Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa của Việt Nam: Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng kịch liệt phản đối

Trần Quang Thứ sáu, ngày 05/11/2021 13:02 PM (GMT+7)
Ngày 5/11, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng bày tỏ quan điểm kịch liệt phản đối Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bình luận 0
Hội nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh 1.

Hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Maxar)

Theo phản ánh của hội viên, ngư dân Hội Nghề cá một số tỉnh miền Trung, Hội Nghề cá Khánh Hòa, thời gian gần đây phía Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa, xâm phạm lãnh hải cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Việc Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa còn vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất và gây hoang mang về tâm lý cho ngư dân Việt Nam khi đi sản xuất trên biển.

Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động phi lý của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam.

Vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan và đi ngược lại tinh thần, nội dung tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông. 

Yêu cầu Trung Quốc rút ràu cá khỏi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức liên quan có biện pháp phản đổi mạnh mẽ, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền biển Việt Nam. 

Đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên vùng biển.

Hội nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh 2.

Ngày 5/11, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại T.Ư Đảng bày tỏ quan điểm kịch liệt phản đối Trung Quốc đưa đội tàu trở lại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trao đổi thêm với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Đức - Chánh Văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ tích cực chỉ đạo các Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền cho ngư dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật khi đi đánh bắt trên biển.

Vận động ngư dân yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất, khẳng định chủ quyền biển của Việt Nam và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Ông Đức khuyến cáo các ngư dân Việt Nam khi đi đánh bắt trên biển phải đi theo tổ đội, nhóm đội để thuận tiện trong việc hỗ trợ sản xuất cũng như lúc gặp sự cố trên biển.

Bên cạnh đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng kiến nghị tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển như kiểm ngư, biên phòng, tàu cảnh sát biển để hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển, giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển.

Về thông tin ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu của Trung Quốc đang hiện diện trở lại trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có thời điểm lên đên 150 chiếc, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/11, Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.

Theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng đó.

“Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở biển Đông (DOC). 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem