Khu đô thị nhà giàu một thời của Hà Nội nhếch nhác đến khó tin
Khu đô thị nhà giàu một thời của Hà Nội nhếch nhác đến khó tin
Thứ bảy, ngày 18/05/2024 19:00 PM (GMT+7)
Trung Hòa - Nhân Chính từng được xem là một trong những khu đô thị kiểu mẫu, dành cho giới nhà giàu đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, với mật độ xây dựng, dân số tăng cao, thiếu không gian công cộng… đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, nhếch nhác đến khó tin.
Video: Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính nhếch nhác đến khó tin.
Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 năm 1998. Năm 2001, UBND TP có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nằm trên quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2006.
Khu đô thị có 2 khu, khu 34ha do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - thời điểm đó là doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư và khu 12,8ha do Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) làm chủ đầu tư.
Nằm trên trục đường Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Minh Giám, mặc dù là Khu đô thị hiện đại, nhưng Trung Hòa - Nhân Chính đang phải đối mặt nhiều vấn đề về áp lực cơ sở hạ tầng, cùng sự quá tải dân số và thiếu không gian công cộng.
Rất nhanh sau khi đi vào hoạt động, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính trở thành điểm đến mới của Thủ đô, liên tiếp góp mặt tốp đầu trong các cơn "sốt đất". ... Có những thời điểm khoảng năm 2012-2014, giá chung cư tại đây lên tới 50 triệu đồng/m2, tương đương 6,5-7 tỷ đồng/căn chung cư. Thời điểm này chỉ có nhà giàu mới nghĩ đến việc sinh sống tại đây.
Hiện nay, bộ mặt nhiều tòa nhà chung cư tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã nham nhở, bong tróc gạch vữa.
Qua tìm hiểu, do giá thành vật liệu kính xây dựng ốp tường cao, dễ tăng bức xạ nhiệt, không phù hợp với chung cư ở thời điểm đó, nên các tòa nhà tại khu đô thị chủ yếu sơn tường thay vì ốp kính. Tuy nhiên, sau hàng chục năm sử dụng, lớp sơn tường bên ngoài các tòa nhà trở nên cũ kỹ, bong tróc, rêu mốc, mầu sắc loang lổ, khiến bề mặt bị biến đổi hoàn toàn so với thiết kế ban đầu.
Chợ cóc mọc lên ngay giữa các tòa nhà, hàng quán bày bán la liệt từ sáng sớm cho đến chiều tối, chiếm dụng cả vỉa hè của người đi bộ.
Vỉa hè còn là nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Việc các tòa nhà chỉ có một tầng hầm để chung ôtô- xe máy, lối lên xuống nhỏ hẹp khiến nơi đây quá tải chỗ để xe nghiêm trọng.
Nhiều hộ xây chuồng cọp mở rộng không gian.
Hiện nay, nơi đây gồm 18 tòa nhà cao từ 17-34 tầng. Dân số trung bình từ 500-1.000 người/toà và mật độ xây dựng đã tăng lên hơn 50%. Thời điểm quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 2000, mật độ xây dựng tại khu đô thị này là vào khoảng 34,88% với 8 tòa nhà cao trung bình từ 6 - 7 tầng.
Vào năm 2019, Vinaconex đề xuất xây thêm tòa nhà 18 tầng có 5 tầng nổi đỗ xe và vấp phải sự phản đối của cư dân. Nguyên nhân là do chủ đầu tư điều chỉnh số tòa nhà cao tầng và tầng cao các công trình nhà ở lên gấp đôi nhưng diện tích đất cây xanh, trường học, bãi đỗ xe không thay đổi trong quy hoạch chi tiết đã duyệt, thậm chí bị thu hẹp. Nhiều hạng mục đã không được thực hiện như lô đất khoảng 0,5 ha vốn được dành cho trồng cây xanh và thể thao nhưng đã bị tư nhân hóa và sử dụng không đúng mục đích quy hoạch được duyệt.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.