Tình huống pháp lý vụ buôn lậu 198kg vàng từ Campuchia về Việt Nam

Quang Trung Thứ bảy, ngày 01/10/2022 17:57 PM (GMT+7)
Cơ quan cảnh sát điều tra (C03 - Bộ Công an) vừa triệt phá thành công đường dây buôn lậu vàng với số lượng lớn qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Triệt phá đường dây buôn lậu 198kg vàng từ Campuchia về Việt Nam

Theo đó, ngày 28/9, C03 chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an TP.HCM và Tây Ninh áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ các nghi can, triệt phá đường dây buôn lậu này.

Tình huống pháp lý vụ buôn lậu 198kg vàng từ Campuchia về Việt Nam - Ảnh 1.

Tang vật thu giữ trong vụ án nhập lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam. Ảnh: Bộ Công an.

Cơ quan điều tra nhận định đây là đường dây buôn lậu rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều nghi can tại nhiều địa phương.

Các nghi can điều hành đường dây buôn lậu với thủ đoạn tinh vi, thiết lập đường dây khép kín, thu gom ngoại tệ (USD) từ Việt Nam chuyển qua Campuchia mua vàng rồi mang về trong nước tiêu thụ.

Kết quả phá án bước đầu làm rõ, riêng trong hai ngày 27 và 28/9, nhóm nghi can trong đường dây này đã nhập lậu 198kg vàng.

C03 cũng đã xác định được nghi can chủ mưu cầm đầu, vận chuyển, tiêu thụ vàng lậu. Ban chuyên án đã thu giữ 103kg vàng, hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỷ đồng cùng nhiều phương tiện, thiết bị, vật chứng liên quan.

Buôn lậu 198kg vàng từ Campuchia về Việt Nam có thể bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, vàng USD là ngoại hối, việc mua bán, vận chuyển phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Hành vi của các đối tượng trong vụ án này không chỉ là vận chuyển trái phép vàng và USD qua biên giới mà còn là hành vi mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không khai báo hải quan, không được sự cho phép của cơ quan chức năng nên hành vi này đã cấu thành tội "Buôn lậu".

Theo ông Cường, như vậy, trường hợp số lượng vàng trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc các đối tượng thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, các đối tượng có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất của tội "Buôn lậu" theo quy định của Điều 188 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có pháp nhân nào thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu hay không. Nếu có có căn cứ cho thấy có pháp nhân vi phạm pháp luật, hình phạt có thể là phạt tiền từ 3 đến 7 tỷ đồng.

Nếu thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt có thể tăng lên 7 đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ông Cường phân tích, hành vi phạm tội buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với hành vi buôn lậu vàng bằng cách thu gom ngoại tệ rồi mang ra nước ngoài mua còn là hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước, tạo ra bất bình đẳng trong xã hội, thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ngoài số lần buôn lậu bị phát hiện lần này, các đối tượng đã thực hiện trót lọt bao nhiêu lần, số lượng bao nhiêu để giải quyết triệt để vụ án.

Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có những hành vi vi phạm pháp luật khác hay không như rửa tiền, trốn thuế, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đồng thời làm rõ có hay không hành vi buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem