Hà Nội: Nông dân Quốc Oai bắt tay nuôi giống gà quý, thịt chắc, thơm ngon nên không lo ế

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 03/10/2021 15:13 PM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều mô hình liên kết hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung

HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú, xã Đông Yên được thành lập từ cuối năm 2016 với mục tiêu chính là hoàn thiện mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm "Gà đồi Đông Yên" đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Hiện HTX có 36 hội viên, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 90 tấn gà thương phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng. Hoạt động sản xuất của HTX chia thành 2 chuỗi bao gồm, chuỗi gà thương phẩm và chuỗi gà đẻ trứng.

Ông Lê Đình Bình - Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú cho biết: Ngoài bán gà thịt thương phẩm, trứng gà, HTX Yên Hòa Phú còn xuất ra thị trường sản phẩm gà thịt hút chân không.

 Đặc biệt, tại HTX đang chăn nuôi 2 giống gà đặc sản là gà đen Mông và gà ri lai mía. Sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, nổi bật với nhiều ưu điểm như thịt chắc, thơm và có vị ngọt đặc trưng. 

Giá bán của 2 loại gà này luôn cao hơn thị trường từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Tăng thu nhập nhờ liên kết sản xuất  - Ảnh 1.

Ông Lê Đình Bình - Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú chăm sóc đàn gà đen Mông. Ảnh: B.M

Năm 2021, Quốc Oai phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 4,3%. Trong đó, trồng trọt tăng 0,7%; chăn nuôi tăng 7,6%; thủy sản tăng 3%.

"Xã Đông Yên cũng đã đăng ký xây dựng 3 sản phẩm tiềm năng OCOP của thành phố gồm gà đen Mông, gà ri lai mía, trứng gà đen Mông. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX là 6,5 triệu đồng/tháng" - ông Bình cho biết thêm.

Xã Đại Thành là vùng trồng nhãn lớn nhất huyện Quốc Oai. Ông Lý Đình Quang - Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết: Hiện, toàn xã có 215ha nhãn, chủ yếu là giống chín muộn, trong đó có 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Niên vụ vừa qua, nhãn chín muộn Đại Thành được đánh giá được mùa với sản lượng khoảng trên 3.000 tấn, đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân trên địa bàn xã.

Đặc biệt, những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, Sở NNPTNT thành phố, xã Đại Thành đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hỗ trợ thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng quả nhãn được nâng lên. 

Năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha và giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi ha nhãn chín muộn cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song ngay từ đầu năm, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đã phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nên người dân rất yên tâm.

Phát triển toàn diện theo hướng hiện đại

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện Quốc Oai phát triển khá ổn định và toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.

Nhiều chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế như: Nhãn chín muộn Đại Thành, lợn sinh học, trứng an toàn xã Cấn Hữu, gà đồi thả vườn Đông Yên, chè thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, bưởi tôm đầu chua, rau an toàn thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn…

Nhìn chung, các mô hình liên kết này đều hướng đến sản xuất bền vững và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Nhờ hướng đi đúng đắn trên, đến nay, diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi rõ nét.

Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của huyện ngày càng cao (trung bình 11% năm).

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 trên địa bàn đạt hơn 1.497 tỷ đồng, chiếm 13,5% trong cơ cấu kinh tế.

Thu nhập bình quân năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm (gấp hơn 4 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,08%. 

Năm 2021, Quốc Oai phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 4,3%. Trong đó, trồng trọt tăng 0,7%; chăn nuôi tăng 7,6%; thủy sản tăng 3%.

Huyện Quốc Oai đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã tăng từ 1-2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm

Để đạt được những mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai: Thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, huyện Quốc Oai sẽ tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu như: Cây ăn quả; cây rau chế biến, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây dược liệu; đàn gà (gà đồi) và lợn thịt; thủy sản.

Trong từng lĩnh vực tập trung vào các khâu có tính đột phá như: Sản xuất cây, con giống; sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.

Đồng thời, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch và theo tiêu chí đô thị, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem