Gặp gỡ cựu chiến binh gần 90 tuổi từng ba lần xung phong lên Điện Biên
Gặp gỡ cựu chiến binh gần 90 tuổi từng ba lần xung phong lên Điện Biên
Thứ hai, ngày 06/05/2024 07:00 AM (GMT+7)
Ông Vũ Đình Bình (SN 1936) có duyên kỳ ngộ với vùng đất Điện Biên, ông từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó không lâu lại xung phong lên vùng đất này làm đường, nửa đời người còn lại làm cán bộ và cống hiến cho vùng phên dậu phía Tây của Tổ quốc.
Video: Gặp gỡ cựu chiến binh ba lần xông pha lên Điện Biên.
Điện Biên Phủ anh hùng, nơi đây hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến không ngại hiểm nguy gian khó tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với bộ đội chủ lực, lực lượng thanh niên xung phong cùng dân công, đồng bào Tây Bắc đã cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông Vũ Đình Bình ( sinh năm1936), từng là cựu binh của Đại đội 71, Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 hiện tại đang sinh sống tại TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Mặc dù năm nay đã sắp bước sang tuổi 90, nhưng ông vẫn còn khỏe và minh mẫn. Biết có khách đến chơi, vợ chồng ông ra tận cửa đón chúng tôi như những người con đi làm ăn xa về. Người cựu binh già với mái tóc đã điểm bạc, nhưng tinh thần còn minh mẫn.
Vừa nhấp chén trà, ông Bình hồi tưởng lại mấy mươi năm về trước. Năm 16 tuổi nghe theo tiếng gọi bảo vệ non sông, chàng thanh niên đã “khai” tăng tuổi để được vào bộ đội, năm 1952 được biên chế vào Sư đoàn 304. Chàng thanh niên gày gò, nhưng tinh thần chiến đấu cao ngút trời đó được phát quân tư trang còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể. Vậy mà đã có vinh dự được tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh. Sau những chiến thắng vang dội của quân ta tại đồng bằng, đơn vị của ông tiếp tục chiến đấu ở Thượng Lào. “Trận nào cũng vào sinh ra tử. Chiến đấu nơi rừng rú khổ trăm đường, nhưng chưa bao giờ chúng tôi than thở một lời. Ai cũng sẵn sàng hy sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, cựu chiến binh Vũ Đình Bình bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầy oai hùng đó.
Sự đóng góp của mỗi người lính trên chiến trường như ông Bình đã tạo đà thắng lợi vang dội cho quân ta. Năm 1953, đơn vị của ông nhận được lệnh tiến về Điện Biên, tham gia chiến dịch lớn. Suốt những ngày luồn rừng, đi bộ vượt qua hết núi này đến núi khác, đơn vị đã hội quân về Điện Biên. Ở trong quân ngũ, ông được thông báo, cuộc hội quân lần này sẽ có trận đánh lớn giữa ta và quân Pháp. Suốt mấy năm cầm súng, nghe cấp trên thông báo vậy ông thấy tự hào lắm. “Trong toàn quân tinh thần lên rất cao. Ai cũng son sắt một lời thề, đợt này phải đánh cho quân Pháp cút khỏi nước Việt ta”, ông Bình chia sẻ.
Chia sẻ về kỷ niệm không thể quên trong đời binh nghiệp, ông Bình bồi hồi kể lại: "Trong đợt tiến công lần 2, đơn vị của tôi tiếp tục chiến đấu để chiếm sân bay Mường Thanh. Giai đoạn đó trời mưa như trút nước, giao thông hào bùn và nước dâng lên đến bụng. Trên bầu trời không quân Pháp trút bom ầm ầm, dưới thung lũng pháo kích, đạn nổ vang trời. Quân ta càng tiến mạnh, quân Pháp càng ra sức bắn phá hòng ngăn chặn đà tiến của ta. Giữa lúc đạn bay mù trời, nhiều chiến sĩ của ta bị thương nặng, nằm trong hào đầy bùn đất. Nhìn các chiến sĩ bị thương vong nhiều, chúng tôi rơi nước mắt và quyết biến đau thương thành động lực chiến đấu. Không một ai rời chiến hào quyết bám trụ bằng bất chấp sự hy sinh. Chúng tôi ăn ngủ tại hào, có đợt suốt 5 ngày cả đại đội ăn cơm nắm”
Khi quân ta chiếm được đồi Độc Lập, Hồng Cúm, bản Kéo và sân bay Mường Thanh, đơn vị của ông được cho dưỡng sức chờ trận chiến khác. Khi trở về nơi tập kết, mới có dịp nhìn lại, tiểu đội của mình trước lúc vào trận đánh có 11 người, nay chỉ còn 5. “Chúng tôi nóng lòng muốn chiến đấu tiếp, nhưng phải đợi lệnh của cấp trên. Sẩm tối ngày 7/5, đơn vị của tôi nhận được tin quân ta đã bắt sống tướng Đờ cát… chiến dịch Điện Biên hoàn toàn giải phóng. Giây phút hào hùng đầy tự hào đó khiến anh em chiến sĩ vui mừng khôn xiết. Pháp đã thua, quê hương đã được giải phóng. Mỗi khi đến ngày 7/5 là cái cảm giác vinh quang và đầy tự hào đó đều xâm chiếm lấy tâm trí tôi”, nhắc lại giây phút đầy tự hào đó, cụ Bình như được trở lại của mấy mươi năm trước.
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông chuyển về đóng quân tại đất Ninh Bình. Ngày đó trụ sở đơn vị còn thiếu thốn, lính thường phải nghỉ nhờ ở nhà dân. Tiểu đội của ông đóng tại nhà bà Lê Thị Hải (SN 1939), thị xã Tam Điệp – Ninh Bình. Người con gái quê vùng Hà Nam Ninh đã đem lòng thương mến anh chiến sĩ Điện Biên. Ông có vợ cũng là nhờ những chuyến thắt chặt tình quân dân đó.
Năm 1959, đám cưới của họ được tổ chức ngay tại đơn vị. “Việc cưới xin ngày đó đơn giản lắm. Có nước chè xanh và vài cái kẹo lạc. Chúng tôi thành vợ thành chồng từ đó”. Khi đơn vị được giải giáp, ông trở lại quê hương, buông súng xuống lại hiền như xưa. Cảnh quê khi đó còn nhiều đói khát, vợ chồng ông mới cưới mà không có nổi cái giường, họ phải trải rơm làm giường. Những tưởng đôi vợ chồng trẻ sẽ mãi gắn bó với miền biển mặn này, cùng yên bề gia thất, xây dựng quê hương. Đến năm 1964, nghe theo lời kêu gọi xây dựng vùng biên viễn phía Tây của Tổ quốc, cụ lại tham gia làm TNXP.
Người lính Điện Biên năm xưa lại một lần nữa tạm biệt vợ con lên đường xây dựng vùng đất mà ông và đồng đội đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được độc lập. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ mở con đường 6 nối lên tỉnh lị Lai Châu. Khi con đường này hoàn thành, ông Bình không về quê mà tiếp tục ở lại tỉnh ủy Lai Châu làm công tác tổ chức.
Năm 1969, ông đã đón cả vợ con lên đất Lai Châu sinh sống. Vợ ông - người phụ nữ mang đậm hình dáng của người phụ nữ vùng quê, mới học qua lớp bình dân học vụ cũng sẵn sàng vì chồng vì quê hương Lai Châu thân thương mà rời quê hương lên ở cùng chồng. Bao gian nan, vất vả, đói rét, hiểm nguy rình rập, nhưng họ vẫn từng bước vượt qua.
Trải qua bao phen sinh tử, gian nan đủ cả, nhưng đôi vợ chồng quê miền xuôi đã dành trọn cả tuổi thanh xuân cho việc xây dựng vùng cao. Ông bà sinh được 5 người con, 3 gái, 2 trai, giờ các con cũng làm cán bộ của tỉnh Điện Biên. Sau bao sóng gió, điều đọng lại ở người chiến sĩ Điện Biên năm xưa là niềm tự hào khôn xiết. Ông là một trong những người lính hiếm hoi có tới 3 lần trở lại Điện Biên. Tham gia chiến đấu rồi tham gia làm thanh niên xung phong, và lần thứ ba là đón cả gia đình lên đây để xây dựng quê hương Điện Biên anh hùng.
Giờ đây gia đình ông đã có cháu chắt đề huề, các cụ vẫn ở lại mảnh đất Điện Biên hưởng năm tháng tuổi già vui vầy bên con cháu. Ông Bình tâm sự: “Chúng tôi đã gắn bó với đất Điện Biên cả đời người. Giờ được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của miền biên viễn, chúng tôi cũng vui lây. Những gì mà đồng đội của chúng tôi đã đổ xương máu xuống vùng đất này, nay đã đất Điện Biên đã đang nở hoa”.
Viết Niệm - Vinh Duy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.