Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7 theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 15 ngày giãn cách trôi qua nhanh, Hà Nội đã đạt được những hiệu quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 

Nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, giãn cách xã hội là biện pháp tốt nhất lúc này, và Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8.

Những quyết định hành chính đầy khó khăn được ban hành, nhưng đó cũng là những "mệnh lệnh từ trái tim", ẩn chứa sự quyết tâm của chính quyền sở tại. Rằng sẽ sớm thôi, người dân Hà Nội sẽ trở lại cuộc sống bình thường mới, phố xá lại nhộn nhịp, đông vui, trẻ em lại tung tăng tới trường.

"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội những ngày giãn cách xã hội ít người qua lại. Trong ảnh là con phố Lê Thái Tổ nổi tiếng với mật độ giao thông cao thời điểm Covid-19 chưa ập đến, nhưng hiện tại khá vắng vẻ. (Ảnh: Lê Nga)

Để ngăn chặn cũng như kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Hà Nội trước đó đã lập một loạt "lá chắn thép". Đặc biệt, thời điểm giãn cách xã hội, TP đã lập 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Thủ đô tại các chốt này là những cán bộ, chiến sĩ mang sắc phục màu vàng, màu của cánh đồng lúa chín. Họ là những chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội.

Trời nắng như "đổ lửa", trời mưa như trút nước, họ vẫn đứng đó cùng với nhiều lực lượng khác, vẫn bất kể ngày đêm để kiểm soát người, phương tiện ra vào Thủ đô, đảm bảo sự an toàn cao nhất cho người dân trước đại dịch toàn cầu.


"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 2.

Chuyện những chiến sĩ công an "quên mình" chống dịch ở cửa ngõ Thủ đô - Ảnh 3.

12h trưa một ngày trung tuần tháng 8, chào hỏi nhanh với chúng tôi, Trung tá Bùi Ngọc Anh (Phó Đội trưởng Đội CSGT số 8, Chốt trưởng Chốt kiểm soát số 1 tại ngã ba Cầu Giẽ (Km213 Quốc lộ 1A, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) liền đi kiểm tra danh sách lực lượng phòng chống dịch.

Theo quyết định thành lập 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa ra vào TP, mỗi chốt có 4 ca làm việc/ngày, mỗi ca 6 giờ đồng hồ, và thời điểm này là lúc Trung tá Bùi Ngọc Anh và đồng đội bắt đầu thực hiện ca làm việc thứ 3 trong ngày.

Nói về vị trí lập chốt, vị Chốt trưởng Chốt kiểm soát số 1 nhận định, chốt nằm trên Quốc lộ 1A, lượng phương tiện di chuyển qua chốt để vào TP.Hà Nội cũng khá nhiều nên ông cùng các đồng đội và đồng chí ở các lực lượng khác trong chốt luôn đặt sự tập trung cao nhất khi thực hiện nhiệm vụ.


img
img
img
img
img

23 chốt kiểm dịch được thành lập tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô để kiểm soát toàn bộ lưu lượng phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Những ngày đầu Hà Nội áp dụng việc giãn cách xã hội, tại Chốt số 1 vẫn còn những trường hợp người dân chưa nắm bắt được hết tinh thần của việc giãn cách, vẫn ra đường đông và đi qua chốt không có lý do. Có rất nhiều lý do được người dân đưa ra, đã có những cuộc trao đổi khá lâu giữa cán bộ trực chốt và người dân, tuy nhiên cuối cùng mọi chuyện đều được "hóa giải".

"Nếu mình không có những lời giải thích đúng đắn, hợp lý, hợp tình với người dân thì chắc chắn bà con sẽ không nghe, lúc đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Anh em trong chốt phải xử lý linh hoạt với từng trường hợp để đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất.

Đã có trường hợp chúng tôi kiên quyết yêu cầu quay đầu vì không đủ điều kiện vào TP, nhưng cũng có những trường hợp cấp bách, chúng tôi đã xem xét nhanh và báo cáo lên cấp trên rồi tiếp tục cho họ di chuyển khi đã đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch" – Trung tá Bùi Ngọc Anh chia sẻ.


"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 5.

Thời điểm này, Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội lần thứ 2 theo Công điện số 18, ngày 6/8 do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ký ban hành. 

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội ngày 13/8, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình và đang triển khai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo Trung tá Bùi Ngọc Anh, qua thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát số 1, ông nhận thấy ý thức của người dân ngày càng cao, phối hợp rất tốt với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Ở thời điểm hiện tại, lượng người, phương tiện di chuyển qua chốt số 1 đã giảm đáng kể, không còn như những ngày đầu TP.Hà Nội áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

"Cái chính là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội về giãn cách xã hội. Việc giãn cách xã hội sẽ tiếp tục đến ngày 23/8, anh em đang rất nỗ lực cố gắng, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch, góp phần đẩy lùi Covid-19", Trung tá Ngọc Anh nhấn mạnh.

Vị Chốt trưởng Chốt kiểm soát số 1 bộc bạch, "có cuộc chia tay thì bịn rịn, nhưng cuộc này thì vui". Bởi theo ông, đó là cái mong muốn, là tâm tư, nguyện vọng không chỉ của "anh em trong chốt" mà có lẽ là của tất cả người dân trước đại dịch Covid-19.

"Ai cũng muốn chúng ta "chia tay" sớm, bởi hiểu nôm na, khi chúng ta chia tay nhau có nghĩa là dịch Covid-19 đã được đẩy lùi. Ngày đó sẽ không còn những chốt kiểm soát như bây giờ, người dân trở lại trạng thái bình thường mới, mọi sinh hoạt, hoạt động của người dân, của doanh nghiệp lại nhộn nhịp, sầm uất thì đó là điều mừng cho cuộc chia tay của chúng ta" – Trung tá Ngọc Anh chia sẻ.


img
img

Chốt kiểm soát số 1 được thành lập với khoảng hơn 90 cán bộ, thành viên chốt kiểm soát chia làm 4 ca/ngày để thực hiện nhiệm vụ. Nằm trên đường Quốc lộ 1A, đây cũng là vị trí trọng yếu ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Hơn 3 lần gạt phăng đi khi phóng viên nhắc đến chuyện vất vả trong hoạt động phòng, chống dịch, vị lãnh đạo Đội CSGT số 8 cho rằng đó là những chuyện "hàng ngày".

Ông nói, có thể có những đồng chí nhiều ngày không về nhà để đảm bảo việc phòng, chống dịch, bởi sợ nếu chẳng may lại là người phát tán dịch, lúc sơ sẩy thì sẽ ảnh hưởng đến cả một quá trình chống dịch của Thủ đô.

Có thể có nhiều đồng chí khi tham gia vào lực lượng tại các chốt kiểm dịch chỉ ở đơn vị xong đi làm, đi làm xong lại về đơn vị, hoặc có thể có những đồng chí về nhà nhưng không dám vào, vợ đặt quần áo ra xa rồi lùi lại để chồng đến lấy quần áo rồi lại trở về đơn vị, nhưng được nhân dân giao phó trọng trách trong "cuộc chiến đấu" này, khó khăn càng làm cho anh em thêm quyết tâm, động lực đẩy lùi Covid-19.

"Dịch bệnh, người dân là người khổ nhất, xong đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch như các y, bác sỹ và nhiều lực lượng liên quan trực tiếp đến việc điều trị các bệnh nhân. Anh em chúng tôi đang cố gắng nỗ lực cao nhất để góp phần đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho nhân dân" – Trung tá Bùi Ngọc Anh chia sẻ.


"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 7.

21h30 phút đêm, tại Chốt kiểm soát dịch bệnh số 7 (gầm cầu Thanh Trì, lối đi Ecopark, quận Long Biên), khi các phương tiện di chuyển qua chốt thưa dần, Đại úy Bùi Đức Minh (cán bộ Đội CSGT số 14, thành viên chốt kiểm dịch) vào lều dã chiến pha tạm gói mỳ, anh tranh thủ ăn nhanh để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tại chốt kiểm dịch này.

Chỉ tay vào những vật dụng trong lều dã chiến, anh Minh kể chiếc tủ bảo quản đang được đặt ở chốt là do người dân cạnh chốt cho mượn. Ngày lập chốt, thấy lực lượng còn thiếu nhiều thứ, ông chủ quán bia bên cạnh đã mang chiếc tủ bảo quản bia của mình để các thành viên trực chốt có nơi bảo quản nước lạnh.

"Bà con qúy lắm, động viên chúng tôi suốt. Lúc thì tặng anh em chai nước, khi thì chùm nhãn, quả chuối rất thân tình", đại  tá Bùi Đức Minh nói.


img
img
img

Do đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt, Đại úy Minh cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trực chốt kiểm soát khác thường chọn ăn nhanh để đảm bảo sự việc kiểm soát, trực chốt được diễn ra liên tục, hiệu quả. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Đại úy Bùi Đức Minh năm nay 33 tuổi, đang là Bí thư Đoàn thanh niên của Đội CSGT số 14, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội. Đã từng nhiều lần thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên trước nhiệm vụ lần này, anh đã có những bồi hồi nhất định. 

Theo trí nhớ của Minh, lúc nhận nhiệm vụ tham gia chốt kiểm soát anh đã có những cảm xúc khó tả.

Biết mình chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng trong "cuộc chiến"với "giặc Covid-19", bởi chốt kiểm soát ở các cửa ngõ lớn của Thủ đô không khác gì những "lá chắn thép", bảo vệ người dân Thủ đô an toàn trước đại dịch, nam đại úy 33 tuổi của Đội CSGT số 14 cùng đồng đội đã chuẩn bị rất kỹ và đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi Covid-19.


"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 10.

Trời càng về khuya, trên con đường hướng vào khu đô thị Ecopark, lượng phương tiện di chuyển qua chốt vào thời điểm phóng viên có mặt rất ít. Những lúc như thế này, các thành viên trực chốt có thể "nhàn" hơn, nhưng trong ca trực buổi đêm đó, chưa lúc nào chúng tôi thấy sự thiếu tập trung từ họ.

Nói về nhiệm vụ của mình, đại úy Minh chia sẻ, sự khác biệt khi thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch với khi thực hiện tuần tra, kiểm soát thông thường là ở chốt kiểm dịch có liên quan đến các loại giấy tờ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, còn với lực lượng cán bộ chiến sĩ, khi nhận nhiệm vụ, mục tiêu cao nhất là hoàn thành tốt, hiệu quả nhiệm vụ.

"Khi thực hiện nhiệm vụ ở chốt kiểm soát, chúng tôi cũng có gặp một số trường hợp người dân chưa hiểu về các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch nên đã tuyên truyền giải thích, nhưng cơ bản người dân đều hiểu, ủng hộ với các chủ trương phòng, chống dịch của Chính phủ.

Tất cả mọi người đều vì cái chung thôi, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ cũng là vì các bạn, vì chúng ta. Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này, mỗi người chung tay, góp sức cùng chống dịch, chúng ta sẽ sớm được trở lại bình thường" – đại úy Minh chia sẻ.


img
img
img

Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ trực chốt, Đại úy CSGT của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội luôn dành sự tập trung cao độ. Mềm mỏng có, cương quyết có, Đại úy Minh cùng các cán bộ, thành viên Chốt kiểm soát số 7 khi kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp không đủ điều kiện vào TP.Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Chuyện những chiến sĩ công an "quên mình" chống dịch ở cửa ngõ Thủ đô - Ảnh 11.

Đêm nay, sau khi giao ca lúc 24h, đại úy Minh sẽ trở về đơn vị để nghỉ ngơi. Ca làm việc tiếp theo của anh vào 12h đến 18h ngày hôm sau. Nhìn xa xăm, vị đại úy đang là Bí thư Đoàn thanh niên Đội CSGT số 14 bộc bạch, Covid-19 đã lấy đi rất nhiều thứ, nhất là sự yên bình của nhân dân.

Với niềm riêng của các cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng chống dịch, tất cả đã gác lại để tập trung cho mục tiêu cao nhất của Hà Nội và cả nước lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19.

Trung úy Phạm Đình Thanh (cán bộ Đội Tuyên truyền, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, thành viên Chốt kiểm soát số 23, khu vực Quốc lộ 18, lối xuống Quốc lộ 3) chia sẻ, lần thực hiện nhiệm vụ này đã mang đến cho anh nhiều kỷ niệm.

Trong công việc của mình, vị trí chốt được thành lập có nhiều phương tiện di chuyển qua, tuy nhiên trung úy Thanh và đồng đội đã nỗ lực hết sức để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, di chuyển của người dân cũng như các lực lượng liên quan.

Cũng có trường hợp tài xế khi di chuyển qua chốt đã có nhiều lời nói không hay, thái độ chưa hợp lý với lực lượng thi hành nhiệm vụ, tuy nhiên trung úy Thanh và đồng đội luôn thấu hiểu, những lúc như thế này, người dân cần các anh nhất. Họ có thể có thái độ chưa hợp lý, nhưng trước ảnh hưởng từ dịch bệnh, tất cả đều đồng lòng, chung tay dập dịch.


"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng" - Ảnh 11.

Dù nắng, dù mưa, Trung úy Phạm Đình Thanh cùng đồng đội vẫn đứng đó, vẫn kiên cường đối chọi với thời tiết để đảm bảo sự lưu thông của phương tiện, đảm bảo sự an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Hơn 4 tháng kể từ khi thực hiện nhiệm vụ, trung úy Thanh chưa về nhà. Anh ở một tỉnh tại miền Trung, nơi cách xa Hà Nội hàng trăm Km.

Vị cán bộ Đội Tuyên truyền của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội nhớ, khi anh ra Hà Nội, con anh mới 8 tháng tuổi, chưa biết đi, chưa biết nói cũng chưa biết làm trò gì nhiều. Và khi anh liên hệ về nhà, có nhiều điều bất ngờ đã mang lại những cảm xúc ngọt ngào đến với anh.

"Sau 4 tháng, mình gọi điện về thấy con biết đi, biết chạy nhảy, gọi bố ơi, cảm giác lúc đó thực sự xúc động" – Trung úy Thanh bồi hồi.

Chia sẻ thông điệp tới mọi người, trung úy Thanh nhắn nhủ, nếu không có việc gì cần thiết, người dân không nên ra đường. Mọi người đang ở đâu hãy ở yên chỗ đó. "Các bạn hãy ở bên gia đình mình khi có thể".


img
img
img

"Hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng"

Hà Nội hiện đang có 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô, "trái tim" của cả nước có hàng trăm chốt "vùng xanh" an toàn, và cũng rất nhiều chốt kiểm soát tại các xã, phường.

Những cá nhân như Trung tá Ngọc Anh, Đại úy Đức Minh, Trung úy Đình Thanh… chỉ là một trong số rất nhiều lực lượng cùng chung tay chống dịch tại Thủ đô Hà Nội.

Họ đều chung một niềm tin sắt đá, "thắng lợi nhất định sẽ về ta". Người dân Thủ đô cũng như chính quyền sở tại cùng các lực lượng phòng, chống dịch đang tận dụng từng phút, từng giờ để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Trung tá Bùi Ngọc Anh đã gợi mở một buổi trò chuyện, rằng "hẹn ngày hết dịch, lúc đó chúng ta sẽ nói về nó với tâm thế người chiến thắng".

Có lẽ, với những "lá chắn thép" đầy kiên cường, với các lực lượng phòng, chống dịch đầy nhiệt huyết, trí tuệ và với sự đồng lòng của tất thảy người dân, ngày diễn ra cuộc hẹn với vị Phó Đội trưởng Đội CSGT số 8 sẽ không còn xa, Thủ đô sẽ trở lại vẻ đẹp vốn dĩ của nó.

Thực hiện: Nguyễn Hòa - Tiến Chương


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem