Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ề Đắk Nông những ngày này không khó để bắt gặp những cánh đồng điện gió mọc lên bên cạnh những thảm xanh rì của các trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án bô xít – alumin – nhôm đã "hô biến" vùng đất cao nguyên M'nông bao đời nay chỉ loay hoay với cây tiêu, cây cà phê... thành "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư đến để làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một địa phương không nhiều người biết đến, hiện du lịch khám phá Đắk Nông trở thành từ khóa tìm kiếm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Thế nhưng, để có được những thành quả ngọt ngào ấy, nói như ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: "Đắk Nông đã phải vừa đi vừa chạy, đôi lúc phải nhảy, vấp ngã cũng đứng lên mà đi. Bởi nếu chỉ bước bước 1 cùng các tỉnh thành khác thì mãi mãi Đắk Nông không thể theo kịp họ được…".
Từ một tỉnh nghèo, có tuổi đời "non trẻ" nhưng Đắk Nông lại đang có sức bật đáng kinh ngạc. Điển hình là năm 2021, chỉ số PCI tăng 8 bậc, cải cách hành chính tăng 10 bậc… Người ta ví von Đắk Nông như "nàng công chúa đang ngủ quên" chờ được đánh thức. Vậy theo ông, những tiềm năng đang chờ được đánh thức đó là gì?
- Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bình Phước; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia, với 141 km đường biên giới.
Về khoáng sản, tỉnh có trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Về năng lượng tái tạo, tỉnh có tổng số giờ nắng cao và hướng gió đều vào cả hai mùa mưa và mùa khô đều có tốc độ gió bình quân 2,4 -5,4 m/s rất thích hợp cho phát triển điện gió và điện mặt trời.
Ngoài ra, Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi khi có độ cao trung bình 700m so với mực nước biển. Nhờ vậy mà quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ. Đắk Nông còn có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vỹ với các thác nước như Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G'Lun, Đắk Buk So, Năm Tầng, hồ Tà Đùng…và đặc biệt là Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tất cả những tiềm năng này kỳ vọng sẽ "đánh thức" ngành du lịch tỉnh nhà phát triển trong tương lai.
Một tiềm năng khác tuy không mới nhưng vẫn chưa khai thác hết đó là lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Đắk Nông có 366.000 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 56% diện tích đất tự nhiên. Quan trọng nhất là Đắk Nông sở hữu 9 nhóm đất chính, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng. Loại đất này chiếm trên 80% diện tích. Cùng với mạng lưới sông suối, ao hồ dày đặc… là điều kiện vô cùng thuận lợi để kích hoạt sự phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Đắk Nông đã có chiến lược gì để đánh thức những tiềm năng trên thưa ông?
- Nắm bắt được lợi thế và những khó khăn mà tỉnh sẽ phải đối điện, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đưa ra định hướng sẽ tập trung phát triển ba trụ cột, ba đột phá và thu hút đầu tư.
Trong đó 3 trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị…; Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên về cảnh quan, thời tiết, khí hậu, các giá trị văn hóa bản địa.
Để làm được những điều đó, Đắk Nông sẽ cần 3 đột phá là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông…và phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Như vậy có thể nói Đắk Nông đã có "thiên thời, địa lợi"… để sẵn sàng kích hoạt các tiềm năng. Vậy còn yếu tố con người và sự quyết tâm thì sao, thưa ông?
- Đúng vậy, yếu tố bên trong cũng không kém phần quan trọng. Vào năm 2021, Đắk Nông đã có chỉ số PCI tăng 8 bậc và việc cải cách hành chính tăng 10 bậc. Tôi thường nói với các cấp lãnh đạo và nhân dân Đắk Nông rằng, đây là một tín hiệu vui và là một thành quả từ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Đắk Nông.
Tuy nhiên chúng ta vui, tự hào về điều đó nhưng cũng phải nhìn lại xem đã làm được cái gì và chưa làm được cái gì. Bởi thực tế hiện nay Đắk Nông vẫn là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, giao thông. Đây chính là trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư đến với tỉnh. Để bù lại những khó khăn này, tỉnh đã phải có những cố gắng, nỗ lực trong vấn đề cải cách hành chính.
Mỗi tháng chúng tôi có những buổi làm việc với các lãnh đạo các địa phương và các sở ban ngành về công tác cải cách hành chính. Thực ra vấn đề này nếu làm tốt sẽ là một điểm nhấn để thu hút đầu tư cực kỳ quan trọng. Vì vậy không thể khác được, các lãnh đạo cũng như chính quyền các cấp phải vào cuộc và đồng hành.
Chúng tôi hay nói đùa với anh em rằng, đối với Đắk Nông hiện nay chúng ta phải vừa đi vừa chạy, đôi lúc phải nhảy…, vấp ngã cũng phải đứng lên mà đi. Chứ nếu chúng ta chỉ bước bước 1 cùng với các tỉnh thành khác thì mãi mãi chúng ta không thể theo kịp họ được.
Từ Đắk Nông đến TP.HCM có 220km thôi, nếu như có một con đường cao tốc, cơ hội đi lại và giao thương, kết nối giữa Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung sẽ rất thuận với khu vực TP.HCM và Bình Dương , Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, chúng tôi cũng đang nỗ lực hết mình để làm sớm nhất mở được cao tốc, kết nối giao thương để tạo đà cho kinh tế phát triển.
Tỉnh Đắk Nông đã xác định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 3 trụ cột. Vậy hiện nay, bức tranh nông nghiệp của tỉnh đã có những gì và cần bồi đắp những gì cho mục tiêu này?
- Như tôi đã nói ở trên, Đắk Nông được thừa hưởng lợi thế tuyệt vời cho nền nông nghiệp, có thể coi là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"… Hiện nay, Đắk Nông với ngành hàng chủ lực cà phê với trên 135.000 ha trồng và sản lượng 335.000 tấn (đứng thứ 3 cả nước); hồ tiêu gần 34.000 ha, sản lượng gần 60.000 tấn (đứng đầu cả nước)… Ngoài ra còn có hàng chục ngàn ha cao su, điều, các loại cây ăn trái nổi tiếng Tây Nguyên như: bơ, chanh dây, xoài, mắc ca, sầu riêng...
Đắk Nông cũng sở hữu 13.000 ha lúa thơm với sản lượng 82.000 tấn. Nói đến Đắk Nông người ta sẽ nghĩ đến những sản phẩm nông nghiệp tên tuổi như: Cà phê Đức Lập, Tiêu Đắk Song, Sầu riêng Đức Mạnh, Mắc ca Tuy Đức, Ca cao Đắk Mil, Măng cụt Đắk Nia, Xoài Đắk Gằn, Gạo Buôn Choah, Khoai lang Tuy Đức... Tất cả những điều đó đã góp phần giúp tổng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 13.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,11% kinh tế của tỉnh…
Chúng tôi định hướng sẽ thu hút đầu tư phát triển các loại cây giá trị kinh tế cao như mắc ca, chanh leo, trái cây, rau và hoa…, đi kèm với nó là xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến sâu.
Hiện nay, tỉnh đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, chúng tôi đã có 47 sản phẩm OCOP và có 1 khu nông nghiệp và 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là những tiền đề cho những bước phát triển tới đây của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao có thể nói là "niềm mơ ước" của rất nhiều địa phương có ngành nông nghiệp là "trụ đỡ". Thế nhưng không phải tỉnh nào cũng làm được và làm tốt, còn với Đắk Nông tiền đề có, tiềm năng có, vậy có khó khăn gì không thưa ông?
- Khó khăn tất nhiên là có, thậm chí rất nhiều. Đắk Nông có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội nói chung, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói riêng sau tái lập thấp hơn so với hầu hết các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước. Mặc dù đã có sự nỗ lực nhưng những khó khăn về nguồn lực đầu tư và kết cấu hạ tầng là không tránh khỏi, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, logistics trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, trong đó không ít hộ còn mang tư tưởng sản xuất tiểu nông, với nguồn lực đầu tư và trình độ sản xuất có nhiều hạn chế và là nút thắt không nhỏ cần được quan tâm tháo gỡ mới tạo được sức bật trong nông nghiệp.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và nguồn nhân lực là đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao càng trở nên khó khăn.
Về nông nghiệp công nghệ cao, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung quy mô và mức độ còn thấp. Diện tính ứng dụng vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt hơn 2.500ha.
Thế nhưng khó khăn lớn nhất có lẽ là Đắk Nông chưa có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn. Hiện chủ yếu vẫn dựa vào các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ, công suất thấp, công nghệ thô sơ.
Chính những yếu tố trên khiến cho Đắk Nông có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng phần lớn nông sản hiện nay của tỉnh đều xuất bán tươi, ít qua khâu chế biến khiến giá trị nông sản của bà con nông dân chưa được như mong muốn nếu không nói là giá trị thấp và không bền vững.
Như ông đã nhận định ở trên, chính việc phát triển chưa bền vững, thiếu sức cạnh tranh và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao… đã dẫn đến việc giá cả các mặt hàng nông sản ở mức thấp, được mùa mất giá. Là người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông sẽ giải quyết tình trạng này ra sao?
- Đó không chỉ là khó khăn của riêng Đắk Nông mà cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương đang loay hoay phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Nông quyết tâm sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển các cây trồng có lợi thế.
Nhưng để làm được điều này cần sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các giải pháp để nâng cao giá trị đối với các cây trồng có lợi thế của tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Tiếp theo sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...
Bên cạnh đó khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất cả nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh chinh phục các thị trường khó tính.
Ngoài ra, tỉnh cũng xác định cần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi từ các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển "chuỗi giá trị ngành hàng"… chấm dứt điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như nhiều năm trước.
Quan trọng nhất là việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp; hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường thông qua các nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định…
Giải pháp có rất nhiều, nhưng để làm được tất cả điều đó cần quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo địa phương và người dân Đắk Nông. Thế nhưng, để nông dân có thể sống tốt trên đồng đất Đắk Nông, tôi nghĩ khó mấy cũng phải làm!
Ông có nói về việc hiện chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp đang là rào cản. Thế nhưng được biết, thời gian qua, nhiều thanh niên Đắk Nông dù đã tốt nghiệp đại học, tìm được công việc ổn định ở thành phố nhưng vẫn chọn hướng về quê làm nông nghiệp công nghệ cao. Đây có thể là những hạt nhân của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, vậy tỉnh đã hỗ trợ như thế nào để thu hút nhân tài về đồng đất Đắk Nông?
- Thực tế đã cho thấy, hiện ở Đắk Nông đã xuất hiện khá nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người trẻ gây dựng. Tôi đã từng đến thăm và vô cùng ấn tượng với mô hình trồng hoa hồng của bạn trẻ Đào Xuân Anh sinh năm 1991, ở tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa. Hay như câu chuyện khởi nghiệp của bạn trẻ Trần Văn Phú ở thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp – người đã bỏ rất nhiều công sức tập hợp các bạn trẻ trên địa bàn để cùng sản xuất cà phê chất lượng cao, nâng giá trị cho hạt cà phê đã từng rất quen thuộc ở Đắk Nông...
Thanh niên chính là nguồn nhân lực chất lượng cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà vì vậy để giúp thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp, chúng tôi đã tập trung vào một số giải pháp như: Chỉ đạo xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong đó có thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất sạch, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp. Ngoài ra chúng tôi cũng chỉ đạo Ngân hàng chính sách nghiên cứu các chính sách cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp nông nghiệp… Khi có cơ chế, có đất sạch lại có nguồn vốn ưu đãi thì việc khởi nghiệp của thanh niên Đắk Nông sẽ không còn chông gai nữa.
Tới đây, ông sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với nông dân tỉnh nhà. Vậy ông dự kiến sẽ trao đổi, chia sẻ những điều gì với bà con?
- Không phải là chia sẻ và trao đổi mà sẽ được lắng nghe, được bà con chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp tạo nền tảng, động lực, trụ đỡ của nền kinh tế, là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nông thôn với cơ cấu kinh tế phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, là điều kiện quan trọng để tạo thêm được việc làm và tăng nhanh thu nhập của nông dân.
Đối với Đắk Nông, vấn đề tam nông của tỉnh nhà còn khá nhiều khó khăn, thách thức nhìn thấy và chưa nhìn thấy. Vì vậy, Tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, Hợp tác xã năm 2022, tôi rất mong muốn được lắng nghe nhưng tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, của các hợp tác xã, các doanh nghiệp.
Muốn nghe họ mạnh dạn đề xuất những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, liên kết, tiêu thụ nông sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ hợp tác, hợp tác xã nói chung. Đặc biệt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid -19, việc thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững có những vướng mắc gì cần trao đổi, tháo gỡ…
Trên cơ sở đối thoại những vấn đề về cơ chế, chính sách sau đó sẽ được UBND tỉnh xem xét, quyết định và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…
Chỉ có tháo được các "nút thắt" mới có thể thúc đẩy hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; phát huy sức sáng tạo của nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Hơn hết, khi không còn vướng mắc sẽ là cơ sở tuyệt vời để xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các đối tác hướng về tỉnh.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.