Cá nuôi trên sông Thái Bình chết trắng lồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo khẩn trương xác định nguyên nhân
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định nguyên nhân gây chết cá. Tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết. Thông báo kết quả quan trắc hàng ngày đến Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thành phố, thị xã để thông tin tới người nuôi cá lồng biết. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.
Đối với UBND huyện, thành phố, thị xã cần rà soát, theo dõi đánh giá hoạt động nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông, thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng ngày tới người nuôi cá lồng. Báo cáo tình hình cá nuôi lồng bị chết về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, vào cuối tháng 3, xảy ra tình trạng cá lồng nuôi trên sông Thái Bình (đoạn qua TP Hải Dương) của nhiều hộ dân ở xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng của TP Hải Dương chết hàng loạt một cách bất thường, không rõ nguyên nhân. Từ đầu tháng 4 đến nay, cá lồng của người dân vẫn tiếp tục chết ngày càng nhiều, số lượng cá chết ngày càng lớn. Ước tính hơn 300 tấn cá của các hộ dân bị chết, chủ yếu là cá chép giòn, gây thiệt hại về tiền hàng chục tỷ đồng.
Ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, nước ở sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Trước đó các cơ quan chức năng của Hải Dương cũng lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa công bố kết quả.
Để ứng phó với tình hình cá lồng chết, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương và người nuôi cá lồng tập trung thực hiện một số biện pháp để nhằm khắc phục tình trạng cá chết, giảm thiệt hại kinh tế do cá chết gây ra.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 12.000 ha nuôi thuỷ sản. Trong đó, có 214 vùng nuôi thuỷ sản tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên với diện tích gần 5.000 ha. 90% số diện tích nuôi thuỷ sản của tỉnh theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Những năm gần đây, người dân nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương phát triển mạnh việc nuôi cá lồng. Toàn tỉnh Hải Dương có gần 7.400 lồng cá trên sông ngoài, tập trung ở TP Hải Dương, Chí Linh và các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.