Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cá tiếp tục chết, chủ lồng bần thần, xót xa
Ngày 3/4, Phóng viên Báo Dân Việt đã về xã Tiền Tiến, TP Hải Dương đến thăm một số hộ nuôi cá lồng bên sông Thái Bình. Tiếng máy sục ô xy được bật hết công suất để cung cấp ô xy cho số cá còn lại có ô xy thở nhằm cứu vãn không để cá chết thêm nữa. Tuy nhiên, một số hộ vẫn có cá chết nhiều như hộ ông Lê Văn Hanh.
Khi phóng viên có mặt tại khu vực đặt hệ thống lồng cá của hộ ông Lê Văn Hanh thấy khá đông người, lãnh đạo chính quyền địa phương xã Tiền Tiến đến kiểm tra, động viên.
Cá lồng của gia đình ông Lê Văn Hanh ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vẫn tiếp tục chết hàng loạt, khiến ngày nào ông cùng người thân cũng phải vớt hàng tấn cá. Ảnh: Nguyễn Việt.
Bên các lồng cá, người thân, bạn bè của ông Hanh đang vớt cá còn sống để cân bán cho khách, đồng thời vớt cá chết dưới lồng lên. Nhiều đoạn thành lồng (làm đường đi giữa các lồng cá) xếp hàng chục bao tải đựng cá chết chờ mang đi chôn.
Nhìn những con cá chép giòn bị chết vứt trên thành lồng to bằng bắp đùi nặng cỡ từ 4 – 6 kg/con và trên mặt nước của nhiều lồng cá, từng đám cá nổi lên bơi lờ đờ hoặc nằm nghiêng hoặc há miếng đớp không khí để thở khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Clip: Ông Lê Văn Hanh (xã Tiền Tiến, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bần thần nói về tình trạng cá chết, đồng thời mong mỏi cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân khiến cá chết. T/h: Nguyễn Việt.
Ông Hanh cho biết và nhiều người dân ở đây xác nhận, đêm qua cá tiếp tục chết nên sáng nay mọi người phải vớt cá chết cho vào bao, đồng thời vớt cả cá sống để bán, nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng đấy.
Trong sáng ngày 3/4, ông Hanh cùng người thân đã vớt được độ chục tấn cá còn sống để bán, đồng thời cũng vớt được cỡ 6 – 7 tấn cá chết.
Ông Hanh cho biết, gia đình ông có 13 lồng cá, còn tính cả những người thân khác có hơn 40 lồng cá. Ông Hanh đã có thâm niên nuôi cá lồng được 7 năm. Từ khi nuôi, thỉnh thoảng cũng có cá chết lẻ tẻ, chứ không chết hàng loạt, số lượng lớn bao giờ. Tuy nhiên, đợt này cá lại chết hàng loạt, nhiều nhất từ trước đến nay.
Cũng theo ông Hanh, hơn một tuần trước, ông đã thấy nhiều lồng cá có hiện tượng cá nổi lên để thở. Rồi sau đó, có cá chết và ngày càng chết nhiều, độ 4 ngày gần đây nhất, số lượng cá chết ngày càng nhiều hơn. Tính cả số cá chết trong ngày ¾, thì lượng cá chết của nhà ông Hanh lên đến 46 - 47 tấn, chủ yếu là cá chép giòn, thiệt hại thành tiền từ 2 – 3 tỷ đồng.
Bên cạnh khu lồng cá của ông Lê Văn Hanh là khu lồng cá của hộ ông Nguyễn Chiến Thắng cũng là hộ có cá chết nhiều nhất. Ông Thắng nuôi 15 lồng cá, trước đó đã bán được hết cá của 3 lồng, còn 12 lồng cá, nếu không bị chết, lượng cá của 12 lồng này cũng cho thu hàng tỷ đồng.
Trong khi chưa kịp bán thì xảy ra hiện tượng cá chết, rồi chết hàng loạt, số lượng cá chết cứ tăng dần. Có lồng cá chết hết, nhiều lồng cá chết cỡ 70%. Trong một tuần qua, số cá chết của ông Thắng được thống kê là chết 60 tấn, thiệt hại vài tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến cho biết, địa phương có 51 hộ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, tập trung ở 3 thôn Cấp Nhất, Cập Thượng, Du Tái. Người dân ở 3 thôn này phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông được khoảng 10 năm nay. Nhờ nuôi cá lồng, nhiều hộ kinh tế phát triển.
Cá chết nhiều khiến cho nhiều hộ nuôi cá lồng ở Tiền Tiến, TP Hải Dương thiệt hại hàng tấn và vài chục tấn. Ảnh: Nguyễn Việt. Ảnh: Nguyễn Việt.
Cũng theo ông Nhã, từ 5 – 6 ngày trước bắt đầu có hiện tượng cá chết nhiều, chủ yếu là cá chép giòn. Còn 3 ngày gần đây nhất số lượng cá chết ngày càng nhiều, số hộ có cá chết cũng tăng lên. Tổng trọng lượng cá chết tính hết ngày 2/4 là 197 tấn, ước thiệt hại thành tiền hơn chục tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của xã, trong số 51 hộ nuôi cá lồng thì có 24 hộ có cá chết, trong đó có 9 hộ có lượng cá chết từ 0,5 tấn đến 2 tấn, 9 hộ có lượng cá chết từ 3 – 7 tấn; có 6 hộ có cá chết trọng lượng từ 9 tấn đến 60 tấn.
Ngoài hộ ông Nguyễn Chiến Thắng có 60 tấn cá chết, ông Lê Văn Hanh 39 tấn cá chết (chưa tính 7 tấn cá chết ngày 3/4) còn có một số hộ có cá chết nhiều như: hộ ông Nguyễn Thành Phú cá chết 15 tấn, hộ ông Phạm Văn Khánh cá chết 11 tấn, hộ ông Phạm Văn Hưng cá chết 10 tấn, hộ ông Lê Văn Kiếm cá chết 9 tấn.
Theo tìm hiểu từ người dân nuôi cá lồng lượng cá chết trong thực tế còn cao hơn.
Vì sao cá chết, người nuôi cá lồng mong mỏi điều gì?
Cũng theo ông Nhã cho biết, ngay sau khi nhận được tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã về lấy mẫu nước sông, lấy mẫu cá bị chết để xét nghiệm, tuy nhiên chưa có kết quả.
Trước mặt, xã cũng khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp vệ sinh lồng cá, tăng cường súc ôxy để khắc phục tình trạng thiếu ôxy cho cá.
Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: "Cách đây 3 ngày, nhận được tin cá chết, chúng tôi đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng TP Hải Dương xuống nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi cũng lấy mẫu để tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Đồng thời cũng khuyến cáo, chỉ đạo luôn về vấn đề kỹ thuật, tăng cường quản lý theo dõi đàn cá và các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu thiệt hại".
Cũng theo bà Đào, thông thường hàng năm khi thời tiết thay đổi, giao mùa, nếu như với điều kiện nuôi trồng mà không can thiệp kịp thời dẫn đến thiếu ô xy cá cũng có thể chết.
Còn theo tìm hiểu từ những người chăn nuôi cá lồng trên sông Thái Bình ở Tiền Tiến, bằng kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm, họ xác định cá chết bất thường là do nguồn nước. Theo lý giải của họ "nếu nước sông mà sạch thì cá sẽ không chết". Có thể do sự xả thải nước thải chưa qua xử lý từ doanh nghiệp ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến cá chết.
Một số người dân cũng xác nhận, sau nguyên nhân từ nguồn nước, nguyên nhân cá chết một phần cũng do thiếu ô xy (nhất là đối với những lồng cá chép giòn không đủ rộng, cộng với lượng cá nhiều, to nên thiếu ôxy ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, dẫn đến cá chết).
Ông Lê Văn Hanh bần thần vì cá chết nhiều, khiến ông thiệt hại vài tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Việt.
Khi được hỏi mong muốn điều gì, ông Lê Văn Hanh, chủ lồng cá có lượng cá thiệt hại nhiều cho biết: gia đình ông mong được các cấp chính quyền tỉnh hay trung ương hỗ trợ cho những người nông dân nuôi cá được ít nào, thêm cho đỡ thiệt hại, chứ giờ ông không biết nhờ ai.
Đồng thời ông Hanh cũng mong các ngành chức năng tìm ra nguyên nhân cá chết, chỗ nào xả thải phải chịu trách nhiệm cho người nông dân nuôi cá đỡ thiệt thòi.
"Giờ ngân hàng đến xiết nợ không còn tiền mà trả ngân hàng. Nhà nào cũng vay ngân hàng, sổ đỏ đều cắm ngân hàng hết", ông Hanh chua xót.
Ông Hanh cũng mong muốn các ngành, các cấp trung ương, tỉnh Hải Dương có tiếng nói với ngân hàng trong việc giãn nợ cho những người nuôi cá lồng bị thiệt hại và tạo điều kiện để người nuôi cá vay vốn để tiếp tục tái đầu tư phát triển nuôi cá.
"Chứ giờ, thiệt hại lớn quá, bọn em không biết xoay sở ra sao nữa", ông Hanh cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.