Một làng cổ ở Bắc Giang, thời Lê-Mạc có tới 10 người đỗ tiến sỹ, họ Thân 4 đời cha, con, ông, cháu đều đỗ

Thứ năm, ngày 21/11/2024 05:22 AM (GMT+7)
Trong gần 200 năm, từ 1469 - 1619, làng Yên Ninh (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có 10 Tiến sỹ đỗ đạt thành danh qua các kỳ khoa kỳ của các triều đại phong kiến Lê - Mạc, trong đó có dòng họ như họ Thân có 4 đời Cha con, ông, cháu đều đỗ Tiến sỹ.
Bình luận 0

Làng Yên Ninh, thị trấn Nếnh huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nổi tiếng có truyền thống khoa bảng, trong đó có Tiến sĩ Thân Nhân Trung - người nổi tiếng với câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”. Tại đây, hiện có ngôi đền thờ 10 vị tiến sĩ các triều đại.

Đền nằm gần chợ Nếnh tại số nhà 36 phố Hoàng Công Phụ sát trục đường quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang khoảng 12 km về phía Tây - Nam. 

Công trình thiết kế theo kiến trúc của đình, đền cổ truyền Việt Nam trên khuôn viên khoảng 2,5 ha, được quy hoạch xây dựng các hạng mục: Đền thờ và tượng đài tiến sĩ Thân Nhân Trung, sân hành lễ, nhà bia, tháp bút, lầu bát giác, tả - hữu vu, gác chuông, gác trống, nghi môn nội, nghi môn ngoại, hồ bán nguyệt, cây xanh cảnh quan và các công trình phụ trợ khác. 

Trong di tích, còn có nhiều hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông như: Bảng gỗ ghi về câu nói nổi tiếng của ông "Hiền tài là nguyên khí quốc gia... ", hai tấm bia đá ghi công trạng của ông và bia đá ghi danh sách các vị Tiến sĩ tại làng Yên Ninh.

Trong lịch sử, làng Yên Ninh thuộc đất Châu Lạng, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, làng đã có 10 Tiến sĩ đỗ đạt thành danh. Người mở đầu khai khoa là Tiến sĩ Thân Nhân Trung đỗ Tam hiệp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu năm 1469.

img

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại quê hương ông - tổ dân phố Yên Ninh (xưa là làng Yên Ninh), thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính đỗ Tam hiệp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi năm 1475. Tiến sĩ Ngô Cảnh Vân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu năm 1481. 

Tiến sĩ Thân Nhân Vũ (con trai Thân Nhân Trung) đỗTam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Cảnh Vân (cháuThân Nhân Trung) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh (thám hoa) khoa Đinh Mùi năm 1487. 

Tiến sĩ Thân Nhân Tín (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm 1490. Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn năm 1520. 

Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1541.Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập đỗ Đệ nhị Đồng giáp Tiến sĩ năm 1553. Tiến sĩ Hoàng Công Phụ đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi năm 1619.

Trong gần 200 năm, từ 1469 - 1619, làng Yên Ninh đã có 10 Tiến sĩ đỗ đạt thành danh qua các kỳ khoa kỳ của các triều đại phong kiến Lê - Mạc, trong đó có dòng họ như họ Thân có 4 đời cha con, ông, cháu đều đỗ Tiến sĩ. 

Năm 1494, vua Lê Thánh Tông chủ xướng thi xã cung đình gọi là hội Tao Đàn, đích thân nhà vua xưng là hội chủ đã quy tụ 28 nhà khoa bảng vào hội. Nhà vua đã tôn vinh Thân Nhân Trung là Tao Đàn phó soái. Những bài thơ xướng họa của vua tôi được tập hợp trong sách “Quỳnh uyển cửu ca” và “Minh lương cẩm tú” còn lưu đến tận hôm nay.

Vị Hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông qua đời năm 1498, vua Hiến Tông kế vị đã an táng vua cha ở Chiêu Lăng tại Lam Sơn đất tổ phát tích vương triều Lê và đã kính tín sai lão thần Thân Nhân Trung soạn bài văn bia Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự (bài minh và lời tựa trên bia Chiêu Lăng Lê Thánh Tông).

Thân Nhân Trung tuy xuất sĩ muộn màng nhưng với tài năng mẫn tiệp, ông đã trung thành, tận tụy phò vua giúp nước, quan lộ hanh thông, vẻ vang sự nghiệp. Có thể nói, thời đại Lê Thánh Tông huy hoàng trong lịch sử có phần công sức cống hiến to lớn của Tiến sĩ Thân Nhân Trung. 

Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một bề tôi nào trung thành, tận tụy cống hiến đến cuối đời và chỉ trí sĩ khi ở tuổi ngoài tám mươi như ông. Cũng thật hiếm có bề tôi nào được triều đình tin tưởng trao nhiều trọng trách và để lại tiếng thơm muôn thủa như vậy. 

Ông xứng đáng được tôn vinh là “bậc tôi hiền cái thế” (bề tôi có tài năng, công lao vang danh thời đại). 

Dưới thời vua Lê Thánh Tông từng giữ các chức vụ Đông các Đại học sĩ kiêm Tế Tửu Quốc Tử Giám kiêm Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Người nổi tiếng với câu nói đã được khắc vào văn bia Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) hiện đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội về tầm quan trọng của giáo dục nhân tài cho đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”.

Nhằm giáo dục truyền thống khoa bảng, dưới thời Lê, các dòng họ ở Yên Ninh đã xây dựng từ đường, nhà thờ họ để tôn thờ và ghi nhớ công lao của các vị tổ họ và các Tiến sĩ làm rạng danh quê hương. Nhà thờ họ Thân được xây dựng trong khoảng thời gian này. 

img

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là điểm đến lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống hiếu học của quê hương Bắc Giang.

Trải qua thời gian lịch sử, đền thờ họ Thân nay không còn, chỉ còn lại dấu tích là hệ thống chân tảng cột đền xưa. Trên cơ sở đó, năm 1995 nhân dân làng Yên Ninh đã phục dựng lại ngôi đền, lấy tên là đền Tiến sĩ và đặt bài vị 10 Tiến sĩ để tôn thờ, ghi nhớ công trạng của các tiến sĩ đối với quê hương, đất nước.

Đền thờ Tiến sĩ có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của thế hệ cha anh làng Yên Ninh. Là nơi khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần học tập, phát huy sáng tạo như câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung từ bao đời nay là kim chỉ nam cho mọi thế hệ.

Hằng năm, vào ngày 14 tháng 11 Âm lịch, chính quyền, nhân dân địa phương và dòng họ Thân lại long trọng tổ chức mở hội với các nghi thức dâng lễ trang trọng thể hiện lòng ngưỡng vọng, tri ân sâu sắc với tổ tiên, những người có công với dân với nước. 

Đặc biệt, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành biểu tượng, nơi giáo dục về truyền thống khoa bảng, tạo sức lan tỏa, khơi dậy truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau. Kế tiếp truyền thống đó, con cháu vùng đất Yên Ninh tiếp tục phát huy tinh thần với nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ đỗ đạt, thành tài, tô thắm thêm truyền thống hiếu học của dòng tộc.

Với những giá trị của di tích, năm 2009, đền thờ Tiến sĩ đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa. Đây là một trong những điểm tham quan cho du khách trong hành trình tham quan làng cổ Thổ Hà, chùa Bổ Đà tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

MT (Báo Cao Bằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem