TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 1.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 2.

Chào TS. Lê Thái Hà! Chúc mừng chị vừa lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022. Chị có thể chia sẻ đã đón nhận tin này ra sao?

- Thực sự khi nhận được tin này tôi cũng thấy vui vì những công sức và nỗ lực của bản thân trong việc nghiên cứu cũng có sự ghi nhận nhất định. Tuy nhiên, cảm xúc của năm ngoái đặc biệt hơn một chút. Năm ngoái, khi lần đầu tiên lọt vào danh sách này quả thực tôi cũng có chút bất ngờ. Lý do là vì trong giới khoa học, sự tác động hay ảnh hưởng của các nghiên cứu trong ngành kinh tế thì thường không được coi trọng bằng ảnh hưởng của các nghiên cứu của các ngành khoa học ứng dụng như Y-Sinh hay Công nghệ thông tin. Thế nên trong danh sách này, mọi người cũng sẽ thấy sự xuất hiện của các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung hay kinh tế nói riêng ít hơn rất nhiều so với số lượng các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học công nghệ với tính ứng dụng cao.

Nhìn chung, cảm xúc năm nay cũng ít bất ngờ hơn vì nó cũng là sự tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của tôi trong một năm qua. Nhưng tôi khá vui vì nhận được sự chúc mừng, khích lệ của nhiều người, trong đó có nhiều người lạ. Một số bạn trẻ còn chia sẻ họ xem tôi là nguồn cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và điều này khiến tôi cảm thấy ấm áp. Quan trọng hơn, tôi vui khi thấy sự đón nhận, vì tình cảm của mọi người dành cho các nhà khoa học nói chung, vui vì sự quan tâm của công chúng dành cho những người ở thế giới khoa học – vốn được xem là một thế giới "rất khác" – đôi khi là xa lạ với số đông.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 3.

Con đường để trở thành nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của chị bắt đầu từ dấu mốc đáng nhớ nào?

- Dấu mốc đáng nhớ nhất là khi tôi nhận được học bổng toàn phần của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) Singapore để theo đuổi chương trình nghiên cứu tiến sĩ. Khi đó, tôi vừa tốt nghiệp chương trình cử nhân, cũng đứng trước nhiều lựa chọn và nhiều cơ hội công việc tốt ở ngoài thị trường. Nhưng cuối cùng được sự khích lệ của gia đình và Giáo sư hướng dẫn luận văn, tôi đã quyết định lựa chọn tiếp tục theo đuổi sự học và trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế ở trường.

Được biết, chị là nghiên cứu sinh người Việt duy nhất ở trường Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Công nghệ Nanyang; Làm nghiên cứu Tiến sĩ bằng học bổng toàn phần khi chưa tròn 22 tuổi; Giáo sư hướng dẫn cảnh báo có thể phải mất 5 - 6 năm nhưng chị chỉ mất 2 năm… Điều gì đã giúp chị hoàn thành sớm chương trình với điểm số cao nhất khóa như vậy?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tôi tìm thấy niềm đam mê trong nghiên cứu. Khi có sự đam mê thì công việc gì cũng trở nên dễ dàng hơn và thách thức nào cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sau đó sẽ là việc cần hoạch định, lên kế hoạch từng bước để đạt được kết quả mình mong muốn.

Vì sao chị quyết định trở về nước làm việc khi mà ở nước ngoài có quá nhiều lời mời dành cho mình?

- Đúng là tôi đã có nhiều năm du học và cũng từng làm việc ở nước ngoài trước khi tốt nghiệp Tiến sĩ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tôi quyết định về nước vì muốn được sống, làm việc và đóng góp cho nền khoa học của nước nhà. Tôi thấy những thành công của thế hệ đàn anh, đàn chị trong giới khoa học trong nước – họ cũng đi du học, lĩnh hội kiến thức ở những trường rất tốt của nước ngoài và rồi cũng quyết định trở về như tôi. Và tôi tự nhủ, với vai trò là thế hệ sau, mình cần tiếp nối những kết quả đó. Bên cạnh đó, lý do quan trọng không kém là tôi cũng muốn được về gần gia đình hơn – là điều tôi luôn đau đáu nghĩ về trong những năm tháng sống xa nhà. 

Điều đặc biệt là trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 có 35 nhà khoa học Việt Nam nhưng chỉ có chị là nữ duy nhất. Chị có gặp khó khăn gì khi là nữ giới làm nghiên cứu không?

- Tôi nghĩ với cuộc sống hiện đại như bây giờ nam hay nữ đều hướng tới sự bình đẳng trong hầu hết các lĩnh vực, không chỉ trong ngành khoa học. Tôi may mắn từ trước đến giờ trong các tổ chức tôi làm việc, tôi luôn nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ từ các đồng nghiệp, cả nam và nữ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là nữ giới có thể gặp một số bất lợi hơn nam giới vì thường phụ nữ sẽ cần dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, để quan tâm, chăm sóc bố mẹ, chồng, con đôi khi từ những việc nhỏ nhất. Tôi cũng vậy và đặc biệt từ khi có con, tôi thấy quỹ thời gian dành cho gia đình cần tăng lên đáng kể. Nhưng khi đã quen dần và biết cách tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý, hiệu quả hơn, công việc nghiên cứu khoa học của tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Thêm vào đó, các nghiên cứu khoa học cũng cho rằng nữ giới có thể làm nhiều việc cùng lúc (multi-tasking) tốt hơn nam giới. Có lẽ đó cũng là sự "hỗ trợ" của tạo hóa để những người phụ nữ có thể đảm nhiệm tốt nhiều vai trò trong cả gia đình và ngoài xã hội.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 4.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 5.

Kỷ niệm nào đáng nhớ trong thời gian nghiên cứu khoa học của chị?

- Những lần đầu tiên luôn rất đáng nhớ. Và đối với tôi, bài nghiên cứu đầu tiên được chấp thuận cũng như vậy. Đó là một kỷ niệm ngọt ngào tôi sẽ không bao giờ quên được. Khi đó tôi đang ở năm thứ hai của chương trình PhD và tôi nhận được thư chấp thuận cho bài báo khoa học đầu tiên, và vui hơn nữa là đến từ báo Energy Economics – một tạp chí hàng đầu (top-tier journal) trong lĩnh vực kinh tế năng lượng mà tôi theo đuổi ở PhD.

Tôi vẫn nhớ y nguyên cảm xúc hạnh phúc lúc đó, khi nhìn thấy email có quyết định từ Tổng biên tập của báo mà hồi hộp mãi không dám mở. Thế rồi là một sự "vỡ òa" – một kết quả ngọt ngào cho những nỗ lực của nhiều tháng miệt mài viết lách, nộp bài, rồi sửa bài.

Kết quả này đã tiếp thêm cho tôi sự tự tin để quyết định nộp tiếp một bài nghiên cứu nữa cho một báo khoa học khác và may mắn nhận được sự chấp thuận thứ hai.

Điều này đã tạo nên sự thuận lợi để tôi hoàn thành luận án tiến sĩ trong vòng hai năm. Nhưng quan trọng hơn cả là tôi cảm thấy thêm vững tin vào con đường nghiên cứu mà mình đã chọn – một con đường mà ở thời điểm đó tôi biết rằng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, nó sẽ còn rất dài và nhiều thách thức ở phía trước.

Thường thì mỗi người sẽ bắt đầu làm điều gì với một lý do hoặc nguồn cảm hứng nào đó. Vậy mỗi bài báo khoa học của chị được lấy cảm hứng từ đâu?

- Ý tưởng cho các bài nghiên cứu của tôi thường đến từ cảm hứng tại mỗi thời điểm. Ví dụ, khi chứng kiến giá dầu xuống mức thấp kỷ lục trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, tôi rất tò mò muốn tìm hiểu xem đâu thực sự là lý do dẫn đến việc này và tác động của nó lên nền kinh tế và thị trường tài chính trong ngắn hạn và dài hạn ra sao. Vậy là tôi bắt tay vào nghiên cứu.

