Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 tiếc nuối vì không thể về Thủ đô họp mặt

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 01/12/2021 13:20 PM (GMT+7)
Vì lý do bất khả kháng, một số nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đã không thể về Thủ đô Hà Nội để tham dự chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021.
Bình luận 0

Tiếc nuối vì không thể về Thủ đô

Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là một phần trong chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021.

Đây là buổi lễ quan trọng nhằm ghi nhận, động viên cho nỗ lực không mệt mỏi của những cá nhân đã ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Không chỉ vậy, từng nông dân xuất sắc khi tề tựu về Thủ đô còn mang theo trong mình những tâm tư, gửi gắm của rất nhiều bà con nông dân ngay tại địa phương mình.

Vì thế, tiếc nuối là cảm giác chung của nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc từ các tỉnh thành ở phía Nam khi không thể trực tiếp góp mặt trong ngày hội lớn.

Ông Nguyễn Văn Khải, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Ông Nguyễn Văn Khải, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Ông Nguyễn Văn Khải, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là người tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ở miệt hạ tỉnh Long An.

Ông Khải đang sở hữu diện tích nuôi tôm gần 4ha với 10 ao nuôi. Các mô hình nuôi tôm từ 1 – 3 giai đoạn, mỗi năm đem lại nguồn thu hoạch hàng tỉ đồng cho ông Khải.

Theo kế hoạch, ngày 30/11 là ngày các Nông dân Việt Nam xuất sắc khởi hành về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày hội lớn nhất trong năm của người làm nông.

Ông Khải cũng đã đi xét nghiệm Covid-19, cũng gói gém xong đồ đạc cũng như ghi nhận nhiều tâm tư của bà con nuôi tôm trong vùng.  

Thế nhưng, ngày 28/11, ông bất ngờ bị tai nạn. Vết thương trên đầu gối ảnh hưởng đến dây chằng đã không cho phép ông Khải di chuyển nhiều.

"Tiếc lắm nhưng đành bó gối, ngồi im một chỗ", ông Khải chia sẻ.

Theo lời ông kể, sau khi cơn đại dịch Covid-19 lần tư bùng phát, đời sống của nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Căng thẳng nhất là giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao quá, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Vụ thả nuôi tôm cho mùa Tết đã bắt đầu. Nhiều nông dân cũng đang âm ỉ thả con giống. Thế nhưng giá cả đầu ra phập phồng mà chi phí đầu tư cao đang khiến nhiều nông dân ưu tư.

Ông Khải bày tỏ mong muốn, ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp cũng như hỗ trợ đầu ra bền vững cho người nuôi tôm.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con. Sau dịch vẫn chưa hết khó khăn, dễ nảy sinh tâm lý chán nản với ruộng đồng.

"Chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm hơn đến những khu vực nông thôn còn khó khăn như vùng hạ miệt Long An quê tôi", ông Khải chia sẻ.

Dịch Covid-19 cản đường

Tại tỉnh Trà Vinh, HTX Phú Mỹ Châu đạt doanh thu từ 23-24 tỷ đồng/năm. Nhiều năm qua, HTX Phú Mỹ Châu nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi".

Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây

Riêng ông Trần Văn Công – Giám đốc HTX, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh còn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT vì thành tích phát triển kinh tế HTX.

Hiện dịch Covid-19 ở tỉnh Trà Vinh đang diễn biến phức tạp. Vùng sản xuất lúa rộng hơn 200ha của HTX nằm trong vùng vàng trên bản đồ dịch tễ của địa phương.

Ông Công tâm sự, dịch dã lại hoành hành trong khi công việc cuối năm bề bộn, ông đành phải hủy chuyến đi và chờ đợi theo dõi Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021 qua truyền hình.

Điều mà ông Công trăn trở nhất hiện nay là vốn cho đầu tư sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

HTX đang tập trung sản xuất lúa hữu cơ, tiến tới xay xát gạo để phát triển sản phẩm gạo sạch.

Đồng thời, xây dựng phương án phát triển bền vững chuỗi sản phẩm, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, nhanh chóng để mở rộng thị trường.

Có như vậy, HTX mới góp phần mạnh mẽ vào đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.

Thế nhưng, theo ông Công, cơ sở hạ tầng của HTX còn nhiều hạn chế. Việc huy động vốn từ nội lực HTX còn nhiều khó khăn.

"Chúng tôi mong ngành chức năng tạo điều kiện hơn nữa để nông dân và HTX được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư", ông Công bày tỏ.

CLip: Nông dân đề nghị công tác phát triển giống hoa lan trong nước cần được tăng cường hơn nữa. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đến từ TP.HCM cũng cho rằng, làm nông nghiệp thì lúc nào cũng có nhu cầu vốn đầu tư, nhất là làm nông nghiệp công nghệ cao.

Chị Ngọc Thảo là trường hợp khá đáng tiếc khi trước ngày ra Hà Nội, chị bị nhiễm dịch Covid-19.

Những ngày đầu, bệnh trở nặng, gia đình phải đưa chị đi cấp cứu. Nay sức khỏe đã tạm ổn, chị Thảo tạm thời cách ly tại vườn lan của mình.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà, huyện Bình Chánh, TP.HCM được bình chọn là 1  trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà, huyện Bình Chánh, TP.HCM được bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trở lại với câu chuyện, chị Thảo cho biết, làm nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM còn vướng thêm khó khăn nữa do chính sách chưa được phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất chính là công tác phát triển giống hoa lan trong nước còn nhiều hạn chế.

Bản thân là kỹ sư sinh học, xuất thân từ ngành nghiên cứu phát triển giống cây trồng nhưng chị Thảo chỉ mới đáp ứng được 20% cây giống cho chính vườn lan mình. Số còn lại phải nhập hầu hết từ Thái Lan.

Mùa dịch vừa qua, máy bay không vận chuyển hàng về Việt Nam được. Đến khi ngành hàng không hoạt động trở lại, các đơn hàng đặt mua giống từ trước đổ dồn về ồ ạt, nhưng hầu hết đã... quá lứa, sụt giảm chất lượng.

Theo chị Thảo, chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì Covid-19 càng làm bộc lộ sự thua thiệt cho nông dân do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn giống từ nước ngoài.

"Ngành nông nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác phát triển giống nông nghiệp. Muốn cạnh tranh và phát triển được thì phải chủ động cây giống, không để phụ thuộc nước ngoài quá nhiều", chị Ngọc Thảo gửi gắm tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem