Góc nhìn pháp lý vụ 8 người trong gia đình ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế
Góc nhìn pháp lý vụ 8 người trong gia đình ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế
Quang Trung
Thứ năm, ngày 21/11/2024 08:07 AM (GMT+7)
Trong lúc lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
8 người trong gia đình bị bắt vì chống người thi hành công vụ
Công an tỉnh An Giang cho biết, đã bắt giữ vợ chồng bà Lê Thị Ngọc Nhan (53 tuổi) và Lê Văn Điền (52 tuổi, ngụ xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên); Lê Phước Sang (33 tuổi), Lê Phước Hoàng (25 tuổi) cùng là con bà Nhan; Nguyễn Văn Lộc (42 tuổi) - cháu bà Nhan; Lê Công Triết (42 tuổi); Nguyễn Thị Bích Thủy (44 tuổi) và Lê Thị Thương (43 tuổi).
Các đối tượng cùng bị bắt giữ vì hành vi chống đối, tấn công lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.
Theo Công an tỉnh An Giang, tỉnh đang thực hiện dự án đường tỉnh 945 đi qua các huyện Châu Phú, Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và huyện Hòn Đất (Kiên Giang) với tổng chiều dài gần 40 km. Đây là công trình quan trọng, giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Bị ảnh hưởng bởi dự án, 640 hộ đã nhận bồi thường, giao đất cho đơn vị thi công làm đường, riêng hộ bà Nhan (xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên) không chấp nhận.
Cơ quan điều tra cho rằng, mỗi khi có cán bộ đến vận động, gia đình bà Nhan "chống đối, chửi bới". Đây là nguyên nhân tuyến đường đi qua phần đất của bà Nhan bị dang dở nhiều năm.
Sáng 18/11, khi đoàn cưỡng chế đến, 8 người trong gia đình bà Nhan đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, khiến 5 cảnh sát bị thương, nhiều máy móc của đơn vị thi công bị hư hại.
Chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định pháp luật, đất đai là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Khi Nhà nước cần sử dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, cho phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì có quyền ra quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
Bởi vậy, trong tình huống này, nếu quy hoạch đường giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có kế hoạch thu hồi đất, đã thông báo công khai và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện việc thu hồi đất đúng quy định, người dân phải chấp hành.
Nếu cho rằng việc thu hồi đất không đúng pháp luật, người sử dụng đất vẫn phải chấp hành nhưng có quyền được khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án.
Ông Cường thông tin, theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Điều 330 Bộ luật hình sự quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích với tình tiết là với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân theo Điều 134 Bộ luật hình sự.
Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có thể dẫn đến chết người hoặc có mục đích giết người, sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung hình phạt là phạm tội với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, đây là một vụ việc rất đáng tiếc, bởi người thực hiện hành vi phạm tội thiếu hiểu biết pháp luật, có ý thức coi thường pháp luật, đã lựa chọn hành sự không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với pháp luật và gây ra nguy hiểm cho người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.