Nông dân Nguyễn Thị Trâm (tỉnh Bắc Ninh): 

Kỳ vọng có thêm nhiều nhà máy chế biến để không còn hiện tượng ùn ứ nông sản, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Bước sang năm mới 2022, tôi có 2 điều muốn kỳ vọng. Thứ nhất, đó là trong nước sẽ hình thành nhiều nhà máy chế biến đủ lớn, liên kết thêm được nhiều doanh nghiệp để nông sản Việt không còn hiện tượng ùn ứ, phải "giải cứu", không phải phụ thuộc vào Trung Quốc.

img
img

Nông dân Nguyễn Thị Trâm với mô hình trồng rau, củ quả công nghệ cao ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh

Ước vọng thứ hai của tôi là người nông dân sẽ giàu có, nhà nào cũng sung túc ấm no, gia đình được ở gần nhau đoàn tụ, không phải ly hương để kiếm sống. Làng quê sẽ đầy đủ tiện ích không kém gì thành phố, nhưng vẫn trong lành và giữ gìn môi trường cho thế hệ mai sau.

Nông dân Đặng Văn Bảy (tỉnh Bến Tre): 

Đẩy lùi dịch Covid-19 và giảm giá thành vật tư đầu vào

Bước sang năm 2022, tôi mong muốn chúng ta nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19 để bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất. Như mọi người đều biết, năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành và gây thiệt hại rất lớn tại các tỉnh miền Nam, trong đó người nuôi tôm như chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển thức ăn đầu vào cũng như đầu ra cho tôm.

Một điều tôi kỳ vọng trong năm 2022 nữa, đó là, giảm giá thành vật tư đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học để người nuôi tôm yên tâm sản xuất.

img
img

Nông dân Đặng Văn Bảy với mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre

Nông dân Lê Văn Quyết (tỉnh Đồng Nai): 

Mong ước lớn nhất là đẩy lùi đại dịch Covid-19

Hiện nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có 22 thành viên, đang chăn nuôi liên kết khoảng 2 triệu con gà lông trắng. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, do bị đứt gãy chuỗi tiêu thụ nên giá gà lông trắng rớt "thảm hại", nhiều nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết nên bản thân trang trại của ông Quyết cũng như HTX không bị thiệt hại quá lớn. Giá gà lông trắng bán ra của HTX vẫn đạt 26.000 - 28.000 đồng/kg.

“Tuy nhiên không phải ai cũng kiên trì chăn nuôi theo chuỗi. Vì vậy điều ước lớn nhất của tôi lúc này là mong muốn đại dịch Covid được đẩy lùi. Chiến thắng dịch Covid chính là ưu tiên số 1 hiện nay, có như vậy thì không chỉ nông dân mà mọi người cùng yên ổn làm ăn” – ông Quyết nói.

img
img

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai)

Chia sẻ với Dân Việt về những kỳ vọng, mong muốn trong năm 2022, ông Quyết nói: “Sang năm mới, tôi cầu mong tất cả mọi việc đều ổn, giá cả đầu vào giảm, giá đầu ra tăng lên. Thật ra năm vừa qua, chẳng ai muốn giá đầu vào lên mà thị trường chung như vậy, buộc các doanh nghiệp cung ứng đầu vào phải điều chỉnh. Về phía Nhà nước, hiện đã có đủ mọi chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhưng tôi chỉ muốn những giải pháp đó thực sự đi vào cuộc sống, đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Đừng để chính sách ban hành mà nông dân mãi không được hưởng. Nông dân “chìm” rồi mà “phao” vẫn chưa tới hoặc tới không đủ. Người cần phao thì không tới mà tới người có phao rồi”.

Nông dân Hoàng Văn Thường (tỉnh Hà Nam): 

Mong muốn Ngân hàng hỗ trợ về nguồn vốn để tái sản xuất sau Covid-19

Năm 2022, tôi kỳ vọng rất lớn vào những chính sách của Chính phủ để hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phục hồi sản xuất sau 1 năm ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19. Trong đó, mong muốn Ngân hàng có những chính sách vay vốn ưu đãi để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Nông dân kỳ vọng 2022 - Ảnh 4.

Anh Hoàng Văn Thường, Giám đốc HTX chăn nuôi Bình Thành, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) với mô hình "sông trong ao" và nuôi tôm công nghệ cao

Nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội: 

Phát triển nghề trồng nấm đông trùng và lan tỏa đến người nông dân

"Khởi động năm mới 2022 từ ý chí, sức bật của một chặng đường dài bền bỉ vượt qua khó khăn, thử thách và gặt hái được những thành công nhất định, chúng tôi ước vọng một năm mới thuận lợi, công việc sản xuất, kinh doanh đạt nhiều thắng lợi, tạo công ăn việc làm ổn định và giúp đỡ bà con nông dân được nhiều hơn", chị Hồng chia sẻ với Dân Việt.

Nhìn lại năm 2021, là một năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 bùng phát; song với thương hiệu và uy tín đã được khẳng định, các sản phẩm về đông trùng hạ của Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc chúng tôi đã được khách hàng tin tưởng và tiêu thụ tốt. Nhiều khách hàng mua đông trồng hạ thảo để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Năm 2021, chúng tôi hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm. Do dịch Covid-19, mặt hàng xuất khẩu vỏ kén tơ tằm sang Trung Quốc gặp khó khăn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã kết nối tiêu thụ số lượng lớn kén tằm cho bà con ở Thanh Hoá, Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình. Bình quân mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 3-5 tấn kén cho bà con.

img
img

Nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Năm vừa qua cũng là một năm thành công với tôi khi được bình chọn và tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ cảm xúc tự hào dâng lên mạnh mẽ khi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao Bằng khen trong buổi lễ Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc vào tối ngày 2/12/2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động. Bởi vì quá trình mình cố gắng trong suốt mười mấy năm đã được ghi nhận.

Bước sang năm mới 2022, ai cũng có ước vọng cho riêng mình. Và những người nông dân như chúng tôi cũng vậy. Tôi muốn phát triển nghề trồng nấm đông trùng và lan tỏa đến người nông dân, cứ cố gắng làm, cố gắng nghiên cứu khoa học thì kiểu gì cũng tới đích.

Nông dân Nguyễn Thị Thảo (tỉnh Gia Lai): 

Kỳ vọng năm 2022 cà phê được mùa được giá

img
img

Nông dân Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) với mô hình trồng cà phê

Chia sẻ với Dân Việt, "nữ hoàng" cà phê Tây Nguyên Nguyễn Thị Thảo cho biết, mặc dù năm 2021, nhiều mặt hàng nông sản khác khó tiêu thụ, giá thành thấp nhưng đây lại là năm người trồng cà phê ở Tây Nguyên thu lời lớn do giá tăng cao hơn so với mọi năm. Nên người dân Tây Nguyên rất phấn khởi.

Bước sang năm 2022, tôi kỳ vọng cà phê tiếp tục được mùa thắng lợi cả về sản lượng và giá cả. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn, giá phân bón sẽ giảm để nông dân sẽ có nguồn thu lớn hơn từ trồng cà phê.

Nông dân Hoàng Văn Oanh (tỉnh Tuyên Quang): Mong muốn đưa sản phẩm "Trâu ngố" Tuyên Quang bay xa

Chia sẻ với Dân Việt về năm 2021, ông Oanh cho biết, dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng đến chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm trâu, bò của HTX. Nếu như trung bình các năm trước, mỗi năm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hàng trăm nghìn con trâu, bò thương phẩm và nhiều sản phẩm chế biến ở trong nước thì năm nay con số rất khiêm tốn.

"Do dịch bệnh phía nước bạn siết chặt cửa khẩu để phòng dịch khiến việc tiêu thụ trâu, bò của chúng tôi bị ngưng trệ. Đến giờ số lượng hàng bán ra mỗi ngày mới được 5-10 tấn thịt trâu, thịt bò tươi ở các lò giết mổ", ông Oanh nói với Dân Việt.

img
img

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, tỉnh Tuyên Quang

Bước sang năm 2022, ông Oanh mong dịch bệnh sớm qua đi để HTX Tiến Thành khôi phục lại thị trường tiêu thụ và nối lại hoạt động liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các tỉnh, thành. Qua đó vừa giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho bà con, vừa đưa thương hiệu sản phẩm của địa phương đi xa hơn, tiếp cận được những thị trường lớn hơn...

Thực hiện: Thu Hà- Minh Huệ- Minh Ngọc





Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem