Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 2.

So với các địa phương khác trong khu vực thì Quảng Nam nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gần các khu trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn... Quảng Nam còn sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị cao, độc đáo. Theo ông, đâu là những lợi thế cạnh tranh nổi trội cho Quảng Nam?

- Quảng Nam là địa phương nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các địa phương khác là Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Với vị thế đó, Quảng Nam có nhiều khả năng phát huy tốt lợi thế vốn có của vùng, cũng như cái riêng có của địa phương. Trước hết, đó là vị trí địa lý. Quảng Nam có chiều dài 125km bờ biển rất hoang sơ, có cơ hội phát triển đô thị, dịch vụ du lịch cũng như các hoạt động kinh tế khác dựa vào biển.

Thứ 2, phía tây tiếp giáp với Tây Nguyên - một vùng phát triển kinh tế rất năng động. Khi kết nối với Tây Nguyên sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của Quảng Nam. Cửa khẩu quốc tế Nam Giang nối sang Lào, Thái Lan cũng được xác định là hành lang Đông Tây 2, rất thuận lợi khi kết nối được hàng hoá ở vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào qua cửa khẩu Nam Giang về đến khu vực Quảng Nam để phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến hay các hoạt động du lịch.

Do tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng nên chúng tôi cũng tận dụng được các kết cấu hạ tầng đang phát huy tốt của Đà Nẵng như: sân bay, cảng biển, giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực. Trong quá trình phát triển, Quảng Nam có điều kiện được hỗ trợ từ người anh em Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, diện tích của Quảng Nam rất lớn, có thể đưa vào phát triển, kể cả vùng đồng bằng ven biển, và tập trung nhất là khu kinh tế mở Chu Lai và vùng phía Tây Quảng Nam - nơi có tiềm năng về phát triển dược liệu, lâm nghiệp, khoáng sản, thuỷ điện và các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, dư địa của Quảng Nam trong tất cả các ngành kinh tế và cả quỹ đất còn có cơ hội rất tốt so với một số địa phương tương tự.

Quy hoạch không gian cần được thực hiện với tầm nhìn bao quát, những tính toán kỹ lưỡng. Vậy Quảng Nam sẽ có định hướng quy hoạch ra sao để tạo ra sự phát triển kinh tế đột phá?

- Trong quy hoạch phát triển không gian, chúng tôi quan tâm đến quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đầu mối, huyết mạch. Trước mắt đó là hệ thống cảng biển cho các tàu có trọng tải lớn hơn ra vào làm hàng. Hiện tại, Thủ tướng đã đồng ý cho Quảng Nam quy hoạch hệ thống cảng biển cho tàu 5 vạn tấn, kèm theo đó là xây dựng trung tâm về logistics container để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực Quảng Nam, cũng như hàng hoá vận chuyển từ Lào, Thái Lan tập kết tại đây. Công việc này đang được triển khai tích cực.

Thứ hai là hệ thống sân bay. Hiện nay sân bay Chu Lai mới là sân bay nội địa, nhưng theo quy hoạch, Chính phủ xác định sân bay Chu Lai là sân bay lớn cấp 4F của khu vực miền Trung và Việt Nam, hình thành nơi đây các ngành nghề quan trọng mang tính đột phá như logistics ngành hàng không, sửa chữa bảo dưỡng các loại tàu bay, thiết bị bay, trung tâm đào tạo phi công. Và công suất vận chuyển hàng hoá qua sân bay Chu Lai cho đến năm 2030 là khoảng 9 triệu tấn/năm. Đến năm 2050 có thể lớn hơn. Nhu cầu vận tải khách qua khu vực này, sân bay Chu Lai có thể đáp ứng 30 triệu khách/năm vào năm 2030. Đó là những tiềm năng rất lớn mang tính quyết định đến sự phát triển của Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 3.

Ngoài ra hệ thống giao thông kết nối liên vùng từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hay hệ thống giao thông kết nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên, sang Lào, đến các vùng nguyên liệu phía tây của Quảng Nam cũng được đặc biệt quan tâm. Với quy hoạch hệ thống mạng lưới giao thông đồng bộ như thế nó mang tính quan trọng thúc đẩy sự phát triển.

Về các ngành kinh tế, Quảng Nam đang hoạch định rõ các ngành kinh tế về phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, thương mại dịch vụ dựa trên các lợi thế mà Quảng Nam đang có. Chúng tôi mong muốn tạo thành bản sắc riêng của Quảng Nam trong từng ngành, từng lĩnh vực. Nhưng quan điểm xuyên suốt là lấy phát triển bền vững, trên nền tảng của tăng trưởng xanh làm cốt lõi trong quá trình hoạch định quy hoạch để phát triển.

Ngoài đồng bằng miền núi thì Quảng Nam còn có rất nhiều biển đảo, hệ thống sân bay, cảng biển, đô thị ven biển còn quỹ đất trống lớn, giàu bản sắc văn hóa… Quảng Nam tính toán thế nào để phát triển kinh tế biển?

- Về phát triển kinh tế biển, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển. Thứ nhất, nói đến các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển, chúng tôi có quy hoạch 4.000ha đất các khu công nghiệp nằm ven biển. Các khu công nghiệp này đã được đầu tư xây dựng và được đưa vào hoạt động gắn với các hệ thống cảng biển Quảng Nam ở phía nam và cảng biển Đà Nẵng ở phía bắc. Chính vì thế mà sản xuất công nghiệp có điều kiện để phát triển. Nhất là tới đây, Quảng Nam sẽ đầu tư cảng biển nước sâu tại Chu Lai để phục vụ cho việc giao thương hàng hoá.

Thứ hai, sân bay Chu Lai nằm ở khu vực ven biển, đang khai thác tối các đường bay nội địa. Trong định hướng phát triển lâu dài, Chính phủ quy hoạch thành trung tâm công nghiệp thương mại dịch vụ lớn tầm cỡ khu vực của ngành hàng không Việt Nam, có thể cạnh tranh được với các trung tâm tương tự của các nước trên thế giới. Nó mở ra một ngành công nghiệp dịch vụ mới cho Quảng Nam cũng như cho cả vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 4.

Thứ ba, điều kiện phát triển đô thị biển gắn với các hệ thống sông theo hướng Bắc Nam, hướng Đông Tây tại địa bàn rất phong phú. Chính vì thế, đô thị ven biển của Quảng Nam hoàn toàn có thể tạo ra các đô thị có bản sắc riêng có ở vùng, với quỹ đất rất lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ với các tiện ích đô thị mới, hiện đại và văn minh.

Thứ tư, Quảng Nam chú ý đến vấn đề đánh bắt xa bờ. Những đội tàu đã được đầu tư, chuyển đổi, nâng cấp, không ngừng phát triển những đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng hướng đến phát triển nền kinh tế biển toàn diện.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven bin, ven sông hiện nay ở Quảng Nam. Trong định hướng quy hoạch, ông nghĩ thế nào đến tính liên kết của các đô thị ven bin, ven sông để phát triển theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện của tự nhiên?

- Đô thị ven biển, ven sông ở Quảng Nam hiện tại chỉ mới manh nha, chưa phải xứng tầm để đáp ứng được thị hiếu của cư dân trong tương lai. Nhưng trên cơ sở rà soát đánh giá lại, chúng tôi thấy một số vấn đề cần phải rút ra.

Đó là đô thị ở vùng đông thị xã Điện Bàn, tiếp giáp với Đà Nẵng và Hội An chưa thực sự đóng vai trò như đô thị mở rộng không gian của Đà Nẵng, Hội An, còn bị manh mún, chia nhỏ quá nhiều.

Thứ hai, đô thị cổ Hội An lại là một đô thị nén quá cao, nguy cơ ảnh hưởng đến các di tích rất lớn, khả năng chống chịu với thiên tai, nhất là mưa lũ hàng năm rất đáng kể, nó còn ảnh hưởng đến sự xuống cấp của các di tích.

Khu vực thành phố Tam Kỳ chỉ mới phát triển ở phía tây, còn cả một vùng quỹ đất phía đông còn trống và chưa phát triển nhiều. Đô thị khu vực huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình vẫn còn rất manh mún, chưa phát triển tốt. Chính những tồn tại đó mà nó vừa là một hạn chế nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để chúng tôi có thể nhìn nhận và hoạch định chuỗi phát triển đô thị gắn với các chức năng cụ thể.

Ví dụ như Điện Bàn phải xác định là đô thị mở rộng không gian của Đà Nẵng và Hội An. Và Hội An hướng đến là đô thị di sản, phải chấp nhận khu vực lõi phố cổ là nén, nhưng khu vực bên ngoài phải phát triển không gian để có điều kiện giãn dân, không để quá tập trung với mức độ cao ở phố cổ; cố gắng đi vào phát triển chiều sâu, không phát triển chiều rộng. Đối với khu vực đô thị Duy Xuyên, Thăng Bình ở phía nam sông Thu Bồn và ven theo biển, ven theo sông Trường Giang có quỹ đất lớn và không gian đủ điều kiện tổ chức thành đô thị hiện đại, đối xứng với đô thị cổ ở Hội An.

