img img
 

- Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo ở Nam Định, năm 1954 di cư vào Nam. Bố tôi từng là cựu sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và sau năm 1975 đi học tập cải tạo cho tới năm 1981. Tôi học xong trung học thì năm 1988 vượt biên sang Thái Lan, năm 1991 đến Mỹ. Bố tôi cũng gia đình sang Mỹ năm 1991 theo diện HO. Ở Mỹ tôi học ngành đồ họa, năm 2002 tham gia lĩnh vực báo chí, làm Tổng thư ký tờ Việt Weekly. Năm 2006 tôi về Việt Nam lần đầu và tiếp tục về Việt Nam nhiều lần sau đó, rồi sinh sống ở Việt Nam từ 2013 tới nay.

img img

Chuyến vượt biên của anh năm 1988 hẳn nhiều nguy hiểm?

- Khi cả gia đình quyết định cho tôi đi thì đó là mùa cuối phong trào vượt biên. Nhiều người trong Nam lúc đó muốn đi vì lý do kinh tế chính trị, họ hàng ở Mỹ lại khá đông. Gia đình tôi đóng 3 cây vàng cho chỗ của tôi. Lúc đó là tôi phải đánh đổi số mạng mình, không có gì bảo đảm khi ra biển. Chuyến tàu của tôi 67 người, thật sự sợ hãi. Chúng tôi từng gặp hải tặc, bị chúng lấy hết mọi thứ rồi thả cho tàu trôi đi lênh đênh trên Vịnh Thái Lan suốt 2 -3 ngày đêm, chúng tôi trải qua đói khát trên tàu, chứng kiến nhiều hình ảnh ghê rợn. Khi đến một hòn đảo của Thái Lan, tôi gặp Cao ủy LHQ về người tị nạn và đồng ý ra tòa làm nhân chứng, tôi kể hết hành trình đó, đó là lý do tôi ở lại Thái Lan rất lâu, dù là là con sĩ quan tôi có thể được ưu tiên tới Mỹ.

img img

Sang Mỹ cuộc sống của anh ra sao? Có thể đoán là anh mang đầy thù ghét sau một chuyến đi như vậy?

- Lúc ở Thái Lan tôi đã nghe hết mọi chuyện về cuộc sống ở Mỹ, tôi đã biết đó không phải thiên đường. Sang Mỹ chúng tôi gặp đầy khó khăn về ngôn ngữ, công việc, đời sống. Lúc đó đất nước khó khăn, gia đình tôi khó khăn, trong nước còn chuyện xét lý lịch, phân biệt dữ lắm, bản thân tôi khi còn ở nhà cũng bị xét lý lịch thời điểm đó để vào đại học.

Sang Mỹ, tôi là một thanh niên trẻ, sống trong cộng đồng, nhất là ở Nam California, lúc đó phong trào chống cộng rất mạnh, tất cả những sinh hoạt đó tác động đến tôi. Thì đương nhiên tôi cũng tham gia, tôivẽ nhiều bức hý họa lên án chế độ trong nước đăng nhiều báo của người Việt ở hải ngoại. Nhưng rồi tôi nhận thấy việc chống cộng trong cộng đồng có nhiều dấu hiệu cường điệu lên, có những người chống cộng lừa dối đồng hương để thu lợi cho mình. Lúc đó chưa có Internet, báo chí bên đó đưa tin trong nước thì lấy toàn tin tiêu cực. Năm 2004 tôi và một số anh em lập ra tuần báo Việt Weekly. Chính vì làm báo, tìm hiểu nhiều hơn thì chúng tôi thấy Việt Nam có nhiều chuyện khác hơn những chuyện mà cộng đồng nói ra. Năm 2006 Việt Nam tổ chức APEC, chúng tôi đăng ký báo chí đưa tin chính thức để xem có được về thật không, và chuyến đi đó thay đổi tôi rất nhiều.

Những dấu hiệu cường điệu và lừa dối đồng hương diễn ra như thế nào mà khiến anh suy nghĩ khác về một cộng đồng mà anh và gia đình anh là một phần của cộng đồng đó?

- Tôi nhớ năm 1999 có sự kiện chấn động cộng đồng: Một ông chủ tiệm băng đĩa ở quận Cam lúc đó tên Trần Trường, treo cờ đỏ sao vàng ở tiệm của mình với lý do tự do ngôn luận. Nhiều người trong cộng đồng phản ứng dữ dội, chống lại ông Trường đó và gây quỹ, xâu xé niềm tin của đồng bào hải ngoại. Trong khi đó báo chí Mỹ lại bênh ông Trường vì ủng hộ tự do ngôn luận. Những cuộc tranh luận mạnh mẽ đã diễn ra giữa hai bên.

Một tờ báo Mỹ có một phóng viên gốc Việt là Phan Trần Hiếu làm phóng sự về Trần Trường, báo chí Mỹ mới chú ý khúc mắc của cộng đồng người Việt và người ta vỡ ra nhiều điều. Lâu nay người ta nghĩ đó là một cộng đồng đồng nhất. Tờ báo đó cử anh Hiếu về Việt Nam đến quê của Trần Trường ở miền Tây, tìm hiểu tại sao Trường lại thay đổi.Tôi đặt câu hỏi, tại sao cộng đồng nhân danh dân chủ mà họ phản đối cả tờ báo Mỹ đang bảo vệ quyền được nói của ông Trường. Tại sao anh phóng viên là người gốc Việt mà không chống cộng. Những điều đó làm tôi thật sự bàng hoàng.

img img

Và vì thế Việt Weekly là một tiếng nói khác trong cộng đồng khi ấy?

- Vâng, vào sự kiện APEC năm 2006, Việt Weekly là cơ quan báo chí duy nhất của người Việt ở hải ngoạiđăng ký về Việt Nam đưa tin. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco chắc biết tôi từng có những ký họa chống cộng, nhưng chấp nhận để chúng tôi về. Họ chỉ yêu cầu có lịch trình làm việc cụ thể, không làm chuyện khác ngoài mục đích báo chí, tường trình khách quan, có phê bình đóng góp ý kiến nhưng phải khách quan.

Thật ra thì trong những năm 2003 – 2006 Việt Weekly đã là một tiếng nói khách quan nhất trong cộng đồng, tạo diễn đàn đăng tải nhiều ý kiến nhiều chiều về các vấn đề chính trị xã hội. Chắc Tổng Lãnh sự quán cũng biết điều đó nên đã tạo điều kiện cho chúng tôi về. Thời gian đó có việc linh mục Nguyễn Văn Lý đấu tranh tôn giáo được cộng đồng người Việt bên kia rất ủng hộ, hình ảnh công an viên bịt miệng ông Lý ở phiên tòa gây xôn xao cộng đồng. Chúng tôi đã đề xuất về làng Nguyệt Biều quê của ông Lý và phía Việt Nam cho chúng tôi đi. Tuy có người đi kèm nhưng chúng tôi được tự do phỏng vấn, ghi nhận sự thực, thì giáo dân họ phần lớn cho rằng ông Lý chính trị hóa các sự việc tôn giáo. Chúng tôi có nhiều thông tin mới về vụ ông Lý.

img

Cũng trong lần về Việt Nam đó Việt Weekly phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành công. Lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Việt Nam trả lời báo chí hải ngoại. Chúng tôi nêu lên những quan tâm của người Việt ở Mỹ, then chốt chúng tôi đặt thẳng câu hỏi về điều 4 hiến pháp, ông trả lời rất thẳng thắn. Về Mỹ chúng tôi đăng nguyên vẹn cuộc phỏng vấn khiến cộng đồng sửng sốt. Nhưng cũng có nhiều người cho là chúng tôi tiếp tay cho trong nước, và chúng tôi nằm trong tầm ngắn của người cực đoan.

Đến 2007 chúng tôi đề xuất chuyến đi thực địa xuyên Việt, hoàn toàn độc lập, với tư cách báo chí, yêu cầu tự do gặp gỡ người dân. Chúng tôi phải báo cáo với phía Việt Nam mình đi những đâu nhưng được tự do thực hiện công việc báo chí. Đi đến đâu chúng tôi tường trình, đưa hình ảnh con người, đời sống ở Việt Nam về cộng đồng bên đó. Năm 2008 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang Mỹ và chúng tôi đăng bài phỏng vấn ông, thì những người cực đoan không chỉ biểu tình chống chuyến thăm mà còn chống cả Việt Weekly.

Họ liệt kê mấy trăm hội đoàn chống cộng, kêu gọi triệt tiêu Việt Weekly, họ chăng cờ mắc loa, tập trung trước tòa soạn chúng tôi mấy tháng trời, đe dọa qua điện thoại, đe dọa các thân chủ quảng cáo phát hành. Lúc đó Việt Weekly đông bạn đọc, những người ủng hộ khuynh hướng cân bằng của tờ báo, chúng tôi phát hành tới 100.000 số ở Mỹ và Canada, nhưng họ triệt tiêu chúng tôi và họ đã thành công, từ 2007 – 2009 tờ báo gần như không còn tồn tại.

Không nhiều nhà báo, tờ báo dám đánh đổi cả một sự nghiệp báo chí với số phát hành lớn như vậy để đeo đuổi sự thật. Vậy các anh tiếp tục công việc của mình thế nào?

- Khi ấy, năm 2009 sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, báo in khó khăn. Năm 2010 chúng tôi chuyển hướng qua báo mạng, song số người xem không thể bằng thời kỳ báo in. Có một chuyện là năm 2012 tôi ra thăm Trường Sa, chúng tôi là những nhà báo hải ngoại đầu tiên đi Trường Sa, đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu. Liên tiếp những câu chuyện thực tế biển đảo đăng trên Việt Weekly lại thành cớ để người Việt ở hải ngoại phản đối chúng tôi. Họ nói trong nước đã bán hết biển đảo cho Trung Quốc rồi. Tôi mang về hàng trăm bức ảnh, tổ chức triển lãm về Trường Sa. Làn sóng chống chúng tôi cao hơn, nhưng những người hiểu biết họ nhận ra câu chuyện thực tế ở Việt Nam thế nào.

img img

Chuyến đi Trường Sa ấy đem lại cho anh những ấn tượng thế nào?

- Tôi đi 4 chuyến Trường Sa, vào các năm 2012, 2013, 2014, và năm 2019. Hồi 2014 Việt Nam tổ chức cả báo chí trong nước và nước ngoài ra ghi nhận thực địa vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Các cơ quan báo chí như Asahi Shimbun, CNN họ muốn có phóng viên người Mỹ gốc Việt theo đoàn, tôi may mắn được phía Việt Nam liên lạc và mời tham gia chuyến đi. Tôi ghi nhận những hình ảnh, bài vở cho Việt Weekly, đồng thời đóng góp ý kiến lên CNN, lên báo Nhật bằng quan điểm riêng của mình về thực tế, cung cấp số liệu chính thống của Việt Nam cho báo chí nước ngoài.

Trước đó tôi đã theo tàu kiểm ngư ra biển. Tôi đã thấy sự bám trụ của chiến sĩ trên tàu kiểm ngư, trên đảo vất vả kiên cường thế nào. Các chiến sĩ kể lại khi ngày nào Trung Quốc cũng cho tàu ra đuổi, mà tàu rất to. Lần ấy chính chúng tôi đã tiếp cận rất gần tàu Trung Quốc, cách có mấy trăm mét, thấy 2 bên bắc loa khẩu chiến. Chúng tôi cũng rất sợ, cảm thấy mình tiếp cận với sự nguy hiểm, họ phun vòi nước, có súng ống, biết đâu có thể xảy ra manh động.

img

Chúng tôi thường được yêu cầu xuống dưới khoang tàu và đã tổ chức thảo luận ngay ở đó. Sau đó mấy ngày chúng tôi thăm chị Hoa ở Đà Nẵng, chủ tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu, có cơ hội trao đổi với thủy thủ của họ. Những gì chúng tôi công bố trên mạng Việt Weekly được phần lớn những người hiểu chuyện ủng hộ. Dù khác biệt chính kiến, nhưng lòng yêu nước khiến đại đa số căm giận việc Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, họ ủng hộ việc ra thực địa ghi nhận, báo chí tường trình khách quan.

Câu chuyện biển đảo Việt Nam mà anh đưa ra có góp phần thay đổi nhiều trong nhận thức của cộng đồng không?

- Tôi tin là thay đổi nhiều. Sự hung hãn của Trung Quốc qua tường trình của Việt Weekly, KBC TV, Phố Bolsa TV... thổi làn gió mới vào sự áp đảo của các tổ chức chống cộng cực đoan. Họ lộ rõ chỉ là những tổ chức nhân danh cộng đồng thôi. Họ cấu kết với truyền thông giành sân khấu chính trị. Nhiều người Việt ở Mỹ về Việt Nam làm ăn từ lâu nhưng họ im lặng không lên tiếng. Người ta thấy nổi lên những nhóm cực đoan nhưng thật ra họ chỉ là thiểu số.

Báo Việt Weekly bị tấn công suốt nhiều năm như thế, gia đình anh chắc chắn phải rất lo lắng?

- Truyền thông là công việc chính của tôi nên gia đình rất lo lắng, công việc nguy hiểm mà không mang lại giá trị kinh tế, trải dài suốt từ 2007 đến 2014 - 2015. Gia đình tôi nhận nhiều tin nhắn, điện thoại đe dọa. Bố tôi không ra ngoài sinh hoạt hội đoàn cũ, ông tôn trọng chuyện tôi làm báo. Bố mẹ khuyến cáo tôi làm nghề khác, nhưng tôi theo tới cùng vì thấy việc đó có ý nghĩa với mình. Khi tôi về kể chuyện, bố mẹ tôi nhìn thấy sự lợi dụng chống cộng trong cộng đồng, nên bố mẹ tôi không phản đối tôi làm việc của mình. Tất nhiên bố mẹ muốn tôi có cuộc sống bình thường, nhưng trong gia đình chúng tôi không có sự tranh luận về lý tưởng. Bố tôi nói, khi con làm báo phải có tấm lòng với quê hương đất nước, phải trung thực, nếu không hãy chọn công việc khác. Bố tôi hoàn toàn ủng hộ công việc tôi làm. Điều đó rất có ý nghĩa vì tôi nghĩ trong lòng người Việt Nam nào cũng vậy, bạn bố tôi cũng vậy, họ trải qua khó khăn, nhưngkhông phải vì thế mà tiếp tay cho sự lừa gạt.

Mà cũng chỉ cộng đồng ở California vậy thôi, cộng đồng ở nơi khác không vậy. Họ thiếu thông tin, hoài nghi, nhưng không thể cấm con cháuvề Việt Nam làm ăn, mang giá trị hiểu biết của họ về, thấy thực tế Việt Nam không như lời bố mẹ ông bà nói, tạo nên sự chuyển biến từ từ trong cộng đồng. Chẳng hạn cộng đồng ở Houston, họ không quan tâm đến chiêu bài chính trị, nhìn về quê mẹ, hợp tác với Việt Nam, 99% thấy Việt Nam là cơ hội cho người trẻ, thấy Việt Nam càng lúc càng tốt hơn. Câu chuyện anh Nguyễn Thanh Tú ở Houston, anh ấy bằng tuổi tôi, đi tìm công lý cho cha mình là nhà báo Đạm Phong bị ám sát trong cộng đồng người Việt, đã cho thấy việc các tổ chức cực đoan bán hàng giả, tin tức giả, nuôi dưỡng hận thù ra sao.

img img
img img

Năm 2015 Việt Weekly đóng cửa, Nguyễn Quang Trường nói anh và đồng nghiệp nhận thấy vai trò của Việt Weekly xong rồi. Về Việt Nam sống từ năm 2013, Nguyễn Quang Trường làm nhiều việc khác nhau. Anh ra Hồ Gươm vẽ ký họa chân dung 2 năm , rồi nhận vẽ ở nhà, vẽ minh họa cho báo, cho sách của NXB Kim Đồng, quan sát cuộc sống ở Việt Nam.

img img

Bản thân anh thấy Việt Nam thay đổi thế nào?

- Tôi về Việt Nam sinh sống lâu dài từ 2013, và từ đó chỉ về Mỹ thăm gia đình đôi ba lần. Tôi nhận thấy, về chính trị vị thế Việt Nam rất cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong nước tiềm năng của lực lượng trẻ rất to lớn, 45 năm là 2 thế hệ, họ lớn lên không bị những yếu tố lịch sử đè nặng, họ hướng tới tương lai. Các vùng quê trở nên tiềm năng về kinh tế. Việt Namđi theo chiều hướng tốt trong 2 thập kỷ phát triển vừa qua. Những người ở hải ngoại nênxem lại sao họ không về Việt Nam làm giàu, an trú, tìm kiếm thông tin xem tại sao Việt Nam làm tốt như vậy, trong khi ở hải ngoại có khi lạc hậu, có khi kinh tế không bằng.

img

Nước Mỹ đứng đầu thế giới về mọi phương diện, giá trị về chính trị rất đặc biệt. Người Mỹ gốc Việt có thể tham gia chính trường Mỹ, thành thị trưởng, nghị viên cấp tiểu bang, nếu đoàn kết họ có thể trở thành nghị sĩ cấp liên bang, phấn đấu cho cộng đồng người Việt, có thể làm nên chính sách có lợi cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tranh thủ được điều đó, nếu tạo điều kiện cho họ về, sẽ tạo nên sức mạnh chính trị quan trọng. Vì tính đặc thù của cộng đồng nên cộng đồng rất có tiềm năng, 2 -4 năm một lần ứng cử viên người Việt có cơ hội tham gia chính trường nước Mỹ. Đã có một lực lượng người Mỹ gốc Việt, người trẻ, nhà khoa học… tiềm năng là ở đó, không chỉ là vấn đề kinh tế. Ở Australia, ở Đức người gốc Việt đã có những đại diện quan trọng trên chính trường. Nếu có thiện chí kết nối với họ thì điều đó rất có lợi cho đất nước.

Tại sao anh lại về Việt Nam sống?

- Nói đúng ra thì tôi là công dân toàn cầu, tôi rất thích đi và trải nghiệm những nơi sống khác nhau, trải nghiệm các nền văn hóa. Tạm thời bây gờ là về Việt Nam sống. Tôi sẽ đi đến nơi nào có người Việt ở khắp thế giới, sẽ dành thời gian sống ở đó để quan sát người Việt sống và thực hành văn hóa thế nào, để có thể đối chiếu thực tế, khách quan hơn. Hơn nữa, nguyện vọng của tôi khi về Việt Nam là thuyết phục bố mẹ tôi về đây an hưởng tuổi già. Có thể sau dịch Covid-19 qua đi bố tôi sẽ đồng ý, sẽ về quê ở Vụ Bản, Nam Định. Điều đó đem lại niềm vui cho chúng tôi, mẹ tôi yếu không di chuyển được, nhưng bố về cũng là tâm nguyện của chúng tôi. Bố tôi đã về Việt Nam một lần năm 2015 khi tôi cưới vợ, tôi đã đưa bố tôi về quê, gặp người làng người quê cũ và ông rất vui.

Thật kỳ lạ là anh từ một người chống cộng, trở thành một cây viết cho báo chí trong nước và còn được giải thưởng báo chí thông tin đối ngoại, báo chí xây dựng Đảng...

- Thay đổi nhận thức giống con cá vượt vũ môn. Tôi đã trải qua thực tế của Việt Nam, trong đó, năm 2019, thực hiện chuyến đi cả tháng trời với 2 chị từng là cựu tù binh cách mạng đến những nhà tù cũ, tôi nhận thấy, lịch sử Việt Nam có những tầng lớp dù đã đọc trên sách báo, nhưng nếu tận nơi trải nghiệm mới thấy sự quý giá của hòa bình hôm nay. Tôi từ một ngòi bút hý họa chống cộng mà thành một nhà báo đưa tin trung thực khách quan về đất nước là quá trình khó khăn, một chuyển biến biến đáng ngạc nhiên.

Tôi đưa được bố mẹ tôi về quê hương sống, có gia đình ở Việt Nam, rồi tôi sẽ đi các nước khác, sẽ sang Châu Âu, tiếp tục những bước phiêu lưu tỏa mãn say mê, lý tưởng của mình. Tôi thấy mình kết nối được với nhiều người, những kết nối như có cơ duyên. Dù tôi theo công giáo nhưng gần đây tôi thấy đạo Phật phù hợp với mình hơn, thấy quá trình tự giác ngộ, tìm hiểu mình, các triết lý nhân quả, có trước có sau đúng với mình và tôi đang có xu hướng tìm hiểu thêm về đạo Phật.

Văn hóa, cội rễ Việt Nam luôn trong trái tim Nguyễn Quang Trường. Từ 2017 anh trở lại con đường báo chí truyền thông, tập hợp những người bạn làm kênh truyền hình VHVNTV, đi khắp các vùng miền lắng nghe cuộc sống của người dân, ghi nhận những câu chuyện, những khác biệt văn hóa. Từ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội đầu năm 2019 tới nay, kênh của anh hoạt động rất mạnh, có trên 100.000 người đăng ký theo dõi, có sức lan tỏa khắp nơi, được cả trong nước và ngoài nước ủng hộ; với khoảng 1.500 video clips.

img img

Những dấu ấn văn hóa nào ở Việt Nam khiến anh xúc động nhất khi làm các chương trình của mình?

- Thú vị nhất với tôi là những chuyến đi lên vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc. Sự tiếp cận của họ với những nét văn minh ở miền xuôi làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Càng tìm hiểu về đời sống thuần khiết của họ, sự chân thành của họ, tôi càng thấy gần gũivới sự theo đuổi của tôi về tâm linh nên tôi rất xúc động.

Tôi cũng thích tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ ở Hà Nội hay các vùng miền tôi đã qua. Họ nghĩ gì về quê hương đất nước, xu hướng của họ thế nào, họ nghĩ về lịch sử, về những biến động quốc tế thế nào. Tôi đang âm thầm tìm hiểu, mong muốn viết được 1 -2 cuốn sách. Tôi cũng muốn làm một bộ sách tranh ảnh về quan niệm của người vùng cao đối chiếu với văn minh thủ đô – đó là những ý tưởng mà tôi đang theo đuổi.

Tôi nhận thấy khán giả theo dõi chúng tôi vì họ thấy sự chân thành trong đó, câu chuyện tôi kể không lớn lao nhưng gắn liềnvới những nơi mà tôi đã đi, đã tìm hiểu. Khán giả thấy tôi không dàn dựng, định hướng câu chuyện, mà như chính họ tham gia, họ thấy tình yêu của tôi với quê hương đất nước. Thấy câu chuyện của mình được lắng nghe tôi thực sự rất vui.

Tôi thấy người Việt ngày càng mở lòng đón nhận. Khi tôi về 20 năm trước, năm 2006, thì 10 năm đầu là sự khép kín, giằng co thủ thế, sự tiếp cận của tôi khá e dè khó khăn, với chính quyền cũng đầy khoảng cách. Bây giờ là tinh thần khác hẳn,người Việt tự tin trong cuộc sống của họ, chính quyền tự tin vì chính sách đúng đắn với người dân. Tôi về các địa phương nghe người dân kể chuyện, gặp nhiều thành phần, kinh tế, chính trị, người miền xuôi đến vùng cao, và nhận thấy mọi người đang hướng tới sự lớn lao hơn.

img img

Không lẽ anh không nghe những chuyện tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề, sự cố môi trường?

- Tôi quan sát hết, từ vấn đề Formosa và môi trường biển đến những xung đột về tự do dân chủ, sự việc Đồng Tâm, vụ 39 người Việt ở Anh… Tôi trường trình, lắng nghe, chiêm nghiệm sự thật đôi bên. Tôi thấy có sự ngộ nhận khá lớn. Tôi hiểu hoàn cảnh, tôi thấy sự xúi giục bên ngoài cũng có, sự ngây thơ hồn nhiên từ bên trong cũng có. Vì đất nước đang phát triển nên các vấn đề môi trường là tất yếu. Nước Mỹ hùng mạnh nhưng giờ này nhiều vấn đề họ vẫn tranh đấu.

img
img

Vấn đề lịch sử, vấn đề Biển Đông phức tạp, không thể lấy hiện tượng quy kết đánh giá. Ngoại giao của Việt Nam với quốc tế đã nâng tầm đất nước, kinh tế tốt hơn, nhiều nơi đồng không mông quạnh giờ phát triển, nhiều ngườiViệt Nam có có hội, nhiều tổ chức công ty nước ngoài muốn tới Việt Nam mua đất, đặt văn phòng. Giá trị tài sản của Việt Nam nâng cao.

Nhiều vấn đề đã phát sinh, tham nhũng, luật pháp lơi lỏng, lòng tham con người xảy ra như một quy luật tất yếu. Khi quan sát độc lập, tôi nhìn tổng thể hơn, không nhìn vào hiện tượng đơn lẻ để phê phán, bản thân tôi thấy bình tĩnh. Sự phát triển có khi nhảy vọt, có khi tịnh tiến nhưng đó là sự phát triển đi lên, hôm nay có áo đẹp mai có ô tô, nhìn bữa ăn có thể thấy đời sống đi lên.

Xin cảm ơn anh.

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi được thực hiện vào ngày đầu tiên nới lỏng lệnh giãn cách xã hội do Covid-19. Đến lúc đó thì Nguyễn Quang Trường đã ở Yên Bái được cả tháng. Anh về thăm nhà vợ thì bị kẹt lạido không có xe về Hà Nội, nên anh lánh dịch luôn ở đó. Suốt một tháng tại Yên Bái, Nguyễn Quang Trường vẫn đưa tin, làm video clip cho kênh truyền hình của anh về cuộc sống, con người Yên Bái, vận động khán giả đóng góp chống Covid-19. Thậm chí đã có một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, qua kênh truyền hình của anh, đóng góp 20 triệu đồng để Yên Bái chống dịch. Anh cũng đồng hành với báo Yên Bái lên thăm một xã nghèo… Những chuyến đi những hoạt động không mệt mỏi, và tràn đầy một tình yêu với đất nước quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem