Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Minh Anh Thứ ba, ngày 15/08/2023 17:55 PM (GMT+7)
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Bình luận 0

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với 650.000 ha, trong đó hơn 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ. Cùng với khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp bằng phẳng, mật độ sông suối cao, hệ thống hồ chứa đứng thứ hai cả nước và nguồn lao động dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk thay đổi quy trình sản xuất theo hướng sạch, an toàn để nâng cao giá trị

Quá trình xây dựng NTM, tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định cho khu vực nông thôn.

Nhờ vậy, những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có những dịch chuyển khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

Đến nay, Đắk Lắk đã có 114 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hàng chục cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; khoảng 150 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; số nông dân tham gia liên kết gần 16.000 hộ…

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Lao động được giải quyết việc làm ở HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông, Đắk Lắk)

Việc liên kết đang từng bước tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Cà phê, tiêu, lúa gạo, cây ăn trái (nhãn, vải, sầu riêng…), heo, gà… Điển hình trong hoạt động liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, có thể kể đến các đơn vị như: HTX DVNN Công bằng Ea Kiết, HTX DVNN Công bằng Cư Dliê Mnông (huyện Cư M'gar), HTX DVNN Công bằng Ea Kmat (huyện Krông Pắc), HTX DVTH nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông), HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar), HTX giảm nghèo Ea Súp, HTX cánh đồng 8/4 (huyện Lắk)...

Tính hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 75 xã đạt 19/19 tiêu chí; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1/15 đơn vị cấp huyện (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Hiện Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 93 chủ thể sản phẩm. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững ở HTX Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) mang lại giá trị ổn định cho người nông dân

Dự kiến tổng nguồn lực thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đăk Lăk là hơn 18.000 tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh có trên 65% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4/15 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020; có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được cấp thẩm quyền cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên…

Nhằm đạt được mục tiêu trên, Đắk Lắk xác định việc xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều mô hình liên kết nông nghiệp hiệu quả

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đắk Lắk đã thúc đẩy, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Các mô hình kinh tế tập thể đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Đắk Lắk hướng đến xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Năm 2015, 16 nông dân tại xã Ea Wy, huyện Ea H'leo đã liên kết thành lập HTX sản xuất nông nghiệp Ea Wy để cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Thay vì sản xuất cà phê theo cách truyền thống, những thành viên trong HTX bắt đầu một thói quen sản xuất mới, quy củ và nghiêm ngặt hơn. Quá trình chăm sóc, tất cả diện tích cây trồng của HTX đều bón phân hữu cơ theo đúng quy trình và có sổ ghi chép, theo dõi, đánh giá. Sau khi quả cà phê chín đến 90% mới tiến hành thu hoạch. Đối với khâu chế biến, HTX  đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để chế biến, rang, xay cà phê và hồ tiêu.

Sau hơn 8 năm hoạt động, HTX đã liên kết 105 nông hộ, với vùng nguyên liệu hơn 200 ha cà phê xen canh hồ tiêu và các loại cây ăn trái khác theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, đời sống các thành viên HTX không ngừng được nâng cao.

Hai sản phẩm chủ lực của HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy là cà phê bột và tiêu khô đã được kiểm định chất lượng, đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, xuất bán ổn định cho các đối tác và bán lẻ. Ngoài ra, HTX còn tích cực tìm kiếm đối tác cho sản phẩm tiêu xanh, cà phê nhân, mật ong rừng... để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của nông sản địa phương.

Anh Lương Văn Khánh, một xã viên của HTX chia sẻ: "Từ khi liên kết sản xuất với HTX, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Nông dân tham gia mô hình liên kết được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà nhiều năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá nông sản".

Đắk Lắk: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Tái cơ cấu nông nghiệp giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đắk Lắk nâng lên rõ rệt từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể đã chú trọng đến hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm. Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, HTX DVNN Công Bằng Ea Kmát đang giúp hơn 240 hộ dân có thu nhập cao và ổn định bằng việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các xã viên.

Hàng năm, HTX ký hợp đồng với Công ty Cà phê Đăk Man tổ chức cho các hộ xã viên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO, 4C, UTZ. Cuối vụ, HTX tổ chức thu mua, sơ chế sản phẩm cho các hộ thành viên và xuất bán cho Công ty Cà phê Đăk Man với mức giá cao hơn giá thị trường. Không chỉ thế, nhờ việc tổ chức sản xuất khoa học, sản lượng cà phê của các xã viên cũng luôn ổn định ở mức cao.

Đóng góp của các HTX đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.

Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân đã tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất; tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", phát triển thêm sản phẩm OCOP…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem