Bắc Ninh: Phù Chẩn- 12 năm sau tiếng kẻng "khóa làng"

Khương Lực Thứ hai, ngày 07/09/2020 11:13 AM (GMT+7)
12 năm trước, cái tên Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã nổi lên thành "điểm nóng" về an ninh trật tự khi việc tranh chấp, tiêu cực đất đai trong quá trình giải phóng mặt bằng khu công nghiệp VSIP đã khiến cả dàn lãnh đạo xã ngày ấy và hơn 10 người dân rơi vòng lao lý. Ngày nay, Phù Chẩn đã có bộ mặt khác...
Bình luận 0

Năm 2008, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành khởi động dự án xây dựng khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) đầu tiên của miền Bắc và thứ 2 sau tỉnh Bình Dương. Xã Phù Chẩn ngày ấy là một trong những xã được chọn để đặt địa điểm làm KCN. Chủ trương thì tốt, nhưng do một số cán bộ xã, thôn làm sai chủ trương đã dẫn đến bức xúc của người dân. Từ đó, người dân đã tự thành lập các tổ, nhóm để phản đối việc giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, họ quản nhau bằng tiếng kẻng. Bất cứ ai ra vào xã, thôn có vấn đề là tiếng kẻng lại vang lên để... khóa làng.

Sau sự việc đó, đã có tới 17 người dân, lãnh đạo thôn, xã đã vướng vào vòng lao lý, người bị bắt giam, người bị khởi tố khiến cho không khí ở Phù Chẩn ngày đó rất buồn, u ám.

Bắc Ninh: Phù Chẩn- 12 năm sau tiếng kẻng "khóa làng" - Ảnh 1.

Nhưng đó đã là câu chuyện của 12 năm trước. Sau hơn 10 năm KCN VSIP được xây dựng, đã biến Phù Chẩn, từ một xã thuần nông thuộc thị xã Từ Sơn có cuộc đổi đời chóng vánh. Những nông dân "chân lấm, tay bùn" ngày nào giờ đã trở thành chủ hộ kinh doanh phòng trọ, chủ những cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ thương mại hoặc làm công nhân trong các nhà máy tại một trong những KCN nhộn nhịp nhất tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Bây giờ về xã Phù Chẩn, người ta ít thấy hình ảnh người nông dân gắn bó với những ruộng đồng, cây lúa cho thu nhập thấp kém, khoảng 800.000-1 triệu đồng như trước đây. Thay vào đó là các nhà máy, nhà xưởng của KCN VSIP - Bắc Ninh, rồi các dự án bất động sản rầm rộ được triển khai, xây dựng, hứa hẹn một sự bứt phá mới khi chuẩn bị "lên đời" thành phường trong năm 2020.

"Cánh đồng" công nghiệp thay cho những... cánh đồng lúa chín

Bắc Ninh: Phù Chẩn- 12 năm sau tiếng kẻng "khóa làng" - Ảnh 2.

Khu công nghiệp VSIP, một phần nằm trên xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được coi là KCN hiện đại, sạch bậc nhất ở miền Bắc và cả nước.

Từ khi KCN VSIP - Bắc Ninh đi vào hoạt động đến nay, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Phù Chẩn dành để phát triển công nghiệp, đô thị. Diện tích đất nông nghiệp canh tác còn lại rất ít, khoảng 39ha, trong đó diện tích sản xuất là 28ha, còn 11ha nằm xen kẹt giữa các dự án, khu dân cư khó canh tác.

Đi dọc khắp các ngả đường, ngõ xóm trong các thôn, xã, chỗ nào cũng thấy những khu phòng trọ, nhà nghỉ xây kiên cố cao tầng, rồi những cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ, thương mại được mở ra để đáp ứng nhu cầu người dân sở tại và công nhân đến thuê trọ.

Xã "thuần nông" Phù Chẩn sắp "lên đời" thành phường, thu nhập người dân tăng 4 lần trong hơn 10 năm - Ảnh 2.

Trong các ngõ xóm, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thương mại được mở ra để đáp ứng nhu cầu người dân sở tại và công nhân đến thuê trọ.

Do nằm sát ngay cạnh KCN VSIP - Bắc Ninh nên số lượng lao động, công nhân đến thuê trọ và sinh sống trên địa bàn xã hiện đông hơn cả số dân bản địa. Cả xã có 2.315 hộ với hơn 9.650 nhân khẩu thì số công nhân đến thuê trọ trên địa bàn là hơn 10.000 người. Cả xã hiện có 955 hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng 5.623 phòng trọ cho công nhân thuê.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Nguyên Hà – Chủ tịch UBND xã Phù Chẩn cho biết: "Đa số các hộ dân có ít nhất 2 phòng trọ trở lên, có gia đình xây tới 30-40 phòng trọ cho công nhân thuê. Đời sống bà con rất tốt, Đại hội Đảng bộ xã Phù Chẩn đã đánh giá thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng".

Cùng với đó, xã Phù Chẩn có 1.988 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi thương mại. Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại ước đạt hơn 490 tỷ đồng, chiếm 99,09%; Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 4,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 0,9%.

Xã "thuần nông" Phù Chẩn sắp "lên đời" thành phường, thu nhập người dân tăng 4 lần trong hơn 10 năm - Ảnh 3.

Xã Phù Chẩn có 1.988 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi thương mại. Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại ước đạt hơn 490 tỷ đồng, chiếm 99,09%.

Theo ông Lê Nguyên Hà, từ khi KCN VSIP Bắc Ninh đi vào hoạt động, bộ mặt và đời sống người dân trong xã thay đổi rõ rệt và toàn diện. Các công trình công cộng như: trạm y tế, trường học… đều được nâng cấp, 100% đường giao thông được bê tông hóa.

Địa phương có một khu đất dân cư dịch vụ đang thực hiện, tới đây sẽ giao đất cho bà con nhân dân theo hướng khi xây dựng nhà thì phải theo mẫu thiết kế chung để có dãy phố nhà như nhau. Trong khu dân cư hiện hữu, xã tổ chức nâng cấp toàn bộ các tuyến đường, hiện đang tổ chức nâng cấp xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, hệ thống đường giao thông. Thị xã đã khảo sát, lắp toàn bộ hệ thống ánh sáng công cộng trong khu dân cư.

Ông Lê Nguyên Hà, Chủ tịch UBND xã Phù Chẩn (Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh)

Các thôn đều có nhà văn hóa có đủ diện tích, được sửa chữa, lắp đặt các dụng cụ thể thao để phục vụ nhu cầu tập thể thao nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Ngoài ra, các công trình tâm linh như: đình, chùa, nhà thờ các dòng họ đều được tu bổ, nâng cấp khang trang với số tiền xã hội hóa trên 20 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con nhân dân.

"Định hướng Đại hội Đảng bộ xã Phù Chẩn nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ mục tiêu phát triển từ nay đến 2025 là theo hướng phát triển đô thị; về kinh tế, phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ. Địa phương sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí để đạt đủ điều kiện lên phường như: đảm bảo vệ sinh môi trường cho bà con nhân dân, tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng...

Đồng thời, mở rộng các trường mầm non, trường tiểu học, THCS mỗi trường khoảng 6.000m2 để đáp ứng nhu cầu cho học sinh địa phương và con em của công nhân đến thuê trọ có đủ điều kiện ăn học tại địa phương" – ông Lê Nguyên Hà chia sẻ.

Thu nhập tăng hơn 4 lần, vẫn chờ những bứt phá mới

Thôn Phù Lộc từng là "điểm nóng" trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng lúc mới triển khai thực hiện dự án KCN VSIP Bắc Ninh. Tuy nhiên, khi được tỉnh, huyện, rồi các ban ngành đoàn thể vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức hiểu ra vấn đề và đồng thuận triển khai dự án KCN VSIP Bắc Ninh tương đối hoàn chỉnh.

Xã "thuần nông" Phù Chẩn sắp "lên đời" thành phường, thu nhập người dân tăng 4 lần trong hơn 10 năm - Ảnh 5.

Ông Lê Nguyên Thuân, Bí thư Chi bộ thôn Phù Lộc (xã Phù Chẩn): Nếu người dân được chia đất dịch vụ thì sức bứt phá trong phát triển kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Ảnh: Khu đất này sẽ được Phù Chẩn bố trí làm đất dịch vụ để thay đổi bộ mặt của Phù Chẩn trong tương lai.

"KCN VSIP Bắc Ninh là một dự án rất lớn, nhưng họ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và tiến độ thực hiện thi công xây dựng rất nhanh. Chỉ năm đầu tiên, Công ty Foster đã thu hút nhiều cán bộ, công nhân viên vào. Sau đó, các công ty lại tiếp tục xây dựng, thu hút đông đảo số con em địa phương, kể cả những người đã quá tuổi lao động nhưng vẫn tham gia làm các dịch vụ cho các công ty.

Ngoài ra, địa phương phát triển mạnh nhất trong những năm đầu là phát triển về xây dựng các phòng trọ cho công nhân thuê, sau tiếp tục phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như buôn bán quần áo, các dịch vụ bán hàng ăn, nhu yếu phẩm phát triển khá mạnh" – ông Lê Nguyên Thuân, Bí thư Chi bộ thôn Phù Lộc (xã Phù Chẩn) cho biết.

Thay vì làm ruộng vất vả, "đầu tắt mặt tối" như trước kia mà thu nhập chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng, giờ ông Thuân chủ yếu ở nhà trông cháu và quản lý 10 phòng trọ cho công nhân thuê trọ với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Vợ ông dù tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm công ty, mỗi tháng nhận được khoảng 5 triệu đồng tiền công.

Với những nhà ngoài mặt đường, nhiều hộ mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh quần áo, nhu yếu phẩm hay dịch vụ ăn uống thì có thu nhập cao hơn rất nhiều. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối cao.

Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Thuân cho rằng, kinh tế địa phương phát triển nhanh nhưng chưa mạnh. Bởi, nếu người dân được chia đất dịch vụ thì sức bứt phá trong phát triển kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Sau hơn 10 năm dành đất cho phát triển công nghiệp, những người dân nơi đây vẫn đang trông chờ các cấp chính quyền giải quyết sớm đất dịch vụ để bà con có thêm điều kiện mở mang kinh doanh, buôn bán.

Hiện nay, với giao dịch bán đất dịch vụ "non", giá của mỗi mảnh đất khoảng 100 m2 là trên 1 tỷ đồng. Khi chính thức được giao cho các hộ dân mức giá có thể lên cao hơn. Bởi, những lô đất biệt thự ngay bên cạnh đang được giao bán với giá 1,5-3 tỷ đồng tùy từng vị trí. Không chỉ có vậy, giá thuê mặt bằng để kinh doanh ở trên địa bàn cũng khá cao, với những vị trí thuận lợi có giá trên 10 triệu đồng/tháng.

Vừa qua, xã Phù Chẩn đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn nhân dân phân rác thải tại gia đình và dùng vi sinh vật bản địa (IMO) để xử lý rác thải bếp để làm phân trồng rau sạch, rau an toàn, tránh đổ ra môi trường. Cùng với đó, thành lập các tổ đội để tuần tra, nhắc nhở, xử lý những trường hợp đổ trộm rác thải ra những nơi không đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem