Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Vua vịt trời" Nguyễn Đăng Cường (Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, tại xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh) là người đầu tiên thuần hóa vịt trời để nuôi và hiện là chủ một trang trại cung ứng thịt vịt và con giống lớn nhất vùng Kinh Bắc.
Hiện tại, anh Cường là chủ nhân của trang trại 59 ha khép kín, từ nuôi vịt, nhà máy giết mổ, sơ chế vịt, trồng lúa, trồng dưa lưới, đến sản xuất phân bón. Tất cả đều sản xuất hữu cơ! Thu nhập của ông chủ Lucavi mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng.
Để có được những thành quả này, "Vua vịt trời" khẳng định, số hóa nông nghiệp là vấn đề lớn và thật sự quan trọng. “Mỗi con vịt trời bán ở chợ quê giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật giá lên tới 40 USD. Chính vì thế, nông dân rất cần được hỗ trợ về công nghệ, đặc biệt là khâu chế biến, để gia tăng giá trị hàng hóa”, anh Cường nói.
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Lucavi Nguyễn Đăng Cường về quá trình số hóa nông nghiệp trong chăn nuôi của anh.
Rất nhiều người ngưỡng mộ về những thành quả mà anh đạt được, không biết bí quyết thành công của anh là gì?
- (Cười) Tôi chưa bao giờ cho rằng mình đã thành công, có lẽ tôi chỉ đang đi đúng con đường mình đã chọn. Tôi cũng từng thất bại không ít lần, năm 2002, sau khi rời quân ngũ, tôi huy động mọi nguồn vốn đấu thầu 2,5 ha đất trũng làm trang trại nhưng thả cá chết cá, nuôi ngan chết ngan.
Sau đó, tôi chuyển sang nuôi 2.000 con vịt đẻ, đúng vào thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, mỗi ngày trang trại thu 1.700 - 1.800 quả trứng kéo dài 3 tháng liền không bán được, thất thoát này khiến gia cảnh lao đao tưởng chừng không vực lại được.
Rồi tôi sắp xếp lại mọi việc và đi học, và làm thuê ở nhiều nơi. Khi có chút vốn, tôi trở về khôi phục trang trại với việc thuần hóa vịt trời.
Tôi đã thay đổi tư duy khi nhiều lần thất bại, đó là cần làm công nghiệp trong nông nghiệp. Số hóa chuỗi giá trị lần lượt từ chọn giống, quy trình chăn nuôi, chăm sóc đế chế biến đến tiêu thụ.
Theo đó, tôi đã xây dựng một mô hình khép kín, từ nhân giống vịt trời, chăn nuôi, làm nhà máy giết mổ, sơ chế, sau đó sử dụng chất thải từ đàn vịt để nuôi thêm cá và trồng lúa. Hiện tại, cũng từ những chất thải đó từ giết mổ tôi làm phân bón hữu cơ.
Nếu hỏi về bí quyết, một trong những điều nhận thấy rõ nhất đó chính là nhờ việc áp dụng công nghệ cao, số hóa vào chăn nuôi.
Bạn biết không, mỗi con vịt trời nếu bán ở chợ quê có giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật thì tôi đã bán được giá lên đến 40 USD. Bởi vậy, công nghệ rất quan trọng, biệt là khâu chế biến để gia tăng giá trị hàng hóa.
Anh có thể nói rõ hơn về việc số hóa trong trang trại của mình thế nào không?
- Đối với chăn nuôi vịt, Lucavi đã số hóa triệt để trong tất cả các quy trình. Chúng tôi số hóa đến từng con vịt bố mẹ. Cụ thể, trên mỗi chân con vịt được gắn 1 mã QR CODE để truy xuất nguồn gốc, thời gian quản lý giống cho tốt.
Trước đây tôi cũng đã định danh từng con vịt nhưng làm theo phương pháp thủ công. Đó là dùng dây lạt điện đánh dấu, ghi số trên đó bằng tay.
Hiện tại đã có mã QR, nhờ đó mà tôi có thể dễ dàng biết được con vịt này ở đàn nào, giống gì, chăn nuôi được bao nhiêu ngày, bao giờ có thể đẻ trứng… Chỉ cần tôi giơ điện thoại vào con vịt là tất cả các thông số đó đều hiện ra rất rõ.
Trong công việc ấp trứng, tôi dùng công nghệ điện hoạt hóa. Đó là chiếc máy giúp khử trùng chuồng trại, khử trùng nguồn nước, phòng trị bệnh cho vịt rất hiệu quả. Nhờ đó mà trang trại của tôi hạn chế dịch bệnh tối đa dịch bệnh như bệnh cúm H5N1, H6, H9.
Từ khi tôi bắt đầu nuôi vịt trời đến nay, nhờ công nghệ này mà dù xung quanh xảy ra dịch bệnh nhưng trang trại của tôi không ảnh hưởng gì.
Công nghệ điện hoạt hóa còn giúp nâng cao tỉ lệ ấp trứng thành công mà không gây độc cho vịt, cho môi trường xung quanh.
Tôi cũng làm nhà máy sơ chế, giết mổ vịt, chế biến thành các sản phẩm từ vịt. Hiện nhà máy áp dụng các công nghệ cao từ Nhật Bản, các quy trình khép kín, tự động đến 80 - 90%.
Mỗi ngày chúng tôi giết mổ, sơ chế từ 5.000 đến 10.000 con vịt mà chỉ cần 11 người. Hiệu suất tăng lên đáng kể.
Sau giết mổ, những phần bỏ đi từ con vịt sẽ được chuyển sang làm phân bón hữu cơ. Sản phẩm này mới và cũng là chuyển giao quy trình, công nghệ từ Nhật Bản.
Cách đây 2 năm tôi làm thêm nhà kính khoảng gần 3.000 m2 chuyên trồng dưa lưới và cà chua. Các sản phẩm của tôi được phân phối ở hệ thống bán lẻ Hapro, Kinh Đô, một số công ty thực phẩm Nhật Bản và nhiều hệ thống khác…
Để sản xuất phân bón hữu cơ không đơn giản, phải có những hiểu biết về hóa học, cần có công nghệ, nhà máy…vậy anh đã làm thế nào?
- Năm 2017, sau khi có ý tưởng làm phân bón hữu cơ, tôi bay sang Nhật Bản tìm hiểu và mong muốn hợp tác với một số doanh nghiệp tại đây. Tôi có tham gia đàm phán với một số doanh nghiệp Nhật Bản nhưng chi phí chuyển giao công nghệ của họ quá lớn.
Họ đưa giá lên đến triệu đô kèm theo điều kiện phải là nhà phân phối sản phẩm cho họ đến 5 năm thì mới chuyển giao.
Thấy chi phí quá cao, không phù hợp với điều kiện nên tôi đã định dừng lại. Nhưng may mắn, lần đó một người bạn đã giúp tôi kết nối với Giáo sư Tsutomu Morinaga, ông hiện đang là một hiệu trưởng ở Nhật Bản.
Sau nhiều lần bay từ Nhật Bản sang Việt Nam thử nghiệm, cuối cùng dưới sự giúp đỡ của vị giáo sư này, chúng tôi đã Việt hóa được công nghệ để cho ra sản phẩm phân hữu cơ.
Hiện tại, các sản phẩm này có tác dụng giúp cải tạo đất, làm cho đất sống, cung cấp chất hữu cơ, cung cấp axit amin cho cây trồng…
Chúng tôi bắt tay vào sản xuất từ tháng 7/2020, đến cuối năm là sản xuất được khoảng 100.000 tấn. Hiện tại phân bón Lucavi đã phân phối cho nhiều HTX, mô hình trang trại, người dân ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
Bên cạnh áp dụng công nghệ của Nhật, Lucavi cũng số hóa sản phẩm. Các chai phân hữu cơ đều có mã QR CODE định vị ngày sản xuất, số lượng sản xuất... Mỗi khi quét, thông tin sẽ đổ về website của công ty.
Đối với hệ thống quyết toán, chúng tôi cũng sử dụng phần mềm hỗ trợ thông qua QR CODE. Không cần nhiều người, không cần quyết toán kho, thủ kho… Các số liệu đều có hết trên mã định danh.
Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, nhân lực rất lớn và tránh được sự gian lận.
Qua câu chuyện của anh, có thể thấy tầm quan trọng của công nghệ trong nông nghiệp. Hiện ở nhiều nước trên thế giới việc số hóa nông nghiệp là điều tất yếu, còn ở Việt Nam, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp được nhắc đến nhiều hơn khoảng 2 năm nay. Là chủ doanh nghiệp đang số hóa trang trại của mình, anh đánh giá thế nào về thực trạng và xu hướng số hóa trong nông nghiệp ở nước ta thời gian tới?
- Tôi nghĩ, nếu ai xác định làm nông nghiệp thì việc số hóa là điều chắc chắn phải làm. Đó là bắt buộc nếu không muốn tụt hậu.
Số hóa trong nông nghiệp ở nước ta đang ở giai đoạn đầu. Để thay đổi được nhận thức của người dân đó là cả một câu chuyện dài, không thể một ngày hai ngày là được.
Để có quá trình đó, rất cần có "bàn tay" của Nhà nước, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương… Bởi "nông nghiệp số" chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Bức tranh về nông nghiệp số sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi hữu cơ, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng công nghệ IoT để truy xuất nguồn gốc. Nhưng hiện nước ta vẫn chưa có một mô hình nào hoàn chỉnh.
Diện tích vùng trồng tại nước ta khá manh mún, khó tổ chức sản xuất quy mô lớn, nên chưa đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Hay quy trình thu hoạch, bảo quản nông sản của nông dân nước ta khá tốn nhiều thời gian, làm giảm chất lượng sản phẩm.
Nông nghiệp 4.0 phải giải quyết bài toán từ thu hoạch đến thẳng bàn ăn một cách nhanh nhất.
Nghe “số hóa” nhiều người không hiểu, nông nghiệp số chúng ta hiểu đó là sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản; công nghệ chế biến; công nghệ tự động hóa; công nghệ quản lý... Tất cả công nghệ nêu trên được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông tin bằng các ứng dụng trên mạng Internet.
Giám đốc Lucavi Nguyễn Đăng Cường
Bên cạnh đó, nên thực hiện khép kín, tạo ra một chuỗi giá trị. Bởi nếu chỉ số hóa một công đoạn, thì sản phẩm tạo ra không có giá trị, khách hàng chỉ quan tâm tới sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, do đó đòi hỏi ứng dụng công nghệ một cách đồng bộ.
Ví dụ như sản phẩm của tôi, tôi định danh từng con vịt bố mẹ, ấp trứng, chăn nuôi rồi đến giết mổ, sơ chế chúng tôi cũng thực hiện số hóa đồng bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.