Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hơn một tháng nay, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thanh Hương tỉ mẩn tìm tài liệu, ghi chép, gom lại những mảnh ký ức rời rạc từ hơn 70 năm trước vì "mình là người Hà Nội, có rất nhiều kỷ niệm". Những năm đó, vị PGS nay đã 82 tuổi mới là một cô bé Hà Nội còn tuổi ăn tuổi học.
Gia đình bà Hương ở phố Hàng Bè, nay là số 23 Hàng Bè, cách Hồ Hoàn Kiếm vài phút đi bộ. Hàng xóm hay gọi là nhà "ông Thịnh", tên bố bà Hương.
Toàn quốc kháng chiến nổ ra, đường phố Hà Nội thành công sự chiến đấu. "Gia đình tôi khuân tràng kỷ, tủ ra chỗ phố Hàng Dầu để chặn quân Pháp", bà Hương kể.
Người Hà Nội đã nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Hà Nội không tiếc sức người, không tiếc của bảo vệ Thủ đô.
Tối 19/12/1946, đèn điện ở Hà Nội vụt tắt, tiếng súng báo hiệu toàn quốc kháng chiến vang lên từ Pháo đài Láng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Phần lớn người dân Hà Nội đã được tản cư, chướng ngại vật được dựng lên ở khắp nơi. Thủ đô sẵn sàng chiến đấu chống lại quân xâm lược Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Năm đó, cô bé Hương mới hơn 3 tuổi, nghe "chưa hiểu gì". Cô bé cũng không biết rằng, ông Thịnh đã nuôi giấu cán bộ cách mạng từ ngày ấy.
Sau khoảng hai tháng chiến đấu, quân ta rút lui khỏi các đô thị, từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, … Tháng 3/1947 các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa di chuyển lên Việt Bắc.
Thời gian này, khu phố trung tâm Hà Nội treo cờ lam – trắng – đỏ của Pháp, cờ ba que của chính phủ bù nhìn. Những gã lính Pháp đi tuần diễu võ giương oai trên phố cổ là chuyện thường thấy.
Trong ký ức của cô bé Hà Nội, lính Pháp thường đi qua phố nhà mình, lúc quát mắng, lúc đánh người, thi thoảng lại đến sờ soạng, chọc ghẹo mấy cô bán hàng rau ở chợ Hàng Bè.
Còn bé nhưng Hương đã khó chịu khi thấy cảnh đó, còn các anh chị đứng trong nhà chửi "Merde salaud" (lũ khốn nạn). "Chửi thế là nặng rồi, vì ngày xưa các cụ nhà tôi cấm chửi bậy", bà Hương kể.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhà ông Thịnh (bố PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương) có nhiều người khách đến ở. Cụ đưa họ vào một phòng vốn là kho chứa đồ của gia đình đã được dọn sạch sẽ. Con cái trong nhà như bà Hương rất ít khi giáp mặt khách. "Bí mật lắm, ông cụ nhà tôi cũng kín tiếng, chẳng nói gì cả", bà Hương nói.
Mãi đến sau khi Giải phóng Thủ đô, bà Hương mới biết những người bí mật sống ở nhà mình lúc đấy là các cán bộ hoạt động Cách mạng. Trong đó, có Đại Tướng Văn Tiến Dũng – người sau này làm Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị quân sự Trung Giã, chuẩn bị các điều kiện, cơ sở để ta tiếp quản Thủ đô.
Cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm. Ngày trở về Hà Nội được quân và dân ta quyết định sau một chiến dịch 56 ngày đêm ở địa điểm cách Thủ đô hơn 400km: Điện Biên Phủ.
Tin Việt Minh thắng trận Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 truyền nhanh đến Genève. Một ngày sau (8/5/1954) vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được đặt lên bàn đàm phán Hội nghị Genève.
Còn tại Hà Nội, người Pháp không để tin mình bị thua trận lan nhanh đến thế. Những người làm việc cho Pháp, hay có người thân hoạt động Cách mạng như gia đình bà Hương mới biết tin.
Bác ruột bà Hương từ chiến khu nhờ người nhắn tin về: Hà Nội sắp không còn của Pháp nữa rồi!
Đến tháng 9/1954, một lần nữa, ông Thịnh nhận được một mẩu giấy. Các con chỉ biết ông đọc xong rồi cho vào mồm nhai, nuốt. Cũng mãi sau này, ông cụ kín tiếng mới nói với các con, mẩu giấy của người bác gửi ghi ngắn gọn: Em và các cháu cứ ở lại!
Quyết định ở lại của ông cụ Thịnh đã đưa bà Hương và gia đình chứng kiến thời khắc trọng đại của lịch sử đất nước: Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.
Gia đình PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thanh Hương sống ở phố Hàng Bè từ trước năm 1945, tham gianuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và được Chính phủ tặng Bằng khen Có công với Cách mạng. Ảnh: Dân Việt, Nhân vật cung cấp.
Thắng trận Điện Biên Phủ, chiến sĩ Nguyễn Minh Thắng (Đại đoàn 308) cùng đồng đội hành quân từ chiến trường về Bắc Giang.
"Cứ đi thôi, mỗi đêm đi khoảng 40km, trèo đèo lội suối, mưa gió kệ, bộ đội cứ hành quân, chân chai sạn rồi cũng quen", cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng, năm nay đã 89 tuổi nhớ lại.
Khi ông Thắng cùng các đồng đội chuẩn bị giải phóng cầu Rô (Hiệp Hòa, Bắc Giang) thì nhận được tin ngày 21/7/1954 Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết.
"Thế là không phải đi đánh nhau nữa", ông cùng đồng đội tập kết về Trại Cờ (Bắc Giang) chờ ngày tiếp quản Thủ đô.
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng nhập ngũ biên chế trong Đại đoàn 308, tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ và sau này về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ảnh Dân Việt.
Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Trước khi rời đi, người Pháp có âm mưu phá hoại thành phố, ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Trung ương Đảng ra lời kêu gọi "Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị".
Đơn vị nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là Đại đoàn 308 Quân Tiên phong. Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp và chỉ thị trực tiếp cho bộ đội.
Đại tá Lê Văn Tính vẫn nhớ lần may mắn được đi cùng Đại đội trưởng đến Đền Hùng, nghe lời Bác Hồ căn dặn.
Sáng hôm ấy, khi đang ngủ tại Thái Nguyên, chiến sĩ Lê Văn Tính được Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng gọi dậy "đi Phú Thọ". Trên chuyến xe tải có nhiều Đại đội trưởng khác của Đại đoàn 308 Quân Tiên phong.
Xe đến Đền Giếng, mọi người tập trung ở sân đền. Bác Hồ bước ra từ trong nhà, mọi người đều bất ngờ vì cấp trên có chỉ thị lại chính là Bác.
"Trong tiết thu, Bác mặc bộ quần áo nâu, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình", ông Tính vừa nói chỉ tay vào bức ảnh chụp Bác Hồ nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong, "tôi ngồi ở mãi cuối góc trái ảnh, không được triệu tập nhưng làm liên lạc nên may mắn được Đại đội trưởng cho đi cùng".
Ông Tính nhớ mãi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật".
Người cũng dặn dò khi tiếp quản Thủ đô phải "thận trọng, chu đáo, tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành vi phá hoại …".
Những người lính vừa trở về từ chiến trường Điện Biên như ông Tính được cấp trên quán triệt rất nhiều vấn đề, học tập các quy tắc, cách ứng xử để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Ông Tính nhớ lại: "Kể cả chuyện đi vệ sinh, chúng tôi cũng phải học".
Ông Lê Văn Tính làm liên lạc viên, chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh Dân Việt.
Ngày 30/9/1954 ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự, ngày 2/10/1954, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về Hành chính. Tiếp đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phái các đội Công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào thành phố trước để tiếp quản.
Tiểu đoàn Bình Ca nhận nhiệm vụ tiếp quản 35 vị trí trọng yếu tại Thủ đô. Sáng 8/10/1954, Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Duy Hậu cùng 213 chiến sĩ tiến đến Cầu Đuống, sẵn sàng tiến vào Thủ đô.
Cây cầu đường bộ, đường sắt dài 225m, do chính người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19 trở thành chứng nhân lịch sử: lính Pháp xếp hàng đón chiến sỹ Điện Biên - những người vừa chiến thắng họ, vào tiếp quản Thủ đô.
Đại tá Dương Niết (Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308), năm nay 90 tuổi, là một trong 214 người được lựa chọn bước qua cầu Đuống ngày hôm đấy.
Nhìn bức ảnh tư liệu Tiểu đoàn Bình Ca xếp hàng tập trung ở Cầu Đuống, ông Niết hồi tưởng: "Tôi đứng phía dưới hàng bên trái ảnh, đi giữa là anh Vũ Duy Hậu. Chúng tôi hành quân từ Phùng, sang Vĩnh Phúc rồi về Phủ Lỗ, qua phía bắc Cầu Đuống, đứng ở giữa cầu chờ người Pháp".
Chiến sĩ ta bước lên cầu hiên ngang với tư thế người chiến thắng, "tự hào lắm".
Đại tá Dương Niết cùng các đồng đội ở Tiểu đoàn Bình Ca đã bảo vệ an toàn 35 mục tiêu trước khi quân chủ lực tiến vào chính thức tiếp quản Thủ đô.
Viên sỹ quan người Pháp từ phía nam cầu bước đến cùng vài tùy tùng, đón Tiểu đoàn Bình Ca lên 30 chiếc xe tải về Nhà thương Bến Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay).
Hơn 30 giờ đồng hồ tiếp theo, chiến sĩ Dương Niết cùng các đồng đội tập trung trí lực, tinh thần, giữ vững 35 "vị trí chiến đấu", bảo vệ an toàn nhân dân, cơ sở hạ tầng trọng yếu của Thủ đô trước khi quân chủ lực vào tiếp quản.
Chiều 8/10/1954, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Khoảng 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên hướng về phía Hải Phòng. Cờ đỏ sao vàng treo trên cầu Long Biên, Hà Nội không còn bóng quân Pháp.
Ông Dương Niết vẫn thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ vị trí chiến đấu" ở Sở Cảnh sát Bắc Việt nhưng cảm nhận được "Hà Nội vui lắm". Đó là đêm đầu tiên Hà Nội được giải phóng, không có thực dân Pháp. Cả đêm Hà Nội sáng đèn để chờ đón đoàn quân chiến thắng.
Sau 9 năm, tại Hà Nội không còn treo cờ Pháp ở các cơ quan công quyền, lính Pháp không còn đi tuần trên đường phố. Những lá cờ ba que của chế độ bù nhìn cũng nhanh chóng bị hạ xuống, cờ đỏ sao vào treo lên, tung bay khắp Hà Nội.
Đại tá Dương Niết bảo vệ mục tiêu Sở Cảnh sát Bắc Việt từ ngày 8/10/1954 và chứng kiến đêm đầu tiên tự do của Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Ảnh Dân Việt, Nhân vật cung cấp.
Sáng 10/10/1954, đã diễn ra một cuộc hành quân lịch sử từ ngoại thành vào Thủ đô Hà Nội.
Báo Nhân dân ra ngày hôm sau 11 – 12/10/1954 mô tả cuộc hành quân lịch sử qua "Tin sau cùng" đăng trên trang nhất, một dạng tin nóng trên các báo điện tử bây giờ.
Bộ binh chia 2 cánh lớn: Cánh thứ nhất xuất phát lúc 8 giờ từ cửa ô Kim Mã tiến qua Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, 9 giờ đến Hàng Ngang, Hàng Đào, 9h45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.
Cánh quân thứ hai xuất phát lúc 8h45 từ Việt Nam học xá tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh; 9h40 đến Chợ Hôm; 10h10 đến bờ Hồ Hoàn Kiếm, 10h40 tập kết ở khu Đấu xảo và Đồn thủy.
Pháo binh và bộ binh đi xe hơi xuất phát lúc 9h30 từ Bạch Mai, 10h15 đến Bờ Hồ, 10h30 đến chợ Đồng Xuân sau đó tập kết trong thành Hà Nội, chuẩn bị lễ chào cờ vào 3 giờ chiều.
Cuộc hành quân lịch sử diễn ra từ sáng sớm 10/10 khi các đơn vị bộ đội tiến vào Thủ đô theo hai hướng. Ảnh: TTXVN, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.
Sáng sớm 10/10, chiến sĩ Tính cùng các đồng đội ở Trung đoàn 102 mặc quần áo mới, mũ gắn sao vàng, chân đi giày vải. Do người nhỏ, chiến sĩ Tính xắn tay áo cao lên, ống quần buộc lại.
Trung đoàn Thủ đô anh dũng do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu tiến từ Mai Dịch qua Ô Cầu Giấy – Kim Mã – Hàng Đẫy – Vườn hoa Cửa Nam – Bờ hồ Hoàn Kiếm – Hàng Đào – Chợ Đồng Xuân – Hàng Đậu – Cửa Bắc để vào thành Hà Nội.
Ông Tính kể lại như sự việc mới xảy ra từ ngày hôm qua: "Nhổn, Diễn, Cầu Giấy bạt ngàn ruộng, làm gì như bây giờ. Đến gần phố Hàng Bông mới thấy phố phường".
Người dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, khẩu hiệu rực rỡ khắp phố, cờ đỏ sao vàng rợp trời.
Từ một hướng khác, chiến sĩ Lê Minh Thắng cũng phóng tầm mắt, hành quân mãi chưa thấy thành phố. "Hà Nội lúc đó nhỏ lắm, đạp xe 2 giờ đồng hồ là hết thành phố", ông Thắng nói.
Người dân Hà Nội hân hoan đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Trong đoàn người đón những người chiến thắng trở về, có PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương. Khi ấy, bà Hương mới 11 tuổi.
Sáng hôm ấy, cô bé Hương vẫn đến lớp Đệ thất bình thường. Bỗng thầy Hiệu trưởng bước vào lớp, trong tay cầm bó hoa rất to và đẹp, thầy nói rất to: "Hà Nội giải phóng rồi, các trò ơi. Chúng ta sẽ ra bờ Hồ Hoàn Kiếm đón bộ đội về giải phóng Thủ đô".
Xem lại những thước phim lịch sử, bà Hương nhận ra người thầy giáo dạy nhạc của mình, thầy Nguyễn Văn Quỳ - người mặc complet trắng chơi đàn guitar trên phố đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Clip Dân Việt.
Cả lớp reo hò như sấm. Học sinh kéo nhau xuống sân, xếp hàng đôi theo lớp đi ra bờ hồ. "Chúng tôi đi theo thầy Nguyễn Văn Quỳ - Giáo viên dạy nhạc. Thầy mặc comple trắng, vai đeo đàn guitar, vừa đi vừa hát".
Khoảng 10 giờ sáng, từ phía đầu Hàng Gai, nhà Thủy Tạ vang lên tiếng hô vang "Hoan hô bộ đội về giải phóng Hà Nội". Lớp lớp các anh bộ đội, vai đeo súng, đầu đội mũ cối có bọc lưới và gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng, xếp hàng rất thẳng, đầu ngẩng cao tiến vào trung tâm thành phố.
Đoàn quân chiến thắng trở về như khoác lên cho Hà Nội một diện mạo mới, một vị thế mới.
Theo dòng hồi tưởng, chúng tôi cùng bà Hương xem lại những giờ phút lịch sử qua đoạn phim tư liệu về ngày 10/10/1954. "Đây, thầy Quỳ đây này", vị Phó Giáo sư reo lên, chỉ vào màn hình rồi cất tiếng hát theo đoạn nhạc đang phát ra từ máy điện thoại.
Đoạn phim tư liệu lịch sử không ghi lại được cảnh, cô giáo đưa cho học trò Hương một bó hoa. Cô bé vội ôm bó hoa chạy ra giữa đường, chạy theo hàng quân đang chỉnh tề bước đi rồi tặng cho một chú bộ đội ở giữa hàng. Chú vui mừng nhận hoa rồi, bế cô bé Hà Nội lên cảm ơn.
Cô bé xấu hổ, vội tụt xuống đất và chạy về lớp với các bạn. Cô bé 11 tuổi không quên cảm giác má mát lịm khi chạm vào chiếc Huy hiệu trên ngực chú bộ đội.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương kể lại giây phút hòa vào dòng người chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
"Khó diễn tả cảm xúc lắm! Các em tưởng tượng, nhìn thấy cảnh đồng bào mình bị chết đói năm 45, cảnh lính Pháp đi tuần, đánh đập người dân rồi được nhìn thấy các chú bộ đội vai đeo súng, mũ gắn sao vàng, rắn rỏi, oai hùng về giải phóng Thủ đô.
Hà Nội được giải phóng rồi, mới thấy cái giá của hạnh phúc, mới thấy sâu sắc ý nghĩa của Độc lập - Tự do", bà Hương hồi tưởng trong cảm xúc.
Chiều hôm ấy, hàng trăm nghìn người dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội.
Lễ chào cờ tổ chức ngay chiều 10/10/1954 tại sân vận động Cột Cờ. Ảnh TTXVN.
Có mặt tại lễ mít tinh, ông Tính vẫn nhớ lời mở đầu đồng chí Vương Thừa Vũ đọc: "8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, …".
Sau cờ hoa chúc mừng, quân và dân Hà Nội bắt tay ngay vào khôi phục cuộc sống, xây dựng, phát triển Thủ đô. Cô bé Hương trở lại trường học tập, những chiến sỹ như ông Tính, ông Thắng, ông Niết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao.
Việc tiếp quản Thủ đô được Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đánh giá "toàn bộ tài sản của Nhà nước đã được cán bộ, chiến sỹ quý trọng và giữ gìn chu đáo, khi bộ đội bàn giao lại các công sở cho các cơ quan nhà nước không thiếu một vật nhỏ, thậm chí cái bàn, cái ghế, trong lúc vào đặt ở đâu, lúc ra vẫn ở nguyên đó".
Ngày 4/11/1954, Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội được thành lập, Bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.
70 năm đã qua từ cuộc hành quân lịch sử ấy, toàn thể đồng bào Hà Nội luôn đồng lòng, quyết tâm thực hiện như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".
Trong đêm cả Hà Nội đang náo nức chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, bà Hương lại lững thững đi bộ ra Hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc lộng lẫy cờ hoa, soi mình bên Hồ Gươm. Đường phố rực rỡ ánh đèn, vườn hoa Chí Linh xưa nay là vườn hoa Lý Thái Tổ nườm nượp người. Nam mặc complet, nữ mặc áo dài rất thanh lịch chụp ảnh, đúng chất người Tràng An.
Khung cảnh này đối lập hoàn toàn với cách đây hơn 70 năm, khi ông Đốc Thịnh dẫn con gái ra vườn hoa Chí Linh. Từ ngày Thủ đô được giải phóng, những đau khổ, bất công, áp bức không còn nữa.
"Hà Nội đẹp quá! Hà Nội đã 70 năm sống trong độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc dù đã phải đổi bằng máu và nước mắt. Tôi càng thấy tự hào hơn khi là người Hà Nội, gắn bó với mảnh đất văn hiến này", PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.