Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Để có một góc nhìn rộng hơn về vấn đề ăn thịt chó ở Việt Nam, chúng tôi đã đến ngôi làng được mệnh danh là buôn chó xuyên quốc gia ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Nơi đây từng sầm uất, giàu có nhờ thu mua, vận chuyển chó từ khắp Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia… về Việt Nam, sang Trung Quốc. Các thương lái gom chó về làng rồi toả đi phục vụ các trung tâm cầy tơ bảy món khắp cả nước.
Clip: Chó bị tra tấn như thời trung cổ để nhồi thức ăn vào dạ dày trước khi giết thịt
Dù đã "hạ nhiệt" ít nhiều, song, hiện nay, nơi này, vẫn râm ran các câu chuyện nhồi chó đến nôn ra máu, vỡ dạ dày, thậm chí chết tươi. Họ sử dụng các cỗ máy tự chế bằng thép, dây dợ lạnh người, lên gân cố sức, tống thức ăn vào bụng các "thú cưng" vô tội.
Vì sao họ làm vậy? Vì sao họ không thu gom chó rồi đem bán luôn đi nơi khác mà phải đem về làng tập kết? Tất cả vì lợi nhuận kiểu "ăn cắp cái dạ dày". Mua chó về, trước khi đem bán, họ tống thật nhiều thức ăn vào bụng chó để tăng cân. Có người nguỵ biện là để bù lại trọng lượng chó bị hao trên đường vận chuyển dài ngày. Lợi nhuận đổi bằng đau khổ tột cùng của loài vật thông minh, có xúc cảm tốt và rất gần gũi với con người này. Đổi bằng cả mạng sống của chúng với cách hành hạ "trần gian có một".
Chuyện diễn ra ở làng Sơn Đông, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Làng nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 2km, giao thương thuận tiện, vào Nam ra Bắc, sang tận Trung Quốc đều dễ dàng cả.
Tháng 7/2023, trở lại Thành Lộc, chúng tôi vẫn đủ điếc tai với các dãy nhà san sát mà chó thì sủa râm ran, kêu oăng oẳng, phải nói là đinh tai nhức óc. Thủ phủ buôn chó "danh bất hư truyền", với chừng hai chục hộ kinh doanh xuyên tỉnh thành có quy mô không nhỏ. Tại làng, chúng tôi gặp không ít thợ sắt, chủ hộ kinh doanh phát đạt nhờ làm lồng nhốt chó, kẹp sắt đè cổ chó, ống sắt, khung sắt và hệ thống pít-tông "nhồi bê tông" cho bụng chó to đùng… tăng cân thần tốc!
Vâng, buôn chó, buôn mèo hay buôn gà lợn là quyền của mỗi người, cốt sao không gây hại đến cộng đồng, ví dụ lan truyền dịch bệnh hay buôn gian bán lậu trốn thuế. Dân gian lâu nay vẫn nghĩ vậy. Nhưng, câu chuyện ở Thành Lộc lại khác hơn một chút: ấy là sự hành hạ trên cả nhẫn tâm với loài vật trung thành, gắn bó với con người và có cảm xúc cao cấp như các "động vật đồng hành".
Chúng tôi vào vai nhiều lần để tìm hiểu về việc "nhồi chó", là thuật ngữ chỉ việc dùng các thiết bị tự chế, cố gắng nhét, bơm, nhồi, thúc thật nhiều thức ăn vào bụng con chó để khi cân lên bán thì tăng trọng lượng được càng nhiều càng tốt. Giá thị trường chó hơi (chó nguyên con, còn sống) là khoảng 90 nghìn đồng/kg; thì nhồi 2kg thức ăn gồm cháo loãng, cơm thừa canh cạn vào dạ dày con vật tội nghiệp là có 200 nghìn đồng rồi. Nhồi 5 con là có 1 triệu đồng.
Những người "nhồi bê tông" họ không buồn, chẳng vui, không yêu, cũng chẳng ghét gì lũ chó cả. Đơn giản là một nghề mưu sinh, một thủ thuật kiếm lãi lời từ cái dạ dày chó. Một nam giới khỏe mạnh xách cổ chú chó ra gần khu "máy nhồi" bằng sắt gỉ tanh òm và nhoe nhoét ba bề bốn bên là cơm và bột gạo ngô sắn thừa từ lần nhồi hôm qua với các vụ vừa nhồi lũ chó trước đó. Anh ta quật mạnh cán thòng lọng xuống nền đất, con chó bị đau nằm đơ ra, trong khi vẫn không thể nào kêu gào được.
Nhanh như cắt, người lực lưỡng thứ hai xông vào. Anh dùng cái thanh sắt bằng nửa già cổ thay dí vào ngang miệng con chó. Chó ta sợ hãi hay cáu kỉnh nhe răng, há miệng, lập tức thanh sắt tròn chẹn sâu hơn qua hai hàm răng, vào phía họng chú ta. Càng kêu, thanh sắt càng chặn mãi vào sát hai mép và che mất cả hai mắt con vật khốn khổ. Bấy giờ là lúc bốn chân bị giữ, miệng bị gang ra, con chó chỉ còn biết rên ư ử nằm thở.
Một người khác (thường là phụ nữ, vì đây là khâu nhẹ nhất, nhà nào chúng tôi ghi hình và quan sát cũng thấy thế) sẽ ngồi xuống, cầm một ống nhựa trắng hoặc xanh khá cứng nhét dần vào miệng con chó, ống dài đến 40cm hoặc hơn, cứ thế tuồn dần vào miệng, qua họng, xuống dạ dày. Con chó càng to thì ống càng vào sâu.
Chó gần như đau đớn bất tỉnh, chú ta im lặng tuyệt đối. Đó là lúc ống nhựa được cắm vào "lối đùn cơm cháo ra" của ống sắt chứa cháo đang bị ép thuỷ lực dồn xuống theo kiểu bơm xe đạp. Khi đã "tháo lắp" xong cỗ máy nhồi vào tận dạ dày chú chó, thì người thứ tư mới bắt tay vào việc. Anh ta to khoẻ, sẽ gồng lên, hơi đu người để ép cái tay đòn dài như cần giếng múc nước bằng gàu cổ xưa: pít tông hoạt động, cháo tuồn vào miệng con chó. Bụng chú ta phồng lên dần. Bao giờ thấy không còn chỗ chứa, tức là ép mạnh mà cháo không trôi đi, thì họ dừng lại.
Người buông tay ép thuỷ lực, người ta tháo dây nhồi khỏi dạ dày và miệng chó; kẻ bỏ thanh sắt găng ở hai hàm răng vào tận sát mép chó ra; người còn lại cầm cây thòng lọng với tay đòn gỗ to bế con chó lên cao. Anh ta tiếp tục cắp con chó sõng oài vào lồng sắt. Có con nằm ngất, có con chết vì vỡ dạ dày, cơ bản lũ chó sớm tỉnh lại sau "kiếp nạn nhồi" và nằm im trong lồng. Họ chỉ nhồi chó khi sắp cho lên ô tô hoặc xe máy đi xuất bán, nên chó ốm hay mệt, hay chảy máu dạ dày, chảy máy họng, gẫy răng, họ chả quan tâm nữa. Cốt sao trọng lượng của mỗi con nặng thêm hai hoặc vài cân hơi, thế là "ấm" về tiền bạc rồi.
Bà con từng tiết lộ, lúc cao điểm, có xe chở cả dăm bảy tấn chó hơi, đếm đầu là vài trăm con bị nhồi, tính ra, chỉ riêng ngồi "đổ bê tông" vào bụng chó, các thương lái đã lãi hàng chục triệu đồng, chưa kể các khoản khác…
Điều ám ảnh chúng tôi nhất là những ánh mắt của lũ chó nằm xếp hàng nhìn đồng loại bị cho vào cỗ máy nhồi thức ăn đến vỡ dạ dày, đến tử vong, đến nôn ra máu như thế. Con nào may mắn thì "phản ứng phụ" chỉ là nôn oẹ, nặng hơn tí thì nôn ra cả máu do tổn thương dạ dày. Một thợ nhồi lẩm bẩm: "Nhồi được 2kg thức ăn vào bụng nó, nó lại vừa nôn ra mất toi 3 lạng!".
Tôi thấy, đàn chó nhầng nhầng chưa bị nhồi, ngồi kiên nhẫn chờ đồng loại bị tra tấn; sau khi bị nhồi, chúng nằm thiêm thiếp nhưng vẫn dõi mắt theo các hành vi kỳ cục của con người ở bên ngoài. Lần lượt chúng chứng kiến từng đồng loại bị thắt cổ quật ngã, găng họng, rồi đến lượt chính cô chú ta cũng bị y như vậy…
Do thế, việc nhồi chó với các cỗ máy đáng sợ chúng tôi đã mô tả ở trên là rất đáng lên án. Khi nói về phúc lợi động vật, về tính nhân văn của chúng ta với động vật đồng hành. Con lợn, con bò, nuôi trang trại để giết mổ, người ta cũng có quy định rõ về việc giết chúng bằng cách nào, trong bao nhiêu giây phải "kết liễu" dứt khoát được, tránh để chúng bị đau đớn lâu, tránh để con vật khác nhìn thấy cảnh đó và xúc cảm "thảm thiết".
Thậm chí, họ còn tránh để con vật quá đau lòng trước khi chết, thì thịt của chúng sẽ chứa các "hooc-môn" xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Vẫn biết, nhân sát vật, nhưng cái cách ứng xử với động vật lại biểu hiện rất rõ tình nhân ái, tính nhân đạo của chúng ta với thế giới. Với muôn loài và với chính cuộc sống của chúng ta. Nhất là trong ứng xử với động vật đồng hành như con chó, khi mà nhiều quốc gia đã cấm ăn thịt chó, khi Hà Nội, TP HCM và nhiều nơi khác đã kêu gọi không ăn thịt chó, thì việc "nhồi" chó dã man như mô tả ở trên là càng không thể chấp nhận được.
Cấm ăn thịt chó thì còn có thể gây tranh cãi, nhưng cấm nhồi chó như bài viết này mô tả, thiết tưởng là việc cần làm ngay và dễ làm thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.