Xâm phạm hoạt động tư pháp là hành vi thế nào?

Quang Minh Thứ ba, ngày 23/02/2021 15:17 PM (GMT+7)
Theo luật sư, xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây bất bình đẳng, mất công bằng trong xã hội.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với đại tá Phùng Anh Lê - Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế.


Được biết đại tá Lê bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông Lê còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội). 

Đến nay, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được Công an TP Hà Nội chuyển sang Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo nghĩa hẹp có thể hiểu hoạt động tư pháp là hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án.

Những hoạt động này nhằm thực hiện quyền tư pháp là quyền phán xét, đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người cũng như đối với các quyết định, văn bản của cơ quan, tổ chức.

Xâm phạm hoạt động tư pháp là hành vi thế nào? - Ảnh 1.

Đại tá Phùng Anh Lê bị đình chỉ chức vụ để nhà chức trách điều tra một số dấu hiệu liên quan đến hoạt động xâm phạm hoạt động tư pháp của ông này khi còn là Trưởng Công an quận Tây Hồ.

Hoạt động tư pháp là những hoạt động có liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Chủ thể thực hiện hoạt động tư pháp chủ yếu là cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án) và một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bổ trợ tư pháp. 

Hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn trên cơ sở các quy định của pháp luật, theo chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391), phân loại thành 3 nhóm tội phạm.

Nhóm thứ nhất, các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385, Bộ luật hình sự 2015, như tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật, tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù,…..)

Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Nhóm thứ hai, các tội phạm mà người phạm tội là người tham gia tố tụng (có 5 tội thuộc nhóm này bao gồm các Điều 380: Tội không chấp hành án, Điều 382: Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối , Điều 283: Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu, Điều 386: Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử, Điều 388: Tội vi phạm quy định về giam giữ).

Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người tham gia tố tụng có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. 

Xâm phạm hoạt động tư pháp là hành vi thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Nhóm thứ ba, các tội phạm mà người phạm tội là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các điều Điều 384: Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, Điều 387: Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù, Điều 389: Tội che giấu tội phạm, Điều 390: Tội không tố giác tội phạm, Điều 391: Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp.

Nhóm tội phạm này là các tội quy định đối với người có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Trong đó, mức hình phạt cao nhất đối với nhóm tội này là bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng với tội dùng nhục hình quy định tại Điều 373 và tội bức cung quy định tại 374 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Còn đối với một số tội danh còn lại mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù đến 15 năm tù đối với một số tội danh như tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội quy định tại Điều 368 Bộ luật hình sự (BLHS), tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 BLHS, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc quy định tại Điều 375 BLHS.

Như vậy, theo luật sư Cường, có thể thấy trong nhóm tội này không áp dụng hình phạt tử hình mà chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân và tù có thời hạn (cao nhất đến 20 năm tù). Do đó, khi xem xét, xử lý với người thực hiện hành vi trong nhóm tội này thì cần phải áp dụng tội danh phù hợp với hành vi phạm tội và áp dụng mức hình phạt tương ứng phù hợp với từng tội danh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem