Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tỷ phú Trần Đình Long (sinh năm 1961, quê Hải Dương) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong những vị doanh nhân tuổi Sửu thành đạt, sở hữu khối tài sản "siêu khủng". Ông nổi tiếng với biệt danh "ông vua" ngành thép.
Chưa hết, doanh nhân tuổi Sửu Trần Đình Long còn trở thành "hiện tượng" trong năm 2020 khi tên tuổi của vị tỷ phú này xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông với thành tích "bán trứng giỏi", 700.000 trứng/ngày.
Còn nhớ, năm 2016 - lần đầu tiên tỷ phú Trần Đình Long bước lên vị trí là người giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tức là sau gần 10 năm Tập đoàn Hòa Phát do ông lèo lái niêm yết trên sàn chứng khoán.
Năm 2018, vị tỷ phú này lần đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 thế giới. Tuy nhiên, năm 2019, ông đã bị loại khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes khi khối tài sản chỉ còn khoảng 1 tỷ USD.
Năm 2020, thị trường chứng khoán bùng nổ, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng giá chóng mặt khiến cho khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long "nhảy số" từng ngày. Tính đến cuối năm 2020, thị giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng 115% so với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long đứng ở con số 2 tỷ USD theo Forbes. Tỷ phú Trần Đình Long trở thành vị tỷ phú USD đứng vị trí thứ 3 trong số các tỷ phú USD Việt Nam tại bảng xếp hạng của Forbes, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nếu xét trong bảng xếp hàng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt, mức độ giàu có của tỷ phú Trần Đình Long chỉ khiêm tốn hơn tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với hơn 36.100 tỷ đồng.
Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát dưới sự điều hành của doanh nhân tuổi Sửu này cũng có được kết quả kinh doanh kỷ lục. Lũy kế cả năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Với mức lợi nhuận kỷ lục trong quý 4 gấp 2,42 lần cùng kỳ năm trước, cả năm Hòa Phát báo lãi 13.506 tỷ đồng sau thuế.
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế. Hòa Phát đã định hình vị thế hàng đầu sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm trong ngành.
Cụ thể, thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đã đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với gần 400.000 heo (gồm cả heo thịt và heo giống).
Sinh năm 1961, ông Huỳnh Uy Dũng là một người con của đất võ Bình Định. Vị đại gia sinh năm Tân Sửu này từng có thời gian nhập ngũ và phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5 và Quân khu 7.
Xuất ngũ, vì quá nghèo khổ, ông Huỳnh Uy Dũng mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng "lò vôi", đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh oanh liệt của vị đại gia này.
Say này, khi việc kinh doanh vôi đi xuống, ông Dũng bán lò vôi, chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ thuộc tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương.
Đến năm 1996, doanh nhân tuổi Sửu Dũng "lò vôi" thành lập Công ty Cổ phần phát triển Khu Công Nghiệp Thanh Lễ - tiền thân của Công ty Cổ phần Đại Nam và trở thành người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam.
Đến nay, vị doanh nhân tuổi Sửu này sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản "khủng" như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương.
Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của doanh nhân tuổi Sửu Dũng "lò vôi" có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam. Tuy nhiên như đã từng chia sẻ trên báo chí, đại gia này không quá để tâm đến tiền bạc bởi ông xác định, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.
"Tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh", doanh nhân tuổi Sửu Huỳnh Uy Dũng cho biết.
Cũng chính vì vậy, tháng 5/2020, Dũng "lò vôi" công bố rút khỏi thương trường, nhường hết quyền điều hành tại Xây dựng Đại Nam cho vợ là bà Nguyễn Phương Hằng để quy y. Tuy nhiên, hiện nay trên website chính thức của Công ty Cổ Phần Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng vẫn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Nữ doanh nhân tuổi Sửu (1961) Trương Thị Lệ Khanh là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Sinh ra ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang) nên có lẽ cái duyên với ngành thủy sản đã gắn với bà Trương Thị Lệ Khanh từ khi còn nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, nữ doanh nhân sinh năm Tân Sửu này làm việc cho một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Bà còn đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khác nhau từ kế toán đến trợ lý và Phó giám đốc,...
Đến năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh chính thức thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn với nhiệm vụ chính là ưu tiên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.
Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp). Nhờ việc am hiểu các hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Cũng kể từ đó, trên thương trường, bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là "nữ hoàng" cá tra.
Dưới sự dẫn dắt của "nữ hoàng" cá tra Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn từ công ty với vốn 300 triệu đồng thành 5.000 tỷ đồng như hiện tại.
Hiện bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch hiện tại, xấp xỉ 37.000 đồng/cp, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Khanh hiện đang là người giàu thứ 33 trong bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt.
Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes trong năm 2020.
Nhắc tới nhà ở giá rẻ trên thị trường bất động sản, không thể nào không nhắc tới "ông trùm" hàng loạt dự án trải dài từ Bắc vào Nam là Tập Đoàn Mường Thanh. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương.
Tính đến nay, hệ thống khách sạn Mường Thanh sở hữu 60 khách sạn với 4 thương hiệu là Mường Thanh, Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand và Mường Thanh Holiday. Mường Thanh cũng sở hữu 1 khách sạn tại Lào.
Điều đáng nói, "ông chủ" của Tập đoàn này không ai khác chính là "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản. Ông Lê Thanh Thản là doanh nhân sinh năm Kỷ Sửu (1949).
Ngoài sở hữu tập đoàn Mường Thanh, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản còn sở hữu nhiều tài sản có giá trị khác, ví như căn biệt thự ở khu bán đảo Linh Đàm có vị trí đắc địa hai mặt tiền.
Cá nhân "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản còn đang sở hữu trại bảo tồn động vật hoang dã Trại Bò rộng 100ha, riêng vườn thú rộng 35ha ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, với nhiều loài động vật quý hiếm như tê giác, sư tử, hổ, bò tót... Chi phí vận hành hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.
Doanh nhân tuổi Sửu này cũng chính là người sở hữu 1 trong 2 chiếc Rolls Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam có giá trị hàng triệu USD.
Sáng lập thương hiệu King Coffee, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 và là con trong một gia đình đại gia ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc.
Ở tuổi ngoài 20, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ lên xe hoa với "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ - khi ấy ông Vũ là một sinh viên chưa tốt nghiệp của Đại học Y và đang muốn dấn thân vào thương trường.
Năm 1998, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu khởi nghiệp, chung tay gây dựng Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu quốc gia.
Năm 2008, doanh nhân tuổi Sửu Lê Hoàng Diệp Thảo thành lập và giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành của Công ty Trung Nguyên International (TNI) và công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Tuy nhiên, tháng 4/2015 biến cố ập đến, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ bị bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực tại Trung Nguyên.
Điều đáng nói, sau khi bị tước quyền điều hành tại Trung Nguyên và sau nhiều lần không thể tìm gặp và đối thoại trực tiếp với "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ, tháng 10/2015 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn ly hôn lên tòa án và ngày 27/3/2019 sau hơn 20 năm chung sống, vợ chồng bà Thảo chính thức ly hôn
Trong quá trình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc ly hôn, doanh nhân tuổi Sửu Lê Hoàng Diệp Thảo mở công ty riêng về cà phê, trở thành nhà sáng lập thương hiệu cà phê King Coffee.
Sau 4 năm sóng gió với tiến trình tố tụng kéo dài "dai dẳng", cuối năm 2019 cuộc ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã khép lại khi Tòa Phúc thẩm tuyên bố chấp thuận.
Sau ly hôn, doanh nhân tuổi Sửu Lê Hoàng Diệp Thảo có trong tay khối tài sản "khổng lồ" gồm bất động sản, tiền, vàng, ngoại tệ… có tổng giá trị khoảng 3.749 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã vượt qua nhiều doanh nhân lớn trên thị trường chứng khoán và chỉ đứng sau 3 nữ doanh nhân trong "top nữ" giàu nhất Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.