Cán bộ Kiểm lâm bốn lần xin thôi chức để "đi rừng" trên cao nguyên đá
Cán bộ Kiểm lâm bốn lần xin thôi chức để "đi rừng" trên cao nguyên đá
Văn Hoàng
Thứ năm, ngày 21/11/2024 11:16 AM (GMT+7)
38 năm công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ông Phạm Văn Đồng trải qua nhiều câu chuyện vui buồn, đến những hiểm nguy trực chờ. Tình yêu với nghề, với núi rừng đã giúp ông vượt qua, gắn bó với những cánh rừng ở cao nguyên đá Hà Giang.
Yêu ngành, yêu nghề mới hoàn thành nhiệm vụ kiểm lâm
"Tôi rất tự hào khi cả họ và tên mình giống tên của Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng", Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cười vui vẻ mở đầu câu chuyện.
Tay pha ấm trà, mắt hướng về đồi thông sau lưng phố cổ Thị trấn Đồng Văn, ông Phạm Văn Đồng giật mình sực nhớ chuyện gì đó rồi quay sang chúng tôi "đàm phán": "Tôi chỉ ngồi tiếp các chú nhiều lắm 30 phút thôi nhé, nay có lịch đi tuần rừng rồi".
Sinh năm 1969, ông Đồng mang trong mình hai dòng máu, mẹ người H’Mông – bố người Kinh. Bố mẹ ông làm việc trong lâm trường, nhưng khi học xong ông Đồng lựa chọn đi làm công nhân. Mấy năm sau, gia đình thuyết phục, năm 1986 ông Đồng quyết định công tác tại lâm trường. Cuộc đời ông gắn bó với rừng từ đấy.
Thêm mấy năm nữa, có cán bộ kiểm lâm biết ông Đồng, muốn đưa vào công tác vì "thằng này chăm chỉ quá". "Khi ấy tôi xác định mình làm ở đâu phải yêu ngành, yêu nghề mới hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công", ông Đồng nhớ lại.
Những năm đầu thập niên 90, ông Đồng vào ngành kiểm lâm, khó khăn còn nhiều lắm. Đi tuần rừng, anh em kiểm lâm phải hái rau rừng, thi thoảng được dân cho bát mèn mén. Nhưng kiểm lâm vẫn thoăn thoắt đi rừng, bám núi đá như sơn dương.
"Khó khăn lắm, nhưng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất người kiểm lâm Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến đơn vị, cơ quan, đến ngành Kiểm lâm Việt Nam", ông Đồng kiên quyết.
Gần 40 năm làm việc trong ngành kiểm lâm, ông Phạm Văn Đồng luôn ghi nhớ "giữ gìn phẩm chất đạo đức, không được để đồng tiền tác động". Chính vì vậy, ông Đồng cùng các đồng nghiệp được người dân quý mến nhưng lâm tặc lại thù ghét.
Vị kiểm lâm nhiều lần bị đe dọa, thậm chí bị lâm tặc dùng cưa bổ vào vai tóe máu. Rất thành thực, ông Đồng chia sẻ cũng có những lúc suy nghĩ "đi đơn vị khác, ngành Kiểm lâm nguy hiểm, đi nhiều, có lúc đi tuần tra một mình cô đơn giữa núi rừng lạnh lẽo".
Sau nhiều đêm suy nghĩ, gác lại bộn bề khó khăn, hiểm nguy, ông Phạm Văn Đồng tiếp tục gắn bó với nghề kiểm lâm.
Sau nhiều năm công tác, làm tốt công việc của mình, năm 2005, ông Đồng được cấp trên bổ nhiệm Hạt phó Hạt Kiểm lâm kiêm Phó Ban quản lý Lâm nghiệp huyện Đồng Văn. Ông Đồng làm hai việc, ngoài đi họp, đi tập huấn, công việc thường ngày vẫn phải hoàn thiện.
Ông Đồng nhớ lại, có những đêm thức trắng làm việc mới kịp, hồi đó mới có máy tính cây để cơ quan không đem về làm việc được, phải ngồi quá bữa nhiều lần. "Chị nhà bảo, anh ơi xem vất vả quá xin miễn nhiệm đi, thôi không làm hạt phó nữa".
Nghe lời vợ động viên, ông Đồng nhiều lần làm đơn trình cấp trên mới được miễn nhiệm chức Hạt phó sau 11 năm đương chức.
"Năm 2016 làm đơn đến lần thứ 4 tỉnh mới đồng ý miễn nhiệm chức phó Hạt trưởng. Nếu tôi được đi học đại học trước đó nữa thì chắc họ không cho mình nghỉ đâu, phải lên Hạt trưởng đấy", ông Đồng cười hề hề chia sẻ.
Ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường hiện 7 giờ 30 phút, ông Đồng nhấp nhổm, nhưng ái ngại chưa muốn "đuổi" khách. Chúng tôi hiểu ý nên mong muốn ông chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại và dự định thời gian tới.
"Tôi ở Đồng Văn cùng vợ, các con tôi đã đi làm hết, không ai theo ngành của bố. Trước khi nghỉ hưu tôi sẽ vay ngân hàng sửa lại ngôi nhà làm hai ba phòng cho khách nghỉ, sẽ tăng thêm thu nhập cho mình", ông Đồng nói kế hoạch của mình trong tương lai.
Rừng là tiền, hết rừng là hết tiền
Sáng sớm đầu thu, ở vùng cao Đồng Văn tiết trời se lạnh, kết thúc cuộc trò chuyên tại trụ sở Hạt Kiểm lâm, chúng tôi theo chân ông Đồng rời huyện lỵ Đồng Văn bằng xe máy đến cửa rừng, để xe lại, chặt vài cành cây làm ô che nắng cho xe máy.
Ông Đồng chỉ tay về phía dãy núi trập trùng nói: "Rừng tôi quản lý ở địa bàn xã Phố Cáo rộng nhất, đi bộ hết khoảng 6 tiếng. Tôi phụ trách các xã Thài Phìn Tủng, Phố Cáo, Tả Phìn, riêng Phố Cáo gần 1.000ha, cả 3 xã kia gần 2.000ha. Ở đây gỗ quý hiếm không nhiều, chỉ có ít thông đỏ, thông tre, chủ yếu là cây sồi, trẹo".
Leo núi đá, đi qua những trảng rừng cằn cỗi, rêu phong phủ lớp vỏ, "rừng ở đây phát triển chậm bởi núi đá, nên cây to nhất bằng chiếc xô đựng sơn", ông Đồng giới thiệu.
Vừa phát đường luồn rừng đi tuần, ông Đồng vừa kể: "Những năm gần đây nhà nước có các chính sách bảo vệ thấy rừng ngày càng phát triển, bà con quan tâm, bảo vệ chặt chẽ, họ đã được hưởng từ từng. Rừng là tiền, tiền là rừng, nếu không bảo vệ rừng thì hết tiền là hết rừng".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ký cam kết với người dân, mà các vụ vi phạm liên quan đến rừng nơi ông Đồng được giao phụ trách chỉ xay ra vài vụ đào trộm cây cảnh to bằng ống điếu hút thuốc lào của người Mông.
Để bảo vệ rừng tốt, theo ông Đồng, khi đi tuyên truyền có bí thư, trưởng thôn, thôn đội trường, tổ bảo vệ trật tự an ninh thôn, khuyến nông viên, đại diện tất cả các hộ trên 18 tuổi mới được đến họp và ký cam kết.
Trong nội dung cam kết, không khai thác mua bán, không săn bắt động vật, không sử dụng lửa trong rừng, đốt nương rẫy phải báo cáo,… khi họp xong bà con thảo luận giờ đốt nương vào giờ nào cho hợp lý, ví dụ đốt buổi sáng, chứ buổi chiều hanh khô, gió, mà đốt phải gom lại thành đống, cách bìa rừng 30m, thế mới không ảnh hưởng đến rừng.
Cả nhóm đi tuần rừng được khoảng 2 giờ đồng hồ, ông Đồng bỗng dừng lại, ông bảo: "Chỗ này này, 16 năm trước tôi từng bị "lâm tặc" bổ cho một nhát cưa vào bả vai, may là cưa chứ là dao chắc đứt luôn bả vai".
"Mình bắt được nó, mình phải rút dao của nó ngay, việc trước tiên là giữ hung khí của nó" ông Đồng nói và cách xưng hô với chất giọng lơ lớ tiếng dân tộc bản địa (nó - ở địa phương có nghĩa là người khác).
Cuộc tuần rừng của chúng tôi lại tiếp tục, trên đường đi, ông Đồng kể không thể nhớ nổi đã hòa giải bao nhiêu vụ tranh chấp đất rừng và cây rừng trong 38 năm qua, và vụ nào cũng thành công. Và cũng chẳng nhớ bao nhiêu chuyến đi rừng, có những chỗ bước chân ông đã làm mòn đi mỏm đá cao nguyên.
Theo ông Đào Duy Tuấn - Chỉ cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang: ông Phạm Văn Đồng là một cán bộ Kiểm lâm yêu nghề, mẫn cán và tâm huyết với công việc, có đạo đức thực sự trong sáng, được các đồng nghiệp yêu quý, kính trọng. "Đồng chí Đồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ rừng trên cao nguyên đá Đồng Văn, mảnh đất nơi cực bắc, biên cương của Tổ quốc", Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang nhận xét..
Thực hiện đúng lời hứa với vợ
Sinh năm 1996, là Kiểm lâm viên trẻ tuổi nhất Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn, Hoàng Văn Thượng, Tốt nghiệp Trường Đại học Lâm Nghiệp Thái Nguyên, sinh ra ở huyện Quang Bình, cùng tỉnh Hà Giang nhưng cách Đồng Văn khoảng 200km, di chuyển hết 8 tiếng.
Nhận thấy Đồng Văn là nơi mình tôi luyện bản thân, để bảo vệ rừng tốt công tác dân vận rất quan trọng, muốn có những thử thách với chính mình… Đó là lý do khiến Thượng lên đường kèm lời hứa với vợ: "Anh lên làm nhiệm vụ trước, tổ chức đã phân công rồi, anh sẽ cố gắng làm việc thật tốt rồi mở cho vợ một cái quán nho nhỏ. Chúng mình sẽ lập nghiệp ở Đồng Văn".
Nhưng Thượng không ngờ rằng, những ngày đầu vào việc lại nhiều khó khăn đến vậy. "Ngày đầu tiên đi làm thấy khác hoàn toàn so với đi học, có nhiều tình huống phát sinh, mình chưa tiếp cận được", Thượng nhớ lại.
Thượng không biết đường, toàn dò google map, bất đồng ngôn nhữ, rất bỡ ngỡ, không có ai quen biết, toàn người lạ. Nhiều lúc muốn "xuống núi" về với vợ con. Mỗi lần như vậy Thượng nhớ đến lời hứa với vợ, anh quyết tâm học hỏi: "Nhờ sự giúp đỡ của các anh, các bác, làm quen với môi trường và công việc mà mình phụ trách, giờ đã nắm bắt cơ bản".
Sau hơn 3 năm công tác, Thượng đã quen dần với công việc, và điều quan trọng nhất là Thượng đã thực hiện đúng lời hứa với vợ. Anh đã đón vợ con từ Quang Bình lên Đồng Văn, mở quán phở gà trống thiến, bún chả phục vụ ăn sáng tại trung tâm thị trấn, những ngày nghỉ anh phụ bàn cho "bà chủ" trước sự chứng kiến của cô con gái bé bỏng, dễ thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.