa ra đó là dư địa tài khóa của Việt Nam vẫn còn. Điều này được thể hiện qua các yếu tố sau.

Thứ nhất, thu ngân sách năm 2021-2022 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn đạt dự toán.

Thứ hai, nợ công chiếm tương đương 43,7% GDP, thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép, song nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đã gần ngưỡng 25 % tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 3.

Thứ ba, cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành TPCP) với lãi suất thấp, kỳ hạn dài hơn. Qua 12 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021).

Thứ tư, việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công thời gian qua là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để có thể duy trì mở rộng giai đoạn 2022-2023.

Thứ năm, gói hỗ trợ mà Việt Nam đã sử dụng không quá lớn và vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng lên. Nghiên cứu gần đây của IMF về chính sách tài khóa hỗ trợ sau Covid -19 của Việt Nam cho rằng chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam còn ít và thận trọng (thấp hơn trung bình các nước trong khu vực). Tổng gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đến 9/2021 (cả gián tiếp và trực tiếp) chỉ vào khoảng 2,84 % GDP.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 4.

Tổng gói hỗ trợ tài khóa của Việt nam đến 9/2021 (cả gián tiếp và trực tiếp) chỉ vào khoảng 2,84 % GDP.Ảnh: Vinfast - Reuter

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta có thể có rất nhiều lựa chọn khi xây dựng gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế từ chính sách tài khóa, thưa ông?

- Dư địa tài khóa còn, tuy nhiên, theo tôi mở rộng dư địa tài khóa cũng đứng trước những thách thức lớn.

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN.

Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế các quốc gia trong đó có Việt Nam. Dự báo tăng trưởng kinh tế có khác nhau giữa các tổ chức song đều có điểm chung là nhận định: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2022-2025 sẽ rất khó dự đoán vì phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống chọi với dịch bệnh.

IMF ước tính đại dịch đã làm giảm thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế phát triển 2,8% mỗi năm, tương ứng với xu hướng trước đại dịch giai đoạn 2020-2022, so với mức sụt giảm bình quân đầu người hàng năm ở mức 6,3% mỗi năm đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc).

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 5.

(Số liệu 2021 là ước tính, số liệu được tính theo GDP chưa điều chỉnh)

Thứ hai, thách thức của việc cơ cấu lại chi thường xuyên, thay đổi hiệu suất của chi thường xuyên trong tổng chi NSNN. Một trong những lý do của việc giảm tỷ lệ chi thường xuyên năm 2020-2021 là việc không tăng lương cùng với việc cắt giảm mạnh các khoản chi trong bối cảnh Covid. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ có tính ngắn hạn và không thể duy trì trong dài hạn. Hơn nữa, việc tiết kiệm chi thường xuyên còn mang tính cơ học đôi khi sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực khi hầu hết các khoản chi thường xuyên bị cắt giảm là chi khác ngoài chi cho lao động. Điều này có thể tạo rủi ro làm giảm kết quả đầu ra với các dịch vụ công và tăng gánh nặng đóng góp cho người dân khi sử dụng dịch vụ.

Thứ 3, thách thức với chấp hành chi tiêu ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và đúng dự toán. Tỷ lệ chi đầu tư nhiều năm gần đây thấp hơn dự toán cho thấy khả năng quản lý NSNN trong lĩnh vực đầu tư còn nhiều hạn chế so với chi thường xuyên. Hơn nữa, vấn đề này sẽ còn là thách thức lớn hơn khi quản lý NSNN sang phương thức quản lý theo kết quả thực hiện.

Thứ tư, thách thức từ tính bền vững của nguồn thu. Ngân sách vẫn đang phụ thuộc lớn vào một số nguồn thu không bền vững và khó dự tính chính xác như thu từ tài sản nhà nước, thu từ cấp quyền sử dụng đất…Các khoản thu này vẫn chiếm xấp xỉ 16 % tổng thu NSNN những năm gần đây. Điều này cũng làm hạn chế dư địa tài khóa vì các khoản thu này không ổn định và sẽ có xu hướng giảm đi trong dài hạn.

Thứ năm, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn với các khoản vay từ 2022-2025

Tóm lại, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Vì vậy, quy mô gói hỗ trợ đưa ra từ ngân sách nhà nước cần phù hợp với khả năng huy động và sử dụng nguồn lực.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 6.

Mở rộng dư địa tài khóa cũng đứng trước những thách thức lớn. (Nguồn: Nikkei)

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 7.

Đây có phải là lý do ông và nhóm nghiên cứu chỉ đề xuất gói hỗ trợ với quy mô khiêm tốn nhất so với các đề xuất của các đơn vị khác. Ông có thể lý giải cụ thể hơn về điểm khác biệt này?

- Có một số ý kiến cho rằng gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế càng lớn càng tốt nhưng quan điểm của tôi thì khác. Với những gói hỗ trợ quá lớn sẽ có các vấn đề.

Thứ nhất về mặt nguồn lực, chúng ta không có đủ nguồn để đáp ứng với những gói hỗ trợ lên tới 8 – 10%GDP.

Hai là, hấp thụ được hay không? Theo tôi, làm gì thì làm thì phải tính có tiêu được không, bởi vì đầu tư công giải ngân 11 tháng mới chỉ đạt 63,86% kế hoạch - tiền còn một đống, nếu bơm thêm ra nữa có tiêu được không? Hay như việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hiện tại doanh nghiệp họ khó khăn cơ hội không nhiều thì làm sao hỗ trợ được. Đừng tưởng có tiền tiêu dễ, tiêu vào đâu cho hiệu quả đó mới là vấn đề.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 8.

Ba là, sẽ có những rủi ro trong dài hạn bởi tiền dư dẫn tới áp lực về lạm phát.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất theo tôi chính là tính bất định. 

Tôi cho rằng, tính bất định của đại dịch rất lớn, nếu sử dụng hết dư địa tài khóa sẽ dẫn đến rủi ro, cũng giống như việc chúng ta là con nhà nghèo chúng ta không thể "chơi bài tất tay" được, mà phải còn 1 phần nào đó để đề phòng bất định.

Theo ước tính của chúng tôi, để đối phó với dịch bệnh Covid, trong trung hạn Việt Nam sẽ cần chi thêm mỗi năm cho y tế từ 0,8-1 % GDP (chi mua vaccine, chi y tế dự phòng, xây dưng các trung tâm phòng ngừa dịch bệnh vùng, chi cho khám chữa bệnh...). 

Do đó, nếu chúng ta sử dụng gói tài khóa quá lớn thì dư địa còn lại cho chúng ta sẽ không nhiều trước những rủi ro bất định. Bất định là gì, chính là rủi ro Covid.

Đối với thách thức từ bên ngoài khi giá nguyên liệu tăng dẫn tới áp lực lạm phát cho Việt Nam. Hiện nay, áp lực lạm phát đối với Việt Nam chưa lớn nhưng biết đâu được đến lúc nào đó áp lực tăng vọt lên thì sao. Chúng ta phải cẩn trọng, không thể "tất tay" với dư địa tài khóa là như thế.

Chúng tôi sử dụng các tính toán thì cho thấy nếu chúng ta có thể sử dụng gói tài khóa ở mức độ vừa phải, trong 2 năm là khoảng 3,8 - 4% GDP chưa tính đến chi phí y tế, còn nếu tính cả chi phi phí y tế lên tới khoảng 5,8% - 6% GDP.

Ông có thể nói cụ thể hơn về gói hỗ trợ được đề xuất?

- Theo tính toán của chúng tôi để đạt tăng trưởng 6,5 % cho năm 2022, Việt Nam cần chi thêm khoảng 243 nghìn tỷ so với năm 2021. So với số liệu dự toán NSNN năm 2022 của Bộ Tài chính thì cần tăng thêm bội chi là 1,8 % GDP cho năm 2022 (so với dự toán là 4 %), bội chi mới sẽ là 5,8 %. Năm 2023, có thể giảm gói hỗ trợ tài khóa xuống và mức bội chi dự kiến còn 4,2 % (so với 3,7 % như Dự thảo ngân sách trung hạn) và từ 2024 số bội chi sẽ giảm xuống còn 3 % (thay vì 3,5 % như dự thảo)

Kịch bản này cho thấy Việt Nam chỉ cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4-2,8 % GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4 % GDP cho năm 2023 (theo số GDP mới). Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ mức bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3 % GDP. Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48 % GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng không đáng kể khi chính phủ sẽ huy động các khoản vay qua TPCP dài hạn.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 9.

(Nguồn: tính toán của Vũ Sỹ Cường và Đặng Ngọc Tú, các giá trị r, rf, rw, nợ công là số liệu tính toán trên cơ sở các giả định về tăng trưởng, bội chi, lạm phát, lãi suất danh nghĩa).

Ông đã từng nói rằng, không phải cứ "ném" nhiều tiền ra nền kinh tế là hỗ trợ. Đến thời điểm này ông có còn giữ quan điểm này hay không và có thể hỗ trợ bằng cách nào khác nếu như không cần "ném" nhiều tiền, thưa ông?

- Có nhiều cách hỗ trợ. Ngoài những cách như đã triển khai đó là phát tiền hỗ trợ qua thuế (miễn, hoãn, giảm thuế), có thể cho phép chuyển lỗ dài hạn cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng lớn, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thu hút trở lại lao động.

Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất năm 2022-2023 có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí (doanh nghiệp bỏ chi phí thì nhà nước sẽ hỗ trợ tăng thêm bằng giảm trừ thuế TNDN phải nộp).

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 10.

Vậy còn chính sách tiền tệ thì sao?

- Mặc dù năm 2022 có tồn tại rủi ro lạm phát từ quốc tế song do tổng cầu trong nước rất yếu với việc tổng giá trị bán lẻ hàng hóa quý 3 sụt giảm mạnh, Chỉ số giá tiêu dùng trong 11 tháng tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất từ năm 2016 thì khả năng cho mở rộng chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa nhất định.

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 11.

Vì vậy, để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng nhà nước có thể xem xét một số giải pháp như điều chỉnh các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn), cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở nhóm các ngân hàng tốt (nhằm hạ lãi suất cho vay). 

Ngân hàng nhà nước cũng có thể xem xét việc điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc huy động và cho vay. Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng nên được xem xét. Tuy nhiên, cần hết sức tránh các nguy cơ của lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức.

Xin cám ơn ông!

“Tiền còn một đống, bơm thêm nữa có tiêu được không?” - Ảnh 12.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem