Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ tư, ngày 20/11/2024 06:39 AM (GMT+7)
Hiện nay, chúng ta có đủ cả Luật và Nghị định với chế tài nghiêm khắc để xử lý các đối tượng kích cá, đánh cá bằng điện công suất lớn.
Bình luận 0

Ai cũng biết, việc xử lý triệt để mọi vi phạm liên quan đến khai thác thủy hải sản theo phương pháp hủy diệt là không dễ dàng tí nào. Bởi vì mấy chục năm qua, nạn này chỉ đôi lúc thuyên giảm chứ chưa giờ bị "tiễu trừ" cơ bản được. Lý do, như đã nói: bất cứ ai, ở bất cứ đâu, hầu như đều có thể "đeo bình kích cá", ra chỗ nào cũng có ao chuôm, kênh rạch, sông biển… để 'dí". 

Trong khi đó, chưa bao giờ chúng ta có được một sự ra quân quyết liệt của tất cả các xã, thôn trong huyện, trong tỉnh, trong cả nước để tiễu trừ các hành vi vi phạm pháp luật này. Tại sao như thế?

"Chim trời cá nước", mạnh ai nấy bắt, suy nghĩ này ăn sâu vào tâm thức không chỉ những "thợ săn", tàn sát môi trường, mà kể cả cán bộ thực thi nhiệm vụ đôi lúc cũng xuề xoà. 

Video tận thấy quá trình kích điện hủy diệt thế giới của "Vua Thủy Tề". Thực hiện: Nhóm phóng viên.

Không làm "nghiêm" luật, cả cộng đồng sẽ chịu mất mát quá lớn

Suy nghĩ trên cần thay đổi: vì kích điện, kích cá, đánh cá bằng lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn, đánh bắt bằng xung điện, bằng chất độc… đều là các hành vi hủy hoại môi trường, là xoá sổ cả hệ sinh thái. Mất cân bằng sinh thái thì cả loài người phải gánh chịu hậu quả, như các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh tràn lan, biến đổi khí hậu đe doạ cả nền văn minh nhân loại. Cụ thể hơn, chúng ta có đủ cả Luật và Nghị định với chế tài nghiêm khắc để xử lý các đối tượng kích cá, đánh cá bằng điện công suất lớn.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần có hệ thống pa-nô tuyên truyền kĩ, các đối tượng có tiền sử đánh bắt thủy sản hủy diệt cần được lên danh sách, yêu cầu ký cam kết, thậm chí bị giám sát đặc biệt bởi công an chính quy ở xã và chính quyền cơ sở nói chung. Mọi vi phạm cần bị xử lý nghiêm minh. Thậm chí, tuyên truyền trên loa xã, đài huyện, báo đài ở tỉnh. Khi đã tuyên truyền và ký cam kết, các đối tượng vi phạm có thể bị phạt vài chục triệu đồng, tới khởi tố hình sự, thậm chí xử tù với mức án lên tới 10 năm. Cần có cán bộ và kinh phí để ra quân thường xuyên, liên tục. Cần có chính sách thưởng cho các cá nhân có video, ảnh, có thông tin tố cáo những đối tượng dùng kích điện bắt cá, tận diệt "hệ sinh thái dưới nước".

Một số tỉnh đã làm: nếu ai chụp ảnh bằng smartphone tố cáo một chiếc xe đỗ sai quy định, đi vào làn cấm, chở quá khổ quá tải thì sẽ được thưởng một trăm nghìn đồng, khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Điều này trở thành đạo đức công dân, thành cơ sở để bà con phấn đấu cho một sự văn minh, minh bạch; từ đó xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, môi trường sống được bảo vệ tử tế như cần phải có.

Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 1.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 2.

Những tấm biển như thế này được tỉnh Quảng Nam cắm ở những khu vực nguy cơ xảy ra tình trạng sử dụng xung điện và các công cụ đánh bắt thủy sản tận diệt. Ảnh: Lam Anh.

Trở lại câu chuyện ở điểm nóng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Chúng tôi thật sự hy vọng vào sự "lập lại trật tự" trên lĩnh vực này ở địa phương. Bởi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở trên hồ Thác Bà, tránh khai thác tận diệt, hủy diệt, cũng là vì quyền lợi đánh bắt bền vững và sự bình an (trước hết) cho chính các cư dân vùng hồ đó.

Tuy nhiên, vài chục năm qua, chính sách ‘cấm" nổ mìn, cấm dùng lưới mắt nhỏ, cấm dùng kích điện để bắt cá cứ bươn bả chạy theo sau thực tế quá khốc liệt. Ra quân rồi lại thu quân. Mất nhiều năm địa phương mới cấm tuyệt đối được tình trạng mua bán thuốc nổ, rồi đánh cá tận diệt bằng mìn. Nếu quyết liệt, vài năm nữa, có thể sẽ có vài án tù dành cho những đối tượng cứng đầu nhất tham gia đánh bắt thủy sản theo lối hủy diệt bằng xung điện. Việc "cấm" thành công đó, thường đi quá chậm so với luật.

Trên cả nước, bao vụ án mạng thương tâm như đã mô tả: khắp Bắc, Trung, Nam, người chết nhiều, người bị dí điện tấn công nhiều; và các đối tượng vác bình kích với nguồn điện "ma quái giết chóc" đi kiếm cá hầu như công khai suốt đêm ngày mà ít khi bị xử lý. Đến lúc họ tự phóng nguồn điện giật… chết chính họ rồi, cũng chỉ khám nghiệm tử thi, đem về mai táng và ai nấy thở dài thương xót người đi kích điện. 

Có ai đặt vấn đề: Năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Luật Thủy sản ra đời 7 năm rồi, Nghị định của Chính phủ ra đời cũng 5 năm rồi, đều nêu rõ việc "cấm kích điện" và vi phạm về "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản " có thể chịu mức án cải tạo giam giữ tới 10 năm; nhiều tỉnh thành ra quân xử phạt các đối tượng rất nghiêm rồi, mà ở nơi có người chết (có vụ 3 người chết cùng lúc như ở Lâm Đồng) vẫn bình chân như vại. Nếu cơ quan chức năng quản lý ngăn chặn nghiêm túc. Có khi họ đã cứu sống được nhiều mạng người.

Vậy mà trên mạng xã hội, trên internet, các hội nhóm về kích cá vẫn tràn lan việc sản xuất, mua bán cả một nhà kho bộ kích cá "siêu" hiện đại. Bất kỳ ai, nhấc điện thoại lên là có thể mua được, vậy sao vi phạm ấy vẫn không bị cơ quan chức năng "rờ" tới? Trong khi đó, quảng cáo, bán các bẫy thú rừng, lưới mờ bắt chim, rao bán thịt thú rừng hay chim rừng, đều ít nhiều bị "sờ gáy" thì việc thảm sát cả hệ sinh thái, hủy diệt môi trường sống dưới nước của kích điện (chứ không chỉ tàn sát từng cá thể như với chim thú), lại có vẻ "bình chân như vại".

Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 3.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 4.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 5.

Các ngành chức năng tỉnh Yên Bái ra quân xử lý những hành vi đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản ở hồ Thác Bà sau khi Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt phản ánh vi phạm. Ảnh: Lam Anh - Hoàng Chiên.

Ở một huyện như ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái, sau khi có tố cáo của phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng công an huyện cùng đoàn liên ngành đông đảo và hùng hậu đã ra quân đến nơi đến chốn. Nếu ở tỉnh có một đoàn tương đương, nếu ở Trung ương có các cuộc "xuống đường" vì chủ đề này ở 63 tỉnh thành, chúng tôi cho rằng sẽ góp phần đắc lực vào việc cứu hệ sinh thái dưới nước của đất nước ông bà. Sự suy giảm đa dạng sinh học, sự biến mất hay gần như biến mất của nhiều loài thủy hải sản của hệ sinh thái nước ở Việt Nam gần đây, đã là một hồi chuông cảnh tỉnh không còn… sớm sủa gì nữa.

"Vũ khí hủy diệt": Tấn công cả Rùa Hồ Gươm?

Chưa có thống kê về những loài quý hiếm, cần bảo vệ nghiêm ngặt bị hủy hoại, tận diệt do kích điện. Nhưng, sự thật về việc "họ hàng" của rùa Hồ Gươm, rùa Hoàn Kiếm quý hiếm bị tấn công, không ngoại trừ bị giết vì kích cá, được người trong cuộc tiết lộ cũng như được ống kính của nhóm phóng viên chúng tôi ghi nhận thêm, đã là "giọt nước tràn ly" cho một một thực tế quá sức đau lòng.

Như chúng ta đã biết, hai con hồ nổi tiếng ở Hà Nội hiện nay, là hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh có các cá thể Rùa Hoàn Kiếm còn tồn tại. Mới đây, việc quây lưới bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm nặng gần 90kg, lấy mẫu ADN và công bố kết quả bởi Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) và các tổ chức uy tín khác, đã cho thấy cá thể rùa được bẫy bắt vào tháng 10/2020 ở hồ Đồng Mô là loài Rafetus swinhoei, loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủng. 

Loài rùa này còn có tên gọi là Giải Sin-hoe - rùa Hoàn Kiếm, rùa Hồ Gươm. Đáng chú ý, trước đó, có một sự kiện buồn ở Trung Quốc: nỗ lực nhằm ghép đôi, cho sinh sản trong tình trạng nuôi nhốt hai cá thể Giải Sin-hoe ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc đã không thành công. Trong quá trình gây mê để thụ tinh nhân tạo, cá thể cái cuối cùng được biết đến vào thời điểm đó đã không bao giờ tỉnh lại được nữa. Mọi hy vọng của loài người về loài Giải Sin-hoe đều hướng tới hai con hồ ở khu vực Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, thuộc TP.Hà Nội.

Tuy nhiên, chính tại hai con hồ "thủ phủ bảo tồn" loài quý hiếm này, câu chuyện về nạn kích cá vẫn hành hoành đã gây hoang mang cho nhiều người. Và trên hết là sự vô lý trong xử lý nạn đánh bắt thủy sản hủy diệt, nhất là khi mà nhiều người trong cuộc đã trả lời nhà báo, đã kêu cứu tới chúng tôi về nguy cơ "kích" chết rùa Hoàn Kiếm bằng nguồn điện giết chóc.

Riêng khu vực thả lưới để khoanh vùng quan sát rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô đã rộng tới 90ha, cả hồ rộng 1,4 nghìn héc-ta. Mỗi ngày, mỗi đêm có bao nhiêu cái kích cá tung hoành? Chúng tôi tận mắt chứng kiến người ta lái xe máy chở kích điện đi trong khu vực tưởng như "tường cao hào sâu" của Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội). 

Thậm chí, giữa ban ngày, trên mặt hồ, người ta chèo thuyền, kích cá ầm ầm bằng hệ thống điện công suất cực lớn. Nếu không có video do chính mình quay lại, chắc chắn chúng tôi đã không dám đưa ra thông tin "sốc" này. Có vụ anh bảo vệ ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, được giao giữ gìn khu vực hồ do ông Đ.V.Th thầu nuôi cá (thuộc hồ Đồng Mô) trong quá tình cố sức ngăn chặn việc kích cá trộm, anh này bị đối tượng kích cá chống trả. Lập tức, anh ta đã quá tay chém trọng thuơng vào đùi một "cá tặc". Đối tượng chết trên đường đi cấp cúu. Anh bảo vệ đi ở tù. Hệ luỵ của kích cá không chỉ dừng lại ở đó.

Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 6.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 7.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 8.

Những người trong cuộc cho rằng các hoạt động đánh bắt cá chưa được kiểm soát chặt chẽ ở hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh  - những nơi có các cá thể rùa Hồ Gươm sinh sống đang đưa loài rùa quý hiếm này đến bờ vực tuyệt chủng. Ảnh: Lam Anh - Hoàng Chiên.

Mỗi năm hàng chục bộ kích cá bị thu giữ tại khu vực hồ Đồng Mô. Tổ chức nghiên cứu bảo tồn rùa lo lắng: hễ trời mưa là đội kích cá ra quân nhiều. Chỉ sợ họ "kích" chết rùa quý. "Chiều nào chúng tôi ra hồ cũng thấy họ đi kích cá". Vị cán bộ tiết lộ và không quên dặn thêm, họ rất "đầu gấu", nhà báo nói tôi tiết lộ là tôi "hết cửa" lên đó nghiên cứu đó.

Một cán bộ trực tếp đi cùng công an và kiểm lâm vào vận động tuyên truyền người dân đừng dùng kích cá nữa, đặc biệt là không kích điện bắt rùa quý thông tin: Hôm ấy, tầm 3 giờ sáng tôi nhận được tin báo có người "kích" (dùng ắc quy điện "dí") được con rùa to lắm. Họ gọi người nhà ra kéo về, nhưng vì "cụ rùa" quá nặng nên họ mệt, ngồi nghỉ. Cụ rùa cắn rách bao tải, thoát ra ngoài hồ. Lúc đầu chúng tôi cũng nghi họ nói dối, có lẽ họ giết rùa đem bán cho nhà hàng rồi. Tôi từng ghi nhận nhiều cụ rùa bị giết đem bán thịt làm đặc sản, toàn cụ dăm bảy chục cân (điều này báo chí đã đăng nhiều). Rất may, sáng hôm sau tôi ra hồ theo dõi, vẫn ghi nhận được cụ rùa (nghi) dính kích điện còn nổi lên ngắm… mặt trời.

Tôi tịch thu được cái bao tải họ trói rùa và khiêng đi, có cả dấu tích của việc đánh đập trọng thương cho rùa mất sức khỏi… bỏ chạy. Tôi bảo, ở bao tải này có mẫu ADN của rùa Hoàn Kiếm, nếu các vị không thừa nhận tôi sẽ đưa đi xét nghiệm và khẳng định. Hãi quá, họ mới thừa nhận, họ đi kích cá trộm trên hồ, dí trúng cụ rùa khoảng 70kg thật.

Cá thể rùa khổng lồ được quây lưới, bắt đem lên lấy mẫu ADN và gắn chíp (xem ảnh), ít lâu sau thì cụ bị chết, tiêu bản rùa Hoà Kiếm ấy giờ trưng bày ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Nhiều cán bộ nói với chúng tôi: "Không ngoại trừ cụ chết vì kích điện. Bởi nếu bị chém, bị đập, bị dính thuốc độc hay dị vật tắc ruột… thì khám nghiệm tử thi phải thấy rõ điều đó. Kích điện thì cụ yếu, họ kích thêm dòng điện vào là chết, không để lại thương tích!".

Điều đáng sợ là khu vực hồ Đồng Mô có hai nguồn nước đổ vào hồ, người ta hay đến đó rình cá và kích điện để bắt. Có ông chủ hồ ngày nào cũng đi kích cá và vợ ông còn thường xuyên bán cá kích được đó trên mạng xã hội rất đều đặn. Vài vụ đi kích cá bị bắt giữ, cơ quan cấp xã phạt vài trăm nghìn rồi thả về, mai họ lại đi kích tiếp. Cán bộ bảo tồn rùa, mời công an và chính quyền địa phương cùng tham gia ngăn chặn việc kích cá, "kích" rùa quý. Họ ra quân, xử lý một người nào đó rồi lại thu quân.

Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 9.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 10.
Hủy diệt thế giới của “Vua Thủy Tề” (Bài 3): Diệt nạn đánh bắt cá hủy diệt dễ đến không tưởng!- Ảnh 11.

Công cụ sử dụng để tận diệt nguồn lợi thủy sản rất dễ bắt gặp ở nhiều hồ nước ngọt lớn ở nước ra như hồ Đồng Mô, hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà... Ảnh: Lam Anh - Hoàng Chiên.

Quả thật, có Luật Thủy sản từ năm 2017, có Nghị định của Chính phủ từ năm 2019 với chế tài xử phạt những kẻ sử dụng kích điện hủy diệt nguồn lợi thủy sản rất rõ ràng, nếu cứ chiểu theo luật, phát hiện vi phạm nào đều xử lý hết thì… quá dễ. 

Bởi họ bán hàng nghìn bộ kích công khai, họ đeo kích đi xe máy, đi bộ nghênh ngang, họ lái thuyền lái tàu đi trên hồ to đùng và nổ phành phạch. Bắt được tôm cá cua và các loài thủy hải sản thì họ đem ra chợ bán, đôi lúc hình thành cả một cái chợ chuyên "hàng kích điện" huyên náo ven hồ như ở Yên Bái. Dễ để phát hiện, có chế tài rất rõ để xử lý!

Việc thảm nạn kích điện tràn lan hiện nay, không còn nghi ngờ gì nữa, là do sự buông lỏng quản lý, sự ra quân nửa vời của chúng ta. Không phải của đơn vị nào hay đội liên ngành nào, mà của tất cả chúng ta. Đấy là chưa kể yếu tố "bỏ qua" của không ít người có mưu đồ trục lợi. 

Cho họ đánh bắt chim trời cá nước rồi họ nộp "tô thuế" dưới các hình thức khác nhau cho "túi tham" của mình. Gần đây, vì bị đánh bắt hủy diệt, biển cạn cá tôm, sông hồ đói các loài thủy sản. Thay vì bỏ nghề đi kích cá kiếm ăn, nhiều đối tượng chế ra loại kích mạnh hơn, phóng ra nguồn điện mạnh hơn, hủy diệt thủy hải sản sâu hơn, rộng hơn, để tăng khả năng có được "lòng thuyền đầy cá tôm". Thế là tốc độ tuyệt diệt của nhiều loài từ trong trứng nước lại càng nhanh hơn.

Rất may, cái gì "cùng thì sẽ biến, biến thì sẽ thông", nhiều người đã giác ngộ trước sự tăm tối xuẩn ngốc và vô lối của tệ nạn đánh bắt hủy diệt. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, từ đó, lối ra tươi sáng cho vấn đề này đã mở ra. Chuyện sẽ có ở kỳ sau.

Đón đọc Bài 4: Bài toán chống nạn kích cá đã có sẵn lời giải!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem