Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng Thủ đô

Thứ bảy, ngày 28/10/2023 16:57 PM (GMT+7)
Ngược với nhịp sống xô bồ, hiện đại của phố thị, sâu trong con ngõ nhỏ không tên trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội) vẫn tồn tại một căn nhà chỉ rộng khoảng 2,5 mét vuông. 30 năm qua, đây là nơi sống và sinh hoạt của 2 cha con ông Chu Văn Cao.
Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 1.

Ông Chu Văn Cao - nhân vật chính trong bài viết chúng tôi gửi tới bạn đọc. Ảnh: Lương Hiền.

Những ngôi nhà nằm sâu trong các con ngõ hay khu tập thể tối tăm, từ lâu đã không còn xa lạ với người dân tại phố cổ Hà Nội. Thế nhưng, căn nhà đặc biệt của ông cụ 78 tuổi với một không gian vô cùng khiêm tốn lại khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục.

Bước chân vào con ngõ không tên, nằm trên phố Thuốc Bắc, chiều ngang chưa đến 1 mét, tối và sâu hun hút, đi thêm chừng 50 mét nữa đến 1 chiếc cầu thang, ngước nhìn, chúng tôi thấy 1 gác xép nhỏ.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 2.

Con ngõ sâu hun hút trên phố Thuốc Bắc, nơi dẫn vào nhà ông Cao.

Dưới ánh đèn điện hiu hắt, chúng tôi thấy một ông cụ đã ngoài 70 tuổi đang chăm chú đọc báo. 30 năm qua, ông Chu Văn Cao cùng con trai vẫn sống và bám trụ tại căn phòng hộp diêm này.

Lối đi lên căn nhà của ông Cao là một cầu tháng nhỏ, cũ kĩ.

Căn phòng hộp diêm 2,5 mét vuông

Nghe tiếng chào của người lạ, ông Cao giật mình quay ra. Nụ cười thân mật, mến khách của ông lão khác hẳn với không gian nơi đây. Gấp tờ báo lại, ông Chu Văn Cao bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về “sự tích” của căn nhà hộp diêm đã gắn bó.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 3.

Căn buồng nhỏ - nơi ông Cao đã sống suốt 30 năm qua.

Nơi ông Cao ở trước kia vốn dĩ là nhà của người chị gái làm nghề buôn bán tại chợ Đồng Xuân. Do hồi trẻ ông đi công tác liên miên, không có thời gian chăm sóc cha mẹ và thờ cúng tổ tiên, lại thương cảnh người chị đông con phải ở nơi chật hẹp, ông bàn với chị gái cho đổi ngôi nhà ở phố Khâm Thiên để lên ở tại phố Thuốc Bắc. 

Cuộc trao đổi diễn ra êm đẹp, gia đình người chị gái dọn về ở với các cụ, còn ông Cao lấy vợ, cả nhà sống tại căn buồng hơn 10 mét vuông ở tầng 1 khu tập thể (ngay dưới gác xép hiện tại).

Năm 1993, vợ ông vay tiền mở quán bán bia. Công việc làm ăn thua lỗ, ông đành ngậm ngùi bán căn phòng rộng hơn 10 mét kia để trang trải nợ nần. Người vợ bỏ đi, ông và cậu con trai 5 tuổi chuyển lên gác xép này ở từ đó đến tận bây giờ.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 4.

Lối đi lên nhà ông Cao, chênh vênh và cũ kĩ - cảnh tượng chung của nhiều căn nhà tập thể tại phố cổ Hà Nội.

Ngôi nhà đặc biệt của ông Cao có diện tích chỉ vỏn vẹn 2,5 mét vuông, với chiều rộng 1m, cao 1,4 mét.

Với khoảng không gian mang cấu trúc như một hộp diêm này, người ta chỉ có thể nằm, ngồi hoặc bò chứ không thể đứng.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 5.

Trần nhà loang lổ vết xi măng đã được trát lại.

Gọi là nhà, nhưng thực chất đây chỉ là căn phòng được dùng làm kho chứa đồ. Ông Cao cho biết, trước đây toàn bộ các nhà ở đây là khu tập thể được Nhà nước cho thuê, và có điểm chung là đều làm thêm gác xép để phục vụ cuộc sống. Đây là bộ phận không thể tách rời nằm trong hợp đồng cho thuê của Nhà nước lúc bấy giờ, là công trình “tự tạo nhưng phải gắn liền với mục tiêu”.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 6.

Mọi đồ dùng thiết yếu đều được ông Cao sắp xếp một cách hợp lý và ngăn nắp cho vừa khít với diện tích căn phòng.

Mọi cấu trúc của căn buồng xây từ những năm 50 được giữ lại nguyên vẹn. Duy chỉ có chiếc sàn gỗ là được ông Cao thay mới.

Trần nhà loang lổ những vết xi măng đã trát lại, hai bên tường gạch đã tróc lở được bịt kín, chắp vá bằng những mảnh giấy dán tường cũ kĩ. 

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 7.

Tuy chật chội nhưng căn buồng được bài trí vô cùng gọn gàng và ngăn nắp.

Tuy chật chội nhưng căn phòng được bài trí vô cùng gọn gàng và ngăn nắp. Bên tay phải là chiếc móc có treo vài bộ quần áo. Bên trái, ông Cao để những đồ vật thiết yếu mà ông cho là quan trọng như sách, báo và đồ dùng cá nhân. Cuối phòng là một chiếc tủ sắt màu trắng. Điều đặc biệt là tuy nhỏ nhưng ông Cao dành khá nhiều diện tích cho sách và báo.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 8.

Mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày đều được ông Cao gói gọn trong căn phòng chỉ với diện tích 2,5 mét vuông..

Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của 2 cha con chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ bé này. Mọi công việc như tắm rửa được sử dụng tại nhà vệ sinh công cộng.

“Điện nước thì lại càng không lo, vì tôi dùng ít, không đáng bao nhiêu, chỉ bật mỗi đèn học, thấy hoàn cảnh tôi vậy nên hàng xóm xung quanh hỗ trợ”, ông Cao cho hay.

Chuyện ăn uống thường ngày cũng đơn giản như suy nghĩ và cách sống của ông lão. Ông Cao bảo trước giờ ông quen ăn cơm hàng cho tiện, con trai ông ban ngày làm trên phố cũng ăn cơm ngoài luôn, đến tối mới về nhà ngủ. Vì thế, việc nấu nướng, bếp núc cũng không phải là trở ngại của 2 bố con. 

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 9.

Đọc sách báo mỗi ngày đã trở thành thói quen của ông Cao, đây là cầu nối duy nhất giúp ông cập nhật thông tin với thế giới ngoài kia.

Vì chật chội nên khi ngủ, 2 bố con ông Cao phải nằm nghiêng. Tuy nhiên, điều ông cảm thấy may mắn và hài lòng là “căn buồng rất hay, mùa hè ở thì mát, mùa đông lại ấm nên tôi cảm thấy không có điều gì bất mãn”, ông Cao tiết lộ.

Tạo “ánh sáng” trong ngôi nhà nhỏ

Cuộc sống tưởng chừng như bí bách khó có thể chấp nhận, nhưng đối với người đàn ông lớn tuổi ấy, chẳng có gì gọi là “đáng thương” mà thay vào đó là cách sống hài lòng và tạo sự lạc quan. 

Suốt bao nhiêu năm sống trong căn nhà 2,5 mét vuông, ông Cao chẳng thấy chật chội, mặc cho người ta nghĩ bí bách đến tăm tối. Với ông, có một nơi để ở đã là điều hạnh phúc. Cũng chính suy nghĩ ấy, hơn 30 năm qua, ông sống một cách lạc quan, không mưu cầu vật chất, cố duy trì cho mình cuộc sống độc lập, không phụ thuộc vào con cái và những người xung quanh.

Trò chuyện hồi lâu, người đàn ông ấy chẳng nói ra một lời phàn nàn nào về cuộc sống, ông có quan điểm riêng về cuộc sống và công việc. “Con người sống cũng cần có một công việc để làm, ngừng lao động thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa, sống, làm việc và hài lòng với cuộc sống hiện tại là điều hạnh phúc nhất”, ông Cao tâm sự.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 10.

Cuộc sống thường ngày của ông Cao vẫn diễn ra bình dị, thầm lặng trong con ngõ sâu, tối nhưng luôn có ánh sáng và tràn đầy lạc quan.

Ông Cao cho biết, tuổi cao ông không thể làm được các việc nặng nhọc để kiếm tiền nhưng kiếm được một bữa ăn mỗi ngày không khó. Cũng chính vì vậy, ban ngày ai thuê gì, ông làm nấy, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ bữa cơm trong ngày mà không phụ thuộc vào con trai. Khách đến nhà, ai nấy đều cảm thấy bí bách, chật chội. Với ông căn gác xép 2,5 mét vuông ấy là mái ấm: “Mình có gì thì mình giữ lấy, không than vãn, sống không xin xỏ, ở cái phố cổ này, chật chội là điều không thể tránh khỏi. Sống lâu rồi sẽ quen và dần chấp nhận thôi”. 

Cũng trong căn nhà nhỏ ấy, ông dành ra một góc xếp những tờ báo, nhiều số báo của các đầu báo khác nhau được ông mua về, đọc xong gấp gọn lại. Trên tường, ông đóng một tấm ván gỗ thay cho kệ sách, ông đặt những cuốn sách, tài liệu từng đọc xếp lên kệ sách ngăn nắp. Có lẽ, chính những tờ báo giấy là cầu nối giúp ông kết nối với thế giới bên ngoài khi tuổi đã cao. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao cho biết, ông có thói quen đọc sách, báo từ khi còn nhỏ, ngày trước, mỗi lần cha đọc báo, ngồi cạnh bên, có gì không hiểu, cậu bé lại hỏi cha, cứ như vậy, cậu bé dần có thói quen đọc báo mỗi ngày. “Cũng chính thói quen đọc sách báo của cụ ông mà bây giờ hình thành thói quen cho tôi. Đọc sách không chỉ đọc mà còn phải suy nghĩ, không có Internet đọc báo nhưng thông tin xã hội thì phải biết”, ông Cao nói.

Cuộc sống của ông lão 78 tuổi trong “hộp diêm” 2,5 mét vuông giữa lòng thủ đô - Ảnh 11.

Cuộc sống thường ngày của ông Cao vẫn diễn ra bình dị, thầm lặng trong con ngõ sâu, tối nhưng luôn có ánh sáng và tràn đầy lạc quan.

Bên cạnh đó, người đàn ông này còn tự đề ra chương trình riêng mỗi ngày, thời trẻ ông chạy 2-3 vòng Hồ Gươm. Bây giờ vẫn nơi ấy, hàng ngày ông đi bộ 1-2 vòng quanh hồ.

“Ngày xưa tôi chạy nhiều vòng bờ hồ, bây giờ già rồi không chạy nữa thì đi bộ, con người phải thể dục, chứ ở đây suốt ngày có thể bị bệnh, tuổi già thuốc thang vào người chưa chắc đã khỏi bệnh”, ông Cao chia sẻ thêm.

Thỉnh thoảng, ông Cao cũng được chính quyền hỗ trợ nhưng ông không dựa dẫm vào đó, ông cho rằng việc trợ cấp xã hội là của chung xã hội dành cho người cao tuổi, người khó khăn chứ không phải riêng cá nhân ông. Xã hội trợ cấp một phần nhưng không phải thường xuyên, vẫn phải cố gắng làm việc kiếm sống dù ít, dù nhiều. 

Kể cho chúng tôi nghe về người con trai, ông Cao cho biết con trai chuyển lên gác ở cùng ông từ lúc 3 tuổi, đến nay anh đã 35, đang làm thuê cho cửa hàng nhôm kính trong khu phố. Ban ngày, anh đi làm, ban đêm lại về ngủ cùng bố. Hai cha con cứ thế nương tựa nhau trong hơn 30 năm qua, ông luôn động viên con phải cố gắng, dạy con phải chăm chỉ để nghĩ cho cuộc sống tương lai.

Hàng ngày, trong con ngõ nhỏ sâu hun hút, người đến vẫn sẽ thấy ánh sáng len lỏi từ ngôi nhà nhỏ của ông Cao. Ánh sáng ấy là bóng đèn ông bật lên ngẫm những trang sách, tờ báo và cũng có thể chính niềm lạc quan, thói quen sống tích cực từ ông đã soi sáng thêm cuộc sống tẻ nhạt tưởng chừng tăm tối kia. Dẫu người đời buốt lòng nghĩ cuộc đời chẳng mang lại cho ông Cao nhiều may mắn, ông lại nghĩ rằng: “Tôi có nơi để ở là hạnh phúc lắm rồi, sống một đời không toan tính, không tiêu cực sẽ luôn khỏe mạnh thôi”.

Ngọc Tân - Lương Hiền
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem