Thật khó để khiến Giáo sư Hồ Ngọc Đại rời khỏi bàn làm việc, nhất lại là lúc ông đang viết một tuyến bài phân tích những ý kiến về công nghệ giáo dục suốt thời gian qua. Ông bảo, giờ mới có thời gian để lý giải mà đã lý giải là phải “đến nơi đến chốn”, phải để người ta hiểu đúng công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại.
Vị giáo sư 84 tuổi từng nói, lý thuyết giáo dục của ông không chỉ là chuyện dạy Tiếng Việt. Giấc mơ lớn hơn là tạo nên một thế hệ biết mình là ai và muốn gì. Trường thực nghiệm của ông treo khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Ông mong sao mỗi đứa trẻ đều thật hạnh phúc khi đến trường.
Triết lý giáo dục nhân văn và cao đẹp ấy ở trong GS. Hồ Ngọc Đại có tự lúc nào? Cùng nghe ông kể về những năm tháng đi tìm chân lý cuộc đời mình.
Hành trình mấy chục năm đi tìm lý thuyết giáo dục mới và áp dụng nó, có câu chuyện nào đối với ông giống như bước ngoặt cuộc đời?
Bước ngoặt cuộc đời, mà tôi muốn nhắc đi nhắc lại là ký ức về buổi dạy mẫu khi còn là một giáo viên dạy Toán ở trường cấp 3 Ngô Quyền – Hải Phòng.
Hồi bấy giờ, cả nước xôn xao phong trào thi đua như: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Ba Nhất… Tôi thao diễn toàn thành phố (dạy mẫu trước tất cả thầy cô giáo trong Thành phố Hải Phòng), những người đến dự thì ngồi dưới, còn tôi và học sinh ở trên sân khấu, làm mẫu.
Tiết học có giáo án phát trước cho mọi người. Tôi gọi một học sinh lên chữa bài cũ thì trong giáo án có sẵn nó chỉ diễn ra trong 15 phút. Nhưng khi kiểm tra thì em học sinh ấy lại thắc mắc rồi gợi ra cái thứ hai, tôi tiếp tục hỏi, nó lại gợi ra cái thứ ba, tôi lại tiếp tục hỏi… thế là mất cả tiết. Tôi giải tán.
Hàng trăm người phía dưới xôn xao hai luồng ý kiến. Tuyệt đại đa số nói tôi vô kỷ luật, không thực hiện đúng giáo án. Nhưng một số người khác thì bảo: “Ông này có cái lý của ông ấy đấy, chứ không làm liều đâu”. Dù gì thì tôi vẫn khiến bao người ấm ức ra về, còn bản thân phải nhận kiểm điểm.
Tôi nhận mình sai khi không dạy theo giáo án. Nhưng người Pháp có một câu thế này: “Giữa hai cái tồi tệ nên chọn cái ít tồi tệ hơn”. Nếu tôi được tiếng với tất cả giáo viên dự giờ thì học sinh của tôi bị thiệt. Vậy tôi thà mất cái tiếng của tôi còn hơn. Trẻ con đi học có quyền được giải đáp thắc mắc chứ, đó là lợi ích của cả đời chúng.
Nói thế chứ tôi cũng ấm ức. Bấy giờ, tôi tâm sự với một người đàn anh (giáo sư Đặng Nghiêm Vạn): “Em được chọn làm giáo viên thao diễn thì vô lý quá. Em không hơn gì người ta cả, thậm chí nhiều người giỏi hơn em. Nhưng em muốn giỏi thật sự. Em nên làm gì?”
Anh Vạn mới khuyên thế này: “Có gan vì học sinh thì phải chịu đòn là đúng rồi. Nếu đã có gan như thế, cậu phải làm từ đầu. Làm từ đầu là gì, là học tâm lý học, bởi tâm lý là cái gốc”.
Tôi quyết định sang Liên Xô học tâm lý.
Giáo sư từng nói, một trong những cái may lớn nhất cuộc đời là được học tại trường Lômônôxôp và vào trường thực nghiệm. Chắc hẳn ở đây, ông đã tìm thấy chân lý của đời mình?
May mắn là vì sao? Là bởi, nơi đào tạo Tâm lý học tốt nhất ở Liên Xô lúc bấy giờ là trường Đại học Lômônôxôp, cũng là nơi vô cùng khó vào. Vậy mà tôi được chọn.
Khi ấy cả nước chỉ được tiến cử hai người sang đó thôi mà miền Bắc đã có hai người đại diện rồi, còn tôi đại diện cho miền Nam. Trong số hai người đại diện cho miền Bắc, có một anh là học sinh cũ của trường Lômônôxôp, chắc chắn được nhận. Người còn lại chỉ có thể là tôi, vì Bắc có thì Nam cũng phải có chứ (cười). Ai cũng bảo, ngôi trường này kiêu ngạo lắm, tôi vẫn cứ tự tin đến học.
Cái may thứ hai là khi gặp người phân phối nghiên cứu sinh. Tôi nhớ mãi ông ấy nói rằng: “Quê hương các anh đang chiến tranh khốc liệt nhưng mà thế nào rồi cũng chiến thắng thôi. Sau chiến thắng có hai việc phải làm, thứ nhất là giúp người chấn thương phục hồi, thứ hai là giúp trẻ em học tốt”. Tôi mới thấy ông này giỏi thật, nhìn nhận đúng vấn đề.
Cuối cùng ông chốt lại: “Thôi giờ anh Hạc (đại diện miền Bắc) ở lại với tôi, còn anh Đại thì gửi sang trường Thực nghiệm”. Ngôi trường Thực nghiệm số 91 Mat-xcơ-va tiếp tục là may mắn lớn của cuộc đời tôi.
Những ngày đầu mới đến, tôi liên tục thốt lên: “Lạ lùng thật!”. Sao lại có một lớp học như thế? Lớp học gì mà học trò cứ bảo nhau làm cái này, cái kia, mọi thứ như một cuộc trò chuyện, cần gì thì thầy mới giúp đỡ. Mọi thứ đều lạ lẫm.
Đó là ngôi trường trường duy nhất ở Liên Xô cũng như trên thế giới không theo chương trình học của nhà nước. Hai người đứng đầu ngôi trường là đại diện cho lý thuyết mới về tâm lý học giáo dục. Họ đưa ra cách dạy, cách tổ chức lớp học hoàn toàn khác biệt.
“Những gì có trong óc mình vốn từ ngoài đưa vào, chứ không phải có sẵn”, đó là bản chất của lý thuyết giáo dục mới. Tôi mới nghĩ, nếu áp dụng lý thuyết này vào giảng dạy thì trẻ con có thể tự làm hết, chỉ cần hướng dẫn chúng làm theo từng giai đoạn - giai đoạn 1 làm gì, giai đoạn 2 làm gì, giai đoạn 3 làm gì…
Năm tôi sang Liên Xô chính là cái năm lý thuyết ấy được công bố trên báo chí, gồm 30 trang. Tôi đọc đúng 1 tháng trời vì nó lạ lùng quá.
Các bạn Nga bảo, có vài trang mà đọc cả tháng trời thì thời giờ đâu mà làm việc khác. Họ chỉ đọc trong 1 buổi thôi.
Vậy tại sao tôi đọc 1 tháng trời? Tôi cho rằng, nghề của mình chính là nó đây, chỉ cần hiểu được cái này thì có thể làm tốt nghề giáo. Xưa nay đều là thầy giảng, trò nghe - cách giảng ấy thô sơ quá. Trên cơ sở khoa học, việc đưa kiến thức vào trong óc trẻ cần làm bài bản và vững chắc hơn nhiều.
Tôi làm thực nghiệm ở Nga mấy năm theo phương pháp này. Người ta học để thi, để tự hào, còn tôi học để làm, học để không xấu hổ với cả nước đang vất vả chiến tranh.
Và rồi tôi về nước, 10 năm đầu tiên chỉ dành để viết bài bêu rếu nền giáo dục cũ, làm cho nó mất thiêng để đưa cái mới vào…
Ông có thể chia sẻ thêm về nghiên cứu thực nghiệm khi ông còn ở Nga?
Khi ở Nga, tôi đã ý thức được, việc của mình làm có tính lịch sử. Nên tất cả công trình tôi làm tôi đều xưng tôi hết. Giới trí thức vẫn nói xưng tôi là thiếu khiêm tốn, nhưng tôi kệ.
Cái luận án phó tiến sĩ tôi còn theo người ta chứ đến cái công trình tiến sĩ khoa học, tôi hoàn toàn theo ý mình bất chấp mọi luật lệ. Bởi tôi biết sức mạnh của từ “tôi”, đó có thể là kiêu ngạo nhưng cũng là trách nhiệm.
Cái ông mà công bố lý thuyết giáo dục mới 30 trang ấy, một hôm ngỏ lời muốn đọc công trình của tôi. Một tuần sau gặp lại, ông ấy bảo: “Tôi đọc một mạch công trình của anh đến 2 giờ sáng. Vợ tôi tỉnh dậy hỏi “ông đọc cái gì mà say mê thế? Tiểu thuyết à?”. Tôi mới bảo đại loại thế. Anh viết hay quá”.
Mà cái tôi viết là phê phán ông ấy đấy chứ. Lý thuyết của ông ấy là đúng nhưng không thể dừng lại ở đó. Tư tưởng ấy phải chạm đến thế hệ học trò mới thật sự có giá trị. Tôi chê người ta nhưng người ta lại khen tôi.
Vậy ông có thể chia sẻ thêm về tư tưởng ông muốn chạm đến thế hệ học trò, chứ không phải chỉ nằm ở nghiên cứu khoa học?
Nghĩ lại mới thấy tuổi trẻ hăng hái thật. Tôi làm luận án tiến sĩ suốt 2 năm, viết hòm hòm rồi, đề tài là dạy phép nhân cho trẻ con. Phương pháp của tôi là cho bọn trẻ tự làm hết.
Một hôm trên đường đi làm, tôi mới thấy tờ áp phích ghi là “Giáo sư thuyết trình về phép toán đại số”. Tôi không đi làm nữa, vào đó dự. Dự xong buổi đó, tôi bừng tỉnh. Phép toán đại số vốn chỉ dạy cho sinh viên năm thứ 3, khoa Toán, trường đại học Lômônôxốp nhưng với phương pháp của tôi thì có thể dạy cho trẻ con lớp 1.
Về trường Thực nghiệm tôi nói với hai ông viện sĩ, họ ngỡ ngàng nhưng vẫn bảo: “Anh cứ về chuẩn bị đi”. Sau lại nói: “Anh Đại này, trường mình là trường thực nghiệm, anh dạy Toán đại số cho học sinh lớp 1, nhỡ mà thất bại thì ai còn gửi con vào nữa. Thôi thì dạy cho lớp 2”.
Tôi làm thực nghiệm thành công. Thắng đậm. Một chiến thắng chấn động. Hội đồng khoa học của Lômônôxốp mời tôi lên báo cáo đúng 1 buổi chiều, hỏi gì nói nấy. Cuối cùng họ kết luận: “Từ chiều đến giờ tôi nghe anh Đại nói như một nhà khoa học thực thụ, vậy còn bắt anh ta làm học sinh làm gì. Miễn thi hết. Công trình của anh được coi là luận án tiến sĩ nên bỏ cái luận án cũ đi. Viết lại cái này cho chỉn chu”.
2, 3 tháng sau tôi bảo vệ. Tại đây tôi nói: “Công trình này dẫu sao vẫn là một bài thi, tôi bị ràng buộc bởi nó. Chứ nếu là một nhà nghiên cứu thực sự, tôi sẽ làm khác”. Họ tạo mọi điều kiện cho làm.
Bấy giờ mới chỉ là thực tập sinh nhưng tôi có đến 8 người giúp việc: thư ký riêng, thợ đánh máy, nghiên cứu sinh… Cùng nhau làm 4 năm nữa thì thành công.
Người Nga họ tốt đến mức, đã cho làm là không can thiệp. Sau này, mọi người đến cảm ơn người hướng dẫn tôi, ông ấy nói một câu rất thật mà ai cũng tưởng đùa: “Tôi chẳng biết anh Đại làm gì cả. Tôi chả dạy hay giúp gì anh ấy”. Tôi rất cảm ơn họ.
Từ Liên Xô về nước, giáo sư bảo rằng đã làm nhiều việc để cho nền giáo dục hiện tại “mất thiêng”, đồng thời đưa lý thuyết giáo dục mới vào. Vậy điều gì khiến ông cho rằng, cách giáo dục cũ không còn phù hợp?
Lối giáo dục cũ luôn là thầy giảng, trò ghi nhớ. Trò không dám cãi lại thầy. Riêng tôi nghĩ, thầy là một chuyện, trẻ em lại là chuyện khác, tôi quan tâm đến trẻ em hơn.
Tôi không bị câu nệ bởi các bậc thầy, dù vô cùng kính trọng họ. Nhưng kính trọng là một chuyện, đối với trẻ con là chuyện khác.
Tại sao lại ép trẻ con theo ý mình? Quan điểm giáo dục đó áp dụng trước đây thì được. Vì sao? Vì ông cụ nó có cái gì, ông nội nó có cái đó. Ông nội nó có cái gì, bố nó có cái đó. Bố nó có cái gì thì đến lượt nó cũng có cái đó.
Nhưng trẻ em hiện đại (từ năm 2000 trở đi) thì có những cái bố nó chưa hề có, ông nội nó càng chưa bao giờ có… Vậy mà bắt nó theo mấy cái lý thuyết ông bố, ông nội, ông cụ nó, chịu lạc hậu à?
Các cô có con chưa? Các cô có thấy là, mua một cái điện thoại về, bản thân mình còn lúng túng thì trẻ con đã làm thân luôn rồi. Bởi vì sản phẩm hiện đại là kẻ đương thời với nó. Chúng ta là kẻ lạc hậu mà không chịu thân phận lạc hậu, cứ đòi ép trẻ con lạc hậu theo mình.
Tôi khuyên thầy cô, bố mẹ của học sinh rằng muốn dạy con trẻ trước hết phải chịu thua nó đã. Nó có cái lý của nó. Trẻ con không bao giờ nói dối cả, nó vốn nghĩ và làm điều rất thật, sau này chúng ta buộc nó nói dối thôi.
Cái thật của trẻ đôi khi không đúng ý người lớn, thế là người lớn lấy cái quyền vớ vẩn để phạt nó.
Tôi làm bí thư bao năm mà học trò bảo không muốn vào đoàn là tôi kệ nó. Nó không thích thì thôi, đoàn là tự nguyện cơ mà.
Tôi đã lường trước được dạy trẻ con theo kiểu áp đặt là không được rồi. Đó là một cách giáo dục tàn bạo, làm hại trẻ con.
Khi tôi nói ra điều đó thì nhiều người phẫn nộ lắm. Họ bảo giáo dục là thiêng liêng cao cả, vậy mà làm hại trẻ con là hèn hạ à? “Hèn hạ”. Tôi nói đó chính là hèn hạ.
Anh hèn ở chỗ nào? Anh hèn là vì anh bắt trẻ con - một nhân vật hiện đại của thời đại phải theo anh - nhân vật lạc hậu trong quá khứ. Lấy sức mạnh quá khứ để chèn ép trẻ con hiện đại… là chống lại tiến hóa của dân tộc.
Còn tại sao lại tàn bạo? Tôi lấy ví dụ cái việc học chẳng hạn, ít nhất phải vui cái đã. Nó vui nó mới học được, chứ nó buồn, nó đau khổ thì học làm gì? Vui không phải là tất cả nhưng trước hết phải vui.
Luôn muốn trẻ em được tự do phát triển, được là chính bản thân mình. Sự tự do quá mức ấy có khi nào bị biến thành vô kỷ luật, đặc biệt là đối với những học sinh cá biệt?
Trẻ con rất hay. Cái gì nó thấy có ích và nó làm được là nó thích. Nó mà bị ép buộc và làm không có kết quả là nó chán.
Thời tôi làm ở trường thực nghiệm, gặp không ít học sinh cá biệt. Cách dạy của tôi là trước hết phải theo nó đã, rồi sau mới uốn nắn.
Vừa rồi, một học sinh cũ gặp tôi vẫn ôm tai bảo: “Tai em vẫn còn đau thầy ạ”. Năm đó, cậu học sinh ấy rất vô kỷ luật, muốn gì làm nấy. Tôi đến gặp hỏi:
- Hôm qua em nghỉ học không có lý do đúng không?
- Đúng ạ.
- Mấy lần rồi đúng không?
- Đúng ạ.
- Ngày mai còn thế nữa không?
- Chưa chắc…
Tôi mới véo tai nó “Này thì chưa chắc”. Nó bảo: “Thầy khỏe nhỉ?”.
Mình tức thật, nhưng trẻ con nó không tức, nên mới nói “Thầy khỏe nhỉ?”. Nó nói “Chưa chắc” là nói thật, tất nhiên nó vẫn hiểu mình đang bực vì điều gì và nó sẽ biết điều chỉnh. Bản tính trẻ con là lương thiện. Tôi muốn mỗi đứa trẻ phải được là chính nó, không thành một ai khác. Chúng phải hạnh phúc khi đến trường, rồi sau này đủ bản lĩnh để chọn thứ hạnh phúc.
Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.