Hiện trạng 5 tuyến đường ở Hà Nội sắp có làn ưu tiên xe buýt
Hiện trạng 5 tuyến đường ở Hà Nội sắp có làn ưu tiên xe buýt
Thứ sáu, ngày 27/11/2020 14:03 PM (GMT+7)
Hà Nội dự kiến tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường mới nhằm tăng sức hút của vận tải khách công cộng như Trần Duy Hưng, Xã Đàn, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, đây là những tuyến đường thường xuyên có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm.
Mới đây, theo kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn từ năm 2021-2030, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 10,5% vào năm 2020 (tương ứng cần khoảng 2.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ). Tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 16-18% vào năm 2025 (tương ứng cần khoảng từ 4.000 - 4.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ) và khoảng 25% vào năm 2030 (tương ứng cần từ 6.700 - 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ.
Để thực hiện, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 nghiên cứu để tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài gần 23 km trên các tuyến đường: Hoàng Quốc Việt (2,5 km), Trần Duy Hưng (1,7 km), Xã Đàn (1,7 km); Võ Chí Công (4,7 km); Võ Văn Kiệt (12 km).
Theo ghi nhận, tình hình giao thông tại các tuyến đường mở làn ưu tiên cho xe buýt giai đoạn 2021 - 2025 đều là những tuyến đường có mật độ các phương tiện giao thông tham gia lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm và những ngày thời tiết không thuận lợi.
Tuyến đường Võ Chí Công (Hà Nội) là một trong những trục đường quan trọng giúp kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với sân bay Nội Bài. Là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô nên tuyến đường Võ Chí Công phải gánh một lượng phương tiện khá lớn nên vào các khung giờ cao điểm thường xuyên có các điểm ùn tắc cục bộ, đặc biệt là tại các nút giao ngã tư.
Một tuyến đường khác cũng được dự định sẽ mở làn ưu tiên cho xe buýt giai đoạn 1 đó là đường Hoàng Quốc Việt. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào những giờ cao điểm.
Mới đây, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt được khánh thành, phần nào giảm bớt áp lực giao thông cho 2 tuyến đường. Tuy nhiên, vào những giờ tan tầm do lượng phương tiện quá lớn nên tuyến đường Hoàng Quốc Việt vẫn ùn tắc cục bộ.
Đường Hoàng Quốc Việt có chiều dài 2.5 km, chiều rộng 25 m. Đây là đường được đầu tư mở rộng từ năm 1996 chạy qua đất các phường Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm); phường Nghĩa Đô và phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Tại các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều hàng ngày, tuyến đường Hoàng Quốc Việt cũng luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài, các phương tiện di chuyển khó khăn.
Tuyến đường Xã Đàn đoạn cửa hầm Kim Liên đến ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch cũng là một trong các nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm mỗi ngày.
Xã Đàn là một trong những trục giao thông chính của Thủ đô nên lượng người tham gia giao thông trên tuyến đường rất lớn, chuyện ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm trên tuyến đường đã quá quen với người dân.
Vào những khung giờ đặc biệt, các làn xe của đường Xã Đàn đều chật kín xe ô tô, xe máy chen nhau di chuyển.
Các phương tiện di chuyển chật vật trên đường Xã Đàn.
Tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh cũng là một trong những trục đường lớn nối cửa ngõ phía Tây vào trung tâm Hà Nội. Đây là một trong những "điểm đen" ùn tắc gây lo ngại cho người tham gia giao thông vào giờ cao điểm, đặc biệt vào những hôm trời mưa, tuyến đường gần như bị tê liệt bởi lượng phương tiện quá lớn.
Tuyến đường cuối nằm trong giai đoạn mở làn ưu tiên cho xe buýt đó là đường Võ Văn Kiệt. Đường Võ Văn Kiệt cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội. Tuyến đường đi qua 3 huyện là Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Chiều dài toàn tuyến đường là 12 km, rộng 23 m; kéo dài từ phía Bắc cầu Thăng Long đến Sân bay Nội Bài.
Ngọc Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.