LTS: Trong Nghị quyết Đại hội XIII có nhấn mạnh nội dung Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện "6 dám", đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá - sáng tạo và dám đương đầu.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh: Phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương trên, để từ đó có nhìn nhận thấu đáo nhằm bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ… 

Đây được xem là điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá quyết liệt hành động vì lợi ích chung, mà trước nay nhân dân vẫn gọi một cách nôm na là cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước.

Báo Dân Việt thực hiện loạt bài "Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước?" với cái nhìn từ câu chuyện thực tế của những tập thể, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo ra những cú "xé rào" đem lại lợi ích cho nhân dân mà đôi khi không ngại phải đánh đổi cả sự nghiệp chính trị của bản thân, nhận diện những rào cản của đột phá, sáng tạo để từ đó có những chính sách phù hợp, có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 1.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 2.

Trong bức tranh chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, nổi lên hai điểm sáng: Bí thư quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin và Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền – những lãnh đạo "xé rào" để cứu dân, hạn chế tối đa ca tử vong trên địa bàn.

Cả hai "nữ tướng" này đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và đề nghị UBND TP.HCM khen thưởng sau một thời gian cùng cả Sài Gòn căng mình chống dịch.

Nếu như "nữ tướng" Thanh Hiền nổi tiếng vì dùng các phương thuốc y học dân tộc kết hợp y học hiện đại để chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, hạn chế ca tử vong, thì Bí thư quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin được nhắc đến như một lãnh đạo dũng cảm và quyết đoán, dám làm điều mình nghĩ là đúng và dám chịu trách nhiệm, miễn làm sao cứu được dân. Bởi theo chị nói, "tôi không thể nhìn ra cách cứu dân mà không làm".

Nhận định tình hình chống dịch quá khó khăn và địa bàn quận 6 toàn nhà cửa chật hẹp, dân số đông đúc, khả năng lây nhiễm rất nhanh, ngay từ đầu mùa dịch, bí thư quận 6 Hờ Rin đã nghiên cứu rất kỹ tình hình để mạnh dạn đề nghị mua bình oxy, mua thuốc điều trị cho bệnh nhân tại nhà, bao gồm thuốc chống đông, kháng viêm và kháng sinh mà không chờ hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Quan điểm của chị là dùng liều mạnh dập bệnh ngay từ đầu, để những bệnh nhân không có bác sĩ bên cạnh lúc đêm hôm vẫn yên tâm không bị trở nặng. Nhưng để làm được điều này, chị lắng nghe các bác sĩ, nhà chuyên môn, tìm hiểu gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên để đưa ra gói thuốc chữa trị cho F0 ngay từ đầu.

Chính nhờ đó mà mặc dù các quận trong TP đều có ca tử vong cao, ở quận 6, rất nhiều F0 được cứu. Hờ Rin tổ chức việc phát thuốc cho dân ngay từ cuối tháng 7, trong khi phải mãi đến giữa tháng 8, hai loại thuốc trên mới được Sở Y tế TP.HCM chính thức hướng dẫn và cấp phát các túi thuốc cho các F0 sử dụng để điều trị tại nhà.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 3.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 4.

Khi đưa ra túi thuốc cho F0, nhiều bác sĩ còn tranh cãi chưa xong, đơn thuốc mà Bộ Y tế đưa ra cũng có khi phải rút lại, vì sao chị có quyết tâm 'xé rào' mặc ai tranh cãi?

- Tôi nghĩ bình thường lắm. Thông thường, người đi khám bệnh sẽ được cho thuốc trị từ từ, ai nặng thì liều cao hơn. Cũng có người đưa quan điểm, nếu mới chớm bệnh mà cho liều cao ngay thì sẽ lờn thuốc. Tôi không phải là bác sĩ nhưng cũng hiểu họ nói vậy là đúng chứ không sai. Song tôi thấy với tình hình quận 6 thì cách đó không phù hợp, vậy thôi.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 5.

Tôi nghĩ, mình phải dập bệnh ngay từ đầu. Lỡ bệnh nhân chuyển nặng thì sao? Vì chúng tôi không có nhiều bác sĩ, bệnh viện quy mô nhỏ, lại quá tải. Thì thôi, đâu có chết chóc gì đâu. Mình cho uống để phòng bệnh không trở nặng.

Về túi thuốc, tôi cập nhật tin tức từ Thành ủy liên tục. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên có nói về hai loại thuốc điều trị được cho F0. Ba tôi là bác sĩ nên trong nhà tôi cũng từng biết những thứ thuốc đó. Cách điều trị của ba tôi ngày trước cũng vậy, cho luôn liều mạnh ngay từ đầu.

Vậy là tôi áp dụng điều trị hai loại thuốc kháng viêm và chống đông trong cộng đồng (kể cả kháng sinh).

Theo chị, vì sao quận 6 hạn chế được các ca tử vong?

- Điều gì cũng có lý do. Tháng 7, dịch diễn biến khá nhanh, nhiều bệnh nhân bị nặng. Cho uống thuốc thì phải tính đến hiệu quả 5-7 ngày sau. Những ai báo lên phường đều được y tế phường lập danh sách phát thuốc (hoặc vận động tài trợ thuốc) để uống vào thì không trở nặng.

Còn có những người tự đi khám, có thể do chần chừ không dùng liều mạnh ngay mà không may qua đời. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi cũng đi rà rất kỹ các F0, nhưng cũng có người không báo với phường thì mình đành chịu.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 6.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 7.

Tất cả là nhờ tinh thần trách nhiệm, dám quyết định của một lãnh đạo "xé rào" như chị?

- Tôi nhận thấy địa hình quận 6 không được rộng rãi như các nơi khác như TP.Thủ Đức hay quận 7. Nhà quá hẹp, bệnh viện nhỏ không đảm đương nổi, trường học cũng nhỏ để biến thành bệnh viện dã chiến. Lúc đó, chuyển viện rất khó khăn, để chậm thì người ta chết.

Trước khi phát thuốc, tôi đã tuyên truyền cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà khi bệnh viện quá tải. Họ đã nghe lời mình ở nhà rồi mà để người ta chết thì đâu có được, phải tìm cách cứu họ!

Địa bàn hẹp, bóc tách F0 cũng không nổi vì tốc độ lây lan nhanh của chủng Delta này quá nhanh. Mà đưa vào khu cách ly làm sao chăm sóc chu đáo bằng ở nhà người ta? Tâm lý người ta bệnh muốn uống thuốc, có người chăm sóc. Còn cần thở thì trợ bình oxy. 

Chúng tôi chuẩn bị sẵn bình oxy. Đầu tháng 7, tôi cho mua 50-60 bình oxy, ai nặng thì đi bệnh viện, bệnh viện quá tải thì cho vô thở oxy trước. Nếu có cơ sở lớn, chúng tôi sẽ mua các bồn oxy lỏng vào để bơm bình.

Khi thấy tình hình dịch lây lan nhanh, chúng tôi đổi phương pháp. TP cũng xoay chuyển. Đi bóc tách F0 không hiệu quả thì chuyển sang cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền điều trị tại nhà, ngoại trừ phụ nữ mang thai, người già…

Chị kết hợp khá ăn ý với nữ Chủ tịch UBND quận 6. Vì đâu các "nữ tướng" lại nghĩ ra những biện pháp hiệu quả như thế, theo chị?

- Cũng giống như Chủ tịch huyện Củ Chi thôi, bên đó họ nghĩ ra cách kết hợp liều thuốc Đông y và Tây y. Chúng tôi cũng vận động mọi người sử dụng chanh, sả, gừng, lá tía tô, xông các loại thảo dược có tinh dầu theo y học cổ truyền…

Tôi cũng yêu cầu các trạm y tế phường phải hướng kỹ cho người dân trước khi sử dụng, ví dụ như phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày.

Mình chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. May mà từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn.

Là phụ nữ mà đi suốt ngày, đi sớm về khuya, dành đa số thời gian cho công việc thì việc nhà không chu toàn. Nên tôi vẫn tự nghĩ, mình có là "Hai giỏi" đâu.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 8.

Khi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và khen ngợi mô hình chữa bệnh của quận, chị có cảm thấy yên lòng vì những nỗ lực "xé rào" của mình đã được ghi nhận?

- Tôi không thấy lo chuyện vượt rào. Tôi quyết định mua bồn oxy là mua, F0 nhẹ điều trị ở nhà cũng hợp lý. Tôi đề nghị các bí thư phường chịu trách nhiệm, mỗi người phụ trách ít nhất 5 số điện thoại để tư vấn, hỏi thăm từng F0 từ tháng 6.

Tôi thấy mình nói đúng, làm đúng thì yên tâm chỉ đạo thực hiện. Có những cái mình quyết định mà xung quanh chần chờ không muốn làm thì mình phải đứng ra tự chịu trách nhiệm.

Ba má tôi khi tham gia kháng chiến, xác định có thể hy sinh, và sống là cho đi, đâu nghĩ nhận lại. Có lẽ tôi hưởng gen của ba má khi luôn nghĩ, cái gì làm tốt giúp cho dân thì mình nên làm.

Không chỉ "vượt rào" cấp thuốc, chị còn quyết cả việc tiêm vaccine trong khu phong tỏa là việc chưa ai làm?

- Vùng nguy cơ cao thì càng phải tiêm. Vừa tiêm, vừa xét nghiệm ra F0. Đó là do tâm lý dân không ổn, người ta bảo "chắc gì tôi bị nhiễm". Không nên để dân bất an. Và quan trọng nhất là phải công bằng. Ông bà nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Phải kịp thời tiêm cho người trong vùng phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, phát hiện kịp thời ca nhiễm khi xét nghiệm.

Thời điểm đó tôi chưa tiêm mũi nào, cuối tháng 7 tôi mới được tiêm vaccine. Cấp dưới thấy tôi chưa tiêm mà vẫn xông pha thì họ nghĩ mình tiêm rồi, lẽ nào không dám vô? Lúc đầu họ cũng sợ và ngại nhưng khi thấy tôi xông xáo thì cũng ráng theo. Quân ở phường bị nhiễm cũng nhiều nhưng đã tiêm vaccine nên nhẹ, nhiễm xong lại đi làm trở lại.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 9.

Vì sao chị nghĩ ra hướng điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, khi mà cả Bộ và Sở còn chưa đưa ra hướng dẫn?

- Tâm lý người Việt là vậy. F0 vô bệnh viện lạc lõng, cô đơn không ai chăm sóc thì rất lo lắng. Sau này, ngay cả khi các cụ có tuổi không muốn đi, tôi cũng không ép họ, chúng tôi chăm sóc và phát thuốc tận nhà. Cũng không bắt con nít đi cách ly. Con nít bị nhẹ hơn nhiều. Chúng tôi cung cấp test nhanh cho người ta tự test. Phải sống với Covid thôi.

Về hỗ trợ an sinh thì sao?

- Quận 6 hỗ trợ thất nghiệp nhanh. Ở đâu cũng vậy, quan trọng là mình rà soát kỹ không để sót ai, để không có cảm giác có lỗi. Nếu có nhiều thì cho nhiều càng tốt. Còn về lộ trình mở cửa, theo tôi, đây là lộ trình cần thiết, hợp lý, làm sao đóng hoài được? Khi lòng dân không an sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 10.

Chị từng làm luận án tiến sĩ về dân nhập cư ở TP.HCM. Đến nay, đề tài này lại trở nên nóng khi từng đoàn người muốn rời khỏi thành phố về quê tránh dịch…

- Nếu nói về người nhập cư, thì Sài Gòn 300 năm toàn người nhập cư từ thuở chúa Nguyễn khai phá Đàng trong. Sài Gòn được như hôm nay nhờ công của rất nhiều người tứ xứ đến lập nghiệp. Tại sao lúc Sài Gòn còn khỏe mạnh, ngon lành nhờ công đóng góp của họ, giờ đang bệnh lại để người ta đi? Quan điểm của tôi là nên giữ họ ở lại, TP san sẻ, chăm lo cho họ, dĩ nhiên không bằng trước khi có dịch.

Nếu để họ về quê, lỡ lại mang mầm bệnh cho các tỉnh thì sao? Ở đâu có dịch, cần khoanh lại 1 chỗ. Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, nhà trọ (cho khất tiền trọ). Để khi mở cửa, có ngay lực lượng tại chỗ.

Chúng tôi hỏi thăm công nhân, ai khó khăn thì hỗ trợ luôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn, lên kế hoạch phục hồi kinh tế từ cuối tháng 8. Thống kê trên từng phường hộ nào có thể mở theo tiêu chuẩn của TP, nhất là ở lĩnh vực ăn uống, tìm nguồn cung nếu họ thiếu. Và khi tìm đầu ra cũng là người quận 6. Lấy người thất nghiệp trong quận làm shipper… DN hiện như chết lâm sàng, phải hà hơi tiếp sức bằng nhiều cách.

- Xin cảm ơn chị. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin gửi tới chị Hờ Rin những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc chị luôn hạnh phúc và thành công!

(Còn nữa)

Lãnh đạo "xé rào" Hờ Rin: "Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm" - Ảnh 11.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem