Hà Nội: Kết nối việc làm, học nghề cho hàng trăm người khuyết tật
Hà Nội: Kết nối việc làm, học nghề cho hàng trăm người khuyết tật
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 11/04/2023 15:21 PM (GMT+7)
Đây là phiên giao dịch việc làm riêng dành cho nhóm đối tượng đặc thù - người khuyết tật. Theo đó, có 340 cơ hội việc làm và hàng trăm cơ hội học nghề đã được tạo ra cho người khuyết tật.
Gần 1.000 cơ hội việc làm, tuyển sinh cho người khuyết tật tại Hà Nội
Sáng nay (11/4), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật (NKT).
Tham gia phiên giao dịch việc làm có 33 doanh nghiệp tham gia đăng ký tuyển dụng hơn 340 vị trí việc làm và tuyển sinh ở hàng chục ngành học.
Lao động Nguyễn Thế Sơn (25 tuổi) ở Thanh Trì, Hà Nội là người khuyết tật vận động tay đã tìm tới phiên giao dịch từ sáng sớm. Anh Sơn từng làm qua nhiều công việc nhưng mức lương thấp, công việc không ổn định. Vì thế, khi biết tới phiên giao dịch việc làm này, anh tới đăng ký tìm kiếm cơ hội học nghề, chuyển đổi việc làm.
"Trước đây tôi từng làm nghề hàn, nhưng thu nhập thấp hơn nhiều so với các lao động cùng làm. Lý do là bởi sức khỏe yếu, năng suất lao động không cao bằng. Sau đó, tôi xin sang vừa học vừa làm nghề xâu hạt cườm, nhưng công việc không phù hợp. Tôi dự định thông qua phiên giao dịch này sẽ tìm kiếm cơ hội học nghề pha chế đồ uống để thay đổi công việc", anh Sơn nói.
Cũng như anh Sơn, nhiều lao động có nhu cầu đăng ký học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, hay tìm kiếm một công việc ổn định và phù hợp hơn.
Ông Lê Viết Tụng - Chủ tịch Hiệp hội Người khuyết tật huyện Mê Linh cho rằng: Cần có các chương trình tạo việc làm chủ động cho người khuyết tật, qua đó hỗ trợ đầy đủ điều kiện cần cho người khuyết tật có thể hòa nhập, làm việc.
"Cần xây dựng danh mục nghề nghiệp với những công việc phù hợp cho lao động khuyết tật chứ không phải là áp các công việc có sẵn cho người khuyết tật rồi bảo anh vào làm đi", ông Tụng nói.
Ông Tụng cho biết, thực tế hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật. Kết quả rất tích cực, có hàng trăm lao động là người khuyết tịch đã được giới thiệu vào làm tại các công ty trên địa bàn như: công ty may mặc; công ty bán nước giải khát...
Ở góc độ doanh nghiệp tuyển dụng, ông Chu Việt Cường - Giám đốc nhân sự Viện Khoa học giáo dục Yoshine Melody cho biết, công ty đang cần tuyển 5 bạn lao động bảo dưỡng đàn piano. Theo đó, Công ty sẽ hỗ trợ lao động trúng tuyển học nghề miễn phí trong 3 tháng. Nếu đạt, công ty sẽ ký hợp đồng có chế độ lương, thưởng theo quy định.
Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội có trên 16.000 người. Trong nhiều năm qua, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã luôn hợp tác và phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, NKT trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định và thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đối với NKT.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ hợp tác với Hội Người khuyết tật Hà Nội giới thiệu nhân sự để đào tạo nghề, sau đó tiến hành bảo dưỡng đàn tại các trường học trên địa bàn Hà Nội", ông Cường nói.
Nỗ lực chăm lo, tạo việc làm cho người khuyết tật
Tham gia phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho rằng: Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng bởi nó giúp họ có được thu nhập, ổn định đời sống. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.
Ông Dân cũng cho biết, sự kiện phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật là 1 trong những hoạt động để hưởng ứng Ngày NKT Việt Nam trong cả nước (18/4).
Theo báo cáo, thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 NKT, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động.
"Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… mà còn khẳng định vai trò của NKT, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố Hà Nội", ông Dân khẳng định.
Chính vì vậy, Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.
Ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật. Thông qua phiên giao dịch lao động là NKT có cơ hội được tìm kiếm việc làm, mở rộng cơ hội học nghề, được định hướng tư vấn về các chính sách nghề nghiệp... từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Phiên giao dịch việc làm là cơ hội để NKT tự tin tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đào tạo nghề phù hợp, để từ đó tham gia vào thị trường lao động tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống bản thân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.