Hay khi chứng kiến thế giới xảy ra các cuộc xung đột, tôi nảy ra ý tưởng đo lường tác động của các xung đột này với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Hoặc đôi khi cảm hứng đến từ việc trao đổi với các giáo sư mà tôi có cơ hội tiếp xúc ở các hội thảo, hội nghị về một chủ đề nào đó mà cả hai thấy tâm đắc và có hứng thú để hợp tác triển khai. Nhìn chung, mỗi bài báo đều gắn với một câu chuyện riêng và đối với tôi, mỗi bài đều có một kỷ niệm cũng như sự thú vị riêng. 

Tính đến hiện tại chị đã có khoảng 70 bài báo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín. Có bao giờ chị bị từ chối đăng bài chưa và chị có bị nản chí không?

- Có nhiều chứ. Tôi từng bị từ chối đăng và đó là lần đầu tiên tôi nộp bài. Khi đó tôi đang làm Nghiên cứu sinh nên cũng "tập tành" viết bài. Tôi tự đánh giá bài viết chất lượng tốt nên can đảm để nộp báo. Và đương nhiên là tôi bị từ chối. Sau đó tôi đã sửa bài và thử sức tiếp. Đó cũng là bài đầu tiên tôi được đăng báo.

Chuyện bị từ chối là điều rất bình thường đối với người làm khoa học, còn việc cảm thấy nản chí thường dễ đến với người mới bước vào làm nghiên cứu hơn. Lúc đó mọi người đang còn mang bao nhiêu háo hức, muốn chứng tỏ bản thân. Nhận lời từ chối đầu tiên chắc chắn sẽ thấy bị… hẫng nhưng sau đó ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường và tự động viên nhau bước tiếp.

Làm khoa học đòi hỏi sự bền bỉ, hy sinh... và cơ hội trở thành triệu phú, tỷ phú không cao như làm kinh doanh, nên phần lớn giới trẻ chọn các ngành nghề khác. Để thúc đẩy, thu hút giới trẻ làm khoa học nhiều hơn, theo chị đâu là điều kiện cần và đủ?

- Tôi nghĩ rằng mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những cơ hội và những thách thức riêng. Để thành công trong bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi chúng ta phải làm việc chăm chỉ, bền bỉ và có những sự hy sinh riêng. Mục tiêu có được thu nhập cao là chính đáng, tuy nhiên đó không phải lúc nào cũng là mục tiêu cao nhất và quan trọng nhất với mỗi người trong việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Tôi cho rằng mỗi người đều có những giá trị riêng mà họ xem trọng hơn trong cuộc sống. Vì thế để quyết định làm khoa học hay làm kinh doanh, hay là một nghề nào khác, điều kiện cần đó là bạn phải biết bản thân mình mong muốn đạt được điều gì trong công việc. Và điều kiện đủ có lẽ là bạn đủ niềm đam mê để tiếp thêm cho bạn nghị lực bước tiếp trên con đường chông gai dẫn đến thành công.

Chính vì vậy mà tôi vẫn khuyên các bạn trẻ rằng nếu thực sự có đam mê nghiên cứu khoa học hãy tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường ấy, đó sẽ là cách giúp các bạn thành công trong công việc, và cũng sẽ giúp các bạn cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống của mình.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 6.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 7.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 8.

Chắc hẳn mọi người đang rất tò mò không biết nữ tiến sĩ có tầm ảnh hưởng thế giới có tuổi thơ thế nào? Để tạo được "viên kim cương" ngày hôm nay phải chăng chị đã từng trải qua những "áp lực"?

Tôi học trường chuyên lớp chọn từ bé nên quả thực nếu hỏi có áp lực không thì câu trả lời là có vì cả lớp đều thi đua học để khẳng định mình. Áp lực từ chính bản và từ bạn bè để mình cố gắng hơn nữa. Thế nhưng, giờ nhìn lại, tôi luôn biết ơn quãng thời gian đó, trải nghiệm đó vì nó giúp tôi thích nghi tốt khi học ở NTU – nơi mọi người học xuyên ngày, xuyên đêm, vác chăn lên thư viện qua đêm để học. Tôi thấy mình phải nỗ lực nhưng không bị áp lực khi ở những môi trường như thế nữa.

18 tuổi, lần đầu tiên chị rời xa gia đình để lên đường đi du học. Cô gái năm xưa ấy đã mất bao lâu để thích nghi với cuộc sống ở nơi xa xứ?

- Tôi chọn học ở trường NTU ngoài việc đây là một trường đại học rất tốt, luôn nằm trong top các trường ĐH tốt nhất thế giới thì việc du học ở Singapore cũng giúp tôi có điều kiện bay về thăm gia đình thường xuyên hơn.

Có thể nói, tôi là một người sống rất gần gũi với gia đình nên thời gian đầu đi du học và cũng là lần đầu xa gia đình lâu như vậy, tôi cũng phải mất một thời gian để thôi những đêm khóc "ướt gối" vì nhớ nhà. Sau đó, tôi tự động viên bản thân là mình đã phải sống xa gia đình để đi du học thì phải cố gắng học cho tốt để xứng đáng với sự xa cách ấy.

Lý do gì khiến một cô gái với bề ngoài dịu dàng, nhỏ nhẹ này quyết định theo ngành Kinh tế với đầy con số?

- Bố mẹ tôi đều là những người làm việc trong lĩnh vực tài chính-kế toán. Thuở nhỏ, trong các bữa cơm gia đình, bố tôi luôn bật chương trình thời sự và cả nhà tôi sẽ vừa ăn, vừa bàn luận, phân tích về các vấn đề kinh tế-xã hội. Có lẽ vì vậy mà từ việc ban đầu không hiểu gì, dần dần tôi cũng bị "hấp dẫn" vào những thảo luận như thế và dần yêu thích việc lắng nghe và tập phân tích tác động của các vấn đề kinh tế.

Tôi thích thú khi nhận thấy rằng, trong một thế giới mà sự tương tác và hội nhập giữa các quốc gia ngày càng lớn, một cú shock bên ngoài ở một nơi xa xôi có thể ảnh hưởng đến mình và đất nước của mình như thế nào. Chính điều này đã thôi thúc tôi theo học chuyên ngành kinh tế và sau này theo đuổi đam mê nghiên cứu.

Được biết, chị rất thích học ngoại ngữ và biết tới 4 thứ tiếng?

- Khi học cử nhân ở NTU tôi được tự chọn các môn học và tôi đã chọn học thêm các ngoại ngữ yêu thích ngoài tiếng Anh như Nhật, Trung, Pháp. Tôi thích học ngoại ngữ và nghĩ đi ra nước ngoài thì việc biết nhiều ngoại ngữ rất quan trọng.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 9.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 10.

Đã từ lâu 20/10 trở thành ngày lễ đáng nhớ ở Việt Nam. Chia sẻ kỷ niệm của chị về ngày này?

- Ngày 20/10 là ngày dành cho người phụ nữ Việt Nam nên những kỷ niệm về ngày đặc biệt này của tôi đều gắn liền với những người phụ nữ đặc biệt trong đời tôi. Khi ở Hà Nội, tôi luôn dành thời gian của những ngày lễ đặc biệt cho gia đình nên vào ngày này, tôi và cả bố sẽ dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến mẹ tôi – người phụ nữ quan trọng nhất của hai bố con và cả cho em gái "nhỏ bé" của tôi nữa.

Ba bố con thường sẽ cùng nhau đi mua hoa tươi và quà tặng mẹ. Rồi cả nhà sẽ quây quần bên nhau, cùng nấu nướng và thưởng thức một bữa ăn đặc biệt. Và sau đó thì tôi và em gái sẽ cùng nhau "tổ chức" một hoạt động đặc biệt để kỷ niệm. 

Khi lập gia đình và vào Sài Gòn sinh sống, và trở thành người phụ nữ duy nhất trong nhà, tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chồng và con trai nhỏ vào những ngày này. Kỷ niệm thì có nhiều, không thể nói hết nhưng đọng lại chung là cảm xúc hạnh phúc của sự yêu thương và quan tâm trong không khí gia đình.

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 11.

Nhiều người phụ nữ hiện nay phải lựa chọn giữa công việc yêu thích và việc phải lùi về làm hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp. Nếu là chị, chị sẽ chọn điều gì?

- Tại sao phải lựa chọn giữa công việc hiện tại hay làm hậu phương cho chồng khi mà tôi vẫn có thể làm cả hai việc cùng lúc ở một mức độ nào đó (cười). Tôi may mắn có được một người chồng rất thấu hiểu công việc và đam mê nghiên cứu khoa học của tôi vì anh cũng là Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính, cũng từng sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm. Chính vì thế chúng tôi có thể chia sẻ với nhau rất nhiều điều trong cuộc sống lẫn trong công việc.

Anh xã luôn tin tưởng vào năng lực của tôi và hết sức ủng hộ tôi với việc phát triển sự nghiệp khoa học. Đó là điều ở anh mà tôi luôn trân trọng và biết ơn.

Ở chiều ngược lại, tôi cũng rất nể phục chồng về sự hiểu biết và các điểm mạnh của anh, cũng như hoàn toàn tin tưởng anh trong vai trò trụ cột của gia đình. Vì thế tôi cũng hiểu rằng bản thân mình cũng cần phải hoàn thiện hơn vai trò của người vợ để có thể làm hậu phương vững chắc cho chồng trong những thời điểm nhất định.

Sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau luôn rất quan trọng để giữ được mối quan hệ bền vững lâu dài. Vấn đề là cân bằng công việc với cuộc sống gia đình để làm sao cả hai vợ chồng đều cảm thấy hạnh phúc là điều quan trọng nhất!

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 12.

Vậy, chị đã cân bằng ra sao giữa công việc và cuộc sống bản thân, gia đình?

- Ở cơ quan, tôi tập trung giải quyết công việc. Nhưng khi về nhà, nếu không có những việc quá gấp gáp cần phải hoàn thiện, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình, đặc biệt cho cậu con trai nhỏ. Đến tối sau khi con ngủ, tôi sẽ tận dụng thời gian để nghiên cứu hoặc giải quyết nốt một số việc trong ngày. Cuối tuần, tôi dành phần lớn thời gian cho chồng con.

Nhìn chung, tôi luôn đặt ra một quỹ thời gian phải dành cho gia đình, và phần còn lại cho bản thân. Tôi tin rằng duy trì một sức khỏe tốt cả về mặt tinh thần và thể chất là rất quan trọng và có như thế mới có thể tái tạo được nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục cống hiến cho công việc.   

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 13.

Là nữ Tiến sĩ lọt top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 và cũng là Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture, kế hoạch sắp tới của chị là gì?

- Đối với công việc ở Quỹ, việc quan trọng nhất sắp tới của tôi và các đồng nghiệp chính là tập trung nguồn lực, tâm trí và sự nhiệt huyết để chuẩn bị cho một Tuần lễ trao giải VinFuture Prize mùa 2 thật thành công, tiếp nối tiếng vang của mùa đầu tiên.   

Về công việc nghiên cứu, sắp tới, tôi sẽ hoàn thiện để xuất bản 2 quyển sách liên quan đến lĩnh vực tài chính xanh, tài chính bền vững với vai trò là đồng chủ biên. Tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, hướng đến phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển tài chính xanh, tài chính bền vững là rất cần thiết đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đối với gia đình và bản thân, tôi xin phép được giữ những kế hoạch sắp tới cho riêng mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện đầy thú vị này!

TS Lê Thái Hà: “Thu nhập không phải mục tiêu quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp” - Ảnh 14.

 


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem