Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang
Lãnh đạo TƯ Hội Nông dân Việt Nam tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang
Thứ sáu, ngày 28/07/2023 16:26 PM (GMT+7)
Sáng 28/7, bên lề Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bày tỏ ấn tượng đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang.
Các sản phẩm thanh long, vú sữa, ổi, dưa hấu... đạt chất lượng OCOP 2 sao, 3 sao, 4 sao.
Được biết, mục đích của chương trình OCOP là xây dựng, phát triển, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa để nâng cao chất lượng của 6 nhóm sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn (thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và điểm du lịch) theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Với việc có thêm 99 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh trong hai đợt đánh giá năm 2022, hiện Bắc Giang có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 31 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 15,1%, 174 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 84,9%. Đặc biệt, tỉnh có 01 sản phẩm (Vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn) tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng và 01 sản phẩm điểm du lịch nông thôn (Du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven).
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X trao đổi kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP.
Cũng trong các sản phẩm được công nhận trong năm 2022, có một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống, như: Mỳ Chũ, mì Châu Sơn, bún Đa Mai và các sản phẩm gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, giấm Kim Ngân, trà hoa vàng, rau quả các loại. Các sản phẩm đều có đầy đủ minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như Iso 22000, HACCP, VietGap.
Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Các đại biểu ăn thử sản phẩm trái cây ngay tại gian hàng trưng bày.
Các đại biểu ăn thử đặc sản bánh đa Kế Bắc Giang.
Theo tìm hiểu, để thúc đẩy xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng tổ chức hỗ trợ cho hơn 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, diễn đàn kết nối cung cầu, trong đó có các hội chợ có quy mô lớn do Bộ NN& PTNT và các tỉnh, thành phố tổ chức. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, cũng như hình ảnh của tỉnh Bắc Giang tới khách hàng trong nước và các đoàn khách quốc tế.
Với những kết quả đạt được, Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi, mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.