Nguyễn Thịnh
Chủ nhật, ngày 13/10/2024 10:00 AM (GMT+7)
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, và các công ty công nghệ chính là nhân tố quan trọng nhất đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội.
Theo báo cáo của Vietnam Report, 6 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng kinh tế số Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%. Trước đó, năm 2023, kinh tế số ước tính đã đóng góp khoảng 16,5% GDP của Việt Nam (tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,9% và 14,3%), với tốc độ phát triển kinh tế số khoảng 20%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP nói chung và tiếp tục đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo cáo GII 2024, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại).
Về phía ngành công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của DN công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghệ số đạt 6,64 tỷ USD, tăng 9,86%.
Tại lễ công bố và vinh danh top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam năm 2024 diễn ra tháng trước, theo đó đã có 11 đề cử doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ đồng như CMCTS, CTIN, VNT, FPT IS, MK Smart, Mobifone với doanh thu 82.251 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD, sử dụng 52.244 lao động.
Nói với PV Dân Việt, ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, doanh nhân và doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của đất nước ở thời đại mới.
Ông Văn nói: Doanh nhân công nghệ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để cải thiện quy trình sản xuất, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp công nghệ thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp công nghệ góp phần xây dựng hạ tầng số, giúp kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận công nghệ mới.
"Chuyển đổi số thay đổi cách thức tiêu dùng, từ đó thúc đẩy phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp công nghệ không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, hướng đến phát triển bền vững", Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng để phát triển được kinh tế số, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạng và viễn thông, khuyến khích việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ dựa trên công nghệ số. Nhân lực số, an ninh bảo mật, môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi, tất cả là những yếu tố cần đảm bảo để phát triển kinh tế số.
Khi doanh nghiệp công nghệ Việt cùng chung xu thế
Có lẽ FPT là doanh nghiệp cần được nhắc đến đầu tiên. So với thời điểm đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 205.000 tỷ đồng (~8,4 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.
Cùng với đà tăng của cổ phiếu, tài sản của các cổ đông FPT cũng tăng mạnh. Là những người hiểu rõ doanh nghiệp nhất cũng như nắm giữ nhiều cổ phiếu FPT, tài sản của 7 lãnh đạo chủ chốt của FPT đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và đạt gần 24.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD).
Trong số 7 người, có 4 người có hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản của ông Trương Gia Bình chiếm hơn 1 nửa với 14.526 tỷ đồng, tăng 69% so với hồi đầu năm. Đứng thứ 2 là ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch FPT với gần 3.400 tỷ đồng.
Ông Trương Gia Bình nói trong chương trình kỉ niệm 36 năm thành lập FPT rằng, chúng ta cần những khát vọng mới, không chỉ để trở thành một doanh nghiệp thành công, mà còn để chạm đến đỉnh cao của công nghệ toàn cầu, để thế giới không thể thiếu Việt Nam. Tôi tin rằng, khi vận nước đến, FPT đã ở vị trí không thể tuyệt vời hơn, và với tinh thần FPT, chúng ta sẽ tạo ra những kỳ tích mới, lớn lao và kỳ vĩ hơn rất nhiều.
Và một trong lĩnh vực mà chủ tịch FPT Trương Gia Bình muốn đặt cược, đó là AI (Trí tuệ nhân tạo). Ông Bình phân tích, công nghệ AI đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của các công ty tư vấn, có những công ty đạt 1 tỷ USD chỉ trong vòng 3 năm. Phần mềm FPT phải mất 20 năm mới đạt được con số đó.
Vị doanh nhân 68 tuổi cho rằng chưa bao giờ Việt Nam nói chung hay FPT nói riêng có cùng điểm xuất phát với thế giới. Trước đây, người Việt phải ngước nhìn lên các "gã khổng lồ" trong ngành phần mềm nhưng giờ đây đã có thể cùng đối thoại với những "lão làng" về AI.
Trong khi đó, chia sẻ với PV Dân Việt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ đặc biệt với những thay đổi lớn lao về công nghệ. Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu thế mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Ông nhận định: “Chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ, mà là một cuộc cách mạng toàn diện, từ thể chế đến cách thức sản xuất.”
Giống như FPT, CMC cũng chú trọng vào AI. Chủ tịch CMC cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng lực lượng sản xuất mới, đặc biệt là việc sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình, tăng năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. AI được dự báo sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.
Theo ông Chính, doanh nhân Tư nhân không chỉ là những người dẫn dắt các quá trình cải tiến sản xuất mà còn là những người tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới như AI và chuyển đổi số. Chủ tịch CMC đã dành nhiều thời gian để nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam trong việc kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Tư nhân thực hiện chuyển đổi số. Ông cho rằng việc này không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia tiên tiến trong thời đại công nghệ.
Với Vingroup, với việc xác định công nghệ là 1 trong 3 trụ cột chính, Tập đoàn đang tập trung phát triển hệ sinh thái gồm 6 công ty công nghệ, gồm: VinBigData, VinAI, VinBrain, VinHMS, VinCSS và VinITIS.
"Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin năng lực phát triển AI của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Năm 2022, VinAI vinh dự là công ty nghiên cứu AI Việt Nam đầu tiên - lọt Top 20 công ty nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu do Thundermark Capital bình chọn", Giám đốc chiến lược sản phẩm VinAI nói.
"Đây là dấu mốc chính thức đặt năng lực phát triển AI của chúng ta trên bản đồ thế giới. Và ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì thứ hạng ấn tượng trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Có thể thấy, Việt Nam đang dần vươn lên với các đóng góp đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng AI. Các sản phẩm và dự án AI của các công ty Việt Nam như VinAI cũng đang được công nhận và sử dụng rộng rãi".
Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone cũng không ngừng đổi mới, phát triển hạ tầng, làm chủ các công nghệ mới, đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.