Đối với thành phố Tam Kỳ có cơ hội phát triển thành đô thị hành chính, tập trung các cơ quan nhà nước và tập đoàn lớn sẽ về đầu tư phát triển ở trung tâm thành phố này. Đô thị Núi Thành là đô thị cảng biển, sân bay, công nghiệp thì theo từng chức năng cụ thể chúng tôi sẽ quy hoạch hệ thống đô thị bám theo các chức năng đó. Ở các khu công nghiệp sẽ hình thành mạng lưới đô thị để phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp. Ở cảng biển, sân bay thì hình thành hệ thống đô thị gắn với các hoạt động của sân bay, cảng biển. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu phát triển các khu phức hợp về giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, kèm theo đó cũng có hệ thống đô thị gắn với sự phát triển về lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 5.

Quy hoạch, phát triển không gian để phát triển kinh tế- xã hội nhưng tôi nghĩ cũng phải đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên biển đảo, gìn giữ các di sản vật thể và phi vật thể, đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng?

- Tôi hoàn toàn thống nhất và những điều đó đã được cụ thể hoá trong các quy hoạch chung phát triển đô thị của các địa phương hiện nay đang lập. Chúng tôi luôn yêu cầu địa phương khi lập kế hoạch phát triển ở địa phương mình phải hết sức chú ý về vấn đề môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo tồn các di tích, di sản văn hoá lịch sử trên địa bàn; cố gắng hạn chế tối đa xáo trộn đời sống của người dân. Điều đó đã được cụ thể hoá trong từng đồ án quy hoạch và chúng tôi kiểm soát tốt các đồ án quy hoạch này.

Những nội dung nào chưa phù hợp mà trước đây được lập chưa tính toán đến các yếu tố về biến đổi khí hậu, thiên tai hoặc can thiệp quá lớn đến tự nhiên phải cần được điều chỉnh lại với mục tiêu Quảng Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Khát vọng về một xứ Quảng phát triển hiện đại - xanh - giàu bản sắc - Ảnh 6.

Và làm thế nào để phát triển hài hòa không gian đô thị và nông thôn? Đó có phải là định hướng ông hướng tới?

- Chúng tôi đã tổ chức 2 hội thảo liên quan đến vấn đề phát triển đô thị ở Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững, chống chịu được với thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo đó những vùng có tiềm năng phát triển mạnh về đô thị chính là dựa trên hành lang biển và các trục sông, suối ở Quảng Nam. Nhưng cũng phải có sự cân bằng giữa sự phát triển khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Với khu vực nông thôn, chúng tôi tập trung xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các địa bàn thành nông thôn mới kiểu mẫu nhưng hạn chế thấp nhất việc giải tỏa dân, hạn chế tối đa việc sắp xếp, bố trí dân cư ở khu vực nông thôn, chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết và cố gắng giữ được bản sắc riêng có của nông thôn Quảng Nam. Với các cụm xã, Quảng Nam đang quy hoạch trởthành trung tâm của từng xã. Và cũng hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá lan đến khu vực nông thôn. Nói chung là cần có sự cân bằng, hài hoà giữa khu vực đô thị phát triển nén, phát triển mang tính chất sinh thái, phát triển hiện đại với khu vực nông thôn để giữ gìn những bản sắc nhưng cũng tiệm cận được với tiêu chí về văn minh ở khu vực nông thôn này.

Để tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng đô thị, và đạt được những mục tiêu tỉnh đã đề ra, Quảng Nam đã có những giải pháp như thế nào?

- Hiện nay Quảng Nam đang làm quy hoạch tỉnh. Tất cả những quan điểm, mục tiêu, giải pháp đang được các đơn vị tư vấn phối hợp với tỉnh Quảng Nam và đã cụ thể hoá. Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc phải tạo nên sự đột phá, khác biệt, toàn diện và bền vững. Với tinh thần đó, chúng tôi đang cùng với đơn vị tư vấn sớm hoàn chỉnh đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam.

Và chúng tôi rất chú trọng trong việc đánh giá hiện trạng cũng như tổ chức các phiên hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà kinh tế trong nước và nước ngoài kể cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cũng như tổ chức các hội thảo chuyên sâu hơn. Thông qua đó phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế cũng như những thời cơ, thách thức và các điều kiện để có thể phát triển Quảng Nam trên từng lĩnh vực, trên từng vùng lãnh thổ nhất định.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem