Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) của ông Trẫn Sĩ Dũng. Clip: Thành An - Bùi My

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 1.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, cây chè hiện được trồng ở hầu hết các địa phương của huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) với tổng diện tích lên tới gần 800ha. Trong đó, xã Quảng Long có diện tích trồng chè lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng diện tích toàn huyện.

Dọc tuyến Quốc lộ 18A, những nương chè Thúy Ngọc, chè Phúc Vân Tiên, chè Keo Am Tích… xanh mướt mắt, đều tăm tắp, uốn lượn, quanh co, như ôm trọn lấy những quả đồi của xã Quảng Long. Và đây chính là nơi sản sinh ra chè Đường Hoa thơm ngon đặc biệt – đặc sản trứ danh của vùng đất Hải Hà. 

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 2.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 3.

Những đồi chè xanh ngát ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh

Chè Đường Hoa có hương vị đậm đà, thơm mát, chát nhẹ, sau đó có vị ngọt thanh đọng lại nơi đầu lưỡi. Nước trà có độ sánh nhẹ, màu xanh đậm đẹp mắt. Nguyên nhân bởi nơi đây vừa là huyện miền núi, biên giới, song cũng là huyện ven biển, nên từng búp chè, từng ngọn chè ở đây thấm nhuần vị mặn mòi của biển, tạo nên hương vị chè đặc biệt đến vậy.

Thế nhưng không nhiều người biết rằng, chè Đường Hoa đã có lịch sử phát triển 60 năm tại vùng đất Hải Hà. Thời điểm những năm 1960, tại Quảng Long đã hình thành nông trường Đường Hoa, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 4.

Trong những năm 70 của thế kỷ XX, hàng nghìn tấn chè Đường Hoa được chế biến và giao nộp cho Nhà nước nhằm phục vụ công nhân mỏ, nhân dân và xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Khi đó, chè Đường Hoa được đánh giá thơm ngon không kém trà Tân Cương (Thái Nguyên) và còn được tuyển chọn phục vụ tại Hội nghị Paris vào năm 1973 cùng nhiều hội nghị quan trọng khác trong cả nước.

Nức tiếng là vậy, nhưng vùng chè ấy lại từng có một thời gần như bị xóa sổ. Đó là giai đoạn những năm 2014-2017, khi doanh nghiệp ngừng thu mua, giá chè xuống thấp, bà con đổ chè ra đường, hàng trăm hecta chè bỏ hoang, không ai chăm sóc, thu hái... 

Ngoài ra, một số diện tích trồng chè bị người dân phá bỏ để trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu đã ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng chè toàn huyện Hải Hà lúc bấy giờ.

Ông Trần Sỹ Dũng – Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương chia sẻ, Đài Loan là thị trường tiêu thụ chè khô lớn nhất của vùng chè này trong suốt nhiều năm liền. Đây vốn là thị trường dễ tính, chấp nhận sản phẩm chế biến thô, yêu cầu về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn nhiều so với các thị trường khác.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 5.

Thu mua chè cho người dân tại cơ sở sản xuất chè Dũng Nga của ông Trẫn Sĩ Dũng. Ảnh: P.V

Cuối năm 2015, thị trường Đài Loan thắt chặt quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khiến hàng nghìn tấn chè Việt Nam đã xuất khẩu bị trả lại, trong đó có chè Đường Hoa. Trước đó, cuối năm 2014, một số cơ quan thông tin Đài Loan còn đưa tin đồn thất thiệt chè Việt Nam nhiễm dioxin khiến nhiều doanh nghiệp chè lao đao.

Đỉnh điểm, tháng 2/2016, đơn vị bao tiêu chè lớn nhất của Hải Hà lúc bấy giờ - doanh nghiệp Thuấn Quỳnh, bị bạn hàng Đài Loan trả về cả trăm tấn chè khô do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn, việc Đài Loan đưa ra quy định dư lượng fipronil trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 ppm là rào cản kỹ thuật vô lý. Bởi đây là tiêu chuẩn dành cho chè hữu cơ, và là điều không tưởng đối với các vùng chè trồng theo phương pháp truyền thống.

Thêm vào đó, từ năm 2016, do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp theo nhu cầu phát triển của Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà dẫn tới thiếu hụt lao động.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 6.

Do đó, để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Đường Hoa, huyện Hải Hà đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. 

Theo đó, huyện Hải Hà hỗ trợ các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP; dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng những giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... 

Đồng thời, Hải Hà cũng tăng cường sự phối hợp giữa người trồng chè với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý để tạo sản lượng và giá trị ổn định cho cây chè.

Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè ở Hải Hà cũng tìm cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng và tìm hướng nội tiêu. Đồng thời, chủ động cải tiến công nghệ chế biến, bao gói, mẫu mã để có sản phẩm đẹp hơn.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 7.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 8.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 9.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 10.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 11.

Việc sản xuất chè ở Hải Hà đã tạo sinh kế ổn định cho 2.000 hộ dân với trên 5.000 lao động ở Hải Hà. Trong ảnh: Các lao động địa phương đang làm việc tại cơ sở sản xuất chè Dũng - Nga. Ảnh: P.V

Nhờ đó, từ đầu năm 2017, việc tiêu thụ chè của Hải Hà đã có dấu hiệu được cải thiện, các doanh nghiệp đã xuất được số lượng lớn sang các thị trường Nga, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ... Đến nay chè Hải Hà đang dần lấy lại được vị thế của nó, có thị trường đầu ra tương đối ổn định.

Để tiếp tục nâng cao vị thế cây chè, địa phương tiếp tục triển khai Dự án tái cơ cấu lại ngành chè huyện Hải Hà giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, huyện Hải Hà khuyến khích người dân thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến cho chất lượng cao, chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn "1 tôm 2-3 lá"... 

Hải Hà cũng hỗ trợ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng và các nội dung để đảm bảo việc đánh đảm bảo đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn HACCP. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thực hiện chuyển giao quy trình kỹ thuật công nghệ chế biến cho các cơ sở chế biến chè. Trên cơ sở hướng dẫn của các đơn vị chuyển giao, trong năm 2022, một số cơ sở chế biến đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng như: Sản phẩm chè xanh thơm, xanh sợi của cơ sở chè Dũng Nga, cơ sở Thắng Hóa với nguyên liệu là chè trung du, Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn; sản phẩm Hồng trà của cơ sở Đào Thị Bính; một số sản phẩm sản xuất thử nghiệm của cơ sở chè Dũng Nga…

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 12.

Bên cạnh chuyển giao kỹ thuật, Hải Hà cũng hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện mẫu bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất chế biến chè tại Thái Nguyên, Phú Thọ...

Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Hải Hà có gần 2.000 hộ dân trồng chè với tổng diện tích trên 800ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Các giống chè trên địa bàn đều phát triển tốt và cho năng suất cao, trung bình cho thu hoạch từ 8 – 10 tấn chè búp tươi/ha/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lương chè tươi của huyện đạt hơn 5.3200 tấn, tăng khoảng 49,5 tấn so với cùng kỳ 2022.

Toàn huyện hiện có gần 40ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng có 3 cơ sở sản xuất chế biến chè quy mô lớn, 8 cơ sở vừa và nhỏ, 7 hộ sản xuất theo quy mô gia đình.

Hiện nay, sản phẩm chè Đường Hoa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, được xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh 4 sao với bao bì hoàn thiện, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc...

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 13.

Cùng với phát triển vùng trồng chè với các giống chè chất lượng cao, Hải Hà còn đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chè; thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến kinh doanh và nông hộ trong sản xuất, chế biến. 

Ông Trần Sĩ Dũng – Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương chia sẻ với PV Dân Việt về quá trình hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa Cương vang danh một thời. Clip: H.P

Ông Trần Sĩ Dũng – Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương chia sẻ, nhằm khẳng định thương hiệu chè Đường Hoa, hình thành chuỗi liên kết giữa các hộ trồng chè với chế biến chè, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ thành lập HTX chè Đường Hoa Cương với 16 thành viên ban đầu. Hiện nay diện tích chè của HTX là 35ha, gồm có 4 giống chè chủ yếu sau: Chè Trung Du, chè Cành, chè Ngọc Thuý, chè Hương Bắc Sơn.

Từ khi thành lập, HTX chè Đường Hoa Cương đã hướng dẫn người dân thay đổi quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 14.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 15.

Ông Trẫn Sĩ Dũng – Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương kiểm tra chất lượng lá chè xanh. Ảnh: P.V

"Trước đây, đa số các hộ dân thường thu hái chè theo cách truyền thống, hái bằng tay. Tuy phương pháp này đảm bảo búp chè đạt kích thước khi thu hái, nhưng hiệu quả không cao. Do đó, khi tham gia HTX, 100% người dân đã chuyển sang hình thức thu hái chè bằng máy giúp nâng hiệu quả nhất định" – ông Dũng nói.  

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 16.

Cũng theo ông Dũng, trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Quá trình liên kết đó góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi; làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản; góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

Do đó, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh tế tập thể, hợp tác xã là hướng phát triển tất yếu và bền vững đối với cây chè trong giai đoạn hiện nay.

Hiện trên địa bàn đã thành lập được 2 mô hình chuỗi liên kết giữa các hộ trồng chè với chế biến chè, theo liên kết dọc và liên kết ngang. Hiệu quả của việc thành lập liên kết đã giải quyết được từ khâu lựa chọn giống chè, quy trình chăm sóc, thu hái, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, với liên kết dọc, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 150ha chè của gần 400 hộ dân. Khi người dân tham gia chuỗi liên kết, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, hái chè của các hộ dân, HTX cũng đảm bảo quyền lợi và giá thu mua đúng với giá thị trường cho các hộ dân.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 17.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 18.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 19.
Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 20.

Sản phẩm chè của huyện Hải Hà chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô. Tuy nhiên hiện nay, một số cơ sở chế biến chè ở Hải Hà cũng đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng

Đối với liên kết ngang, đã thành lập Câu lạc bộ sản xuất, chế biến chè Quảng Long với  đầy đủ các thành phần. Nhờ có liên kết ngang đã đảm bảo thu mua hết số chè tươi trong ngày cho bà con mà không lo về giá cả. Cũng nhờ liên kết ngang, các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn sẽ không đá "lấn sân" nhau. 

Ví dụ, đối với cơ sở sản xuất chè Dũng Nga của gia đình ông Dũng có thế mạnh về nhà xưởng lớn, quy mô sản xuất lớn, nên tập trung trong việc sản xuất, chế biến chè thô xuất khẩu. Trong khi đó, những cơ sở có quy mô nhỏ hơn, sẽ tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm chè phục vụ nội tiêu.

Ông Dũng chia sẻ, cần luôn luôn cân nhắc đến lợi ích của nông dân, không làm nông dân sợ. Hãy để nông dân biết rằng sản phẩm có đầu ra ổn định và giá cả luôn tuân thủ theo giá cả thị trường, có như vậy nông dân mới an tâm phát triển sản xuất.

Hồi sinh thương hiệu chè Đường Hoa vang danh một thời của Quảng Ninh- Ảnh 21.

Đặc biệt, trong 3 năm diễn ra dịch Covid-19, dù bị hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đầu ra cho sản phẩm chè Đường Hoa của Hải Hà vẫn ổn định, giá chè luôn tăng từ 3-5% qua các năm. 

Cây chè thực sự trở thành cứu cánh cho người dân trong thời điểm nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này càng cho thấy hiệu quả của việc việc tham gia chuỗi liên kết giá trị.

"Nếu không có chuỗi liên kết giá trị, từ liên kết dọc đến liên kết ngang, sẽ rất khó có đủ nguồn nguyên liệu ổn định và cơ hội tham gia vào những thị trường lớn hơn. Đồng thời, nếu không có chuỗi liên kết giá trị, tôi nghĩ rằng rất khó đảm bảo thu mua nguyên liệu trong ngày, đảm bảo giữ giá chè ổn định cho bà con, từ đó để bà con yên tâm trồng và phát triển cây chè " – ông Dũng cho hay.

Chè Đường Hoa hiện là 1 trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ xuất khẩu thô, các sản phẩm chè được chế biến tinh cũng đang ngày càng được người tiêu dùng trong trong nước ưa chuộng. Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, duy trì thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, việc hình thành chuỗi liên kết giá trị là một xu thế tất yếu.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem