Hà Nội: Có một phiên chợ đặc biệt tập hợp toàn những thương nhân 4.0, chốt đơn... "trên mây"
"Lò ấp" của các thương nhân thời đại số
Phiên chợ đêm trên mây do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội phối hợp Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC… tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, đây là hoạt động thiết thực, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong bối cảnh dịch Covid-19 và chiến lược thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ, cũng như của Thủ đô.
Để bảo đảm hiệu quả cho mô hình thí điểm kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trực tuyến, Ban tổ chức yêu cầu các chủ thể phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng sản phẩm...
"Sản phẩm bán tại chợ đều là sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, đã được Ban tổ chức kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ và các chủ thể đều đã cam kết về chất lượng sản phẩm.
Qua những phiên thử nghiệm, chợ đã góp phần giúp các chủ thể OCOP, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn có nơi tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hỗ trợ họ thích ứng với trạng thái bình thường vừa nới lỏng giãn cách vừa an toàn trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm..." - ông Chí nói.
Giải thích về cụm từ "Chợ đêm trên mây", ông Nguyễn Trung Thành (Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN) cho biết: Đó là phiên chợ họp trên nền tảng số. Đây là nơi giúp các chủ thể thực hành kỹ năng số; tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số. Thông qua các buổi tập huấn online, sẽ tạo liên minh chéo giữa các chủ thể, tạo mối liên kết bền vững không chỉ giữa các chủ thể trên chợ mà với khoảng trên 2.000 chủ thể OCOP cả nước.
"Chợ đêm tạo "lò ấp", sinh sôi ra các thương nhân thời đại 4.0, thông thạo sử dụng kỹ năng số. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, nhiều công nhân di dời từ thành phố về quê, chúng tôi hy vọng Chợ đêm trên mây sẽ tạo phong trào khởi nghiệp trên môi trường số, không chỉ thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc sản vùng miền mà còn giúp nhiều người có việc làm, thu nhập" - ông Thành nói.
Tham gia livestream tại phiên chợ tối thứ 6 (24/9), ông Lương Văn Phương - Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã bán được hàng trăm quả bưởi.
"Bưởi đỏ Đông Cao có màu sắc bắt mắt, là giống bưởi quý mà HTX đang gìn giữ và phát triển. Tham gia chương trình OCOP, bưởi đỏ của HTX được đánh giá 4 sao nên chúng tôi hi vọng thị trường tiêu thụ ngày càng thuận lợi" - ông Phương nói.
Chốt thành công hàng nghìn đơn hàng
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Nguyễn Ngọc Sơn, mỗi phiên chợ online ngoài sự có mặt của chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, Ban tổ chức còn mời các nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng tham dự nhằm nắm bắt cơ hội hợp tác, liên kết, mua sản phẩm.
Tính đến nay, phiên chợ đã qua 5 lần tổ chức. Trung bình mỗi phiên có khoảng 1.000 đơn hàng được chốt thành công.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, khó khăn lớn nhất chính là độ tin cậy thông tin từ phía người bán khó được kiểm chứng.
Chính vì vậy, cần phải có bên thứ ba là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan phối hợp tổ chức sẽ giữ vai trò xác nhận, giám sát các bên thực hiện thỏa thuận, bảo đảm người bán bán hàng đúng chất lượng và người mua có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khi nhận được hàng...
Chính vì phiên chợ trực tuyến thu hút nhiều người quan tâm, được livestream bán hàng nên tại phiên chợ tối 1/10, đã có 1 hacker "tấn công". Sự việc này đã khiến quá trình tham gia của hơn 500 người bị ảnh hưởng, nhiều người không thể truy cập được vào chợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.