Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nếu như trước đây, "chuyển đổi số" với người nông dân vốn là điều gì đó rất xa vời, thì đại dịch Covid-19 đã thực sự làm thay đổi tư duy của họ. Từ những người nông dân quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", họ đã bắt đầu chủ động tìm đến công nghệ, tìm đến mạng xã hội. Câu chuyện về trái bưởi Phúc Trạch là một thí dụ minh chứng cho sự "chuyển mình" của nông sản Việt sau đại dịch. Trong suốt thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy đã thực hiện cấp "thẻ xanh" cho xe chở nông sản, thế nhưng khâu vận chuyển vẫn gặp nhiều khó khăn, thương lái không thể đến vườn mua trực tiếp, các đầu mối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đều giảm sút mạnh. Trước tình hình đó, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cùng bà con nông dân đã mạnh dạn thực hiện "chuyển đổi số" cho quả bưởi, kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Người dân trồng bưởi tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đưa quả bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử thành công
Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, kết nối trực tuyến hơn 300 điểm cầu. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hà Tĩnh
Không chỉ bưởi Phúc Trạch, nhờ bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, ứng dụng trồng vải theo quy trình GlobalGap mà dân trồng vải tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã có một vụ mùa 2021 bội thu. Không những không còn cảnh được mùa rớt giá như một số năm, thủ phủ vải thiều Thanh Hà năm nay được thu mua với giá khá cao và có thêm đơn hàng xuất khẩu bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trái vải thiều Thanh Hà được gắn tem truy xuất nguồn gốc và lên sàn thương mại điện tử.
Người dân trồng vải Thanh Hà tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã gặt hát “trái ngọt” ngay trong đại dịch Covid-19.
Thành công của những nông sản trên trên chính là điển hình cho rất nhiều mặt hàng nông sản Việt thay đổi trong tư duy sản xuất – tiêu thụ ngay trong khó khăn của đại dịch, tiến đến gần hơn với nông nghiệp hiện đại tại nước ta. Nhờ những điển hình chuyển đổi số trong dịch bệnh, ta thấy được một điểm sáng trong nông sản Việt đó là người nông dân – nguồn lực quan trọng nhất của nông nghiệp đã có sự "chuyển mình". Họ không còn là người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Người nông dân giờ đây đã biết nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường, tự tiêu thụ hàng hoá bằng công nghệ tiên tiến. Từ đó ra đời nhiều mô hình thông minh, hiện đại đang dần hình thành: như cánh đồng thông minh, công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, hoa cây cảnh, rau màu... Không chỉ vậy, ngày càng nhiều các hộ gia đình, Hợp tác xã tham gia sản xuất nông sản theo chương trình OCOP, VietGap, GlobalGap,… giúp nâng tầm thương hiệu và giảm giá thành.
Dịch Covid -19 do đó vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nông sản nước ta đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, người dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo nên dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tương lai.
Nhìn vào bức tranh tổng thể của nông sản Việt hậu Covid-19, có thể thấy rõ ràng vai trò to lớn của "chuyển đổi số" trong nông nghiệp. Một "nông dân chuyển đổi số" mỗi khi vào vụ mới sẽ lựa chọn cây trồng dựa vào ứng dụng tư vấn trồng trọt trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này tích hợp các dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng đất trồng, dự đoán về thời tiết địa phương, thậm chí nhu cầu thị trường và giá nông sản cho từng mùa vụ, từ đó có những phân tích và đưa ra các gợi ý để nông dân xác định được cây trồng nào có tiềm năng nhất. "Nông dân chuyển đổi số" mở điện thoại, chọn ứng dụng tìm kiếm thuê máy cày, giống như người dân ở thành phố chọn Uber, Grab; dùng các ứng dụng tư vấn trồng trọt để cập nhật thông tin sâu bệnh và phương án phòng trừ nhằm tránh thiệt hại. Khi thu hoạch, "nông dân truyền thống" chở nông sản đi chợ bán và bị ép giá, còn "nông dân chuyển đổi số" bán nông sản của mình trên một sàn thương mại điện tử. Nền tảng này cũng đảm nhận luôn cả công tác hậu cần, vận chuyển…
Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trước đây, nông dân vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tham gia được các lớp tập huấn khuyến nông mà còn tiếp cận được nhiều dịch vụ khác.
Sự nhanh nhẹn trong thích ứng và linh hoạt trong tư duy sản xuất – tiêu thụ đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho nông sản Việt trong thời kì đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực và triển vọng mà các giải pháp mang lại, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận về các hạn chế của các giải pháp để hướng đến sự phát triển lâu dài và ổn định cho Nông sản Việt. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích: Đặc điểm ngành nông nghiệp là sản xuất phân tán theo địa phương với 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ. Cùng với đó, tính chuyên nghiệp của nông dân chưa có, trong khi đó, thông tin dữ liệu về nông dân cũng còn thiếu nhiều… Vì vậy, việc chuyển đổi số khá khó khăn.
Không thể không thừa nhận rằng, việc đưa nông sản lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,… đã giúp nhiều loại nông sản tránh được tình trạng ùn ứ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp, điều này lại làm giảm đi cơ hội của một bộ phận người dân không đủ sức tiếp cận với công nghệ hiện đại vì nhiều lý do như tuổi tác, không có thiết bị công nghệ thông minh, chưa học kịp hoặc không biết chữ, không có đủ nguồn vốn đầu tư…
Mặt khác, người nông dân và đơn vị vận chuyển chưa có kinh nghiệm trong khâu sơ chế, đóng gói, vận chuyển với những sản phẩm tươi sống, ngắn ngày, dẫn đến tình trạng nhiều đơn hàng nông sản không được đóng gói kĩ càng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khâu vận chuyển quá lâu khiến thực phẩm không còn đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng cũng là một hạn chế lớn.
Trong khi đó, hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản còn bộc lộ nhiều yếu kiếm, chưa chú trọng vào các cửa hàng bán lẻ, không có hệ thống các cửa hàng chỉ dẫn khiến người mua gặp khó khăn trong tìm kiếm các sản phẩm nông sản chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Còn người bán mang tâm lý chán nản, buông xuôi khi minh bạch nguồn gốc không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại những giá trị to lớn, giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán được giá cao nhất. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung lại có thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ nên phải thừa nhận, để chuyển đổi số thành công không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều cho rằng, với những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, các bước đi trong chuyển đổi số đã đến lúc cần phải làm ngay, không chậm trễ, nhưng phải từng bước chắc chắn, thận trọng.
Thích ứng bền vững vừa là đòi hỏi bắt buộc nhưng cũng là hướng đi lâu dài cho cả nông dân và doanh nghiệp và cả các cấp quản lý trong sản xuất – tiêu thụ nông sản Việt. Đó là con đường không dễ dàng nhưng là con đường tất yếu để có thể sống, làm giàu từ nông sản nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Để giải quyết căn cơ bài toán trong chuỗi sản xuất tiêu thụ, cần tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ số để liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ, minh bạch trong khâu sản xuất, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và an toàn thực phẩm, trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công đối với nông sản.
Đầu tư thiết lập một bản đồ nông nghiệp số dựa trên 7 vùng sinh thái nông nghiệp. Từ đó xác định giống cây, con vật, quy mô, sản lượng, mùa vụ phù hợp với từng địa phương. Dự báo thường xuyên và cảnh báo sớm về cung cầu thị trường thông qua nhiều kênh, kể cả truyền hình, mạng internet, mạng xã hội...
Phát huy tối đa thế mạnh từ liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã sẽ giúp ổn định và minh bạch trong khâu tiêu thụ hàng hoá. Nông dân liên kết với nông dân thành Hợp tác xã, Hợp tác xã liên kết với nhau tạo thành liên minh Hợp tác xã, các liên kết này hỗ trợ nhau tạo thành mắt xích chặt chẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ.
Hướng đến xây dựng thành công bản đồ số nông nghiệp tạo sự thuận tiện cho cả người mua và người bán. Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi. Đồng thời trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế mua hàng theo phương thức truyền thống, cần tăng cường hợp tác giữa người sản xuất với các sàn thương mại điện tử để cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua các kênh online. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và lựa chọn thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động tham gia và tích cực đưa ra các đề xuất mới về mở cửa thị trường; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại. Xây dựng và quảng bá hình ảnh về nông sản Việt Nam đến thị trường thế giới.
Quan trọng nhất đó là nâng cao năng lực và từng bước thay đổi tư duy của người nông dân, giúp người nông dân tiếp cận khoa học – kỹ thuật, làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến nông sản (sơ chế, bảo quản, đóng gói…); phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho chứa, nhất là kho lạnh đáp ứng các yêu cầu/tiêu chuẩn bảo quản của các thị trường bằng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Thực hiện chuyển đổi số, đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, phân phối.
Trận chiến đến từ đại dịch này đã buộc chuỗi cung ứng – sản xuất nông sản Việt phải nhìn nhận lại và thực sự thay đổi. Những thay đổi mang xu hướng tích cực sẽ giúp nông sản Việt và ngành nông nghiệp nước ta phát huy nội lực, giải quyết được bài toán căn cơ về sự phát triển lâu dài, kiên định vững vàng hơn trong tương lai.
Thực hiện: Hải Yến
Vui lòng nhập nội dung bình luận.