Đường nhựa trải tận ruộng, nông dân ngoại thành Hà Nội tất bật ra đồng cấy lúa bằng xe đạp điện
Đường nhựa trải tận ruộng, nông dân ngoại thành Hà Nội tất bật ra đồng cấy lúa bằng xe đạp điện
Thứ hai, ngày 22/07/2024 14:50 PM (GMT+7)
Những ngày giữa tháng 7 là thời điểm người nông dân vùng ngoại thành Hà Nội bước vào cuối vụ cấy Hè - Thu. Tại xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), từ sáng sớm, không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân bon bon di chuyển trên những chiếc xe đạp điện ra đồng cấy lúa.
Nằm cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng hơn 20 km, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất cổ nằm bên con sông Cà Lồ. Thụy Lâm ngày nay được biết đến với những huyền tích, huyền thoại về Thục An Dương Vương, với các sản phẩm thủ công như dệt, đan lát; với những nét văn hóa tinh thần độc đáo như hội Đền Sái với tục rước vua, rối nước làng Đào Thục, vật Thụy Lôi, truyền thống học hành với các vị danh nhân khoa bảng được ghi trong chính sử.
Trong những năm qua, huyện Đông Anh nói chung và xã Thụy Lâm nói riêng đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở đây đã thay đổi toàn diện và rõ nét, các con đường được trải thảm nhựa ra tận ruộng và vào trong từng đường làng, ngõ xóm, các công trình di tích, ao làng được tôn tạo...
Đặc biệt, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt qua hình ảnh những chiếc xe đạp điện xuất hiện khắp các cánh đồng.
Được biết, xã Thụy Lâm có đất đai màu mỡ, phù hợp cho trồng trọt, nhất là trồng lúa nước. Nhiều đời đã trồng và có được một giống lúa nếp cái hoa vàng ngon nổi tiếng. Sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTX được UBND TP.Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.
Hiện xã Thụy Lâm hiện có khoảng 545 ha nếp cái hoa vàng. Gieo cấy từ tháng 6 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm.
Nhờ canh tác theo SRI, năng suất lúa cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống, với năng suất khoảng 1,8 tạ/sào và giá bán hiện ở mức 35.000 đồng/kg, người trồng lúa nếp cái hoa vàng luôn có thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với các giống lúa nếp khác và cao hơn 4 lần so với lúa tẻ.
Việc di chuyển bằng xe đạp điện từ nhà ra cánh đồng giúp người dân tiết kiệm sức lực và thời gian.
Người dân làng Đào Thục, xã Thụy Lâm cho biết tuy đời sống được nâng cao, nhưng hiện nay, phần lớn lượng sản phẩm chúng tôi phải tự tìm đầu ra. Điều này khiến giá lúa nếp cái hoa vàng dù cao vượt trội thóc nếp thông thường nhưng bấp bênh và chưa đạt kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Xuân (làng Đào Thục, xã Thụy Lâm) chia sẻ: "Hiện nay, nhà tôi làm 1 vụ lúa 4 sào nếp cái hoa vàng, khi thu hoạch bán đủ tiền mua xe đạp điện, còn lúa tẻ chủ yếu dùng để nhà ăn".
Được biết, để hỗ trợ người dân, huyện Đông Anh sẽ thực hiện kế hoạch nâng cấp sao cho các sản phẩm OCOP của địa phương nói chung, gạo nếp cái hoa vàng của Thụy Lâm trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ người dân thay đổi mẫu mã, bao bì sao cho thật bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng, để khi đến tham quan các hội chợ, gian hàng gạo nếp cái hoa vàng của Thụy Lâm thu hút được người mua. Đồng thời, mở kênh phân phối vào các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các khách sạn lớn; chế biến gạo nếp cái hoa vàng thành những món ăn mang đậm bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, để giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội tham quan và du lịch...
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.